lundi 11 février 2013

Biên giới Việt-Trung - vùng Quảng Đông - Hải Ninh - theo các công ước Pháp-Thanh về biên giới 1887-1895.


Nguyên nhân Việt Nam mất huyện Giang Bình và đất thuộc hai tổng Kiến Duyên và Bát Tràng thuộc tỉnh Hải Ninh.

Vào thời Pháp thuộc, tỉnh Hải Ninh, tức Quảng Ninh hiện nay (xưa là Quảng Yên), có chung biên giới với huyện Khâm Châu , phủ Liêm Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc (chứ không phải là tỉnh Quảng Tây như hiện nay). Đường biên giới lịch sử này, ngoại trừ ở một số địa điểm cụ thể đã được dân chúng hai nước Việt-Trung công nhận, như các cửa ải, con sông, ngọn núi… phần lớn chiều dài còn lại của nó thì chưa bao giờ được xác định rõ rệt. Chỉ sau khi toàn cõi Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp, năm 1884, đường biên giới lịch sử này mới trở thành đường biên giới qui ước, có giá trị pháp lý. Đó là nhờ ở các công trình phân định biên giới giữa nhà nước thực dân Pháp và triều đình nhà Thanh, qua hai công ước Phân định biên giới năm 1887 và công ước bổ túc về biên giới năm 1895. Công trình phân định , phân giới và cắm mốc phải mất 12 năm, từ năm 1885 đến năm 1897.

Đây là đoạn biên giới ngắn nhất, nhưng đã gây nhiều tranh chấp nhất, giữa Pháp và nhà Thanh trong thời gian phân định (từ tháng 12 năm 1886 đến tháng 6 năm 1887) cũng như trong thời kỳ phân giới (do hai ủy-ban : 1889-1890 và 1893-1894). Ông Chiniac de Labastide, chủ tịch Ủy ban Phân Giới phụ trách vùng Quảng Đông (tức đoạn 1) nhiệm kỳ 1889-1890 viết :

« Khi các ủy ban Pháp và Thanh được thành lập vào các năm 1886 và 1887 để phân định biên giới hai nước An Nam và Trung Hoa, đoạn biên giới đã có những cuộc thương lượng dài nhất, và phe Trung Hoa đã có những đòi hỏi căng nhất, đó là đoạn thuộc vùng Quảng Ðông. Chiều dài của đoạn biên giới này dầu vậy ngắn hơn rất nhiều so với hai vùng biên giới khác là Quảng Tây và Vân Nam. Ở hai vùng đó chỉ cần vài tháng là đủ để Ủy Ban hai nước đạt được thỏa thuận về đường biên giới, trong khi vùng Quảng Ðông, phải mất đến 8 tháng để hai bên ký kết biên bản phân định…
Nhờ vào sự kiên trì, người Hoa đã dành được của An Nam một vùng đất nghèo, nhưng rộng lớn, mà họ chờ đợi để lấy ra từ đó những ưu điểm quan trọng. »

Đường biên giới vùng này được phân định, cắm mốc ra sao ? « Vùng đất nghèo nhưng rộng lớn » mà người Hoa đã thành công « dành » của Việt Nam mà ông Chiniac de Labastide đã nói là vùng đất nào ? Bài này sẽ trình bày lại một số dữ kiện tham khảo được từ Văn Khố Hải Ngoại của Pháp (Centre des Archives d’Outre Mer – Aix-en-Provence) với tham vọng soi sáng lại lịch sử thành hình đường biên giới Việt-Trung, những tranh chấp về lãnh thổ trong thời kỳ phân định và dĩ nhiên, về những vùng đất của Việt Nam đã bị mất cho Trung Hoa.

1/ Sơ lược quá trình phân định biên giới vùng giáp ranh tỉnh Quảng Đông :

Theo điều 3 hiệp ước Thiên Tân tháng 6 năm 1885 , hai bên Pháp và nhà Thanh công nhận sự hiện hữu một đường biên giới lịch sử giữa hai nước Trung Hoa và Việt Nam (lúc đó Pháp và nhà Thanh gọi là An Nam). Công việc hành chánh của hai bên là ra thực địa, trong vòng 6 tháng, để nhìn nhận lại đường biên giới đó đồng thời đóng mốc giới ở những nơi không rõ rệt. Nguyên văn điều 3 như sau :
« Dans un délai de six mois à partir de la signature du présent traité, des commissaires désignés par les hautes parties contractantes se rendront sur les lieux pour reconnaître la frontière entre la Chine et le Tonkin ; ils poseront, partout où besoin sera, des bornes destinées à rendre apparente la ligne de démarcation ; dans le cas où ils ne pourraient se mettre d'accord sur l'emplacement de ces bornes ou sur les rectifications de détail qu'il pourrait y avoir lieu d'apporter à la frontière actuelle du Tonkin, dans l'intérêt commun des deux pays. Ils en référeraient à leurs gouvernements respectifs.

Tạm dịch ra tiếng Việt : « Trong một khoảng thời gian 6 tháng, các ủy viên của hai bên sẽ ra thực địa để nhìn nhận đường biên giới giữa Trung Hoa và Bắc Kỳ. Những người này sẽ cắm mốc ở mọi nơi thấy cần thiết để đường biên giới được rõ ràng. Trường hợp hai bên không thống nhất về vị trí những cột mốc hay nếu có những điều chỉnh trên đường biên giới hiện trạng, vì quyền lợi hai nước, việc này sẽ đưa về hai chính phủ để giải quyết ».

Việc « nhìn nhận » đường biên giới, như qui định, đáng lẽ được thực hiện trên thực địa. Nhưng đã không làm được, do trở ngại vì thời tiết và địa hình thì ít, mà do các cạm bẫy hiểm nghèo của phía người Hoa dựng lên thì nhiều, (ngoại trừ đoạn biên giới thuộc vùng Quảng Tây, vùng chung quanh ải Nam Quan). Thời gian dự trù 6 tháng đã phải kéo dài đến 12 năm. Việc « nhìn nhận đường biên giới » trở thành việc « phân định lại đường biên giới ».

Ủy ban phân định biên giới của Pháp được thành lập từ tháng 8 năm 1885, lúc đầu do ông Bourcier de Saint Chaffray làm chủ tịch. Ông này đã thành công việc « nhìn nhận đường biên giới trên thực địa » khoảng trên 300km đương biên giới, từ ải Nam Quan đến ải Chí Mã và từ ải Nam Quan đến ải Bình Nhi, tức hai tiểu đoạn trong vùng biên giới Quảng Tây. Ông này sau đó từ chức vì lý do sức khỏe. Ông Dillon, nguyên tổng Lãnh Sự kiêm Thống Sứ tại Huế, được phong chức tương đương hàng thứ trưởng để thay thế ông Bourcier de Saint Chaffray. Ông Dillon đã từng đảm nhiệm công tác ở Trung Quốc trên 25 năm với chức vụ lãnh sự, thông hiểu tường tận ngôn ngữ và văn minh Trung Hoa. Theo dự kiến, hai bên tiếp tục công trình của Bourcier de Saint Chaffray, sẽ nhóm họp tại Ðồng Ðăng từ tháng giêng đến tháng 4 năm 1886 để giải quyết biên giới vùng Quảng Tây, từ tháng 6 đến tháng 11 năm 1886 tại Lào Cai cho biên giới Vân Nam và từ tháng 12 năm 1886 đến tháng 4 năm 1887 tại Móng Cái cho biên giới Quảng Ðông (và biên giới trong vịnh Bắc Việt). Nhưng dự kiến không thành hiện thực vì phía Trung Hoa đã nhận thấy những bất lợi cho họ qua kinh nghiệm « nhìn nhận đường biên giới trên thực địa » đã diễn ra từ tháng 8 năm 1885 đến tháng 3 năm 1886. Do đó họ tìm cảnh cản trở. Hai đoạn biên giới, từ Nam Quan – Chí Mã và Nam Quan – Bình Nhi, đường biên giới qui ước khá phù hợp với đường biên giới lịch sử.

Người Pháp mới đến VN, chưa rõ phong tục tập quán của dân VN cũng như không nắm vững địa hình địa vật của đất nước VN. Họ còn phải đối phó với những viên quan Trung Hoa vừa thông hiểu thực địa, lại vừa mưu mẹo, quĩ quyệt. Họ phải đối diện với những đe dọa đến từ các băng đảng cướp người Hoa (giặc Cờ Đen, Cờ Vàng...) hoành hành ở các tỉnh miền bắc và trên vùng biên giới cũng như sự bất hợp tác của quan lại Việt Nam. Trong khi quân đội Pháp, vì có chủ trương bỏ vùng Bắc Kỳ thuợng du và chỉ giữ vùng đồng bằng, cũng không đưa quân để bình định các vùng biên giới. Việc mất an ninh thường xuyên trên biên giới là do phía Trung Hoa đứng sau giật dây những đảng cướp Tàu. Quân đội chính qui Trung Hoa cũng đội lốt giặc cướp, dàn dựng những cuộc phục kích, cản trở ác ủy viên Pháp làm trắc địa trên thực địa. Một số nhân viên cùng binh lính Pháp bị thiệt khi làm các công tác này tại Lào Cai. Một số khác bị thiệt mạng do quân Tàu đánh úp vào Móng Cái.

Phía người Hoa tìm mọi cách để cản trở người Pháp trong việc « nhìn nhận đường biên giới trên thực địa ». Và họ đã thành công. Cuối cùng ủy ban Pháp phải « đề nghị » với Trung Hoa để hai bên hoạch định biên giới trên bản đồ. Đương nhiên phía người Hoa đồng ý. Và điều hiển nhiên các tấm bản đồ phân định đều do phía người Hoa thành lập. Một điểm chung : các bản đồ này đều vẽ rất sai so với thực tế. Người Hoa đã buộc người Pháp « chơi » trên « sân chơi » của họ.

Đường biên giới đoạn 1, cũng như phần còn lại của đoạn 2 và 3, được thành hình qua hai giai đoạn : giai đoạn phân định và giai đoạn phân giới, cắm mốc. Giai đoạn phân định chủ yếu ở việc tạo dựng hồ sơ sau đó so sánh, thương thuyết nhằm thống nhất quan điểm. Giai đoạn phân giới chủ yếu ở việc cắm mốc trên thực địa, lập biên bản và vẽ bản đồ.

