lundi 21 octobre 2013

Tìm hiểu biên giới khu vực Trấn Nam Quan qua một số tài liệu lịch sử và pháp lý.



1/ Trấn Nam Quan : Theo Ðại Thanh Nhất Thống Chí quyển 365, tờ 17, ghi chú về châu Bằng Tường, trong mục các ải và các cửa biên giới, Trấn Nam quan ở về phía tây nam châu Bằng Tường, cách châu này 45 lý (khoảng 18km). Người ta còn gọi là Ðại Nam quan. Bên phải và bên trái cửa quan là núi đá cao xuyên qua mây. Hai bên cửa quan có xây bức tường chạy dọc lên núi, dài 1190 bộ (khoảng 377 mét).

Về ý nghĩa và tầm quan trọng của các cửa biên giới (cửa ải), theo tài liệu (bằng tiếng Pháp), dịch từ ba trang 15, 16 và 17, quyển thứ nhứt, bộ Long Châu Sử lược (Abrégé des Anales de Longtcheou), người Hoa sử dụng đến ba danh từ khác nhau để chỉ cửa ngõ thông thương giữa hai nước Việt-Trung : QUAN, ẢI và CA.

Các cửa ngõ thông thương từ Long Châu sang Việt Nam gồm có 2 cửa “QUAN”, 14 cửa “ẢI” và 3 cửa “Ca” (thời nhà Thanh còn gọi là « thủ tạp » để chỉ các nơi canh phòng).

Hai cửa QUAN là Bình Nhi Quan 苹 而 關 và Thủy Khẩu Quan 水 口 關 .

14 cửa Ải là Yêm Bố 淹 布 (có bộ « khẩu» 口 đứng trước chữ Bố), Long Sương 龍 廂, (Ná Lang 那 懶,), Cảm Môn 敢 門, (Na Tuyết 那 雪 ), Na Duệ 那 曳 (Bản Khô 板 枯 ), Khiếu Canh 叫 更, (có bộ « sơn »山 trên chữ Canh) (Bản Ma 板 厤 ), Bế Thôn 閉 村, Na Hoài 那 懷 (Na Ai 那 哀), Ná Hà 那何, Long Mính 龍 茗 (Na Thông那), Hợp Thạch 合 石 (Long Cống 龍 貢).

Ba cửa CA là Hồ Tông 葫淙, Khiếu Khâm 叫欽 và Bách Bố 百布.

Trong số các ngõ thông thương sang Việt Nam, từ Long Châu, hai ngõ quan trọng nhất là Bình Nhi và Thủy Khẩu.

Trấn Nam Quan (thuộc châu Bằng Tường) tọa lạc trên « quan lộ » (la route mandarine), là cửa thông thương chính thức giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, chỉ mở cửa khi có « quốc sự ». Sứ thần chính thức hai bên đều đi qua cửa này.

Hồ sơ phân định biên giới Pháp-Thanh gọi cột mốc ở đây là Trấn Nam Quan ngoại 鎭南關外.

Người Việt có thói quen gọi cửa ải này là « Ải Nam Quan », mà thực ra nó có tên Việt « ải Đại Nam » hay « Đại Nam Quan ». Ngoài ra còn có tên khác là « Ải Bắc ».

Về vị trí tương đối của Đại Nam Quan đối với Đồng Đăng, tài liệu « De Hanoi à la Frontière du Quang-si » - Từ Hà Nội đến Quảng Tây, của tác giả M. Aumoitte, viết năm 1881. Tác giả tạm dịch như sau :

« Ðồng Ðăng cách cửa ải 2 cây số rưỡi. Nơi đây bề ngoài cũng giống như Kỳ Lừa. Dân chúng phần lớn Tàu lai với thổ dân và sinh trưởng tại đây. Có nhiều tiệm bán lẻ (chạp phô); chỉ có 12 cửa hiệu buôn theo lối trao đổi (bông, dầu hồi, thuốc phiện, thuốc bắc)...

