vendredi 27 juin 2014

« Thoát Trung ».

Thế nào là « thoát Trung » ? Nếu là để thoát khỏi « ảnh hưởng » của Trung Quốc thì, theo tôi, không hẳn chỉ là các vấn đề thuộc về văn hóa hay kinh tế như nhiều học giả VN đã và đang bàn luận.

Thử lấy thí dụ Nhật Bản và Đại Hàn. Văn hóa (nếu không nói là văn minh) của hai nước này, trên nhiều mặt của xã hội hiện nay vẫn thể hiện sâu đậm màu sắc của văn hóa Khổng giáo. Thử xem một vài phim tình cảm xã hội của Đại Hàn hay Nhật sản xuất. Ta thấy sao mà quen thuộc quá. Nếu bỏ qua những đường nét, khung cảnh hiện đại của những thành phố tiên tiến trong một quốc gia phát triển, thì ta tưởng đó là phim xã hội VN. Khung cảnh trong gia đình của một người Đài Loan, Đại Hàn, thậm chí Nhật, đều giống nhau, như Việt Nam. Đó là mô hình của một xã hội ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Khổng Mạnh.

Câu hỏi đặt ra, nếp sống gia đình (ảnh hưởng văn hóa Khổng Mạnh) ở Nhật, ở Hàn quốc đó, (đã giảm bớt nồng độ cực đoan Khổng giáo và pha lẫn nét bao dung của Tây phương), thì có tốt hơn nếp sống gia đình ở VN hay TQ hiện nay, ảnh hưởng chủ thuyết duy vật của Mác (và Lê Nin) hay không ?  

Trên phương diện chữ viết, cũng như VN trước thời Pháp thuộc, các nước Nhật, Hàn đến hôm nay cũng vẫn giữ nguyên tắc cơ bản chữ Hán. Một số học giả VN tỏ ý than phiền vì ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Hán, nhất là chữ viết, do đó có khuynh hướng « Việt hóa » các từ Hán Việt.

Theo tôi, việc sử dụng từ gốc Hán không có gì phải mặc cảm. Người Nhật, người Hàn... xem ra còn lệ thuộc vào chữ Hán còn hơn VN. Bên Châu Âu cũng vậy, chữ viết các xứ này đều bắt nguồn từ Latin, Grec... Những từ khoa học các nước  Âu Mỹ hầu hết đều có gốc Latin hay Grec. Các nước này đâu thấy ai lên tiếng than phiền là lệ thuộc, tỏ ý muốn « thoát Trung » hay « thoát Grec (hay Latin) » đâu ? Lệ thuộc hay không là do mình. Ta thấy một lượng lớn từ ngữ chuyên môn (học thuật hay khoa học) Hán Việt bắt nguồn từ Nhật, do các học giả Nhật phát minh ra. Chỉ số chất lượng về đời sống, về văn hóa, về kinh tế... trên mỗi con người của Nhật, Hàn hơn xa Trung quốc. Trong khi thành quả các tiến bộ về văn hóa, khoa học, kỹ thuật... Trung Quốc cũng bị các nước Nhật, Hàn... đã bỏ xa hàng vài thập niên. Như thế, ta thấy việc ảnh hưởng văn hóa Hán (chữ viết) không hề ảnh hưởng lên việc phát triển quốc gia.

Về kinh tế cũng vậy, sự liên thuộc về kinh tế giữa hai nước Nhật và Hàn với Trung Quốc không chừng còn quan trọng hơn quan hệ giữa TQ với Hoa Kỳ và UE cộng lại. Trong các quan hệ này, ta dùng từ « liên thuộc » chứ không phải « lệ thuộc ». Nếu chỉ tính từ thập niên 80, TQ luôn nhập siêu từ Hàn quốc và Nhật. TQ cần các mặt hàng có tính khoa học kỹ thuật cao của hai nước này để phát triển đất nước. Trong khi Nhật và Đại Hàn cũng cần đến TQ để phát triển kinh tế. Cho dầu Nhật và TQ có những mâu thuẫn sâu sắc về chủ quyền quần đảo Senkaku (Điếu Ngư), nhưng TQ chưa hề dám đe dọa dùng vũ khí kinh tế đối với Nhật.

Như vậy, dựa trên hai yếu tố văn hóa và kinh tế để « thoát Trung », (như các học giả VN đã và đang hô hào) rõ ràng Nhật và Đại Hàn đang có khuynh hướng ngược lại : « nhập Trung » thay vì « thoát Trung ».
Nhưng quan hệ kinh tế hai bên Việt-Trung, số kim ngạch trao đổi hai bên cán cân luôn thặng dư về phía TQ. Việc thâm thủng này vẫn nhỏ, không đáng kể. Điều quan trọng là quan hệ kinh tế giữa VN và TQ, trong chừng mực, là quan hệ « thực dân – thuộc địa về kinh tế ». Nếu đọc lại các bản tuyên bố chung của hai bên được công bố gần đây, ta thấy VN đã nhượng cho TQ quá nhiều đặc quyền, đến đỗi các việc này có thể đe dọa nền độc lập của quốc gia. Không nói quá, mọi huyết mạch của kinh tế VN hiện nay đều do TQ kiểm soát.

Điều này đến từ các quyết định chính trị chứ không phải là những lựa chọn bắt buộc. Tức là VN vẫn có thể thoát khỏi tình trạng lệ thuộc kinh tế nếu lãnh đạo có can đảm về chính trị.

Vì vậy, theo tôi, thoát Trung hay không là một vấn đề  « chiến lược » chứ không hẵn là kinh tế hay văn hóa.
Một lý do thường thấy nhiều người VN nại ra, ngại khi quay lưng lại với Trung quốc, là « nước xa không cứu được lửa gần ».