2/ Nghiên cứu hồ sơ phân định của Ủy ban Pháp :

Hồ sơ của ủy ban Pháp, vùng Quảng Đông, phần lớn đặt căn bản trên sử liệu của phía Trung Hoa, do các tác giả dưới triều nhà Thanh biên soạn, như Đại Thanh nhứt thống chí, Đại Thanh hội điển đồ… Một số tài liệu Việt Nam như Kiến văn tiểu lục của Lê Quí Đôn, các tập địa chí thời Nguyễn cũng như sổ bạ địa chính từ nha Kinh lược của triều đình… cũng được tham khảo. Công trình trắc địa của các nhà truyền giáo Dòng Tên (Jésuites) cũng được nhắc tới. (Công tác trắc địa lập bản đồ của các nhà truyền giáo Jésuites là do chủ trương của vua Khang Hi. Công trình này kéo dài 10 năm, bắt đầu vào ngày 10 tháng 7 năm 1708 và kết thúc năm 1718. Kết quả đo đạt đã được đón nhận, về sau trở thành hồ sơ cơ bản về địa chí của nhà Thanh).

Trong vùng Quảng Đông, một chi tiết đáng chú ý trong hồ sơ của Pháp, dẫn từ hồ sơ của ủy ban Trung Hoa, là sự hiện diện của một con sông mang tên An Nam giang 安南江, được xem là con sông biên giới của hai nước Việt Trung. Chi tiết này lấy từ tài liệu của các nhà truyền giáo Jésuites. Tài liệu duy nhất của Trung Hoa có ghi « An Nam Giang » là bộ « Thủy Tiêu Ðề Cương 水逍提綱 », viết năm 1761, tác giả Tề Triệu Nam 齊召, công bố năm 1796. Sách này mô tả khu vực biên giới như sau : « Phía Tây Long Môn 龍門 có cửa khẩu « Phòng Thành Hà Khẩu », xa hơn là cửa sông Thiếp Lãng, xa hơn nữa là cửa sông An Nam, bờ Tây ngạn sông này là biên giới An Nam… Sông này chảy theo hướng Ðông khoảng vài chục dặm đến Tư Lặc Ðộng 思勒峒 thì chuyển hướng về phía Nam, sau đó chảy theo hướng Ðông-Nam, sau vài mươi lí theo hướng nầy thì đổ ra Nam Hải » (Thủy Tiêu Ðề Cương, q 20, tờ 19). Con sông, cùng với bản đồ dưới đây, thì có thể trùng hợp với con sông Bắc Luân (Ka Long), tức đường biên giới hiện nay. Bộ sách này thì không phải là bộ chính sử, mặt khác, nó hầu như là bản sao của công trình của các nhà truyền giáo Jésuites.

liemchauphu4

Hình trên : bản đồ Liêm Châu phủ (Lien-Tcheou Fou) theo các nhà truyền giáo Jésuites. Trên bản đồ có ghi Ngan-nan Kiang (An Nam Giang), « frontière annamite biên giới An Nam », Thiếp Lãng giang (Tieh Lang), Pak-lung (tức mũi Bạch Long – Bailong), Khâm Châu (Kin-Tcheou).

Trong khi đó, Đại Thanh Nhứt Thống Chí, con sông chảy theo đường biên giới Việt-Trung là Thiếp Lãng Giang 貼朗江, cách Khâm Châu 240 dặm. Sông nầy bắt nguồn từ những ngọn núi về phía Tây-Bắc huyện Khâm Châu. Sông này nhận diện được trên các bản đồ hiện nay là con sông bắt nguồn từ núi, chảy vào huyện Phòng Thành. Tập địa chí chính thức của Thanh Triều không hề ghi tên An Nam Giang, mặc dầu phía nam sông Thiếp Lãng có vài con sông không đề tên.

liemchauphu3
liemchauphu2
LiemChauPhu

Các hình trên: Liêm Châu phủ, theo Đại Thanh nhứt thống chí và Đậi Thanh hội điển đồ. Trên các bản đồ ta thấy Phòng Thành (Fang-cheng) và sông Thiếp Lãng. Sông này là biên giới hai nước Việt-Trung. Các tập địa chí này không ghi nhận con sông nào mang tên An Nam Giang.

Về địa chí của Việt Nam, cũng không có một sử liệu nào ghi tên một con sông gọi là An Nam Giang.
Nhưng sự hiện diện (trên giấy tờ) của con sông biên giới An Nam Giang đã làm cho vấn đề vốn đã mù mờ lại càng thêm phức tạp. Giả sử rằng con sông này có thật, ở về phía nam sông Thiếp Lãng. Nếu nhìn nhận sông này là biên giới, thì làm sao giải thích được các làng xóm người Việt hiện hữu khoảng giữa hai sông Thiếp Lãng và An Nam Giang, từ nhiều thế kỷ, như Trúc Sơn, Cương Bình (nay là huyện Giang Bình), Bạch Long, hay các đảo trong vịnh Vạn Xuân ? Theo các tài liệu thời đó, dân tộc Hán chỉ mới sinh sống ở đây chỉ sống sau khi các biến động do dân Hồi hay Thái Bình Thiên quốc (hậu bán thế kỷ 19). Họ sống tụ tập thành từng làng nhỏ ở các vùng trù phú, bằng cách chiếm ngụ các vùng đất tốt của dân địa phương (thổ dân - Choang) và đuổi những người này vào rừng núi. Vào thời điểm phân định biên giới, người Hán đã tràn ngập từ Phòng Thành tới Móng Cái. Thành phố Móng Cái của VN hiện nay, hoàn toàn do người Hoa kiểm soát. Điều này tương tự ở Kỳ Lừa, đối diện với Lạng Sơn, ở khu vực Quảng Tây. Những người Hoa ở Móng Cái, đa số nếu không là cướp biển thì cũng là những lái buôn, có cửa hiệu trên con lộ chính Hòa Lạc (tên cũ của Móng Cái), chuyên buôn bán đồ ăn cướp của hải tặc, kể cả nô lệ.

Toàn vùng, ngoại trừ huyện Giang Bình (Jiangbing, ở phía bắc Đông Hưng hiện nay), các làng ở Bạch Long (Bailong) và các đảo trong vịnh Vạn Xuân (Sơn Tâm, Vu Đầu và Vạn Vĩ) thì do người Việt sinh sống.

Tuy vậy, hồ sơ của Ủy ban Pháp cho rằng : « dựa lên địa chí của Trung Hoa thì lãnh thổ An Nam mở rộng cho đến Long-men (Long-Môn) ».

Để giải thích việc này, tài liệu viết rằng : khoảng từ 20 năm trước, bọn cướp Tàu đã chiếm vùng Bạch Long cũng như Long Môn để làm sào huyệt. Và đó là lý do mà vùng đất này đã ra ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam. Trên thực địa, đường biên giới khu vực này được cụ thể hoá qua những đồn canh (ải) của Trung Hoa đã dựng lên. Ðường nối các đồn ải này chừa ra huyện Giang Bình (bao gồm luôn Packlung - Bạch Long). Vì lý do này mà huyện Giang Bình mới trở thành một « enclave », tức một vùng đất của người Việt trên đất Trung Hoa .

Điều đáng chú ý là huyện Đông Hưng lúc đó chưa thành lập, mới chỉ là một trại lính nhỏ. Phồn thịnh nhất trong khu vực là Mang Nhai (tức Móng Cái – tên người Pháp gọi trại đi).

Những bằng chứng phía ủy ban Pháp đưa ra để chứng minh huyện Giang Bình thuộc về Việt Nam :
Thứ nhứt, huyện Giang Bình đã được triều đình Huế bổ một vị quan cùng gia đình về cai trị và thâu thuế dân chúng từ mấy chục năm trước. Nhưng người hậu duệ cuối cùng của viên quan đã bị quân cướp Tàu giết, thân xác bị chặt làm nhiều khúc qua biến cố tháng 11 năm 1886 (biến cố nầy làm thiệt mạng một số quân đội Pháp và ông Haitce, nhân viên của Ủy Ban Phân Ðịnh Biên Giới).

Thứ hai, những nhân chứng sống, là những người dân địa phương, người Hoa cũng như người Việt. Những người dân này đã hướng dẫn các ủy viên phân định vào tháng 11 năm 1886 và vào tháng 1 năm 1887 để làm công tác trắc địa. Những dữ kiện đo đạc thì phù hợp với những điều tra trước đó.
Thứ ba là sổ bạ ghi chép điền địa từ các huyện, phủ trong vùng. Thứ tư là bản đồ chính thức của An Nam.

Thứ năm là chứng nhận của nha Kinh Lược từ triều đình Huế.

Việc nầy xác định huyện Giang Bình, bao gồm bán đảo Pack-Lung (Bạch-Long) cũng như các đảo trong vịnh Vạn Xuân thì thuộc Việt Nam.

Đường biên giới Việt-Trung, theo hồ sơ của Ủy ban Phân định Pháp, dựa lên địa chí của Trung Hoa, xác định có đi qua các cửa ải : 1) Ải Na Tô 那蘇隘 , ở phía Tây Nam huyện Khâm Châu ; 2) Ải Nhẫm Quân 稔均隘 , cách ải Na Tô 70 lí về hướng Ðông Nam và 3) Ải Na Long 那隆隘 , cách ải Na Tô 10 lí về phía Ðông.

Đường biên giới được xác lập trên bản đồ : từ núi Phân Mao, qua các ải Na Tô, Nhẫm Quân và Na Long, sau đó theo sông Thiếp Lãng, trước khi đến biển khoảng 10 km, biên giới rời sông, đánh một vòng cung bao bọc Giang Bình và mũi Bạch Long, để chấm dứt tại gần Long Môn. Bạch Long (và các đảo trong vịnh Vạn xuân) cũng như Giang Bình thuộc về Việt Nam theo như sơ đồ dưới đây :

Pak lung CAOM

Ủy ban Trung Hoa không chấp nhận đề nghị của ủy ban Pháp về đường biên giới. Điều đáng tiếc là tác giả không tham khảo được hồ sơ phía bên Trung Hoa để biết thêm các lý lẽ của họ về đường biên giới lịch sử như thế nào. Họ bác bỏ đề nghị của ủy ban Pháp với những lý do gì ? Trong khi hồ sơ của Pháp thiết lập phần lớn từ từ địa chí của Trung Hoa. (Nghi án Mạc Đang Dung có thể sẽ sáng tỏ hơn nếu hồ sơ phía bên Trung Hoa được bạch hóa).

Do bất đồng của hai bên, nội vụ phải đưa về Bắc Kinh, do Tổng Lý Nha Môn và Đặc Sứ Pháp tại Bắc Kinh, giải quyết.

3/ Kết quả phân định – Việt Nam mất đất Giang Bình, Bạch Long cùng các đảo trong vịnh Vạn Xuân :
Hồ sơ tranh chấp được chuyển về Bắc Kinh. Công Sứ Toàn Quyền Pháp tại Bắc Kinh là ông Ernest Constans.

