dimanche 20 avril 2014

Pháp quyền hay pháp trị ?

Thuật ngữ « Etat de droit » trong tiếng Pháp nguyên thủy bắt nguồn từ khái niệm  « Rechtsstaat », xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ 20 ở Đức, có ý nghĩa là một « hệ thống định chế (thiết lập quốc gia) mà trong đó mọi quyền lực đều phải tuân theo pháp luật ». Ta có một khái niệm tương đương (xuất hiện từ thế kỷ 17) « Rule of law » trong xã hội Anh-Mỹ.

Việt Nam trước sau có đến hai cụm từ « pháp quyền » và « pháp trị », là từ Hán-Việt, « nhà nước pháp quyền » hay « nhà nước pháp trị », để dịch thuật ngữ này.

Tại miền Nam trước 1975, cả hai thuật ngữ « pháp quyền » và « nhà nước pháp trị » đã được sử dụng với hai ý nghĩa luật học rất khác nhau. Các sách Luật, do các giáo sư thuộc Đại học Luật phiên dịch ra tiếng Việt, đều dịch « Etat de droit » là « nhà nước pháp trị. Còn « juridiction » các tự điển Pháp-Việt dịch « pháp quyền », tức quyền xét xử. (Các tự điển Pháp-Hoa trong cùng thời kỳ cũng đều dịch như vậy : juridiction - pháp quyền).

(Trường Luật ở miền Nam trước 75 nguyên thủy là trường « Cao đẳng Luật học » ở Hà Nội (do Pháp lập vào đầu thế kỷ 20). Trường này phụ thuộc vào trường Luật Paris. Sau 1954, Việt Nam chia đôi đất nước, trường « di cư » vào nam, độc lập với Paris, trở thành « Luật khoa đại học đường » trực thuộc Viện Đại Học Sài Gòn, với ba phân khoa chính là tư pháp, công pháp và kinh tế.)

Các tự điển Pháp Việt xuất bản sau này thì dịch « juridiction » là « quyền tài phán ».

Điều ghi nhận : chữ « quyền » ở các trường hợp trên là « droit, right », như « nhân quyền », « phụ nữ quyền »… chứ không phải là « quyền » của « quyền lực » (pouvoir, power). Cũng không phải là « luật » (loi, law) trong « hệ thống luật » (ở các định nghĩa về « pháp quyền » của các tự điển Việt Nam sau năm 1992).

Thuật ngữ « pháp trị » đã trở thành quen thuộc với giới luật gia và học giả miền Nam cho tới năm 1975. Một số tác giả hậu duệ, (kế thừa), hay xuất thân từ VNCH cũ vẫn còn thói quen sử dụng từ « nhà nước pháp trị » cho đến hôm nay.

Trong cùng thời gian, ở miền Bắc, phân khoa Luật bị « khai tử » trong danh sách các phân khoa đại học. Trường « Cao đẳng Luật học » đổi tên thành trường Chính trị xã hội. Nhưng một thời gian sau thì trường này cũng bị xóa sổ.

Không có một tài liệu nào cho thấy miền Bắc sử dụng từ « pháp quyền » hay một từ tương đương để dịch khái niệm về nhà nước gọi là « Etat de droit » hay « Rule of law ». Khái niệm này không hề có ở miền bắc Việt Nam. Điều này cũng đúng cho tất cả các nước thuộc khối cộng sản cũ.

Chỉ đến thập niên 90 từ ngữ « nhà nước pháp quyền » mới xuất hiện trong các bài viết chính trị. Nó chính thức được đưa vào bản Hiến pháp (sữa đổi) năm 2001.  

Câu hỏi đặt ra, dịch cách nào là đúng, nhà nước « pháp trị » hay nhà nước « pháp quyền » ?

Nhắc lại một số trường hợp khác biệt về nhận thức và diễn đạt của hai bên Nam và Bắc Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh : khi miền Nam gọi là lính « thủy quân lục chiến » thì miền Bắc gọi là « lính thủy đánh bộ », miền Nam gọi máy bay « trực thăng » thì miền Bắc « máy bay lên thẳng », miền Nam viết « phản ảnh » thì miền Bắc viết « phản ánh », miền Nam gọi là « nhà hộ sinh » thì miền Bắc gọi là « xưởng đẻ » v.v…
Ta thấy cách nói nào cũng đúng.