Từ Ðồng Ðăng đến biên giới, con đường chỉ còn là một con đường mòn nhỏ, đá lởm chởm, chạy quanh dưới chân những ngọn đồi trọc và không có người ở. Ra khỏi Ðồng Ðăng được 1O phút là không còn một bóng người. Con đường mòn này mỗi lúc một hẹp, cuối cùng dẫn tới trước một cửa cổng có hai cánh bằng gỗ. Cửa được gắn với một bức tường làm bằng gạch nung, xây dài lên tới đỉnh đồi, có độ cao chừng 50 mét. Hình thức của cổng và hai bức tường xây lên núi tạo thành như một cái phểu. Ðó là biên giới. Trên đỉnh đồi, bức tường chấm dứt và người ta có thể đi qua Quảng Tây không có trở ngại. Trên hai cánh của gỗ có vẽ rồng, phụng mầu sắc rực rỡ. »

Bài viết của ông Aumoitte có đính kèm một bức hoạ cổng Nam Quan như sau :

cổng Nam Quan 1883-1884

Như thế mô tả về hình thái Nam Quan của tác giả Aumoitte năm 1881 khá phù hợp với các chi tiết ghi từ Đại Thanh Nhất Thống Chí : Hai bên cửa là hai bước tường đá xây dọc lên tới đỉnh núi (núi cao khoảng 50m). Chiều dài bức tường khoảng 377m.

Điều cần ghi nhận, trong trận đánh Lạng Sơn năm 1884, quân Pháp do tướng Négrier chỉ huy đã phá sập cửa Nam Quan để thị uy, sau đó thì rút về.

Đến năm 1885, khi hai phái đoàn Pháp-Trung gặp nhau tại Nam Quan để phân định biên giới, các tài liệi cho thấy cổng Nam Quan đã được xây dựng lại một cách “đồ sộ”, như là một công sự chiến đấu, bằng đá đẻo (có chừa lỗ châu mai), với hai bức tường xây thẳng lên đỉnh núi.

Không thấy ghi chú về vị trí của cổng mới có trùng hợp với vị trí của cổng cũ hay không ?

Dưới đây là các tấm hình Nam Quan, qua các bưu thiếp dưới thời Pháp thuộc. Chính xác là từ khoảng năm 1885 đến năm 1940. Ta thấy rõ rệt bức tường xây dài lên đỉnh núi.

15.03.2010-MTL29-400x253

NQ 1

NQ 2

Đến những năm đầu Thế chiến II, quân Nhật đã truy lùng những cánh quân kháng chiến người Hoa, lần nữa đã phá hủy tòa kiến trúc này.

Tòa kiến trúc Nam Quan hiện thời chắc là mới được xây lại sau 1945. Kiến trúc hiện thời không thấy có hai bức tường xây dọc lên đỉnh núi mà hai bức tường này thể hiện cho đường biên giới.

Kiến trúc Nam Quan hiện nay được xây lại trên nền cũ hay dời đi chỗ khác ?

Hình dưới đây là cổng Nam Quan hiện tại (hình của nhà báo Nguyễn Huy Minh).

DSC_0111

2/ Đường biên giới khu vực Nam Quan được mô tả theo biên bản phân định biên giới Pháp-Thanh ngày 7-4-1886 như sau :

« …từ một điểm được xác định cách cổng Nam Quan 100 thước trên đường từ Nam Quan về Ðồng Ðăng (cột số 18), đường biên giới theo hướng Tây, đi lên đỉnh ngọn núi đá mà trên đó có một đồn binh được đánh dấu là điểm A ở trên sơ đồ kèm theo đây… »

Theo biên bản cắm mốc ngày 21-4-1891 (công trình Frandin) cột mốc tại khu vực Nam Quan được xác định như sau:

« Cột thứ 18, Trấn Nam Quan ngoại 鎭南關外: Trên đường Nam Quan về Ðồng Ðăng, cách cửa 100 thước về hướng Nam. Nguyên văn tiếng Pháp trong biên bản : A environ 100m en avant de la porte de Nam-Quan. »

Công trình này được công nhận năm 1894.

Như thế từ năm phân định 1886 đến năm phân giới cắm mốc 1894, đường biên giới đi qua Nam Quan không thay đổi : cắm trên đường từ Nam Quan về Đồng Đăng, cách cổng 100m.

Xét hai mảnh bản đồ :

namquan 130

Nam Quan - Bac Cuong Ai 5

Ta thấy cột số 18 cắm trên con đường mòn nhỏ sát vách núi đá.