Hiệp ước Thiên Tân 1885 dự trù ở điều 3 về việc nhìn nhận lại đường biên giới, điều 6 dự trù một kết ước về thuơng mại. Công ước về Thuơng mại được ký ngày 25 tháng 4 năm 1886 do ông François-Georges Cogordan ký với Lý Hồng Chương. Công ước này là một thất bại lớn lao cho phía Pháp. Bởi vì tất cả những gì Pháp yêu cầu đều không chấp thuận, trong khi những đòi hỏi của Trung Quốc, cho dầu rất phi lý, thì đều được chấp nhận. Mặc dầu, trên danh nghĩa, Pháp thắng trận. Để « gỡ gạc » lại vấn đề kinh tế, chính quyền Pháp cử ông Ernest Constans một mặt phụ trách ký kết Công ước 1887 về phân định biên giới, mặt khác kiêm nhiệm luôn việc thuơng lượng để ký lại một phụ ước về thuơng mại (Convention additionnelle de Commerce).

Ông Constans như thế cùng lúc phụ trách ký kết hai công ước : một về thương mãi và một và biên giới. Vấn đề biên giới như thế bị « phụ thuộc » vào « thuơng mại ». Phía Trung Hoa do đại diện Tổng Lý Nha Môn là Lý Hồng Chương phụ trách. Ông này nổi tiếng là một con « cáo già » chính trị.
Để nhận được ưu đãi về thuơng mại, ông Constans đã nhượng bộ cho Trung Hoa tất cả những đòi hỏi của ủy ban Trung Hoa về lãnh thổ. Ở biên giới Quảng Đông, Pháp nhượng cho Trung Hoa các vùng đất của Việt Nam mà người Pháp gọi là « enclave Paklung », tức bao gồm huyện Giang Bình và bán đảo Bạch Long (và các đảo trong vịnh Vạn Xuân). Biên giới Vân Nam thì nhượng tổng Tụ Long và toàn vùng lãnh thổ hở hữu ngạn sông Đà (tức toàn vùng Lai Châu, là vùng đất chịu ảnh hưởng của các thổ ti người Thái như Đèo (Điêu) Văn Trị). Vùng đất này chỉ lấy lại được qua công ước bổ túc về biên giới 1895. Ngoài ra, sau này, trong thời kỳ phân giới, do các bản đồ vẽ sai và do các âm mưu của quan lại người Hoa, phía Việt Nam bị thiệt hại thêm các vùng đất thuộc tổng Kiến Duyên và Bát Tràng (sẽ nói ở dưới), đất thuộc tổng Đèo Lương (Luông) thuộc tỉnh Cao Bằng, mất thêm đất ở Mường Khuơng v.v…

Nội dung công ước về biên giới ngày 26 tháng 6 năm 1887 như sau :
« Tại Quảng Ðông, hai bên thỏa thuận rằng những điểm tranh chấp ở về phía Ðông và phía Ðông Bắc Móng Cái, những điểm này ở phía bên kia của đường biên giới đã được ủy ban phân định xác định, thì chúng được giao cho Trung Hoa. »

Phần còn lại, vùng biên giới Quảng Ðông được thể hiện qua biên bản số 1, ký tại Móng Cái ngày 29-3-1887 (nhằm ngày năm tháng ba năm Quang Tự thứ mười ba). Nội dung như sau :

« Ủy ban phân định biên giới đã công nhận rằng từ Trúc Sơn 竹山, thuộc Trung Hoa, đường biên giới theo dòng sông, hướng Ðông sang Tây, cho đến Móng Cái – Ðông Hưng 東興. Ðường trung tuyến của dòng sông được dùng làm ranh giới và chia các khu vực thuộc Trung Hoa là La Phù Ðộng 羅浮峒, Ðông Hưng 東興v.v.. với các khu vực thuộc An Nam là Ngũ Sĩ 伍仕, Móng Cái v.v..

Từ Móng Cái – Ðông Hưng đến Bắc Thị 北市 – Gia Long 加隆: đường biên giới khá quanh co, có hướng chung Bắc đến Bắc Tây Bắc và theo trung tuyến của dòng sông, phân chia những vùng đất Na Chi 那芝, Ka Long v.v.. thuộc về Trung Hoa những vùng Thác Lãnh 托嶺, Nam-Lý南里, Bắc Thị v.v… thuộc An Nam.

Từ Bắc Thị - Gia Long đường biên giới theo trung tuyến sông Gia Long, là một phụ lưu tây ngạn của sông Bắc Thị 北市江, có độ dài khoảng chừng 30 lí (mỗi lí là 561 thước), và khi vượt ra ngoài 30 lí nầy đường biên giới rời sông, theo đường thẳng trực tiếp để đến điểm cách Ðộng Trung 峝中村 3 lí về hướng Bắc, tức điểm được đánh dấu A (甲) trên bản đồ số 1. Ðường biên giới chia cho phía Trung Hoa các vùng Lãnh Hòa 嶺懷, Phi Lao 披勞, Bản Hưng 板興 v.v… và một ngọn núi mang tên Phân Mao Lĩnh 分茅嶺, núi này ở phía Ðông Nam của Bản-Hưng 板興 và dựa lên đường biên giới. Các vùng Ná Dương 那陽, Ðộng Trung 峝中 và những nơi khác thì thuộc về An Nam.

Từ điểm A, đường biên giới đi về hướng ải Bắc Cương 北崗隘, núi Phái Thiên 派遷山, cách làng Bình Liêu 平寮村 của An Nam khoảng 30 lí theo đường thẳng. Ðường biên giới chia các trạm Ná Quang Ca 那光卡, Bản Thôn Ca 板吞卡v.v.. cho Trung Hoa và các vùng Na Dương 那陽, xã Trình Tường 呈祥社 v.v.. cho An Nam. »

bienbanTchouk-san_Chima
bienbanTchouk-san_Chima5
bienbanTchouk-san_Chima4
bienbanTchouk-san_Chima3
bienbanTchouk-san_Chima2

Các hình trên : hình chụp biên bản phân định biên giới ngày 29-3-1887

Bản đồ phân định dưới đây (xem phần 6, bản đồ 1) cho thấy đây là một tấm bản đồ rất sai. Đường biên giới trên bản đồ cho thấy hướng đi chung của nó là tây bắc, đến điểm A trở lại hướng tây nam để đến Bắc Cương Ải. Điểm A xác định trong biên bản ở kế cận núi Phân Mao. Những ủy viên phân dịnh Pháp, tin tưởng lên tấm bản đồ này, nghĩ rằng họ đã thiết lập được đường biên giới qui ước phù hợp với đường biên giới lịch sử, do đó không ngần ngại ký nhận vào viên bản. Nhưng sau này, khi phân giới, người ta khám phá rằng tấm bản đồ này hoàn toàn không đúng trên thực tế. Hướng tây bắc trở thành hướng tây và tây nam. Điểm A không còn ở kế cận núi Phân Mao (gần Khâm Châu) mà ở xa về phía nam. Người Hoa đã dựng lên một đền thờ giả Mã Viện gần một trái núi và nói rằng núi đó là núi Phân Mao. Những việc này sẽ nói ở phần phân giới và cắm mốc.

4/ Kết quả phân giới và cắm mốc :

4.1 Thời kỳ 1889-1890 do Chiniac De Labastide làm chủ tịch.
Việc phân giới khu vực Quảng Đông chính thức bắt đầu vào buổi họp ngày 1 tháng 11 năm 1889. Phái đoàn Pháp do ông Chiniac de Labastide làm Chủ Tịch. Bên Trung Hoa có Li Sheou-Toung, Tri Phủ Khâm Châu làm Chủ Tịch. Trong thời kỳ này, các quyết định của hai ủy ban về biên giới không hiệu lực tức thời mà phải chờ sự chấp nhận của Tổng Lý Nha Môn. Trước đó, hai bên đã có nhiều cuộc họp để bàn luận nhằm thống nhất quan điểm về đường biên giới. Phía Pháp đặt bản doanh ở Hoành Mô. Các ủy viên Pháp ra thực địa làm công tác trắc địa và lập bản đồ. Có hai bộ bản đồ được lập ra, trên vải lụa, tỉ lệ 1/10.000. Một tấm mô tả biên giới từ biển cho đến hợp lưu sông Gia Long- Bắc Thị. Một tấm từ điểm hợp lưu này đến ải Bắc Cương.

Như đã thấy, theo nội dung biên bản phân định, đường biên giới phải đi qua ngọn núi Phân Mao. Đây là nguyên nhân đem lại khó khăn cho vấn đề phân giới. Các ủy viên người Pháp đã bỏ công tìm kiếm trên thực địa, cũng như xem lại các địa chí, hay hỏi thăm dân chúng trong vùng để xác định vị trí núi này. Phía người Hoa, trong một buổi họp, khi các ủy Pháp đặt câu hỏi về vị trí núi này ở đâu trên bản đồ, thì lộ vẻ bối rối, hẹn trả lời trong buổi họp tới. Đến lúc họp mặt lại, thì ông tri phủ Khâm Châu chỉ tay vào một trái núi trên bản đồ rồi cho rằng đó là “Phân mao lãnh”. Phía ủy ban Pháp phản đối, vì họ đã biết vị trí thật của núi này ở đâu. Trong khi đó, khoảng thời gian giữa hai buổi họp, phía người Hoa đã cho người tạo dựng một ngôi đền nhỏ, viết tên đề là đền thờ « Phục Ba tướng quân », rồi đặt tên cho ngọn núi đó là núi Phân mao. Phái đoàn Pháp kịch liệt phản đối, vì họ biết chính xác vị trí núi này ở cách xa khu vực này vài chục cây số, về phía bắc. Phía người Hoa biện luận rằng nhận xét của phái đoàn Pháp là chính xác, nhưng núi đó là núi “Đại Phân mao”, trong khi núi ở khu vực này là “Tiểu Phân mao”. Phía người Hoa lập lại một nguyên tắc đã dùng ở Tụ Long để chiếm đất của Việt Nam, qua việc dựng lên con sông Tiểu Đổ Chú. Chiniac De Labastide, trong một bản tường trình lên Toàn quyền Đông dương, tố giác việc này và yêu cầu phân định lại biên giới, nhưng không thành công.

Chiniac De Labastide nhật xét: Từ hợp lưu của sông Gia Long cho đến ải Bắc Cương, trên một chiều dài khoảng 40 cây số, người ta đã bỏ biên giới lịch sử để lấy một đường biên giới khác, ở xa về phía nam, một đường biên giới hoàn toàn qui ước. Việc nầy đã nhường cho Trung Hoa 7 xã rưỡi thuộc tổng Bát Tràng và hai xã khác thuộc tổng Kiến Duyên. Ông không chấp nhận nhượng bộ, yêu cầu phân định lại biên giới. Do đó công việc phân giới bế tắt, đến thời kỳ Đại tá Galliéni (1893-1894) mới giải quyết.