Ta thấy các nước như Nhật, Đại Hàn, Thái Lan, Phi… (nếu không nói Đài Loan) đều ở kế « vách » với TQ, nhưng họ đâu sợ TQ. Các nước này, phần lớn, là các nước dân chủ, thịnh vượng.

Để xóa bỏ nỗi ám ảnh (chính đáng) « nước xa không cứu được lửa gần » của một số người VN hiện nay, ta cần nhắc lại một số điều cơ bản của các lý thuyết về địa chiến lược (mà lãnh đạo TQ bị ảnh hưởng).

Theo tôi, lý thuyết « Địa Chiến lược – Không gian sinh tồn » của Friedrich Ratzel (xuất bản năm 1902) có ảnh hưởng sâu sắc lên các lớp lãnh đạo (then chốt) của TQ, làm thay đổi bộ mặt của nước này, đó là : Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Bảy định luật của thuyết này là :

1. Không gian (sinh tồn) của một dân tộc được mở rộng đồng thời với văn minh của dân tộc đó. Một dân tộc có nền văn minh tiến bộ sẽ đồng hóa các dân tộc kém văn minh hơn.

2. Lãnh thổ quốc gia sẽ phát triển theo tỉ lệ thuận với sức mạnh kinh tế và đội ngũ thương buôn của quốc gia cũng như chủ thuyết phát triển quốc gia. Việc bành trướng vì thế chỉ tùy thuộc vào ý chí và phương tiện.

3. Việc bành trướng của cường quốc được thực hiện qua phương cách « hấp thụ và tiêu hóa » các nước nhỏ.

4. Đường biên giới quốc gia không xác định (biên giới linh động - frontière vivante). Biên giới xác định chỉ có giá trị tạm thời, chỉ để đánh dấu giữa hai giai đoạn bành trướng.

5. Trong quá trình bành trướng, lãnh thổ (bây giờ là biển) là mục tiêu chiếm hữu.

6. Các quốc gia yếu kém ở kế cận là mục tiêu bành trướng. Sự bành trướng của cường quốc không thể tiến triển nếu quốc gia lân bang cũng là cường quốc.

7. Hiện tượng bành trướng có khuynh hướng lan rộng do việc tranh dành lãnh thổ của các quốc gia.

Bảy định luật của Ratzel đã hoàn toàn chứng nghiệm cho dân tộc Hán từ lập quốc đến ngày hôm nay.

Định luật 1 : Nền văn minh Hán Tộc đã đồng hóa tất cả các dân tộc khác, kể các các dân tộc dũng mãnh đã chiếm hữu và trị vì Trung Quốc. Lúc đầu lập quốc, dân tộc Hán chỉ có một vùng đất nhỏ, nhưng sau đó bành trướng ra, đồng hóa các dân tộc chung quanh. Văn hóa các dân tộc Mãn Châu, Mông Cổ, Liêu, Kim… đã không còn dấu vết ở Trung Quốc.

Định luật 2 : Hiện đang thích ứng cho tình trạng TQ hiện nay. Sự vượt trội về kinh tế, cho phép nước này hiện đại hóa quân đội. Những đòi hỏi của TQ ở biển Đông hay với Nhật qua tranh chấp Senkaku, cho thấy ý chí của nước này.

Định luật 3 : Định luật này cùng với định luật 1 đã được dân tộc Hán áp dụng từ thời mới lập quốc và còn đang tiếp tục cho đến hôm nay. Dân tộc Hán luôn bành trướng và tiêu diệt (hay Hán hóa) tất cả các dân tộc khác. Hiện nay việc đồng hóa đang được thực hiện ráo riết tại Tây Tạng.

Định luật 5 cho thấy vẫn chưa lỗi thời, TQ đặt ra mục tiêu chinh phục Biển Đông (Hoàng Sa và Trường Sa) đồng thời dành lại quần đảo Điếu Ngư (Senkaku). Nhưng định luật này cần cập nhật thêm vì chủ đích của việc chinh phục sẽ là vùng biển, là tài nguyên chứa đựng trong đó.

Định luật 6 phản ảnh rõ rệt thái độ bành trướng của Trung Quốc ngày hôm nay : VN và Phi, hai nước yếu, nằm trong tầm nhắm của TQ. Trung Quốc không bao giờ muốn thấy một Việt Nam giàu mạnh. Một nước Việt Nam giàu, mạnh sẽ ngăn cản sức bành trướng của Trung Quốc. Vì vậy về kinh tế, ta thấy VN hiện nay rất phụ thuộc vào TQ. Đó cũng là cách áp dụng uyển chuyển của lý thuyết « không gian sinh tồn », biến VN thành một chư hầu kinh tế.

Từ định luật 6, ta thấy cuộc chiến giữa TQ và Nhật chắn chắn sẽ xảy ra. TQ không thể trở thành đại cường nếu có nước Nhật mạnh ở kế bên (và ngược lại).

Định luật 7 cho thấy có nhiều điều cần điều chỉnh lại. Đất đai không còn là mục tiêu tranh chấp mà là việc tranh dành vùng biển, tranh dành thị trường, vùng ảnh hưởng. Ngoài ra là những xung đột giữa các nền văn minh (Thiên chúa - Hồi giáo) như hiện nay (theo thuyết của Samuel P. Huntington).

Theo tôi, quan trọng nhất trong các định luật trên là định luật 6. « Thoát Trung », đồng nghĩa với thoát nghèo, thoát u mê tăm tối, mục đích của TQ đặt ra cho VN.   Thoát ra khỏi cạm bẫy này thành công hay không là do lãnh đạo VN có bản lĩnh và tầm nhìn hay không.