Nhưng ở trường hợp « pháp quyền » và « pháp trị » vấn đề hoàn toàn khác. Có hai lãnh vực cần xem xét.

1/ Vấn đề ngôn từ :

1.1 Cách dịch tương đương :

Nền văn minh Trung Hoa, (mà Việt Nam ảnh hưởng một cách sâu sắc), không hề có khái niệm về quyền lực quốc gia như là « hệ thống định chế mà trong đó mọi quyền lực quốc gia đều phải tuân theo pháp luật », theo như định nghĩa của « Rule of law  – Etat de droit ». Các dân tộc Trung Hoa và Việt Nam chưa từng có kinh nghiệm sống trong một xã hội dân chủ tự do (démocratie libérale) mà chỉ trong thể chế chính trị này « Etat de droit - Rule of law » mới có thể xây dựng.

Như vậy, ngôn ngữ Trung Hoa (Hán) và Việt không có từ ngữ nào tương đương để dịch « Rule of law  – Etat de droit ».

(Ta có trong ngôn ngữ Việt Nam những từ ngữ tương đương để dịch một số từ đặc biệt tiếng Pháp. Thí dụ « L’Académie française » thì dịch là « Pháp quốc Hàn lâm viện », còn gọi là « viện Hàn lâm Pháp ». « Hàn lâm » nghĩa nguyên tiếng Hán là « rừng bút », là tên một định chế học thuật VN thời xưa. Tương ứng với một định chế học thuật Pháp, có tên là (khu vườn Akadêmos ). « Académie » là một danh từ riêng, làm sao dịch nghĩa được ? TQ dịch là « Pháp quốc Học thuật viện »).

1.2 Cách dịch theo ngữ nghĩa :

Về thuật ngữ « Rule of law - Etat de droit », tự điển tiếng Hoa dịch là “pháp quy 法規” và “pháp trị 法治”.
Việt Nam hiện nay dịch « Rule of law - Etat de droit » là “pháp quyền”. Cả hai từ “pháp” và “quyền” đều có gốc Hán.

Mạnh Tử có nói: “Nam nữ thụ thụ bất thân, lễ dã, tẩu nịch viên chi dĩ thủ, quyền dã 男女授受不親, 禮也嫂溺援之以手,權也 ». Nam nữ trao và nhận không được trực tiếp gần gũi với nhau, đó là lễ; chị dâu bị đắm chìm đưa tay ra vớt, đó là “quyền”.

Chữ  “quyền” bắt nguồn từ “lễ” của Khổng giáo.

Chữ « quyền » trong tiếng Hán chỉ có một cách viết duy nhất, vừa chỉ cho quyền (droit, right) trong quyền lợi, hay quyền (pouvoir, power) trong quyền lực, hay luật (loi, law) trong « hệ thống luật ». Các chữ “quyền” trong quyền lực, chính quyền, nhân quyền, tam quyền phân lập… đều có cùng một cách viết.

Như thế dùng chữ “quyền”, với đặc tính “lễ” (nhân trị), để dịch một thuật ngữ liên quan đến “pháp lý” (pháp trị), « Rule of law - Etat de droit », là không chính xác.

Chủ trương của Khổng giáo là “nhân trị” và “đức trị” chứ không là pháp trị.

Như thế, dịch chính xác theo ngữ nghĩa thì « Rule of law - Etat de droit » phải dịch là nhà nước “pháp trị” chứ không thể là nhà nước “pháp quyền”.

Cũng có giải thích cho rằng dùng từ “pháp quyền” vì Trung Hoa thời thuợng cổ đã có quan niệm về “pháp trị”. Thật vậy, phái “Pháp gia” phản biện chủ trương “nhân trị” của Khổng, đưa ra thuyết “pháp trị”, lấy luật pháp để cai trị. Nhưng “pháp trị” ở đây là pháp luật để cho ông vua sử dụng để cai trị người dân. Tức pháp luật là công cụ của người lãnh đạo. Người lãnh đạo là luật, còn không thì ở trên luật. Đây là chế độ “dụng pháp trị” “rule by law”. Trong khi đặc điểm của một nhà nước pháp trị là luật pháp phải độc lập với chính quyền và tất cả mọi người, kể cả người lãnh đạo, đều ở dưới và chịu sự chi phối của pháp luật.

