mardi 17 décembre 2013

Những vấn đề Việt Nam trong năm 2013: Vấn đề "xây dựng niềm tin chiến lược"

II.  Về vấn đề xây dựng niềm tin chiến lược.

« Xây dựng niềm tin chiến lược » là nội dung bài diễn văn của TT Nguyễn Tấn Dũng đọc tại buổi khai mạc « Đối thoại Shangri-La 2013 », được tổ chức tại Singapour ngày 31 tháng 5 năm 2013. Báo chí trong, ngoài nước đã có nhiều bài phân tích, nhận định, phê bình nội dung bài diễn văn này, người viết không tiện nhắc lại. Đại khái TT Nguyễn Tấn Dũng cho rằng : « Muốn có hòa bình, phát triển, thịnh vượng thì phải tăng cường xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược… ». Theo TT Nguyễn Tấn Dũng, ba yếu tố nền tảng để  « xây dựng niềm tin chiến lược » là : 1/ hòa bình, 2/ tuân thủ luật pháp quốc tế và trách nhiệm của các quốc gia và 3/ ASEAN đoàn kết và có vai trò trung tâm (trong các hợp tác đa phương).

Sáu tháng đã trôi qua. Biến chuyển trong khu vực có chiều hướng thay đổi không theo mong muốn của TT Nguyễn Tấn Dũng. Các động thái từ phía Trung Quốc, đối với Biển Đông và biển Hoa Đông, cho thấy nước này không chỉ bất chấp luật pháp quốc tế, mà còn coi nhẹ trách nhiệm quốc gia trước những vấn đề an ninh hàng hải, hàng không dân sự như qui định của các công ước quốc tế. Các động thái của TQ tại Hoa Đông, nhất là tại biển Đông, đe dọa hòa bình cả khu vực.

Nếu xét lại một số thực tế lịch sử quan hệ quốc tế, các yếu tố « nền tảng » mà TT Dũng đặt lên đó làm căn bản lý luận, có thể không thuyết phục. Các yếu tố « hòa bình », « tuân thủ luật pháp quốc tế », « trách nhiệm của các quốc gia » chưa bao giờ được sử dụng để xây dựng « niềm tin chiến lược » trong quan hệ quốc tế. Trên thực tế chỉ có « quyền lợi » về kinh tế, về chính trị hay về an ninh mới tạo được nối kết chiến lược giữa các quốc gia.

Thông điệp « xây dựng niềm tin chiến lược » trong bài diễn văn của TT Nguyễn Tấn Dũng không dễ giải mã.

VN muốn xây dựng « niềm tin chiến lược » với ai, vì mục đích gì ? để tiến đến « quan hệ chiến lược » với nước nào ?

Vài thí dụ dưới đây cho ta hiểu các phương cách « xây dựng niềm tin chiến lược ». Ta cũng sẽ thấy từ « niềm tin chiến lược » đi đến quan hệ « chiến lược » là xa thăm thẳm.

1/ Quan hệ Mỹ-Nhật sau Thế chiến II : Sau khi Nhật đầu hàng tháng 8-1945, Mỹ đã xây dựng niềm tin chiến lược đối với Nhật như thế nào để dân chúng nước này không nghiêng về phía Nga ? Bởi vì trên thực tế, lực lượng Mỹ có mặt tại Nhật như là là một lực lượng bảo hộ (thực dân) và một phần lãnh thổ của Nhật phải cắt cho Mỹ.

Thật vậy, sau khi Nhật đầu hàng tháng 8 năm 1945, một vùng lãnh thổ của Nhật là quần đảo Lưu Cầu được đặt dưới quyền quản lý của Hoa Kỳ. Việc này do nội dung của Nghị quyết năm 1947 của Liên Hiệp Quốc : nếu Hoa Kỳ xét thấy vùng đất nào (của Nhật hay của Nhật từ bỏ) có quan trọng về chiến lược, thì được phép quản lý. Quần đảo Nansei (Nam Tây) được xếp vào trong trường hợp này. Nghị quyết ONU 1947 được khẳng định qua điều 3 của Hòa Ước San Francisco 1951 (ký kết giữa Nhật và các nước có tuyên bố chiến tranh với Nhật). Theo đó quần đảo Nansei (Nam Tây), bắt đầu từ phía nam vĩ tuyến 29, thuộc quyền quản lý của Hoa Kỳ. Tức toàn bộ quần đảo Ryukyu (Lưu Cầu), bao gồm luôn các đảo Senkaku (Điếu Ngư). Vùng lãnh thổ này thường được các nước gọi dưới tên chung chung : quần đảo Okinawa.