Ta thấy định luật 6 chứng nghiệm cho các nước Nam Mỹ. Do gần với nước Mỹ, vì lý do « sinh tồn » của nước Mỹ, các nước này phải là là những nước nghèo (hay chỉ mới phát triển). (Ngoại trừ Canada, vì có cùng văn hóa và lý tưởng với Mỹ). Trong khi những nước Nhật, Đại Hàn, Đài loan... là những nước kế cận TQ, mà TQ là địch thủ tiềm tàng của Mỹ, do đó bằng mọi cách Mỹ phải giúp các nước này để họ luôn giàu và mạnh hơn TQ (để không ngả về TQ). Điều này cũng đúng cho các nước Tây Âu trong thời chiến tranh lạnh, đổ chống lại Liên Xô.

Vì thế, ở kế cận TQ không hẳn là điều xấu. Cũng như ở kế cận nước Mỹ chưa chắc là điều tốt. Nếu Nhật, Đại Hàn, Đài Loan... do nhờ ở kế cận TQ mà được Mỹ giúp phát triển đất nước giàu có, hùng mạnh, thì VN cũng có thể trở nên giàu và mạnh như vậy.


Thoát Trung do đó là vấn đề thuộc phạm vi « chiến lược », chứ không phải là văn hóa hay kinh tế.

jeudi 19 juin 2014

Hãy lạc quan lên một chút !


Nhiều người cho rằng tranh chấp với Trung Quốc về giàn khoan 981 hiện nay là « bế tắc », là « nan giải ».
Đúng vậy, thật là nan giải khi ta đọc lời « giáo huấn » của Dương Khiết Trì (thông qua Tân Hoa Xã), dạy dỗ VN trong cuộc gặp gỡ với Phạm Bình Minh hôm qua :

Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì chỉ rõ, đối với vấn đề trên biển hiện nay, hai bên cần phải xuất phát từ đại cục gìn giữ quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, tránh mở rộng, làm phức tạp và quốc tế hoá vấn đề liên quan.
"Điều bức xúc nhất hiện nay là Việt Nam cần phải đình chỉ quấy nhiễu đối với sự tác nghiệp của Trung Quốc, đình chỉ thổi phồng bất đồng, gây ra tranh chấp mới, xử lý và khắc phục tốt hậu quả vụ bạo lực đánh đập, cướp bóc và thiêu đốt xảy ra tại Việt Nam cách đây không lâu, đồng thời bảo đảm an toàn cho các cơ quan, doanh nghiệp và nhân viên Trung Quốc tại Việt Nam."

Trong khi Phạm Bình Minh cho biết thái độ của VN :

"Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam sẵn sàng tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo hai nước về xử lý thoả đáng các vấn đề nhạy cảm trong quan hệ hai nước, tránh để cho các vấn đề này quấy nhiễu toàn cục của quan hệ hai Đảng và hai nước."

Nếu vấn đề ngừng ở đây, rồi hết, thì không phải chỉ là « nan giải » và « bế tắc ». Nan giải và bế tắc là khi ta loay hoay tìm mãi mà không ra giải pháp cho một việc khó khăn nào đó. Ở đây mọi việc như thể được « an bài » trong « cẩm nang » mà lãnh đạo hai bên vạch ra từ các đời TBT trước.

Tức là phía VN đã « bó giáo qui hàng », nếu có làm gì thì cũng không ngoài những gì đã được « lãnh đạo » qui định trước.

Vấn đề mà người dân « bức xúc » là :

Cái « đại cục » mà Dương Khiết Trì chỉ ra cho VN là cái « cục » gì mà lại đặt trên quyền lợi của đất nước ?
« Nhận thức của lãnh đạo » là cái nhận thức nào mà xem là quan trọng hơn trách nhiệm bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ ?

Họ Dương ăn nói ngược ngạo, ngậm máu phun người, cho rằng phía VN đã cản trở đủ thứ sự « tác nghiệp » của giàn khoan 981. Lại còn lên tiếng dạy dỗ công an VN  cần phải « xử lý và khắc phục tốt » các vụ biểu tình bạo động chống TQ trong tháng 5 vừa qua.

Việc này không khác ví von thằng hàng xóm hung hăng đem máy cày vào cày nát miếng ruộng của mình, nó còn lên tiếng bảo mình ngồi yên, không được động đậy khi nó cày. Thái độ « hợp lý » của mình là gì ? Là « xếp ve », hứa sẽ « tuân thủ », để không « quấy nhiễu toàn cục » (lại cái « cục » thối tha) của quan hệ hai đảng, hay là mình la làng « bớ hàng xóm » ?. 

Đáng lẽ việc TQ đặt giàn khoan 981 đã mở cho VN nhiều cơ hội bằng vàng. Trong một bài viết gần đây tôi có cho rằng :

« Sẽ là quá sớm để nói về thành bại của Việt Nam tại Biển Đông trước thách thức của Trung Quốc, khi nước này đặt giàn khoan khổng lồ 981 trên thềm lục địa của VN, cách đảo Lý Sơn trên trăm hải lý.
Trên quan điểm thuần túy chiến lược, có lẽ phía Trung Quốc đã tính toán sai mà việc này có thể mở ra cho VN một cơ hội bằng vàng để giải quyết nhiều khó khăn nội bộ. Trong quan hệ ngoại giao, sự do dự của VN về việc lựa chọn đồng minh chiến lược - Trung Quốc hay Mỹ - sẽ sớm được quyết định. Hệ quả điều này sẽ đi đôi với việc dân chủ hóa chế độ. Như thế Trung Quốc mất một đồng minh tin cậy đồng thời tạo ra một quốc gia thù địch quan trọng. Trong khi việc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, đã đông lạnh từ tháng giêng năm 1974 cho đến nay, thì được hâm nóng lại. »

Không phải là « điều tốt » hay sao, tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa đã « đông lạnh » từ năm 1974 đến nay lại được « hâm nóng » lại ? Việc này tạo cho Việt Nam một cơ hội giải quyết, hay ít nhất là « quốc tế hóa vấn đề tranh chấp ».