Trong buổi họp đầu tiên 1 tháng 11 năm 1889, một biên bản xác định biên giới được hai bên đồng ý thiết lập, liên quan đoạn biên giới từ biển đến hợp lưu sông Gia Long – Bắc Thị. Biên bản này chỉ có hiệu lực vào ngày 2-3-1890, ký tại Thán Sản.

Biên bản này xác định biên giới hai nước là con sông Gia Long, tức chỉ một phần của đoạn 1. Biên bản cũng dự trù việc cắm mốc, ở bờ phía Trung Hoa cũng như phía bên Việt Nam, mà việc này dĩ nhiên là không cần thiết. Nội dung biên bản như sau :

Chủ quyền các đảo và đoạn biên giới từ biển cho đến hợp lưu sông Gia Long được xác định như sau :

1. Những hòn đảo ở phía Ðông kinh tuyến Paris, 105° 43’ của kinh độ Ðông, có nghĩa là đường Bắc Nam đi qua đông điểm của đảo Trà Cổ 茶古 thì thuộc về Trung Hoa ; những hòn đảo tên Cữu-Ðầu九頭 và những đảo khác ở phía Tây của đường kinh tuyến nầy thì thuộc về An Nam.

2. Từ Trúc Sơn 竹山, đường biên giới theo dòng sông từ Ðông sang Tây cho tới Ðông Hưng 東興 và Mang Nhai 硭 鈣.

Ðường trung tuyến của dòng sông là đường biên giới phân chia địa hạt La Phù 羅浮 và địa hạt Ðông Hưng 東興 thuộc Trung Hoa với vùng Xuân Lạn 春爛 (vùng này bao gồm các địa phận Mũ Sãi, còn được gọi là Ngũ Sĩ 伍仕, địa phận Tử Kinh Sơn 紫京山, địa phận Lục Lâm 陸林) và địa phận Vân Xuân 萬春 (địa phận nầy bao gồm thị trấn Mang Nhai 硭街, tức Móng Cái), những vùng nầy thuộc về An Nam.

3. Từ Ðông Hưng 東興 và Mang Nhai 硭街 cho tới Gia Long 加隆 (còn viết là嘉隆) và Bắc Thị 北市 đường biên giới khá ngoằn ngoèo và dòng sông đại để đi theo hướng Tây Bắc.

Biên giới phân chia Na Chí 那至 (còn được viết là 那芝),Vọng Hưng 望興, Gia Long 加隆 (hay 嘉隆) và những vùng khác thuộc Trung Hoa với vùng Ninh Dương 寧陽 và vùng Vạn Xuân 萬春 (vùng nầy bao gồm địa phận Thân Phan 櫬潘) và Bắc Thị 北市 thì thuộc về An Nam.

Theo các công ước đã được hai ủy ban công nhận trong phiên họp khai mạc công trình phân giới, vào ngày 1 tháng 12 năm 1889 nhằm ngày 8 tháng 10 năm Quang Tự thứ 15, người ta luôn chọn đường biên giới là đường nước tàu bè lưu thông, có nghĩa là phần sâu nhất của dòng sông, là đường giới hạn giữa hai nước.

Nếu sau nầy, vì ngập lụt hay vì cạn nước, đường tàu bè thông lưu thay chỗ, và nếu những dãi đất hay các cù lao được thành hình, đường biên giới sẽ đương nhiên dời qua đường tàu bè thông lưu mới và những dãi đất hay cù lao mới thành hình sẽ thuộc về nước mà phía bờ của nó ở đó.

Theo biên bản đã ký tại Móng Cái ngày 29 tháng 3 năm 1887 tức ngày thứ năm tháng 3 năm Quang Tự thứ 13, địa phận Thác Lãnh 托嶺 thuộc về An Nam.

Cả hai ủy ban đã không thể biết địa phận nầy ở đâu, nêu cùng quyết định sẽ không tìm kiếm thêm nữa.

Cũng trong biên bản đó chỉ định rõ rệt rằng địa phận Nam Lý 南里 thuộc An Nam.

Ðịa phận nầy ờ tả ngạn của dòng sông biên giới và tạo thành một vùng đất của An Nam nhưng ở trên nước Trung Hoa, ủy ban Pháp nhượng địa phận nầy cho Trung Hoa.

Ðể bù lại, ủy ban Trung Hoa cam kết sẽ hành động giống như vậy, nếu trong lúc phân giới đoạn thứ hai của biên giới Quảng Ðông, Trung Hoa có một vùng đất tương tự trong nội địa An Nam.

Theo hiệu lực của các điều trên đây, các ủy ban đã thi hành như sau việc cắm mốc trên đoạn thứ nhất của đường biên giới.

TRÊN LÃNH THỔ AN NAM

Cột số 1 : Trên hòn đảo nhỏ mang tên Lionceau (ltg : Sư Tử Lãnh)
Chuẩn điểm : bỏ trắng
Cột số 2 : Tại Tri Kình Sơn 紫京山.
Chuẩn điểm :
Cột số 3 : Tại Lục Lâm 陸林.
Chuẩn-điểm :
Cột số 4 : Ðối diện Na Triệu 那旐, trên đường dẫn tới Xuân Thụ 春樹.
Chuẩn điểm :
Cột số 5 : Phía trước lô cốt Móng Cáy.
Chuẩn điểm góc : b 311° 56’ 05’’ ; Mirador 315° 22’ 10’’ ; Fortin 77° 08’ 15’’
Cột số 6 : Ở đầu của con đường Phục Thiên 服扁.
Chuẩn điểm góc : Mirador 273° 44’ 10’’ ; b 33° 14’ 40’’ ; a 56° 21’ 35’’
Cột số 7 : Ðối diện Thác Lãnh 托嶺, ở trước phần dưới thấp của một dãi cát.
Chuẩn điểm :
Cột số 8 : Trước tòa Lộc Phủ 祿俛.
Chuẩn-độ góc : Signal Ðông Bắc Lộc Phù 31° 30’ 05’’ ; a 145° 30’ 50’’ ; a 199° 56’ 55’’
Cột số 9 : Phía trước nhà Tất Na 必那.
Chuẩn độ góc : a 59° 32’ 20’’ ; h 320° 16’ 40’’ ; s 321° 13’ 20’’
Cột số 10 : Trên một cù lao ở phía trước Trúc Kết, còn gọi là Ðôn Cát.
Chuẩn độ góc : f 345° 38’ 00’’ ; s 349° 16’ 30’’ ; Mã Ðầu Sơn 213° 21’ 10’’.

TRÊN LÃNH THỔ TRUNG HOA

Cột số 1 : Tại chợ Trúc Sơn 竹山.
Chuẩn độ phương vị từ : Sư Tử Lãnh 345° ; Fortin 285°
Cột số 2 : Tại điểm Trắc Ki Thán 測旗灘.
Chuẩn điểm :
Cột số 3 : Ở tại hợp lưu với con suối Kiều Ðầu Câu 橋頭溝.
Chuẩn-độ phương-vị từ : Lô-cốt 311° ; Fortin 331°
Cột số 4 : Phía trên cầu thang dẫn đến ngôi chùa nhỏ ở Ðông Hưng.
Chuẩn-điểm :
Cột số 5 : Ở ngay ngả vào của con đường trổ ra cầu Ðông Hưng.
Chuẩn-điểm :
Cột số 6 : Tại Thủng Bốc, còn được gọi là Thùng Bộc, ở tại bến phà Quá Phố 瓜甫.
Chuẩn độ góc : Fortin 185° 24’ 10’’ ; a 39° 23’ 45’’ ; b 14° 54’ 25’’
Cột số 7 : Tại hợp lưu với con suối Giang Na 江那, phía tả ngạn.
Chuẩn độ góc : b 64° 52’ 45’’ ; a 351° 53’ 55’’ ; a 292°
Cột số 8 : Tại hợp lưu với con suối Vọng Hưng望 興, phía hữu ngạn.
Chuẩn-độ góc : Signal đông bắc Lộc Phù 98° 15’ 00’’ ; s 15° 20’ 35’’ ; f 1° 57’ 15’’
Cột số 9 : Tại hợp lưu với sông Na Lương那 良, phía hữu ngạn.
Chuẩn-độ góc : f 94° 48’ 15’’ ; s 60° 29’ 45’’ ; Mã Ðầu Sơn 348° 11’ 20’’.
Cột số 10 : Tại Ðại Hà 大河, ở đầu con đường dẫn tới Bắc Thị 北市.
Chuẩn độ phương vị từ : f 114° ; Mã Ðầu Sơn 221° 00’

4.2 Thời kỳ 1893-1894 do Đại tá Galliéni làm chủ tịch.

Vấn đề tranh chấp đoạn biên giới từ hợp lưu sông Gia Long đến ải Bắc Cương không giải quyết được dưới thời Chiniac De Labastide 1890-1892, phải chờ đến năm 1893-1894, thời kỳ Đại tá Galliéni làm chủ tịch. Nội dung tranh chấp đoạn biên giới này được trình bày trong bản tường trình của Chiniac De Labastide, đính kèm trong phần phụ lục bài này. Vấn đề tranh chấp gồm các điểm:

a) đường biên giới là nhánh sông tây bắc hay nhánh sông tây nam ? Theo biên bản phân định biên giới ngày 29-3-1887, đường biên giới được mô tả: “Từ Bắc Thị - Gia Long đường biên giới theo trung tuyến sông Gia Long, là một phụ lưu tây ngạn của sông Bắc Thị 北市江, có độ dài khoảng chừng 30 lí (mỗi lí là 561 thước), và khi vượt ra ngoài 30 lí nầy đường biên giới rời sông,...” Nhưng trên thực tế thì có hai nhánh sông, đều ở về phía tây ngạn sông Bắc Thị, cùng có chiều dài khoảng 30 lí, nhưng một nhánh có hướng tây bắc, một nhánh có hướng tây nam. Chiếu theo bản đồ phân định, hướng đi của đường biên giới, từ hợp lưu sông Bắc Thị - Gia Long, đến điểm A, là hướng tây bắc. Như thế, hợp lý, đường biên giới phải là nhánh sông có hướng tây bắc. Nhưng phía Trung Hoa thì không đồng ý với nhận thức này. Họ quan niệm đường biên giới là nhánh tây nam. Theo họ, chiều dài con sông chỉ tính khi nó chảy trên đồng bằng. Phần chảy trong núi non thì không tính. Như thế, nhánh tây bắc không đủ chiều dài 30 lí! (Xem sơ đồ 1)

b) Quan niệm về đường thẳng. Biên bản phân định ngày 29 tháng 3 năm 1887 mô tả hướng đi đường biên giới : “khi vượt ra ngoài 30 lí nầy đường biên giới rời sông, theo đường thẳng trực tiếp để đến điểm cách Ðộng Trung 峝中村 3 lí về hướng Bắc, tức điểm được đánh dấu A (甲) trên bản đồ số 1.” Trên bản đồ do các trác địa viên Pháp thành lập, đường thẳng nối từ điểm “đường biên giới rời sông” cho đến điểm A trên bản đồ số 1 có hướng đông nam – tây bắc. Nhưng phía người Hoa không nhìn nhận đường này là “đường thẳng” mà là “đường nghiêng”. Theo họ, đường thẳng phải là đường “ngang” và đường “dọc”. Đường biên giới theo họ phải là đường nối ngang, từ điểm “đường biên giới rời sông” cho đến phía nam chợ Động Trung. Sau đó, từ điểm này vạch một đường thẳng đến điểm A (cách chợ Động Trung 3 lí). (Nhận diện điểm A trên sơ đồ 1 – so sánh đường biên giới theo đường thẳng trên các bản đồ 1 và 2).