Điều ghi nhận là mặc dầu được đặt dưới quyền quản lý của Hoa Kỳ, nhưng phần lãnh thổ này Nhật vẫn giữ được chủ quyền trên pháp lý (souveraineté résiduelle). Dân chúng sống tại các đảo này vẫn giữ quốc tịch Nhật mà không có quốc tịch Hoa Kỳ.

Trong khi Hoa Kỳ « quản lý » vùng lãnh thổ các đảo Nam Tây và kiểm soát hầu như toàn bộ bộ máy quốc gia, thì mặt phía bắc, vùng lãnh thổ mà Nhật gọi là « Vùng lãnh thổ phía Bắc » gồm các đảo Etorofu, Kunashiri, Habomai và Shikotan (tức một phần quần đảo Kuriles), thì bị Nga xâm chiếm. Xem thêm bài viết tại đây.

(Vì lý do này, hai nước Nhật và Nga, đến hôm nay vẫn chưa ký « hiệp ước hòa bình ». Trên lý thuyết, hai nước Nga và Nhật hiện thời vẫn còn trong tình trạng chiến tranh).

Sự can thiệp của Hoa Kỳ vào nội tình nước Nhật rất sâu đậm. Hiến pháp dân chủ năm 1946, lấy hứng từ hiến pháp của Anh, là do Mac Arthur áp đặt cho dân Nhật. Trong đó có các điều khoản « khó nuốt » như :

« Dân tộc Nhật từ bỏ vĩnh viễn việc chiến tranh như là một quyền chủ quyền của quốc gia cũng như việc sử dụng vũ lực như là một phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế ».

Tức HK xóa bỏ nền « quốc phòng » của Nhật. Trong chừng mực người ta có thể cho rằng Nhật là một « thuộc địa » của Hoa Kỳ. (Bởi vì, chỉ trong xứ bảo hộ mới không có quân đội riêng của quốc gia).
Hội nghị San Francisco 1951 được tổ chức trong khung cảnh chiến tranh Triều Tiên. Trong bối cảnh chiến tranh lạnh, Liên Xô và TQ đã ký kết hiệp ước Liên minh (14-2-1950). Hoa Kỳ cùng lúc đối đầu khối cộng sản trên hai mặt trận : Châu Âu (khối OTAN vs khối Varsovie) và Châu Á. Nhật (và Đài Loan) trở nên quan trọng đối với HK trong sách lược be bờ chống thế giới cộng sản.

Hoa Kỳ nhanh chóng ký kết với Nhật hiệp ước Hòa Bình năm 1951, đồng thời tuyên bố chấm dứt việc chiếm đóng Nhật. Quan hệ Nhật-Mỹ được nâng lên hàng « đồng minh ». Một Kết ước về « an ninh hỗ tương » cũng được hai bên ký vào năm 1951, có giá trị 10 năm. Tức cuối mỗi thập niên (60, 70, 80, 90, 10…) đều phải được ký lại.

Ở đây ta thấy Hoa Kỳ đã « xây dựng niềm tin » với dân chúng Nhật khi tuyên bố chấm dứt giai đoạn « quân quản », chiếm đóng Nhật. Điều cần nhắc là hai bên Mỹ-Nhật chỉ 6 năm trước là hai nước thù nghịch nhau, có tuyên bố chiến tranh. Cuộc chiến đã làm cho nước Mỹ thiệt hại nặng về nhân lực cũng như vật chất. Nhất là dân Mỹ không bao giờ quên trận đánh bom tại Trân Châu Cảng của không quân Nhật. Hoa Kỳ là bên chiến thắng, có đầy đủ lý do để chiếm đóng nước Nhật một cách lâu dài (như Liên Xô tại các vùng Đông Âu, Baltique, Trung Á…).

Quan hệ Nhật-Mỹ, từ kẻ thù bắn giết lẫn nhau, trở thành bè bạn đồng minh sống chết có nhau, chỉ trong 6 năm. Đó là do hai bên chia sẻ và ràng buộc lẫn nhau về quyền lợi kinh tế, chính trị (ý thức hệ tương đồng) và cách nhìn chiến lược về an ninh khu vực.

Nhưng sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại các đảo Okinawa, trong thời chiến tranh lạnh, luôn là cái cớ để phía cộng sản quốc tế xách động. Có nhiều lúc, các cuộc biểu tình phản đối của dân chúng ảnh hưởng đến tình hình an ninh nước Nhật cũng như đặt lại tính chính đáng của sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Nhật.