Trung Quốc từ trước đến nay một mực phủ nhận mọi hiện hữu về một tranh chấp chủ quyền ở vùng lãnh thổ này. Bây giờ mình thấy TQ đang phân trần vấn đề Hoàng Sa trước Liên Hiệp Quốc. TQ đưa những bằng chứng cho thấy từ lâu VN đã nhìn nhận chủ quyền của TQ tại Hoàng Sa. Vùng biển giàn khoan 981 mặc dầu nằm sâu trong vùng kinh tế độc quyền và thềm lục địa của VN nhưng nó hoàn toàn thuộc TQ vì hiệu lực (theo điều 121 Luật Biển 1982) của các đảo Hoàng Sa.

Rõ ràng đây là một « cơ hội bằng vàng » để VN đặt lại toàn bộ vấn đề tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa với Trung Quốc trước dư luận quốc tế.

Bằng vàng, bởi vì phía TQ đã quên một điều quan trọng, là thời điểm phát xuất các « bằng chứng » (VN) công nhận chủ quyền của TQ tại HS, Việt Nam là một quốc gia bị phân chia, có tới hai miền (VNCH và VNDCCH) mà không bên nào có tư cách pháp nhân « quốc gia » trước quốc tế công pháp. Trong khi hiệp định Genève 1954 (khải huyền hai miền VN) mà TQ là một bên bảo trợ, cam kết toàn vẹn lãnh thổ của một nước VN độc lập, có chủ quyền. Hoa Kỳ, bên không ký hiệp định Genève 1954, cũng nhìn nhận nội dung hiệp định này (ít nhất hai lần), qua các giác thư ngoại giao năm 1965 và qua Hiệp định Paris 1973. Trên tinh thần này thì các bằng chứng mà TQ đưa ra không có giá trị pháp lý. Đơn giản vì nội dung của nó đi ngược lại những qui định của các kết ước quốc tế. Phía VNCH là bên quản lý hai quần đảo HS và TS, là bên có « thẩm quyền quốc gia » trên hai quần đảo. Phía VNDCCH vì không có thẩm quyền quốc gia tại hai quần đảo HS và TS, do đó không thể ký nhận bất kỳ văn kiện nào có nội dung liên quan đến hai vùng lãnh thổ này. Bất kỳ các văn kiện (hay dữ kiện) nào, xuất phát trong thời kỳ này (1954-1975), mang nội dung xâm phạm việc toàn vẹn lãnh thổ của VN, (đi ngược lại tinh thần các hiệp định quốc tế), thì chúng đều không có giá trị.

Nhưng nếu VN xem đây là việc « gia đình », (nói theo kiểu Phùng Nguyên soái), cố gắng tập trung vào việc « thuơng lượng » thông qua « đối thoại song phương », giải quyết theo lối « gia đình », chắc chắn sẽ lâm vào bế tắc vì thái độ cứng rắn của Trung Quốc. Giải quyết theo lối « gia đình » như đã thấy từ trước đến nay giữa hai đảng Cộng Sản (VN và TQ), là con phải nhịn cha, là đứa nhỏ phải chịu thua đứa lớn. VN luôn bị thiệt thòi. Lời « giáo huấn » của Dương Khiết Trì đến lãnh đạo VN là quan hệ gì nếu không phải là cha đối với con ?

Tuy vậy, ta có quyền lạc quan hơn khi đọc ý kiến sau đây của TT Nguyễn Tấn Dũng :

trong cuộc gặp ngày 18/6, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nói với ông Dương Khiết Trì rằng Bắc Kinh đã 'xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền' của Việt Nam khi đưa giàn khoan vào vùng biển như hiện nay.

Tuyên bố này cho thấy, ít nhất một vài lãnh đạo VN đã dám nhìn thẳng vào sự thật, dám vượt lên cái bóng của « gia đình », đặt vấn đề quyền lợi đất nước lên trên quyền lợi của đảng phái. Ở điểm này không ai có thể phản đối TT Nguyễn Tấn Dũng được.

Vấn đề là TT NT Dũng có can đảm nắm lấy (và khai thác) cơ hội đó không ?

Nếu có, thì tôi hoàn toàn ủng hộ TT Dũng.

Câu hỏi đặt ra là VN khai thác cơ hội này như thế nào ?

Từ lúc giàn khoan 981 của TQ đặt trong vùng biển của VN, nhiều tiếng nói cất lên kêu gọi nhà nước VN « kiện » TQ. Dĩ nhiên đây là một ý kiến đúng đắn.

Quan trọng là kiện về cái gì ? kiện ở đâu, kiện lúc nào ? Kiện tụng là một việc phiêu lưu, có thể thắng, có thể thua. Vì thế hồ sơ kiện của VN phải lập thế nào sao cho mọi phán quyết của tòa, trong tình huống tệ nhất, cũng không làm cho VN bị thiệt hại về chủ quyền lãnh thổ.

Hiện nay nhà nước VN chưa công bố hồ sơ pháp lý của VN về Biển Đông như thế nào nên không thể có ý kiến. Nếu dựa lên các giải pháp của các học giả VN đã đề nghị thì tôi thấy có nhiều nguy hiểm.