2/ Vấn đề áp dụng “pháp quyền” hay “pháp trị” trong nhà nước.

Nếu ta xét đến hiến pháp của các nước dân chủ tiêu biểu như Mỹ, Pháp, Đức… ta không hề thấy qui định nhà nước phải theo một thể chế chính trị nào cả mà chỉ ghi là phải tôn trọng ý nguyện của người dân. Cũng không thấy ghi là “nhà nước pháp trị” hay “nhà nước pháp quyền”, mà chỉ qui định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Các điều này không hề thấy ở các chế độ độc tài.

Như đã viết trên, các quốc gia xây dựng nhà nước trên nền tảng lý thuyết Mác-Lê không hề có khái niệm về một nhà nước pháp trị. Chỉ sau khi khối XHCN sụp đổ, các nước như Trung Quốc và Việt Nam bắt đầu bàn về một « Rule of law - Etat de droit ». Điều này cần thiết vì lãnh đạo tại đây thấy cần thiết phải gia nhập “sân chơi” WTO để phát triển đất nước. Mà điều kiện tiên quyết để gia nhập WTO là quốc gia phải có một hệ thống pháp lý minh bạch, tức phải có một “nhà nước pháp trị”.

Đại hội đảng CSTQ năm 1997 quyết định xây dựng một “nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa” do Giang Trạch Dân chủ xướng. Ông này chủ trương “dĩ pháp trị quốc 以法治国 », “kiến thiết xã hội chủ nghĩa pháp trị quốc gia 建设社会主义法国家 » (hiểu theo tiếng Việt là xây dựng nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa).  Ta cũng thấy các thuật ngữ khác như “pháp trị văn học”, “pháp trị hóa”… Đến thời Hồ Cẩm Đào, ông này chủ trương “Xã hội hài hòa”, nhưng không đi ra ngoài tư tưởng “nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa” :  “hài hòa xã hội tựu thị pháp trị xã hội  社会就是社会法治 », tức là “xã hội hài hòa tức là xã hội pháp trị”.
Điều 5 Hiến pháp TQ (tháng 3-1999) qui định “nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cố gắng lèo lái đất nước phù hợp với pháp luật đồng thời xây dựng một nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa”.

Từ những hứa hẹn này Trung Quốc được chấp thuận gia nhập vào WTO 11-12-2001.

Còn VN, từ lâu lãnh đạo CSVN nhất cử nhất động đều “nhái” theo đàn anh TQ. Khi TQ ra khái niệm “kinh tế xã hội chủ nghĩa thị trường” hoặc chủ trương “xã hội chủ nghĩa theo màu sắc TQ” thì VN cũng bắt chước y như vậy. Có điều VN đổi chữ một chút để trở thành “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN”. Vần đề là nội hàm hai khái niệm này giống nhau như đúc.

Vì thế, khi TQ đưa ra khái niệm “nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa“ thì VN không thể không nhái theo.
Thay đổi một chút, Việt Nam chính thức sử dụng cụm từ “pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, theo điều 2 Hiến pháp (sửa chữa) 2001.

Dầu vậy việc này vẫn không giúp VN sớm gia nhập WTO. Có lẽ là do “nhập nhằng” ngôn từ hơn là thực chất trọng pháp theo đòi hỏi của tổ chức này. Bởi vì, thực chất, cái gọi là “nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa“ ở TQ và “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa“ ở VN đều có chung một bản chất : dụng pháp trị (rule by law). Tức là giai cấp lãnh đạo đứng trên, hay đứng ngoài pháp luật, đồng thời pháp luật chỉ là công cụ để bảo vệ chế độ.

3/ Kết luận:

Thực ra dịch thế nào không quan hệ, cái bình nếu có tròn hay méo thế nào thì đâu đáng quan tâm? Điều quan trọng là rượu đựng trong đó ngon hay dở ? “Lính thủy đánh bộ” thì có khác gì “thủy quân lục chiến” ?