Chính quyền Hoa Kỳ lấy một quyết định lớn lao, nhằm tạo « niềm tin chiến lược » mới trong chính giới và quần chúng Nhật. Tháng 12 năm 1969 Hoa Kỳ tuyên bố sẽ trả lại cho Nhật quần đảo Lưu Cầu năm 1972.

Nhờ đó quan hệ « đồng minh » giữa hai bên Nhật-Mỹ khắn khít hơn bao giờ. Trong khi Nga đến nay vẫn còn chiếm giữ vùng « Lãnh thổ phía Bắc » của Nhật.

Như thế, muốn tạo « niềm tin chiến lược » không phải là chuyện đầu môi chót lưỡi, mà là những hành động cụ thể.

Điều cũng nên nói, thời gian Hoa Kỳ can thiệp vào nội tình Nhật, vỏn vẹn có 6 năm, nhưng trong khoảng thời gian này tướng Mac Arthur được dân chúng Nhật xem như là một vị « cứu tinh », chấn chỉnh lại hành chánh và bộ máy kinh tế nước Nhật, chứ không phải là một lực lượng chiếm đóng.
Điều đáng nói khác nữa, là việc HK quyết định giữ chế độ Thiên Hoàng cũng như tính mạng của Hirohito, đi ngược lại ý kiến các nước đồng minh khác, cũng là một hành vi tạo « niềm tin chiến lược » đối với người Nhật.

Việc trả lại quần đảo Okinawa là một « niềm tin chiến lược » sâu sắc, trong lúc Hoa Kỳ có thể có các quyết định khác. Như số phận các nước « chư hầu » của Nga, một số nước bị sát nhập hẵn vào Liên Bang Sô Viết, một số bị kềm tỏa trong vòng ý thức hệ.

Điều này cho ta thấy những toan tính chiến lược của Hoa Kỳ, vừa sâu xa, vừa mang tính đạo đức và nhân bản. Quan hệ « chiến lược » là quan hệ hai bên cùng có lợi.  Hoa Kỳ cần Nhật, cũng như Nhật cần Hoa Kỳ. Hai bên cùng chia sẻ lợi ích kinh tế, tương đồng về ý thức hệ chính trị, có cùng mối lo về an ninh, chiến lược.

Về ý kiến « xây dựng niềm tin chiến lược » của TT Nguyễn Tấn Dũng, nếu đối tượng là Hoa Kỳ, trong quan hệ này bên nào cần bên nào ?

VN không hề có vai trò trung tâm trong chiến lược « xoay trục » sang Châu Á của Mỹ. Nền kinh tế VN quá nhỏ, không đáng kể, đối với các nước trong vùng. VN cũng không có tài nguyên « dồi dào ». Vị trí địa lý của VN cũng không quá quan trọng.

Mọi người VN nên hiểu rằng, nếu VN « quan trọng », người Mỹ đã có thái độ khác.

Trong khi VN cần Mỹ hơn bao giờ hết để « đối trọng » với sức ép của TQ, cũng như để bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ.

Việt Nam hiện nay có thể làm gì để tạo « niềm tin chiến lược » đối với Hoa Kỳ ?

Chắc chắn không phải là « hòa bình », « tuân thủ luật pháp quốc tế », « trách nhiệm của các quốc gia »… như TT Dũng đã trình bày trong diễn văn.

Thử xét vài quan hệ « chiến lược » sau đây :

Quan hệ giữa Tây Âu và Mỹ trong thời chiến tranh lạnh là quan hệ chiến lược (đồng minh), trên căn bản quyền lợi kinh tế (hai bên cùng có lợi) và chính trị (ý thức hệ tương đồng). Tính « đồng minh » thể hiện qua chiếc dù an ninh hỗ tương OTAN.

Quan hệ giữa các xứ dầu hỏa Trung Đông và Mỹ là quan hệ chiến lược dựa trên quyền lợi kinh tế (đưa đến từ nguồn năng lượng chiến lược là dầu hỏa).

Quan hệ giữa Mỹ và Do Thái là quan hệ chiến lược (đồng minh), dựa trên vị trí địa lý quan trọng của Do Thái trong khu vực. Quan trọng vì nếu không có Do Thái, Hoa Kỳ khó có thể bảo vệ được quyền lợi của mình ở các xứ dầu hỏa Trung Đông.

Trong khi quan hệ chiến lược giữa các nước trong khối cộng sản ngày trước thường được nối kết do ý thức hệ chính trị tương đồng.