Đề nghị thường thấy là nhắc trường hợp Phi kiện TQ và thúc đẩy VN làm tương tự. Theo tôi, kiện như vậy là thất sách, sác xuất VN thắng kiện là vô cùng nhỏ. Hoàn cảnh của VN hiện nay là cố gắng hâm nóng lại tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa mà từ bao lâu nay TQ một mực phủ nhận mọi hiện hữu tranh chấp, chứ không phải là tranh tụng về hiệu lực các đảo ở Trường Sa.

Thật vậy, Phi kiện TQ ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) gồm mười điều, nhưng nội dung là tập trung vào việc yêu cầu Tòa giải thích hiệu lực của các cấu trúc địa lý trung vùng quần đảo Trường Sa. VN không có lợi ích gì khi đặt tâm điểm vào Trường Sa.

Nếu VN kiện, xem lại danh sách bảo lưu của TQ năm 1996 ở LHQ, VN sẽ chỉ có thể kiện TQ (ở Tòa trọng tài theo phụ lục VII của công ước về Luật Biển 1982, hay một trọng tài khác…), về việc mâu thuẩn của hai bên do cách diễn giải hiệu lực các đảo thuộc Hoàng Sa (theo điều 121 của luật Biển). Điển hình là đảo Tri Tôn mà phía VN gọi là « cấu trục địa lý » lúc chìm lúc nổi.

VN không thể bây giờ theo chân Phi để kiện TQ về về hiệu lực « đường lười bò ». Vị trí giàn khoan 981 nằm trong vùng chồng lấn giữa các đảo Hoàng Sa và thềm lục địa Việt Nam chứ không có liên quan gì đến « đường lưỡi bò ». VN cũng không thể kiện TQ do việc tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa (do TQ bảo lưu không chấp nhận giải quyết tranh chấp chủ quyền bằng trọng tài quốc tế).

Nếu VN xúc tiến việc kiện như ý kiến của các học giả VN, thì chỉ có thể kiện :

-      Yêu cầu Tòa tuyên bố các đảo Hoàng Sa quá nhỏ, không được hưởng qui chế đảo (theo định nghĩa của điều 121.3 Luật Biển 1982), chúng chỉ có tối đa lãnh hải 12 hải lý mà thôi.
-      Hoặc yêu cầu Tòa giải thích về hiệu lực các đảo Hoàng Sa.

Kiện như vậy Việt Nam có thể bị Estoppel.

Theo tuyên bố của chính phủ CHXHCNVN ngày 12-5-1977, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có vùng (ZEE) 200 hải lý. Điều này cũng đúng trên thực tế. Một số đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa hội đủ các yếu tố « đảo » theo điều 121 (có người sinh sống, có nền kinh tế tự túc…) của Luật Biển 1982. VN không thể yêu cầu Tòa tuyên bố ngược lại chủ trương của mình đã (và đang) có. Do mâu thuẩn lập trường, nguy cơ VN bị Estoppel rất lớn.

Nếu VN yêu cầu Tòa giải thích hiệu lực các đảo Hoàng Sa. Hồ sơ VN cũng có thể bị bác (Estoppel), vì hai bên VN và TQ, dầu không đồng ý với nhau mọi điểm do tranh chấp về chủ quyền HS, nhưng đã có một điểm chung về qui chế pháp lý của các đảo Hoàng Sa.

Các phương cách kiện (của các học giả VN) cho thấy đều thất sách. Kiện theo lối đó thì VN chỉ thua ít đến thua hết.

Tôi có một số ý kiến về kiện tụng, cần nhắc lại sau đây. 

Nếu VN muốn giải quyết tranh chấp theo lối « gia đình », theo ý muốn của đảng, thì cũng phải phân chia theo nguyên tắc. Nguyên tắc đó là nguyên tắc đã được xác định trong trong Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ ngày 30-12-2000 : Lấy bộ luật Biển 1982 làm nền tảng, cùng với các nguyên tắc « công bằng - équitabilité » và « tỉ lệ - proportionnalité » của công pháp quốc tế để phân định vùng biển ngoài cửa vịnh.

Nếu VN muốn đưa ra Tòa giải quyết, thì thời điểm này là một thời điểm tốt. Ta thấy tổ chức Liên Hiệp Quốc, qua phát ngôn nhân, cho biết đã đồng ý làm trung gian để hòa giải tranh chấp hai bên Việt Nam và Trung Quốc. VN cần nhanh chóng nắm lấy cơ hội này, bằng cách :

Đệ đơn đề nghị Tòa Công lý Quốc tế (CIJ) tuyên bố một số điều :

-      Việc chiếm hữu một lãnh thổ bằng phương pháp vũ lực là vi phạm các nguyên tắc cơ bản của LHQ.
-      Việc chiếm hữu các đảo ở Trường Sa (lập danh sách chi tiết các đảo) năm 1988 bằng vũ lực không đem lại cho Trung Quốc danh nghĩa chủ quyền.
-      Việc chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa tháng giêng năm 1974 bằng vũ lực không đem lại cho Trung Quốc danh nghĩa chủ quyền.

Ba yêu cầu Tòa tuyên bố hoàn toàn thuộc về quyền của quốc gia Việt Nam, là thành viên các công ước và các nguyên tắc cơ bản của LHQ. Việc giải thích nội dung các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền của Tòa CIJ. Đặc biệt các yêu cầu này không liên quan đến các bảo lưu của TQ về việc phân giải tranh chấp chủ quyền bằng trọng tài quốc tế.