Cách dịch của các học giả XHCN về “nhà nước pháp quyền” thay vì “nhà nước pháp trị” cũng chỉ là thói quen bắt chước, nhưng cố làm làm cho khác người. Tiếc là việc “làm khác người” kỳ này không dễ dàng như cái “xưởng đẻ”.

Các từ ngữ “xưởng đẻ”, “lính thủy đánh bộ” v.v… lần hồi được thay thế bằng những từ hoa mỹ hơn. Thì mình cũng hy vọng nay mai “pháp quyền” cũng sẽ đổi thành “pháp trị”. Vấn đề là các học giả VN có nhận thức được hay không ?


Một vài thí dụ về để vấn đề rõ ràng hơn : Người ta nói « nhà nước công an trị », « nhà nước độc tài đảng trị », « nhà nước độc tài gia đình trị »…. Chứ không ai gọi « nhà nước công an quyền », « nhà nước độc tài đảng quyền », « nhà nước độc tài gia đình quyền » … Vì vậy, khi một nhà nước xây dựng lên bằng một hệ thống định chế pháp lý, mọi quyền lực trong quốc gia đều chịu kiểm soát của luật pháp, thì nhà nước đó phải gọi là « nhà nước pháp trị » chứ không thể gọi khác.

Ta cũng không thể đánh tráo khái niệm « quyền » trong « pháp quyền » với các mô thức quyền lực đã được thành hình trong lịch sử tổ chức xã hội của con người. Như « thần quyền » (quyền lực thuộc về « đấng thần linh tối cao »), « thế quyền »  (quyền lực tập trung vào một người, hay một tập thể con người) hoặc phong kiến đế quyền (quyền lực tập trung vào tay ông vua). Khi nói về « Etat de droit – Rule of law » là ta nói trên căn bản một nền cộng hòa, quyền lực quốc gia thuộc về người dân. (Dĩ nhiên, trường hợp ngoại lệ, Anh Quốc, với nền quân chủ đại nghị). Ở đây quyền lực bị "pháp luật" giới hạn, kiểm soát, chứ không phải (và không bao giờ) quyền lực tập trung vào "pháp luật", như vào tay ông vua (đế quyền) hay vào đấng thần linh tối cao nào đó (thần quyền). 

Trong khi chờ đợi một sự thống nhất về cách dùng từ, thiển nghĩ nên thêm “dân chủ” ở phía trước “pháp trị”, thí dụ: “ở các nước dân chủ pháp trị…” để tránh những ngộ nhận có thể.



Ghi chú: Các từ Hán Việt trong bài được kiểm chứng, cũng như chữ "quyền" thì lấy nguồn từ đây: http://hanviet.org/


mardi 15 avril 2014

Văn hóa thịt chó.

Con người thời ăn lông ở lỗ không khác con thú, có cái gì ăn cái nấy, tranh dành, chém giết nhau để có lấy cái ăn. Ăn để sống. Bản năng sinh tồn hướng dẫn hành động. Con chó là món ăn, cũng như con mèo, con chim, con chuột…. Không có tình nghĩa gì giữa con người với món ăn chui vào bụng, bất kể con đó là con gì…

Nước Pháp, đến giữa thế kỷ thứ 19, vẫn còn những cửa hàng bán thịt chó. Ở Đức, cửa hàng bán thịt chó cuối cùng chỉ đóng cửa vào năm 1940. Tức là, dân Châu Âu cũng ăn thịt chó (như dân Việt Nam và các giống dân khác trên thế giới).

Trong khi những người theo Hồi giáo không ăn thịt heo, cũng không ăn thịt chó. Kinh Coran cấm ăn thịt những con thú « có răng nhọn như răng chó » (và con thú hạ đẳng là con heo).  

Người Ấn Độ không ăn thị bò. Đạo Ấn xem con bò là con thú thiêng liêng, là « mẹ » của trái đất.

Người theo đạo Hồi, hay người theo đạo Ấn, kiêng ăn heo, ăn bò… là vì lý do « tôn giáo ». Không ăn heo vì họ quan niệm con heo là con vật « đê tiện, hạ đẳng ». Không ăn bò vì quan niệm con bò là « mẹ ». (Ai lại đi ăn thịt « mẹ » mình bao giờ ?)