Thời gian vừa qua, Việt Nam đã tuyên bố có quan hệ « chiến lược » với các quốc gia như Pháp, Tây Ban Nha, Nga… nhưng ý nghĩa của quan hệ này không hề mang ý nghĩa « chiến lược » như các thí dụ ở trên. Thực chất nó chỉ là bang giao bình thường giữa hai nước có trao đổi về kinh tế và văn hóa. Quan hệ giữa VN với TQ và Nga, gọi là « quan hệ chiến lược toàn diện ». Mức quan hệ này cũng không thể hiểu theo ý nghĩa « quan hệ chiến lược », được nối kết bằng một kết ước an ninh hỗ tương như cách nghĩ thông thường.

Như vậy, quan hệ giữa VN và Mỹ, ý thức hệ chính trị bất tương đồng, quyền lợi kinh tế không đáng kể, vị trí địa chiến lược VN không quan trọng đối với Mỹ.

Hai bên chỉ tương đồng ở điểm có chung đối thủ là TQ. (Cũng nên tương đối hóa, vì TQ đối với HK vẫn là đối tác kinh tế trọng tâm. TQ chỉ mới bị HK xếp vào hàng đối thủ « cạnh tranh chiến lược » mà thôi).

Do đó VN cần Mỹ hơn Mỹ cần VN.

Nếu đối tượng của VN là Mỹ, VN sẽ không có hành động nào có thể xây dựng "niềm tin chiến lược" đối với Hoa Kỳ. Ngoài việc: dân chủ hóa chế độ.

2/ Quan hệ Trung-Mỹ : Quan hệ chiến lược giai đoạn. Hoa Kỳ đã tạo “niềm tin chiến lược” nào để TQ ngả về phía Hoa Kỳ để chống lại Liên Xô ? Trung Quốc thời Đặng Tiểu Bình đã xây dựng « niềm tin chiến lược » nào đối với Mỹ như thế nào để nước này tận lực giúp vốn liếng và khoa học kỹ thuật để TQ hiện đại hóa đất nước ?

Quan hệ Trung-Mỹ từ khi nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa lập nước (1949) đến nay trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Lúc thì hai bên là địch thủ đối đầu « bất cộng đái thiên », lúc thì là đồng minh giai đoạn, lúc thì là đối tác kinh tế chiến lược, lúc lại trở thành đối thủ « cạnh tranh chiến lược ». Nói chung, quan hệ hai bên Trung-Mỹ là quan hệ giai đoạn. Lúc quyền lợi (kinh tế, an ninh) hai bên tương đồng, hai bên đi chung với nhau. Bằng không hai bên quay lưng lại chống nhau. Đó là điều dĩ nhiên vì hai bên bất đồng về ý thức hệ chính trị (cho dầu chiến tranh lạnh, tức chiến tranh ý thức hệ đã chấm dứt). Điểm chung của hai bên (để tiến đến quan hệ chiến lược giai đoạn) là đều xem Liên Xô là đối thủ (có chung quan điểm an ninh chiến lược). Còn không là quyền lợi kinh tế tương đồng.

Từ năm 1949 cho đến 1954, quan hệ Trung-Mỹ là quan hệ « bất cộng đái thiên ». TQ và LX ký kết hiệp ước an ninh hỗ tương, cùng đối đầu với HK trong chiến tranh Triều Tiên. Từ năm 1954 đến năm 1965, TQ đảm nhận phần lớn trọng trách « chống Mỹ » ở Châu Á, thông qua chiến tranh VN. Mặc dầu trong khảng thời gian này quan hệ hai bên LX và TQ đã có nhiều sức mẻ quan trọng. Từ 1965 đến 1972, vai trò LX quan trọng hơn trong khu vực Châu Á vì nước này phụ trách phần lớn khí tài trong chiến tranh VN.

Quan hệ Mỹ-Trung lúc này bước vào khúc rẽ quan trọng. Phía HK nhận thức được vai trò của TQ, thấy rằng không thể thực hiện kế hoạch « Việt Nam hóa chiến tranh » nếu không có sự đồng thuận của TQ. Vì thế con đường « Việt Nam hóa chiến tranh » bắt buộc phải đi qua Bắc Kinh.

Sau các cuộc đi đêm và ngoại giao « bóng bàn », HK và TQ lập lại bang giao. TQ hứa để HK rút khỏi VN bình an. Đổi lại, HK nhìn nhận Bắc Kinh là đại diện chính thức của TQ tại LHQ, thay nhà nước Quốc Dân đảng ở Đài Bắc. HK cũng hứa giúp TQ phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật.

Ở đây Hoa Kỳ tạo « niềm tin chiến lược » đối với TQ qua việc « hy sinh » đồng minh Đài Loan, nhìn nhận chính quyền Bắc Kinh là đại diện chính thống và duy nhất TQ. HK rút khỏi VN, rảnh tay thi hành các kế hoạch « tài giảm vũ khí chiến lược » và củng cố hậu phương nhằm giảm đối phó với sự bành trướng của Liên Xô ở khắp các châu lục.