c) Tranh chấp về vị trí núi Phân Mao. Biên bản phân định ngày 29 tháng 3 năm 1887 phân chia : “Ðường biên giới chia cho phía Trung Hoa các vùng Lãnh Hòa 嶺懷, Phi Lao 披勞, Bản Hưng 板興 v.v… và một ngọn núi mang tên Phân Mao Lĩnh 分茅嶺, núi này ở phía Ðông Nam của Bản Hưng 板興 và dựa lên đường biên giới.” Nhưng núi này ở cách xa vùng phân định vài chục cây số. Nhưng người Hoa đã dựng lên một đền thờ Mã Viện giả ở dưới một ngọn núi kế cận Bản Hưng, gọi đó là Phân Mao Lãnh. Sau khi bị khám phá, họ bào chữa rằng đó là núi Tiểu Phân Mao.

Đó là một số điểm tranh cãi giữa hai phái đoàn Pháp và Trung Hoa (xem them chi tiết ở phần 6). Bài học rút ra ở đây là sự trí trá và ngang ngược của phái đoàn người Hoa về phân định biên giới. Nó có thể giúp ta môt vài kinh nghiệm khi phải đối phó trong trường hợp tương tự sau này.

Ông Chiniac De Labastide đề nghị phân định lại biên giới nhưng không được chấp thuận. Những vị tiếp nối ông, là ông Flandin từ tháng 10 năm 1890 đến tháng 12 năm 1891, ông Servière từ tháng 1 năm 1892 đến tháng 12 năm 1893, đoạn biên giới này vẫn không được giải quyết. Cho đến thời đại tá Galliéni lên làm chủ tịch, từ tháng 1 năm 1894, thì vấn đề xoay chiều. Tất cả những yêu sách phi lý của phe Trung Hoa đều được Pháp đáp ứng. Lý do bề ngoài của việc nhượng bộ là « vùng tranh chấp có nhiều núi non, ít dân cư và nghèo nàn ». Nhưng thực ra, do thực tiễn và về chiến lược hơn là kinh tế. Giới quân đội Pháp, khi nhận trách nhiệm về phân giới, ưu tiên cho một đường biên giới thiên nhiên như dòng sông, đường sống núi mà bỏ qua đến đường biên giới lịch sử. Quyết định này làm cho VN mất các vùng đất gồm các xã : Bắc Nham, Hoàng Mộng, Tuy Lai, Nật Sơn, Thuợng Lai, Cỗ Hoàng và Vụ Khê thuộc tổng Bát Tràng cùng với một số xã thuộc tổng Kiến Duyên.

Kết quả phân giới và cắm mốc được ghi lại theo biên bản sau :

Ðại-tá Galliéni nhận thấy rằng :

1. Toàn vùng tranh chấp được gọi là « vùng Hoàng Mô » ở khoảng giữa Bắc Cương Ải và Bắc Phong Sinh thì có nhiều núi non, ít dân cư, và vì sự nghèo nàn của nó, vùng nầy sẽ không có một tầm quan trọng lớn đối với nước Pháp.
2. Nên áp dụng đúng với tinh-thần biên bản số 1 ngày 29 tháng 3 năm 1887 của Ủy Ban Phân Ðịnh Biên Giới mà các điều khoản chính đã được lập lại trong Công Ước Bắc Kinh ngày 26 tháng 6 năm 1887.
3. Phải tìm mọi nơi có thể được để đường biên giới giữa hai nước là đường thiên nhiên, như dòng sông, đường sống núi, v.v..

Ông Lý trả lời rằng ông cũng đã nhận được chỉ thị để thi hành đúng với các điều khoản của Công Ước nầy, và ông rất sung sướng được thấy thỏa ước về việc nầy đã được chấp thuận giữa hai chính phủ.

Vì vậy hai bên quyết định rằng, theo các chi tiết của biên bản số 1 ngày 29 tháng 3 năm 1887, sẽ chấp nhận đồ tuyến mà Ủy Ban Trung Hoa năm 1889 đòi hỏi, có nghĩa là bắt đầu từ Bắc Phong Sinh, đường biên giới trước tiên đi ngược lên nhánh Tây Nam của sông Gia Long cho đến giao điểm của nó với đường gạnh nối màu xanh ở trên bản đồ Trung Hoa do ông Labastide thiết lập.

Ðường biên giới theo đường xanh cho đến điểm A, để lại Trung Hoa, đúng như tinh thần Công Ước Bắc Kinh, các vùng Phi Lao, Bản Hưng và Lãnh Hoài.

Từ phía Bắc điểm A cho đến Bắc Cương Ải, đường biên giới sẽ được thiết lập trên đường gạch nối màu xanh. Ðường nầy được vẽ giữa hai điểm trên bản đồ Chiniac De Labastide và phản ảnh đường biên giới mà Ủy Ban Trung Hoa đòi hỏi năm 1889, nhưng để lại cho An Nam vùng Trình Tường như xác định trong biên bản số 1.

1/ Từ Bắc Thị北市, đường biên giới theo đường trung tuyến của sông Gia Long 加隆 (Kia-loung), sông nầy là một nhánh tây ngạn của sông Bắc Thị (Pe-che). Khoảng 500 m phía hạ lưu của Bắc Phong Sinh 北風生 (Pe-Foung-Chen), sông nầy chia làm hai nhánh, một nhánh đến từ hướng Đông Bắc, nhánh còn lại đến từ hướng Đông Nam.

Đường biên giới là nhánh sông Đông Nam cho đến khi nhánh sông nầy lại chia lần nữa làm hai nhánh. Chỗ chia nầy được gọi là điểm P.

Từ điểm P, đường biên giới theo nhánh Đông Bắc, nhánh nầy chảy đến từ hướng Bắc và ở phía Tây Nam của làng Việt Nam tên An Bài安排 (An-Paii). Làng An Bài thuộc về Việt Nam.

Đường biên giới là con suối mang tên An Bài cho tới một ngọn núi (côté 955) mang tên Khanh Hoài Lĩnh坑懷嶺.

Đường biên giới thỏa thuận là trung tuyến của giòng sông và ở dòng nước mà tàu bè có thể thông lưu được. Trường hợp tàu bè không thể thông lưu thì đường biên giới là đường đi qua chỗ sâu nhất hay rộng nhất hoặc có nước nhiều nhất.

Trong trường hợp bị ngập lụt hay bị cạn nước, dòng sông bị thay đổi, đường biên giới đương nhiên sẽ là đường tính theo điều kiện ghi trên. Nếu có những cù lao hay dãi cát xuất hiện, chúng ở phía nào thì chủ quyền sẽ thuộc về quốc gia đó.

Dọc theo những dòng sông biên giới cột mốc sẽ được đóng ở cả hai phía, tại những địa điểm người ta thường qua lại, hay đối diện với những địa hạt quan-trọng, hay tại những điểm hợp lưu của những dòng sông. Tại những nơi khác của dòng sông biên giới, các cột mốc sẽ đóng mỗi lúc một xa và xen kẻ ở mỗi bên bờ.

Trong những đoạn mà đường biên giới đi ngang qua những đỉnh núi cao, sẽ chỉ có một cột mốc được đóng mà hai bên mặt của cột nầy mang những ghi chú của mỗi nước. Các cột mốc mang một con số thứ tự, tiếp theo những cột mốc đã cắm ở phần thứ nhất.

2/ Từ Khanh Hoài Lãnh坑懷嶺, đường biên giới theo hướng tổng quát Đông Tây.
Đường biên giới bắt đầu hướng chút ít về Tây Nam và đến sông 大坑尾 Đại Khanh Vĩ (Ta-Kang-Ouei), rồi theo hướng Tây, cắt các dòng sông 小坑尾 Tiểu Khanh Vĩ (Siao-Kang-Ouei) và Mã Song 馬雙 (Ma-Choang).

Tại điểm nầy, đường biên giới hướng chút ít về Tây Nam, qua đỉnh núi Thanh Long Lãnh 青龍嶺 (T’ang Loung Ling, côté 843), rồi trở lại hướng tổng quát Đông Tây và đến sông Phi Lao.

Sông Phi Lao 披勞 trở thành đường biên giới, để lại Trung Hoa phía hữu ngạn các làng Phi Lao, Bản Hưng 本興 (Pan Hing) , Na Niệp 那捻( Na Ku) ; và để lại Việt Nam phía tả ngạn, làng Cúc Li 菊涖 (Ku-Li).

3/ Đường trung tuyến của dòng sông Đông Mô 洞謨 (Toung Mou), tức là sông Tiên Yên, là đường biên giới cho tới phía bắc của làng Đông Mô.

Những làng Bồ Nam 蒲楠 (Bou Nam), Khôn Văn 坤文 (Kw’an Ouen), Động Trung 峝中 (Toung Tchoung) thuộc về Trung Hoa ; những làng Na Bô 那簿 (Na-Pou), Dinh Kiều 營 叫 (Yng Kiao), Bản Sầm 本岑 (Penn Chin), Đông Phê洞批 (Toung Pi) và Đông Mô 洞謨 (Toung-Mou) thì thuộc về Việt Nam.

Đường biên giới sau đó là sông Na Sa 那沙 (Na-Cha), phụ lưu phía hữu ngạn của sông Tiên Yên, chảy qua phía Đông làng Na Sa và phía Tây làng Đông Xã 洞舍 (Toung-Sié).