Việc kiêng ăn bò, heo là một quan niệm riêng biệt về đạo đức. Trên thế giới, đa số con người đều ăn thịt heo và thịt bò. Không ăn thịt heo, thịt bò như vậy là một ngoại lệ về văn hóa.  

Do tôn trọng nét đặc thù văn hóa, không ai du lịch đến các nước Hồi giáo lại gọi món thịt heo trong các nhà hàng. Tương tự, cũng không ai đi Ấn Độ mà đòi ăn thịt bò.

Ở Pháp, nói riêng, và Châu Âu nói chung, không có điều luật nào cấm ăn thịt chó mà chỉ có các điều luật « cấm hành hạ súc vật ». Sắc lệnh 2004-416 cho biết qui phạm, điều lệ phải tôn trọng cho những người muốn nuôi chó, mèo…

Tức là, trên lý thuyết, người Châu Âu, nếu muốn, họ vẫn có quyền ăn (và bán) thịt chó. Điều khó khăn là người ta không có quyền giết chó, mà chỉ có thể làm thịt con chó (của mình) khi nó già và chết.

Việc bán thịt chó cũng vậy. Người ta không cấm bán, mà chỉ yêu cầu ghi rõ nguồn gốc thịt đó là thịt gì ? xuất xứ từ đâu ?

Vấn đề là khi con người khi văn minh hơn, biết được mối giềng đạo đức, biết điều luân lý, biết phân biệt đúng sai, phải quấy, điều nhân việc nghĩa… thì không ai ăn thịt chó. Đơn giản vì con chó là con vật có nghĩa, trung thành, sống chết với chủ. Con chó trở thành bạn với con người. Không ai giết bạn mình để ăn thịt bao giờ. Đây là một vấn đề thuộc phạm trù « đạo đức » xã hội.

Khi không còn ai ăn thịt chó, ra luật cấm để làm gì khi không còn ai phạm luật ? Luật ở đây là cấm việc hành hạ thú vật.

Bên Trung Quốc, từ những năm 2000 đã có những nghiên cứu (của nhà nước) khuyến cáo việc cấm giết và bán thịt chó. Lý do nhằm bảo vệ hình ảnh của nước Trung Hoa trên thế giới. Năm 2004 TQ đã có dự án về Luật cấm giết và ăn thịt chó. Mức phạt có thể lên tới 5.000 Nguyên.

Không thể biện hộ rằng « thịt nào thì không là thịt », để so sánh việc ăn thịt chó với việc kiêng ăn thịt heo, thịt bò.

Có hiện hữu một ngoại lệ về văn hóa (tín ngưỡng), người ta cần tôn trọng, như không ăn thịt heo khi đến các nước Hồi giáo, hay không ăn thịt bò khi đi Ấn Độ (cũng như không ai « ăn mặn » khi vào chùa). Tôn trọng nét đặc thù văn hóa của một dân tộc khác là sự tự trọng, là thái độ của một người văn minh, có học, chứ không phải là một điều bắt buộc.

Trong khi việc ăn thịt chó ở Việt Nam không phải là một ngoại lệ văn hóa. Ngày xưa, chỉ người nghèo lắm, không có thịt để ăn, người ta mới ăn thịt chó.

Không thể lấy việc « ăn thịt chó » của một nhóm người để làm một « tiêu chuẩn chung », cho là « truyền thống » của cả dân tộc. Nhất là cái « truyền thống » này có thể ảnh hưởng đến thanh danh (và kinh tế) cho cả nước.

Nam Hàn, một số dân ở đây cũng có thói quen ăn thịt chó. Nhưng trước sự chỉ trích của dư luận thế giới, nhà nước Nam Hàn đã có những luật lệ về việc tiêu thụ thịt chó, (như buộc phải nuôi chó riêng để hạ thịt), hầu làm giảm bớt tính « tàn nhẫn » trong việc giết chó.

Dĩ nhiên lãnh đạo TQ và Nam Hàn rất sợ việc hàng hóa của họ bị tẩy chay vì các lobby bảo vệ súc vật. 