Mục đích việc yêu cầu Tòa tuyên bố, nếu thành công (điểm 3), sẽ đưa quần đảo Hoàng Sa (không có tranh chấp, theo TQ) vào tình trạng « có tranh chấp ». 

Nếu VN thua, tức Tòa không tuyên bố (không có ý kiến), thì VN cũng không có gì để mất. Trong vụ yêu cầu Tòa tuyên bố này không hề nói đến chủ quyền các đảo (HS và TS) là của ai, mà chỉ nói đến việc nhìn nhận hay không nhìn nhận, danh nghĩa chủ quyền nếu việc chiếm hữu thực hiện bằng vũ lực.

Còn nếu thắng, VN được nhiều thứ.

Theo tập quán quốc tế, « đất thống trị biển ». Nếu các đảo Hoàng Sa là lãnh thổ « có tranh chấp » thì vùng biển phát sinh từ nó cũng có tranh chấp. 

Vị trí giàn khoan 981 có thể được xem nằm trong vùng biển « có tranh chấp » mà  tranh chấp này phát sinh từ chủ quyền các đảo HS chứ không phải phát sinh do chồng lấn hải phận (giữa bờ biển VN với các đảo HS, theo như lập luận của TQ hiện nay).

Theo thông lệ quốc tế, nếu lãnh thổ có tranh chấp, việc giải quyết thường là chia hai (hay cộng đồng khai thác), mỗi bên được một phần của lãnh thổ đó. Tức là, quần đảo HS có thể chia hai, thí dụ hai nhóm Nguyệt Thiềm (Croissant) và An Vĩnh (Amphitrite). VN có thể nhận nhóm Nguyệt Thiềm (phía tây) và giao cho TQ nhóm An Vĩnh (phía đông). Hải phận sinh ra do quần đảo này do đó cũng sẽ chia hai.

Đó là cái lợi thứ nhất. 

Cái lợi thứ hai ở Trường Sa. Nếu tòa tuyên bố (chắc chắn 90%), thì TQ không có chủ quyền tại các đảo của VN tại TS. TQ sẽ không thể tuyên bố vùng « nhận diện phòng không » trong khu vực này được. Điều này chắc chắn Hoa Kỳ, Nhật cũng như các nước trong vùng nồng nhiệt ủng hộ.

Cái lợi thứ ba, là VN dành được tính « chính đáng ». Nhiều người cho rằng các phán quyết của Tòa cũng không làm gì, nếu TQ không tuân thủ. 

Theo tôi, phán quyết của Tòa có tầm quan trọng rất lớn. Trong vụ giàn khoan 981, nếu TQ không rút giàn khoan, VN có thể dùng các biện pháp để bảo vệ quyền lợi của mình. Việc « bảo vệ » ở đây mang tính tự vệ chính đáng, được hiến chương LHQ công nhận.

Cái lợi khác, về chi phí, hồ sơ này đơn giản, viện kiện cáo ít tốn kém, đáng lẽ không cần phải đưa ra một tổ hợp luật sư nào. Tuy nhiên, để nắm chắc phần thắng, đơn không bị bác do lỗi thủ tục, VN nên thông qua một tổ hợp luật sư chuyên môn ở HK.


Do vậy, trái banh kiện TQ hay không đang nằm trong chân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nếu ông quyết định nắm bắt cơ hội bằng vàng này để giải quyết tranh chấp Hoàng Sa, những thất bại của ông (về kinh tế xã hội...) trong thời gian qua có thể sẽ được mọi người xí xóa. Mọi người sẽ biết đến ông như một lãnh đạo hiếm hoi xuất thân từ lò cộng sản có quyết tâm vì quyền lợi của đất nước và dân tộc.

vendredi 13 juin 2014

Đề nghị giải pháp giải quyết tranh chấp Việt – Trung về chủ quyền biển, đảo bằng trọng tài quốc tế.

Sự liên tục quốc gia – vấn đề kế thừa - Quan hệ giữa quốc gia và lãnh thổ :

Trong những án lệ của tòa quốc tế phân xử những tranh chấp về lãnh thổ giữa hai quốc gia, đặc biệt các quốc gia cựu thuộc địa vừa dành được độc lập, sự liên tục quốc gia và vấn đề kế thừa quốc gia là hai yếu tố quan trọng nhất, được Tòa xét đến trước hết.

Quốc gia VN trải qua nhiều biến cố lịch sử khiến chủ quyền lãnh thổ bị mất vào tay ngoại bang. Hiệp ước Patenotre 1884 chuyển danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam (titre de souveraineté) sang mẫu quốc Pháp. Việt Nam trở thành một nước « thuộc địa » của Pháp (trong khi những nước có qui chế « bảo hộ » thì vẫn giữ được danh nghĩa chủ quyền, như các nước Bắc Phi). Sau đó danh nghĩa chủ quyền này chuyển sang Nhật, khi nước này đảo chánh Pháp. Nhật thua Thế chiến II, bị phe chiến thắng buộc phải từ bỏ các lãnh thổ đã chiếm trái phép trước đó, trong đó có VN. Danh nghĩa chủ quyền của VN lại chuyển sang Đồng minh. Qua một số thủ thuật chính trị, năm 1946 Pháp vào lại VN (thay thế Anh và Trung Hoa giải giới quân đội Nhật), chủ quyền quốc gia VN vào lại tay Pháp. Đến năm 1949 Pháp tuyên bố trả Nam kỳ lại cho VN (thay vì cho Miên, theo yêu cầu của Sihanouk), đồng thời ký hiệp ước (theo Tuyên bố Elysée) trả độc lập lại cho VN. Tức là Hiệp định 1949 Pháp quyết định trả độc lập cũng như danh nghĩa chủ quyền (titre de souveraineté) lại cho Việt Nam.