Na Sa thuộc về Việt Nam và Đông Xã thuộc về Tàu.

Đường biên giới sau đó là cũng là phụ lưu nói trên cho tới giao điểm của sông nầy với con suối mà nguồn của nó cách Trịnh Tường呈祥 (Tcheng-Siang) 500 m ; đường biên giới theo dòng suối nầy từ giao điểm cho tới nguồn của nó. Tại đây đường biên giới theo đường thẳng cho tới Bắc Cương Ải北崗, đi ngang qua các đỉnh 675, 812 và 746 về phía Tây Bắc Trình Tường.

Làng Trình Tường thuộc về Việt Nam ; các làng Vệ Tàm 衞慙 ( Shu-Tan) và Kiểu Tào 矯曹 (Kiao Tsao) thì thuộc về Trung Hoa.

Tại đỉnh 746, đường biên giới theo đường thẳng đến đỉnh đèo 662, gặp cột mốc số 67 thuộc biên-giới Quảng Tây.

4/ Vị trí các cột mốc trên lãnh thổ Việt Nam :

Cột số 11 : Tại nơi giáp phát của sông Gia Long 加隆
Chuẩn độ Phương vị từ :
Đồn Bắc Thị (angle N.E.) 317°
signal a 51°
Cột số 12 : Đối diện Na Lang 那浪 (Na-Loung).
Chuẩn độ phương vị từ:
Blockhaus de Nam-si (angle N.E.) 286°
signal d 328°
Cột số 13 : Phía Đông Nam của đồn Trung Hoa Tam Tá 三左 (Sann Tao), va ở phía Bắc của nông trại Ðại Đông Điền 大峝田 (Ta Tiong T’inn).
Chuẩn độ phương vị từ: signal l 29°
Cột số 14 : Đối diện hợp lưu của nhánh Tây Nam của sông Gia Long và nhánh Tây Bắc Na Lưu 那流 (Na Liou)
Cột số 15 : Trên vàm phía Tây của hợp lưu sông Gia Long với con suối Vấn Tả 文冩 (Ouen Tou).
Cột số 16 : Phía Đông Nam An Bài安排 (An Pai), trên đồi nhỏ nhìn xuống hợp lưu các nhánh nhỏ của sông Gia Long.
Chuẩn độ phương vị từ:
Ðỉnh Khanh hoài Lãnh 95°
Ðồn Bắc Phong Sinh 290°
Cột không ghi số : Được thay thế bằng một tảng đá thấy rất rõ ở trên đỉnh Khanh Hoài Lãnh, trên đó có khắc những ghi chú chung của hai nước.
Cột chung số 17 : Cắm trên vòm ở phía Đông của dòng sông Đại Khánh Vĩ 大坑尾 (Ta Kang Ouei), cách 1000 m về phía Đông Nam của Khanh Hoài-Lãnh 坑懷嶺.
Chuẩn-độ phương-vị từ:
Đỉnh Nam Vân Lãnh 南雲嶺 ( Nan Yun Ling) điểm Tam giác đạc :
cote 1157 328°
Đỉnh Khanh Hoài Lãnh 119°
Cột chung số 18 : Cắm trên vòm phía Tây của sông Đại Khánh Vĩ.
Chuẩn độ phương vị từ:
Đỉnh Tiểu Khánh Lãnh 小坑嶺 (Siao Kang Ling)
Điểm Tam Giác Đạc (point de triangulation) cote 517 187°
Đỉnh Khanh Hoài Lãnh 105°
Cột chung số 19 : Trên vàm phía Đông của sông Tiểu Khánh Vĩ 小坑尾 (Siao Kang Ouei).
Chuẩn độ phương vị từ:
Đỉnh Nam Vân Lãnh 47°
Đỉnh Khanh Hoài Lãnh 99°
Cột chung số 20 : Trên đỉnh của ngọn núi phân chia thượng nguồn của sông Tiểu Khánh Vĩ và sông Ma Song.
Chuẩn độ phương vị từ:
Đỉnh Khanh Hoài Lãnh 101°
Đỉnh Tiểu Khánh Lãnh 145°
Cột chung số 21 : Phía Bắc của hợp lưu sông Ma-Song với một phụ lưu tây ngạn.
Cột chung số 22 : Trên đỉnh Thanh Long Lãnh 青龍嶺 (Te’ing Loung Lin) cote 843.
Chuẩn độ phương vị từ:
Đỉnh Lộc Lang Lãnh 禄嫏嶺 (Lou Teng Ling) 149°
Đỉnh Trường Nhị 長二 (Tchang Eurl) 204°
Cột số 23 : Tại hợp lưu sông Bi Lao với một phụ lưu nhỏ ở phía tả ngạn.
Chuẩn độ phương vị từ:
Đỉnh Trường Nhị 166°
Đỉnh Thanh Long Lãnh 85°
Cột số 24 : Tại điểm hợp lưu của sông Phi Lao 披勞 với một chi nhánh nhỏ bên tả ngạn, trên một cái đồi nhỏ nhìn xuống hai sông nầy.
Chuẩn độ phương vị từ:
Đỉnh Cô Mạ Lãnh 姑罵嶺 (Cao Pa Ling) point de triangulation coté 960 314°
Đỉnh Cao Ba Lãnh (Kiou Pang Ling) 9°
Cột số 25: Tại hợp lưu sông Bi-Lao, phía Nam của làng Trung Hoa Cổ Phiêu 姑漂 (Kou-Piao).
Chuẩn độ phương vị từ:
Đỉnh Cổ Ma Lãnh 18°
Đỉnh Lạp Bình Lãnh 垃甁嶺 côté 551 286°
Cột số 26 : Phía Bắc của làng Cúc Lỵ 菊蒞 (Ku Li) cách 360 m hợp-lưu của sông Tiên Yên với một phụ lưu tả ngạn.
Chuẩn độ phương vị từ:
Đỉnh Lạp Bình Lãnh (K’iou Pin Ling) cote 551 205°
Đỉnh Cô Mạ Lãnh 101°
Cột số 27 : Cách làng Na Phố 那浦 (Na Pou) 240 m về hướng Đông Nam
Chuẩn độ phương vị từ:
Đỉnh Cô Mạ Lãnh 106°
Đỉnh Lạp Bình Lãnh 180°
Cột số 28 : Cách làng Bản Sầm 本岑 (Penn Ch’in) 360 m về hướng Đông Bắc.
Chuẩn độ phương vị từ:
Đỉnh Lạp Bình Lãnh 107°
Cote 327 (hướng Đông Bắc của đồn Hoàng Mô) 226°
Cột số 29 : Trên khu rừng phía bắc của hợp lưu các sông Đông Mô và Na-Sa.
Chuẩn độ phương vị từ:
Cote 327 85°
Đồn Hoàng Mô (phía Tây) 28°
Cột số 30 : Cách làng Na Sa 那沙 60 m về phía Đông Nam.
Chuẩn độ phương vị từ:
Cote 327 65°
Đồn Hoàng Mô (phía Tây) 343°
Cột chung số 31 : Cách Trình Tường 呈祥 (Tcheng Siang) 600 m về hướng Đông.
Chuẩn độ phương vị từ:
Đồn Hoàng Mô 347°
Đỉnh Đông Lánh Lãnh 東另嶺 (Toung Linh Ling) cote 763 210°
Cột chung số 32 : Cách làng Trình Tường 1160 m về hướng Bắc Tây Bắc .
Chuẩn độ phương vị từ:
Đỉnh Đông Lánh Lãnh 176°
Đỉnh Phá Lai Lãnh (Pa Lai Ling) cote 895 73°
Cột chung số 33 : Trên đèo, khoảng giữa côtes 746 và 750, cách thung lũng Bắc Cương Ải 340 m, về hướng Nam.

5/ Vị trí các cột mốc trên lãnh thổ Trung Hoa :

Cột số 11 : Tại điểm hợp lưu của sông Gia Long 加隆
Chuẩn độ phương vị từ:
Đồn Bắc Thị (góc đông bắc) 11°
signal a 51°
Cột số 12 : Đối diện Lục Chân 六真 (Lou Chan).
Chuẩn độ phương vị từ:
signal b 84°
signal g 22°
Cột số 13 : Ở phía Đông Bắc đồn Pháp tên Niệm Thị 捻市 (Yen Che).
Chuẩn độ phương vị từ:
Đồn Nam Si (Blockhaus de Nam-Si) (góc Đông-Bắc) 307°
signal d 55°
Cột số 14 : Tại hợp lưu sông Gia Long với sông phía Đông của Thán sản (T’ann San).
Chuẩn độ phương vị từ:
Blockhaus de Nam Si (góc Tây Bắc) 31°
signal q 343°
Cột số 15 : Ở tại hợp lưu của hai nhánh Tây Bắc và Đông Nam, phía hữu ngạn của nhánh gọi là Na Lưu 那流 (Na Liou).
Cột số 16 : Ở vàm phía trên nơi hợp lưu của sông Gia Long và suối An Bài.
Chuẩn độ phương vị từ:
Khanh Hoài Lãnh 277°
Đồn Bắc Phong Sinh (góc Tây Bắc) 292°
Cột số 23 : Tại giao điểm của đường biên giới và sông Phi Lao, bên bờ hữu ngạn.
Chuẩn độ phương vị từ:
Đỉnh Thanh Long Lãnh 74°
Đỉnh Cao Ba Lãnh 342°
Cột số 24 : Cách Phi Lao 180 m về hướng Tây Nam.
Chuẩn độ phương vị từ:
Đỉnh Cao Ba Lãnh 23°
Đỉnh Cô Mạ Lãnh (Kou ma Ling) point de triangulation cote 960 339°
Cột số 25 :
Đỉnh Cô Mã Lãnh 99°
Đỉnh Lạp Bình Lãnh (Kieu Pin Ling) 191°
Cột số 26 : Cách làng Việt Nam Dinh Khiếu 營叫 (Yng Kiao) 400 m về hướng Tây.
Đỉnh Cô Mạ Lãnh 92°
Cote 327 249°
Cột số 27 : Cách làng Việt Nam Đông Phê 洞批 (Toung-Pi) 720 m, về hướng Bắc, cote 305.
Chuẩn độ phương vị từ:
Cote 327 109°
Đồn Hoàng Mô (phía Đông Nam) 291°
Cột số 28 : Ở về phía Đông của hợp lưu các sông Đông Mô và Na Sa.
Chuẩn độ phương vị từ:
Đồn Hoàng Mô (phía Tây) 22°
Cote 327 87°
Cột số 29 : Cách làng Việt Nam Na Sa 那沙 (Na-Cha) 380 m về hướng Đông Đông Nam.
Chuẩn độ phương vị từ:
Đồn Hoàng Mô (phía Tây) 344°
Cote 327 73°
Cột số 30 : Cách làng Trung Hoa Na Xá 那舍 (Na Sié) 100 m.
Chuẩn độ phương vị từ:
Cote 327 64°
Đồn Hoàng Mô (phía Tây) 337°
Cột số 31 : Cách làng Trung Hoa Đông Xá 洞舍 (Toung Sié) 120 m.
Chuẩn độ phương vị từ:
Cote 327 22°
Poste de Hoàng Mô (cote ouest) 336°
Cột số 32 : Cách nơi hợp phát của con suối làm đường biên giới, phía Đông Nam làng Trịnh Tường.
Chuẩn độ phương vị từ:
Cote 327 22°
Khoảng cách với cột mốc ở phía Đông Nam làng Trịnh Tường : 660m
Cột số 33 : Ở tại hợp lưu của con suối đến từ làng Vệ Tàm 衛喒 (Schu-Tsan) với sông Na-Sa.
Chuẩn độ phương vị từ:
Đỉnh Đông Lang Lãnh 60°
Khoảng cách với cột mốc phía Đông Nam Vệ Tàm 400m

Vị trí các cột mốc được ghi chú trên hai bản đồ ở phần 5.