Cách đây không lâu, các hội bảo vệ súc vật đã vận động việc cấm giết thú lấy lông (làm áo). Việc này thành công, các tài tử, người mẫu danh tiếng đều ủng hộ, không những không còn ai mặc áo lông, mà việc bán áo lông cũng trở thành khó khăn trong các của hàng. Các của hàng bán áo lông bị tẩy chay, phá sản. Các hãng lớn phải thay đổi chính sách (không sử dụng lông thú nữa) trong việc sản xuất áo lạnh.

Các nước Trung Quốc, Nam Hàn… có "truyền thống" ăn thịt chó đấy chứ. Nhưng họ sẵn sàng hy sinh "truyền thống" này, vì tai tiếng là một lẽ, mà vì kinh tế lẽ khác.

Từ lâu Việt Nam đã bị cô lập trên thế giới. Việc hội nhập đòi hỏi VN phải phục tùng nhiều khuông thuớc, luật lệ về kinh tế, hoặc những giá trị phổ cập về nhân quyền. Rồi còn sẽ có vấn đề bảo vệ súc vật. Ta thấy hình ảnh của các vị nguyên thủ quốc gia Mỹ, Nga, các nước Châu Âu… khi công bố trước công chúng, họ thường đứng chung với con thú yêu thuơng của họ là con chó, con mèo…

Yêu thuơng thú vật, thân cận với thú vật lần hồi trở thành một chuẩn mực chung của nhân loại.

Hình ảnh của người VN bấy lâu nay đã bị thuơng tổn, nhất là ở các nước chung quanh. Nạn ăn cắp, nạn trồng cần sa, nạn mãi dâm, nạn chen lấn, nạn khạc nhổ, nạn ồn ào… đã làm cho thể diện của dân tộc này không còn gì ! Đi tới đâu ăn cắp tới đó. Tầng lớp nào cũng ăn cắp. Cho đến Kampuchia cũng trương bảng viết bằng chữ VN kêu gọi đề phòng ăn cắp, chứ đừng nói tới Thái Lan, Mã Lai, Singapour, Nhật… Họ viết bằng chữ VN chắc không phải là để cho dân của họ đọc rồi ! Ở các nước Châu Âu, như Anh, Đức, các nước Đông Âu… người Việt đã soán ngôi băng đảng mafia địa phương về nạn trồng cần sa. Đỉ điếm Việt Nam đã tràn đầy vỉa hè Mã Lai, Singapour… Cái xấu kể ra không hết !

Lại thêm nạn ăn thịt chó. Một năm người VN ăn 5 triệu con chó (và uống 3 tỉ lít bia) ! Đây là con số kinh khủng. Tác hại tâm lý cũng kinh khủng, không phải là « bom tấn », mà là bom nguyên tử !

Tiếp tục đà này VN không chỉ sẽ bị gạt ra ngoài của dòng tiến hóa chung của nhân loại, mà còn bị xem là « cặn bã » dưới mắt các dân tộc láng giềng.

Theo tôi, vì quyền lợi chung của số đông (và tất cả), nhà nước cần phải có một bộ luật để điều hòa việc giết và ăn thịt chó. Nếu nhà nước không cấm được nạn ăn cắp, mãi dâm, khạc nhổ, chen lấn… thì có thể « luật hóa » việc giết và ăn thịt chó. Các nước TQ và Nam Hàn làm được, thì VN làm được.  


vendredi 4 avril 2014

Nói về lòng yêu nước chân chính.


Viết cho thầy giáo Đinh Đăng Định. Một người vừa hy sinh cho đất nước.

Đất nước Việt Nam nghèo, người dân Việt Nam mang đủ chứng hư tật xấu, có thể là do người Việt mình có một số ngộ nhận về « lòng yêu nước ».

Thế nào là yêu nước ?

Phải chăng yêu nước là việc hy sinh không ngần ngại, mọi thứ, có thể là cả cuộc đời mình, cho « đất nước » ?
 
Hay yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa ?

Hay « yêu nước » là làm mọi cách để đất nước mình giàu hơn, tốt đẹp hơn ?