Từ năm 1972 đến 1979, có thể nói quan hệ Mỹ-Trung « ấm » lên. TQ không tham dự vào các kế hoạch (xuất khẩu cách mạng) khuynh đảo ở các nước đồng minh của Mỹ.

Năm 1979 là khúc quanh quan trọng khác trong quan hệ Trung-Mỹ. Do nhu cầu hiện đại hóa đất nước, Đặng Tiểu Bình nhận thức rằng nếu không có sự đồng thuận của Mỹ, TQ sẽ không bao giờ thực hiện được việc này. Họ Đặng xây dựng « niềm tin chiến lược » với Mỹ bằng cách « cho VN một bài học ». Hành động chiến tranh này là một khẳng định của TQ đối với liên minh Việt-Sô, là một bằng chứng cho Mỹ thấy từ nay TQ đứng hẵn về phía Mỹ.

Đặng Tiểu Bình thành công. Từ 1979 cho đến ít nhất đầu thập niên 90, quan hệ Trung-Mỹ hầu như là quan hệ đồng minh. Nhờ quan hệ này mà kinh tế TQ được vực dậy, đến hôm nay đứng hàng thứ hai thế giới, đồng thời là « chủ nợ » của HK. Nên nhắc lại, TQ chiếm các đảo TS của VN dưới sự « ngó lơ » của HK. Trong lúc các công ty khai thác dầu của HK được phép TQ khai thác trên thềm lục địa của VN (vùng bãi Tư Chính, tức Vạn An Bắc theo TQ) dưới sự đồng thuận ám thị của chính quyền HK.

Đó là sơ lược về quan hệ « chiến lược giai đoạn » giữa hai bên Trung và Mỹ. Việc « xây dựng niềm tin chiến lược » không hề là đầu môi chót lưỡi mà là những hy sinh lớn lao.

Phải chăng TT Nguyễn Tấn Dũng muốn lặp lại bài học về quan hệ giữa hai bên Trung-Mỹ để đi tìm một đồng minh chiến lược giai đoạn ?

VN có thể làm được điều gì để tạo dựng niềm tin ?

Không có gì, ngoài thay đổi chế độ chính trị để có ý thức hệ tương đồng.

3/ Quan hệ chiến lược bên lề : trường hợp Đài Loan.

Có thể xem lại bài viết ở đây.

Sau khi bị HK bỏ rơi, Đài Loan bị mất ghế đại diện tại LHQ. Mối lo ngại bị Lục địa « thống nhất đất nước » ám ảnh chính giới Dân Quốc. Việc này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào mà HK sẽ không can thiệp. Kiều dân Hoa sinh sống tại HK, rất đông đảo và giàu có, tụ họp với nhau lại bàn bạc tìm phương cách cứu vãn tình thế. Những người này làm « lobby » trong chính giới HK. Nhờ đó Thuợng viện HK thông qua một dự luật gọi là « Taiwan Relations Act », trong đó cho phép HK bán vũ khí sát thuơng để đảo quốc này có thể tự vệ.

Nhưng việc này không phải không có điều kiện. Chính quyền Dân quốc (Quốc dân đảng) phải hy sinh quyền lợi, dân chủ hóa chế độ, để tạo « niềm tin chiến lược » đối với HK.

VN hôm nay cũng muốn mua vũ khí sát thuơng của HK để tự vệ trước những gây hấn của TQ nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Nhưng VN có thể làm gì để HK chấp nhận việc này ?

Ta thấy, quan hệ Đài Loan và HK, nếu đảo quốc này trở về lục địa, eo biển Đài Loan sẽ trở thành « nội hải » của TQ. Đường thông thuơng từ Biển Đông lên Nhật, Đài Hàn bị cắt đứt. TQ có đường thông ra « biển lớn ». Chiến lũy be bờ của HK bị sụp đổ. Như thế Đài Loan có vị trí địa chiến lược quan trọng đối với HK.

VN có gì đem lại lợi ích cho HK, như là Đài Loan ?

Không có gì cả !

Nhưng dầu vậy, HK vẫn thích một VN tương đồng về chính trị, chống TQ, hơn là một VN ngả về TQ.
Do đó VN có thể tạo dựng « niềm tin chiến lược » với HK bằng phương cách mà Đài Loan đã làm : dân chủ hóa chế độ.

Ngoài ra không thấy phương cách nào khác.


Hay là thông điệp của TT Nguễn Tấn Dũng có hàm ý gì khác mà tác giả không giải mã được ?

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.