Cột mốc vùng Quảng Đông (phía Việt Nam)

Hình trên : kiểu mẫu cột mốc biên giới khu vực Quảng Đông, phía Việt Nam.

Cột mốc vùng Quảng Đông (phía Trung Quốc)

Hình trên : kiểu mẫu cột mốc biên giới khu vực Quảng Đông, phía Trung Hoa.

5/ Bản đồ phân giới :

Hướng đi chính thức đường biên giới, đồ tuyến biên giới theo đề nghị của hai phái đoàn Pháp-Thanh đồng thời vị trí các mốc giới được hoạch định trên hai tấm bản đồ (từ hợp lưu sông Gia Long đến Bắc Cương Ải) do ủy ban Chiniac De Labastide thành lập sau đây :

indo ggi 65361 (03)
indo ggi 65361 (02)

6 / Diễn tiến phân giới trong thời kỳ 1890-1891 :

Tạm dịch biên bản 24-6-1890 :

Các Ủy Ban phân giới và cắm mốc sau khi lập một bản đồ chính xác của đoạn biên giới từ hợp lưu sông Gia Long加隆 cho đến Bắc Cương ải北崗隘,

Sau khi nghiên cứu, giữa hai cực điểm này, đồ tuyến biên giới giữa Trung Hoa và An Nam, tức là đoạn thứ hai của biên giới Quảng Ðông,

Ủy Ban Pháp chiếu đúng theo nội dung biên bản phân định biên giới ký tại Móng Cái ngày 19 tháng 3 năm 1887, nhằm ngày mồng 5 tháng 3 năm Quang Tự thứ 13, giữa Ủy Viên Hoàng Gia Tseng và Bộ Trưởng Pháp Dillon, và chiếu theo bản đồ số 1 trên tất cả các chi tiết của nó đã được công nhận là chính xác, đã vạch đồ tuyến biên giới như sau:

I. Từ Bắc Thị 北市 và Gia Long 加隆, biên giới theo đường trung tuyến của sông Gia Long mà sông này là một phụ lưu tây ngạn của sông Bắc Thị北市.

Ở khoảng hai phần ba chiều dài, sông chia ra làm hai nhánh có cùng tầm quan trọng. Một nhánh dài độ 35 lý đến từ hướng Tây Bắc, nhánh còn lại có độ dài khoảng 40 lý đến từ hướng Tây Nam.

sơ đồ hướng đi biên giới 1887

Hình trên : Sơ đồ vẽ bản đồ số 1 (bản đồ đính kèm biên bản phân định 19-3-1887)

Bản đồ số 1 chỉ có vẽ nhánh Tây Bắc, là nhánh sông có độ dài tương đương với 30 lí, được các ủy ban phân định biên giới chỉ định là chiều dài của sông Gia Long 加隆.

Sông này, đúng theo biên bản 29 tháng 3 năm 1887 và bản đồ số 1, phải là đường biên giới trên toàn thể chiều dài của nó, cũng như Ủy Ban Trung Hoa đã công nhận nó trong biên bản ký tại Thán Sản 灘散 ngày 2 tháng 3 năm 1890, nhằm ngày mồng mười tháng 2 năm Quang Tự thứ 16.

Các Ủy Ban Phân Ðịnh đã lấy đường biên giới là nhánh sông Tây Bắc cho đến nguồn của nó. Ủy Ban phân giới Pháp đã lấy điểm nguồn của sông này để làm điểm gốc cho một đường thẳng vạch đến điểm A, điểm này ở cách 3 lý về hướng Bắc ngôi chợ cũ của làng Ðộng Trung 峝中. Ðường thẳng này tạo thành đường biên giới giữa An Nam và Trung Hoa, từ điểm nguồn của sông này với điểm A (甲).

Ðiểm phải được lưu ý là đường thẳng này theo lẽ đi từ hướng Ðông Nam đến Tây Bắc, như trên bản-đồ số 1, lại đi từ hướng Ðông Bắc đến Tây Nam.

Ủy ban Pháp nhìn nhận rằng, chiếu đúng theo biên bản phân định biên giới, các địa hạt Lãnh Hoài 嶺懷, Bi Lao 狓勞, còn được viết là Phái Lâu 派樓, Bản Hưng 扳興 thuộc về Trung Hoa; nhưng chúng lại ở phía dưới đường thẳng được nhận là đường biên giới, vì vậy tạo thành một số các vùng đất Trung Hoa trên lãnh thổ An Nam.

Một trong các vùng đất này phải nhượng lại cho An Nam, để đổi lại vùng Nam Lý 南里 của An Nam đã nhượng cho Trung Hoa, theo như biên bản ký tại Ðông Hưng 東興 ngày 15 tháng 4 năm 1890, nhằm ngày 26 tháng 2 năm Quang Tự thứ 16.

Về phần trái núi Phân Mao Lãnh 分茅嶺 thì không ở về phía Ðông Bắc của Bản Hưng 扳興, cũng không ở một địa phương nào trong vùng; các vụ tìm kiếm tỉ mỉ nhất cũng đã không tìm thấy, cái tên này hoàn toàn xa lạ trong dân chúng.

Chiếu theo biên bản đã ghi trên, làng Ðộng Trung 峝中 và Na Dương thuộc về An Nam.

Làng sau cùng thì vẽ rất sai trên bản đồ số 1, đáng lẽ nó ở về phía Nam của Ðộng Trung 峝中 và phía Bắc của làng Trình Tường, thì lại ở Tây Bắc của Ðộng Trung 峝中 và phía Tây Nam của Trình Tường, đối diện với biên giới Quảng Tây.

II. Từ điểm A (甲)đường biên giới đi về hướng Bắc Cương Ải 北崗隘; bắt buộc bao bọc làng Trình Tường thuộc An Nam, vì vậy tạo thành một vòng cung mà phần lồi quay về hướng Ðông.

Ðường biên giới đi tiếp đến, buộc phải theo địa hình, đỉnh 940, sau đó đỉnh 1032, bắt vào biên giới thiên nhiên cũ của An Nam và Trung Hoa, đến đỉnh 1365 của núi Kiểu Tào Sơn 矯曹山, theo lại đường biên giới cũ là một con suối cho đến Bắc Cương Ải 北崗隘.

Có vấn đề phải làm liên quan đến làng Na Dương 那陽 được trao cho An Nam. Việc nghi nhận về làng nầy được ghi ở trên.

Về ngọn núi Phái Thiên Sơn 派遷山, theo dân địa phương thì nó ở cách nhiều ngày đường về hướng Tây chứ không phải ở vùng chung quanh Bắc Cương Ải 北崗隘. Nhưng vị trí của ải mang tên này cũng không được xác định một cách rõ ràng; nó ở khoảng 30 lí theo đường thẳng từ làng thuộc An Nam tên Bình Liêu苹寮.

Chiếu đúng theo biên bản phân định biên giới, các làng Na Quang 那光 và Bản Thân (Thôn) 板吞 ở bên phía biên giới (đối diện với An Nam) thì thuộc về Trung Hoa.

Việc nên ghi nhận, ngược với những chi tiết ghi trên bản đồ số 1, Bắc Cương Ải 北崗隘 theo lẽ ở về phía Tây Nam Ðộng Trung 峝中 thì ở phía Bắc của làng này, mà làng này ở về phía Nam chứ không phía Bắc của làng Trình Tường呈祥; hướng tổng quát của đường biên giới đáng lẽ là từ Ðông Bắc đến Tây Nam thì trước hết từ Tây Nam đến Ðông Bắc, sau đó từ Nam lên Bắc và cuối cùng từ Ðông Bắc đến Tây-Nam, có nghĩa là hầu như đi ngược lại hoàn toàn nội dung bản đồ số 1.

sơ đồ đồ tuyến đường biên giới theo đề nghị của phái đoàn Pháp

Hình trên : sơ đồ đồ tuyến của ủy ban Pháp.

Ðồ tuyến của Ủy Ban Pháp thì hoàn toàn đúng với nội dung biên bản phân định biên giới ngày 29 tháng 3 năm 1887, Ủy Ban Trung Hoa phản đối như sau:

I. Bắt đầu từ ngã rẽ của sông Gia Long 加隆, Ủy Ban Trung Hoa lấy đường biên giới là nhánh sông đến từ hướng Tây Nam, nhánh này không có vẽ trên bản đồ số 1, sau đó họ rời nhánh sông này trước rất xa điểm nguồn của nó, tại điểm mà thế nào đường thẳng bắt nguồn từ điểm này để đến điểm ở tại chợ cũ của làng Ðộng Trung 峝中 có một hướng chính xác Ðông Tây.

Từ chợ cũ của làng Ðộng Trung 峝中 cho đến điểm A cách 3 lý về hướng Bắc, Ủy Ban Trung Hoa cho rằng đường biên giới là một đường thẳng từ Nam lên Bắc.

Không có tranh chấp về vị trí của điểm A (甲).