Nếu không lầm, từ bao nhiêu đời nay, người dân Việt Nam chỉ biết « yêu nước », giữ nước theo lối thứ nhất, « đồng lòng cùng đi hy sinh thiết gì thân sống… », « đường vinh quang xây xác quân thù » để « nước non Việt Nam ta vững bền »…

Cũng như phần lớn các dân tộc Châu Á, quan niệm về « quốc gia » hiện đại đến với người Việt rất trễ, chỉ sau Thế chiến II. Trước đó đất nước là của giòng họ ông vua, là của triều đình… mà thân phận người dân trong đất nước, xã hội đó chỉ là « con dân cái kiến ».

Là con kiến, dĩ nhiên không có quyền lợi, mà chỉ có nghĩa vụ (hơi bị nhiều !) Con trai thì phải « trung hiếu làm đầu », con gái thì phải « tiết hạnh ». Trung ở đây là « trung » với ông vua, « tôi trung không thờ hai chúa ». Chết thì chịu chết chứ không thể hai lòng. Thuớc tấc đo lòng « trung » là « quân xử thần tử thần bất tử bất trung ». Vua bắt chết thì phải « đi chết », không chết là không trung thành. Còn thân phận phụ nữ trong xã hội này chỉ là cái bóng của người đàn ông. Con kiến đã không ra gì, làm cái bóng của con kiến thì còn nói được điều chi ?

Yêu nước trong thời kỳ này đồng nghĩa với lòng trung thành với ông vua. Giữ nước trong chừng mực là bảo vệ quyền lợi cho ông vua.

Chế độ vương quyền sụp đổ. Chế độ cộng sản lên thay thế. Quan niệm mới mẻ về đất nước, về lòng « yêu nước » xuất hiện.

Đất nước bây giờ thuộc về toàn dân nhưng yêu nước là « yêu xã hội chủ nghĩa ».

Nhưng người ta có thể yêu thuơng, chăm sóc mảnh vườn, thửa ruộng của mình, chứ làm gì có thể yêu thuơng cái gọi là « xã hội chủ nghĩa » ?

Xã hội chủ nghĩa là một cái gì đó mơ hồ, nếu không nói là không hiện hữu.

Khi nói « Yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa », lòng yêu nước này dĩ nhiên cũng mơ hồ, không đo lường được.

Lòng yêu nước được lý thuyết Mác-Lê nhập nhằng với lòng căm thù. Lòng yêu nước mơ hồ quá, không dễ khích động. Và lòng căm thù rất dễ kích động : căm thù giai cấp, căm thù giặc Mỹ, căm thù trí phú địa hào, đấu tố thành phần phản động.

Yêu nước không mấy chốc được đánh tráo bằng lòng căm thù.

Quan niệm về « trung thành » được thay thế bằng « giác ngộ cách mạng ». Đối nghịch với « trung thành » là « phản động », là « thế lực thù địch ».

Xưa kia đất nước thuộc sở hữu của giòng họ, nay thuộc về « đảng ».

Thân phận người dân trong chế độ này cũng vẫn là « cái kiến », không có quyền hạn gì, chỉ có nghĩa vụ, như trong chế độ vương quyền.

Trong số những người cầm súng lên đường « giải phóng miền Nam », có bao nhiêu người lên đường vì « lòng yêu nước » ? Bao nhiêu người lên đường vì lòng căm thù đế quốc Mỹ tàn ác ? Có bao nhiêu người bị « cưỡng ép » yêu nước lên đường ?

Như sợ lòng căm thù chưa đủ lửa, chủ nghĩa thi đua, chủ nghĩa anh hùng xuất hiện để chế dầu thêm. Tình yêu luôn có giới hạn, mà lòng căm thù thì không có bến bờ. Lửa tình cháy rồi thì tắt. Lửa thù cháy mãi, từ đời con đến đời cháu, chưa rửa thù là chưa nguôi ngoai. (Nếu tình yêu không bến bờ thì con người đâu cần đến Phật, Chúa… dạy yêu thuơng ?)

Ai cũng cũng sẵn sàng chứng minh lòng « yêu nước » của mình, làm « dũng sĩ giết giặc », thể hiện qua việc liều lĩnh dám hy sinh đến cái cuối cùng. 