Cho đến thời điểm này, tại Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền của VN vẫn được liên tục, thông qua các thủ tục kế thừa quốc gia, từ nhà nước vương quyền nhà Nguyễn, chuyển sang nhà nước bảo hộ Pháp 1884, sau đó trả lại cho Quốc Gia Việt Nam năm 1949.

Việc phức tạp chỉ đến vào tháng 7 năm 1954. Hiệp định Genève quyết định phân chia VN thành hai miền tại vĩ tuyến 17. Hiệp định nhấn mạnh việc phân chia chỉ tạm thời, đường vĩ tuyến 17 trong bất kỳ trường hợp nào cũng không thể xem là đường biên giới phân định lãnh thổ hay chính trị. Hai miền Nam và Bắc lần lượt mang tên Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Câu hỏi đặt ra, « danh nghĩa chủ quyền – titre de souveraineté » của Việt Nam, từ thời điểm này, do phía nào nắm ?

Hai miền VNCH và VNDCCH được khai sinh do Hiệp định Genève 1954, được các cường quốc bảo hộ và được thế giới nhìn nhận.

Năm 1956 VNCH công bố Hiến pháp, điều 1 khẳng định lại nội dung Hiệp định Genève 1954 : VN là một nước cộng hòa, độc lập, thống nhất và bất khả phân. Điều 2 xác định « chủ quyền – souveraineté » thuộc về toàn dân.

Về phía VNDCCH, Hiến pháp 1946, điều 2 xác định VN là một khối thống nhất bắc, trung, nam không thể phân chia. Hiến pháp 1959, những dòng đầu đã khẳng định VN là một nước thống nhất từ Lạng sơn đến Cà Mau. Dĩ nhiên, vì theo chế độ cộng hòa XHCN, không phải là quân chủ chuyên chế, danh nghĩa chủ quyền (titre souveraineté) của VN thuộc về nhân dân (ngoại trừ quốc hội VN có quyết định khác) chứ không thuộc về cá nhân nào đó (như ông vua).

Cả hai miền như vậy đều tôn trọng nội dung hiệp định Genève 1954 : Việt Nam là một quốc gia thống nhất (ba miền) độc lập và có chủ quyền.

Cả hai bên, VNCH và VNDCCH, đều tự nhận mình là đại diện chính đáng (nhà nước) của toàn thể nhân dân VN, trên toàn lãnh thổ VN, nhưng không bên nào có tư cách « quốc gia », đúng theo định nghĩa của Công ước Montévidéo 1933.

Lý do : VNCH cũng như VNDCCH, đều chỉ kiểm soát ½ lãnh thổ, ½ dân chúng cũng như không hoàn toàn có quan hệ ngoại giao với tất cả các nước trên thế giới. Các nước trên thế giới, không nước nào nhìn nhận có hai nước VN, mà chỉ nhìn nhận hoặc VNCH, hoặc VNDCCH, là nhà nước đại diện cho quốc gia VN.

Hai bên VNCH và VNDCCH do đó chỉ là các « quốc gia chưa hoàn tất – Etat partiel », chứ không phải là quốc gia đúng nghĩa. Hai bên chưa hề là đối tượng của công pháp quốc tế, chưa hề có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ trước những vấn đề quốc tế.

Trên phương diện công pháp quốc tế, hiện hữu một hiện tượng gọi là « dualité – nhị nguyên » về danh nghĩa chủ quyền. Tức là có hai cách nhìn về quốc gia Việt Nam : phía XHCN nhìn nhận VNCCH là phía chính thống đại diện cho nước Việt Nam (thống nhất ba miền). Cách nhìn của phe tư bản thì công nhận VNCH. Như hai mặt của một đồng tiền, như hai dạng sóng và hạt của ánh sáng. Vấn đề là không có một học thuyết nào nói về danh nghĩa chủ quyền cho trường hợp một quốc gia bị phân chia như Việt Nam (hay Đại Hàn và Đức).

Điều quan trọng cần nhắc ở đây, thời điểm phát xuất công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, là phía VNDCCH vẫn còn có nguyện vọng thống nhất đất nước. Phía VNDCCH nhiều lần hối thúc VNCH, cho đến năm 1960, việc thương nghị giữa hai miền để tiến tới thống nhất Việt Nam theo nội dung của Hiệp định Genève 1954.

Về chủ quyền HS và TS, VNCH là bên « quản lý », có « thẩm quyền quốc gia » trên vùng lãnh thổ này. Tháng giêng năm 1974, TQ xâm lăng Hoàng Sa, chiếm được quần đảo này, qua một trận chiến giữ nước bi hùng không cân sức của phía VNCH.

Đến năm 1975, VHCN ngừng hiện hữu. CPLTCHMNVN thay thế thực thể VNCH tại các định chế quốc tế. Đến thời điểm này, « danh nghĩa chủ quyền » của quốc gia Việt Nam vẫn không thay đổi, tức vẫn hiện hữu một tình trạng « dualité – nhị nguyên » về pháp lý.

Năm 1976 VN thống nhất đất nước.

Qua những biến cố làm thay đổi lãnh thổ, dân số, chính quyền... như thế, các yếu tố « liên tục quốc gia – continuité d’état » và « kế thừa quốc gia - sucession d’ état » trở thành vấn đề cốt lõi trong hồ sơ chủ quyền HS và TS của VN.

Hồ sơ chủ quyền của VN tại Hoàng Sa sẽ được kết tinh ra sao ? TQ đã chiếm quần đảo này trên tay VNCH, bằng cách nào VN hôm nay kế thừa danh nghĩa này ?