Các ủy viên Trung Hoa đã biện luận cho đồ tuyến của họ với những lý lẽ như sau:

1. Theo họ, nhánh sông Gia Long 加隆 đến từ hướng Tây Nam thì quan trọng hơn nhánh đến từ hướng Tây Bắc; nhánh sau cùng chỉ là một phụ lưu.
2. Nếu họ không lấy biên giới là con sông cho đến tận nguồn, vì theo họ, toàn thể chiều dài của sông chỉ có nghĩa là toàn thể chiều dài trên vùng đồng bằng; tất cả phần của dòng sông chảy trong núi thì không tính.
3. Nếu họ nối đến chợ cũ của làng Ðộng Trung 峝中 mà không nối đến điểm A (甲), là điểm mà đường biên giới rời khỏi sông Gia Long 加隆, vì dưới mắt họ, chỉ có những đường thẳng đi từ Ðông sang Tây hay ngược lại. Tất cả những đường có hướng khác là những đường nghiêng.
Dựa trên căn bản này, họ nối, bằng một đường thẳng thứ hai đi từ Nam lên Bắc, từ chợ cũ Ðộng Trung 峝中 đến điểm A (甲).

sơ đồ đồ tuyến đường biên giới theo đề nghị của phái đoàn Trung Hoa

Hình trên : sơ đồ đồ tuyến của ủy ban Trung Hoa.

Ủy Ban Pháp phản bác một cách mạnh mẽ tất cả các chi tiết của đồ tuyến nầy, nó đi ngược lại hoàn toàn các công ước quốc tế.

1. Nói rằng nhánh Tây Nam của sông Gia Long 加隆 thì quan trọng hơn nhánh Tây Bắc là không đúng; lưu lượng hai nhánh sông ở tại nơi hợp lưu thì gần giống như nhau; dân địa phương chỉ định một cách bất kỳ nhánh này hay nhánh kia là dòng chánh của con sông.

Vả lại, nhánh Tây Bắc là nhánh duy nhất hiện hữu trên bản đồ phân định số 1; cũng là nhánh mà độ dài tổng cộng của nó gần nhất với độ dài phỏng chừng được các ủy ban phân định biên giới chỉ định, như vậy không nghi ngờ nhánh này mới là đường biên giới chứ không phải nhánh Tây Nam.
2. Các Ủy Viên Pháp không thể chấp nhận lý thuyết mới cũng như lạ đời là con sông chỉ bắt đầu tính khi nào nó chảy ở đồng bằng.

Biên bản phân định biên giới chỉ định rằng sông Gia Long 加隆 là đường biên giới trên cả chiều dài của nó; như vậy là phải theo dòng sông cho đến nguồn của nó, có nghĩa là cho đến nguồn của nhánh Tây Bắc được các ủy ban phân định nhìn nhận là đường biên giới.

3. Các Ủy Viên Pháp cũng không thể chấp nhận lý thuyết còn lạ hơn lý thuyết trước là những đường thẳng chỉ có thể vạch từ Nam lên Bắc hay từ Ðông sang Tây, hoặc ngược lại.

Họ cũng giải thích một cách khó khăn, làm thế nào đường thẳng Ðông Tây bắt đầu tại chợ cũ của làng Ðộng Trung 峝中,cắt nhánh Tây Nam của sông Gia Long 加隆,đúng ngay tại điểm mà sông này rời núi. Ðây là một sự tình cờ đến từ sự huyền diệu.

Các ủy Viên Pháp cho rằng sử dụng các lý lẽ và cách thức như vậy là ngăn chận mọi tranh cãi đứng đắn và trung thực.

II. Giữa điểm A (甲) và Bắc Cương Ải 北崗隘, Ủy Ban Trung Hoa chỉ trích rằng đồ tuyến của Ủy Ban Pháp thì quá ngoằn nghoèo. Họ đòi hỏi một đồ tuyến trực tiếp giữa hai điểm trên mà không nghĩ đến việc phải tránh làng Trình Tường mà biên bản phân định biên giới đã chỉ định là của An Nam.
Về vấn đề liên quan đến làng này thì Ủy Ban Trung Hoa cho rằng nó không phải là làng đã được biên bản phân định biên giới chỉ định. Họ đặt căn bản lên việc làng này, được gọi tên trong hồ sơ trên đây là Trình Tường 呈祥, được gọi tên trong vùng là Ðịnh Tưởng 定想. Theo các Ủy Viên Thanh triều, làng Ðịnh Tưởng 定想 thuộc về Trung Hoa và phải tìm xa hơn về phía Ðông làng có tên là Trình Tường 呈祥 thuộc về An Nam.

Sự xác nhận nầy không đúng. Trình Tường 呈祥 và Ðịnh Tưởng 定想 chỉ là một làng, đó là làng đã được chỉ định trong biên bản 29 tháng 3 năm 1887, dưới cái tên thứ nhất thì sai, nó chỉ được biết đến qua cái tên thứ hai.

Trong những điều kiện như vậy, Ủy Ban Pháp không chấp nhận đồ tuyến do Ủy Ban Trung Hoa đề nghị, từ điểm A (甲)cho đến Bắc Cương Ải 北崗隘.

Mặt khác, các Ủy Viên Thanh triều, thuộc vùng Quảng Ðông, đã cho biết ý kiến của họ rằng, họ không bận tâm đến việc phân giới từ điểm A (甲)trở đi, vì giữa điểm này và Bắc Cương Ải 北崗隘, biên giới sẽ được ủy viên Quảng Tây phụ trách.

Ủy Ban Pháp chỉ biết ghi nhận lời tuyên bố này mặc dầu thấy rằng các Ủy Viên Trung Hoa dường như mâu thuẫn với các chi tiết địa lý được công nhận cho đến ngày hôm nay cũng như với nội dung của biên bản phân định 29 tháng 3 năm 1887.

Tóm lại, Ủy Ban Pháp giữ nguyên đồ tuyến của họ từ hợp lưu của sông Gia Long 加隆 cho đến Bắc Cương Ải 北崗隘, vì cho rằng nó phù hợp hoàn toàn với biên bản cũng như những phần đã được công nhận là đúng trong bản đồ số 1 kèm theo biên bản nói trên.

Ủy Ban Pháp phản đối đồ tuyến do Ủy Ban Trung Hoa đề nghị vì nó đi ngược lại hoàn toàn với công ước.

Ủy ban Trung Hoa tuyên bố giữ nguyên đồ tuyến của mình và không công nhận đồ tuyến của Ủy Ban Pháp.

Trong các điều kiện này, sự thỏa thuận không thể đạt được giữa hai Ủy Ban, họ cùng biểu quyết, trong một thỏa ước chung, hai bên sẽ đệ trình vấn đề lên Tổng Lý Nha Môn và Ðặc Sứ Pháp tại Bắc Kinh để giải quyết. Hai ủy ban chia tay và chờ đợi sự quyết định chung cuộc.

Dầu vậy, trước khi rời các Ủy Viên Trung Hoa, Ủy Ban Pháp làm một bản tuyên bố như sau:

Sự so sánh bản đồ thứ 1, đoạn từ nguồn phía Bắc của sông Gia Long 加隆 đến Bắc Cương Ải 北崗隘,với bản đồ được lập lên để dùng vào việc phân giới do các trắc địa viên thuộc ủy ban Pháp thiết lập, cho thấy những chi tiết trong bản đồ số 1 hoàn toàn sai với thực tế.

Trên bản đồ số 1, do các nhà địa dư Trung Hoa vẽ mà các Ủy Viên Pháp tin tưởng và không thể kiểm chứng lại, Ðộng Trung 峝中 được đặt cách hơn 25 cây số, khoảng 45 lí, về phía Bắc của vị trí thật sự của nó.

Như thế theo bản đồ, đường biên giới theo đường thẳng bắt đầu từ nguồn Bắc của sông Gia Long đi về hướng Tây Bắc, rồi sau đó trở lại hướng Ðông Nam về Bắc Cương Ải 北崗隘, nhưng sự thực thì ngược lại.

Từ nguồn Bắc của sông Gia Long 加隆 cho đến điểm A, đường biên giới theo đường thẳng từ Ðông Bắc đến Tây Nam, sau đó lên lại về hướng Bắc để đến Bắc Cương Ải 北崗隘.

Lầm lẫn do bản đồ vẽ không đúng địa hình. Ủy Ban Phân Ðịnh Pháp tưởng rằng vùng đất đó thuộc An Nam, tạo thành một góc nhọn đâm sâu hơn 25 cây-số, khoảng 45 lí, vào Quảng Ðông, nhưng trên thực tế thì đất nầy đâm sâu vào lãnh thổ An Nam như một góc nhọn.

Mặt khác, sự nghiên cứu, trên bản đồ cũng như trên thực địa, về đường biên giới qui ước, cho thấy sai lầm ở khắp nơi và vì vậy không thể chấp nhận được.

Ðường biên giới này thực ra, trên toàn chiều dài của nó, theo một con đường băng qua các sườn núi, cắt những con sông, vượt ngang đồng bằng mà không theo cách cấu tạo hình thể của đất đai.
Vì thế, nếu được phân giới với những cẩn trọng, việc này cũng sẽ đem lại những tranh chấp liên tục và những khó khăn về mọi mặt giữa hai cường quốc láng giềng.

Vì các lý lẽ đó, Ủy Ban Phân Giới Pháp cho rằng:

- Ðường biên giới theo công ước xác định do biên bản 29 tháng 3 năm 1887 xác định thì mọi nơi đều sai và không nơi nào chấp nhận được.

- Ðiều quan trọng là Ủy Ban Phân Ðịnh Pháp đã chỉ công nhận biên bản trên chỉ vì sự tin tưởng của họ đã bị lạm dụng do một tấm bản đồ hoàn toàn sai, nó trình bày một cách sai lạc rằng lãnh thổ An Nam thì tiến sâu vào lãnh thổ Trung Hoa, trong lúc trên thực tế thì ngược lại, lãnh thổ của Trung Hoa lại lấn sâu vào lãnh thổ An Nam.

Vì thế, yêu cầu xét lại sự phân định của đường biên giới An Nam & Trung Hoa từ hợp lưu của sông Gia Long 加隆 cho đến Bắc Cương Ải 北崗隘 và sự chọn lựa chung cuộc trên toàn chiều dài của đoạn biên giới này, là đường biên giới cũ của An Nam và Trung Hoa, duy nhất dựa trên thiên nhiên, duy nhất thuần lý, duy nhất chấp nhận được. Có nghĩa là con sông Bắc Thị 北市 từ Gia Long 加隆 cho đến điểm mà nó không thể lưu thông bằng xuồng, và từ đó cho đến Bắc Cương Ải北崗隘, là (đường nối) các đỉnh cao nhất của dãy núi.



Trương Nhân Tuấn

Tài liệu tham khảo : hồ sơ Phân định biên giới CAOM

Tập sách : Biên giới Việt-Trung 1885-2000 Lịch sử thành hình và những tranh chấp. NXB Dũng Châu 2005. Tác giả Nhân-Tuấn Ngô Quốc Dũng.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.