Những thứ này chỉ thể hiện lòng « căm thù » tiềm ẩn trong mọi con người, chứ không thể hiện lòng yêu nước. Đâu có ai chết vì xã hội chủ nghĩa, một thứ chưa ai thấy, phải không ?

Hòa bình vãn hồi, người lãnh đạo CSVN cũng hô hào « lòng yêu nước » để « xây dựng đất nước ». Dĩ nhiên cũng bằng khẩu hiệu « yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa » !

Nhưng người ta đâu thể nào xây dựng đất nước với sự thi đua, chủ nghĩa anh hùng, bằng lòng can đảm, bằng sự hy sinh vô bờ bến của người dân, cho một cái gì đó chưa chắc có thật (xã hội chủ nghĩa) ?

Đất nước chỉ có thể xây dựng bằng tình yêu thuơng nồng nhiệt chứ không thể bằng quán tính căm thù đã lưu cửu từ nhiều thế hệ.

Tình yêu là xây dựng. Căm thù là đập phá.

Đáng lẽ, tình yêu nước phải được đơn giản hóa, như là tình yêu gia đình, con cái, chồng vợ… Ai không muốn con cái mình học hành giỏi giang hơn người ? Ai không muốn gia đình, giòng họ mình giàu có hơn người ? 

Người cha, người mẹ có thể hy sinh cả đời mình cho tương lai hạnh phúc của con cái. Người cha, người mẹ này chưa chắc đã yêu nước (là yêu xã hội chủ nghĩa) !

Nếu không bị chi phối vì chủ nghĩa, việc yêu nước sẽ rất đơn giản : làm thế nào cho đất nước giàu hơn, đẹp hơn.

Làm thế nào để đất nước giàu đẹp ? Nếu dễ dàng thì chắc không có nước nào nghèo trên trái đất này phải không ?

Điều dễ dàng, ai cũng làm được, là đừng làm cho đất nước xấu thêm.

Người ta gặp một nước Việt xấu xa, thể hiện qua các tấm bảng đặc biệt viết bằng tiếng Việt, trong các trung tâm thuơng mại nước ngoài, cảnh cáo người Việt ăn cắp.

Một nước Việt ăn cắp, xấu xa thể hiện qua việc ăn cắp của lãnh đạo, của thành phần trung lưu, thuợng lưu, trí thức. Vụ tiếp viên, phi công VN ăn cắp rùm beng trên báo chí nước ngoài. Lãnh đạo VN ăn cắp (tham nhũng không phải là ăn cắp của dân thì là gì ?) cũng rùm beng trên báo chí nước ngoài.

Một nước Việt bất lực, được nuôi dưỡng bằng « trôn » con gái trầm luân xứ người… bằng những giọt mồ hôi nhọc nhằn của những con người « xuất khẩu lao động »… mà thực ra là nô lệ thời mới.

Một đất nước không thể đẹp khi một năm đàn ông Việt Nam nhậu 3 tỉ lít bia và 5 triệu con chó. (Trong khi rượu chắc chắn đem lại hệ quả bệnh tật cho người uống, tức đem lại gánh nặng về an sinh xã hội cho thế hệ tương lai.)

Đất nước ngày càng « xấu » thêm. Xấu hổ đối với người nước ngoài, xấu xa do cảnh vật tàn phá bởi bàn tay con người, do chính sách khai thác khoáng sản bừa bãi của nhà nước.

Ta không thể làm đất nước giàu đẹp hơn, vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng ta có thể làm cho đất nước không xấu hơn. Đó cũng là yêu nước.

Vấn đề là trách nhiệm của lãnh đạo, của trí thức.

Nhà trí thức, nhà giáo Đinh Đăng Định đơn thuơng độc mã, dám ngăn cản những hành vi phá nước của lãnh đạo (chủ trương cho Trung Quốc khai thác Bô Xít). Đó là gì nếu không phải là hành vi yêu nước chân chánh ?

Giữ đất nước tươi đẹp, không bị tàn phá là yêu nước.

Hy sinh như vậy mới đáng hy sinh. Lịch sử sau này phán xét.