Xét mảnh bản đồ sau đây (cắt từ bản đồ 1/100.000 SGI 1928):

Nam Quan SGI

Ta thấy xuất hiện quốc lộ 1A mà đường này không phải là con đường mòn ngày xưa cắm mốc số 18.

Đường biên giới hiện nay, khu vực Hữu Nghị Quan, đi qua cột mốc cây số zéro của quốc lộ 1A. Cột mốc cây số zéro cách tòa Hữu Nghị quan khoảng 300m.

13.03.2010-MTL14

(Nguồn của Mai Thái Lĩnh).

Vấn đề là :

- cột cây số zéro của quốc lộ 1A không phải là cột mốc 18 cũ.

- không chắc gì tòa Hữu Nghị Quan hiện nay đã được xây dựng lại (hai lần) ngay tại nền cũ của nó.

- hai bức tường cũ, xây từ cổng Nam Quan lên núi, vẫn còn thấy ở các tấm bưu thiếp “Porte de Chine” của Pháp (trước 1945), thì không còn thấy chung quanh Hữu Nghị Quan hiện nay.

3/ Bản đồ Google Earth.

May thay, ta vẫn có thể tìm thấy dấu vết của cổng Nam Quan cũ với hai bức tường xây lên đỉnh núi, nhờ kỹ thuật tân kỳ (và miễn phí) của Google Earth (cám ơn Google!) qua tấm hình sau đây:

Nam Quan Google earth

Đường biên giới (đường vàng) là không chính xác. Hữu Nghị Quan nằm trong tập hợp kiến trúc ở về phía nam của đường vàng (phía dưới khung A).

Trên tấm hình này tác giả có đóng khung 4 ô chữ nhật màu đỏ A, B, C, D.

Cổng Nam Quan cũ (với hai bức tường xây lên núi) có thể ở một trong bốn khung này.

Hai bức C và D không thấy núi phía bên phải (bên trái là núi đá, bên phải là núi đất) có lẽ bị ủi mất do làm lại đường mới.

Khung A, có dấu vết xây dựng lờ mờ hai bên núi nhưng hẻm núi ở đây hẹp, chỉ thấy 1 con đường.

Khung B, là khung có thể nhất trong 4 khung. Ta thấy còn dấu vết khá rõ rệt của hai bức tường xây lên núi (nơi có hai mũi tên màu xanh) đồng thời có ba con đường : đường mòn cũ, quốc lộ 1A và đường (xa lộ) mới ở xa hơn về bên phải.

Khung C và D, cũng rất có thể Nam Quan cũ đã được xây dựng ở hai nơi này, nhưng sác suất có lẽ không cao bằng khung B. Ta thấy còn rõ rệt dấu vết (như là) bức tường xây lên núi (phía tay trái), nhưng lại không thấy dấu vết phía tay phải.

3/ Kết luận : Một điều chắc chắc là tòa kiến trúc Hữu Nghị Quan hiện tại không còn ở vị trí cũ của nó, sau khi bị đánh sập hai lần bởi quân Pháp (1884) và quân Nhật (đầu thập niên 40). Bởi vì không thấy dấu vết của hai bức tường xây chạy lên núi ở hai bên tòa kiến trúc này.

Vị trí cũ của Nam Quan có thể là nơi khung B trên bản đồ Google Earth. Vị trí này cách Hữu Nghị Quan vài trăm mét về phía bắc.

Cột mốc 18 cũ được cắm trên đường mòn cũ từ Nam Quan về Đồng Đăng. Đường mòn này đi sát chân núi bên trái. Đường mòn này không phải là quốc lộ 1A hoặc đường xa lộ mới xây sau này. Cả hai đường này ở phía bên phải đường mòn.

Muốn tìm vị trí của mốc 18 cũ ta phải tìm được đường mòn cũ và dấu vết của hai bức tường xây lên núi. Rất có thể dấu vết này thể hiện trong tấm hình của Google Earth ở trên, trong khung màu đỏ B. Sau đó do ngược lại về phía nam 100m.

Nếu giả thuyết đúng vậy, đây mới là vị trí lịch sử của cột mốc 18.



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.