Đây cũng là điểm yếu nhất trong hồ sơ pháp lý Hoàng Sa của các học giả VN (đã công bố).

Điểm yếu trong hồ sơ Biển Đông của Quĩ Nghiên cứu Biển Đông.

Dường như có điều bất cập về ý nghĩa pháp lý và quan hệ giữa « quốc gia » và « lãnh thổ », điển hình trong bài viết ở đây của một số « học giả » VN (thuộc Quĩ Nghiên cứu Biển Đông). Ta thấy rõ rệt sự lúng túng của họ khi giải thích về quan hệ giữa lãnh thổ và quốc gia.

Các học giả này đã dẫn nội dung « công ước Montévidéo 1933 », đồng thời dẫn bài viết trên BBC, để chứng minh VNCH và VNDCCH là hai quốc gia (độc lập, có chủ quyền, theo tinh thần công ước Montévidéo 1933) :

Trong Công ước Montevideo 1933, một quốc gia phải có lãnh thổ, dân cư, chính phủ, và khả năng có quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác.

Khi dẫn công ước Montévidéo để định nghĩa, thì « quốc gia » được thành hình từ ba yếu tố nền tảng : lãnh thổ, dân cư, và một chính quyền.

Nếu quan niệm vậy thì hồ sơ Hoàng Sa đã khóa sổ. TQ chiếm HS trên tay một nước thứ ba (VNCH) đã ngừng hiện hữu, không có thừa kế. Nước CHXHCNVN hôm nay không có tư cách nào để đòi lại. Chưa nói đến những tài liệu cho thấy quốc gia tiền nhiệm của quốc gia này (VNDCCH) đã nhiều lần nhìn nhận chủ quyền của TQ tại Hoàng Sa.

Những người này sau đó lại phát biểu rằng : « trong luật quốc tế thì chủ quyền lãnh thổ thuộc về quốc gia ».

Không có « luật quốc tế » nào còn hiệu lực nói thế cả. Quốc gia có thể mất nhưng lãnh thổ vẫn còn.

Đặt thí dụ, bánh chưng được làm thành do các yếu tố : nếp, đậu, thịt, lá (với động thái gói và nấu). Người ta đâu thể kết luận « chủ quyền của nếp » thuộc về bánh chưng được ? Nếp là nếp, bánh chưng là bánh chưng, cũng như quốc gia là quốc gia mà lãnh thổ là lãnh thổ. Hai yếu tố này có quan hệ « hữu cơ » với nhau, nhưng không thể nói cái này « thuộc về » cái kia được. (Hiến pháp VNCH 1959 nói rằng chủ quyền thuộc về toàn dân).

Thực ra đây là thói quen chung của người Việt, quan niệm lãnh thổ như là một « vật ». Tức là, vùng lãnh thổ này đã thuộc về mình trong lịch sử, thì nó sẽ thuộc về mình hôm nay (và tương lai). Quan niệm này đã hiện hữu trong lịch sử, dưới thời kỳ phong kiến, vương quyền. Lãnh địa của vua là thuộc về vua (và giòng họ ông vua). Khi vua này chết, truyền « ngai vàng » lại cho con. Ông con này lên làm vua, sở hữu toàn thể lãnh địa của cha, ông để lại.  

Quan niệm này đã lỗi thời.

Công pháp quốc tế hiện thời không nhìn nhận « lãnh thổ » là một « vật » thuộc sở hữu của ai đó, mà có quan niệm về « danh nghĩa chủ quyền – titre de souveraineté » và « thẩm quyền quốc gia » (tức các quyền thuộc chủ quyền như tài phán, thuế quan, cảnh sát...) trên vùng lãnh thổ đó. Quan niệm quốc gia cũng được định nghĩa lại, các yếu tố nền tảng « lãnh thổ », « dân chúng » và « một chính phủ » không thay đổi, nhưng thêm vào đó « quốc gia » là thực thể duy nhất có được tính « độc lập - indépendant » và « có chủ quyền - souveraineté ». Ta đã thấy trong lịch sử, một quốc gia có thể tan rã, « ngừng hiện hữu », trong khi lãnh thổ và dân chúng vẫn còn đó. Ta cũng thấy, nhiều quốc gia có thể « khai sanh » do ly khai từ một quốc gia, hay nhiều quốc gia « liên hiệp » lại thành một quốc gia. Nhiều thực thể chính trị, như Palestine, có lãnh thổ, có dân chúng, có chính quyền và chính quyền này có quan hệ với các nước trên thế giới, nhưng nó đâu phải là quốc gia ? Đài Loan cũng vậy.

Vì thế cần thận trọng khi nói về « quốc gia » và « lãnh thổ » của nó.

Hồ sơ pháp lý của VN tại HS, đòi hỏi ta phải chứng minh sự hiện diện liên tục thẩm quyền quốc gia VN (hay một bên VN) tại quần đảo Hoàng Sa (cho đến hôm nay).

Thực tế pháp lý là, Hoàng Sa bị TQ xâm lăng tháng giêng năm 1974, (một số đảo TS năm 1988), quốc gia VN (hay một bên VN) không bị mất danh nghĩa chủ quyền của HS vào tay TQ. (Lý do công pháp quốc tế hiện thời không nhìn nhận danh nghĩa chủ quyền được chiếm hữu bằng vũ lực.)

Các học giả thuộc Quĩ Nghiên cứu Biển Đông trong hai bài viết dẫn trên, cho rằng danh nghĩa chủ quyền HS từ VNCH chuyển sang CPLTCHMNVN, mà không thấy giải thích chuyển bằng cách nào. Trong một bài viết trước đây, dẫn từ nghiên cứu của bà Joelle Duy Tan Nguyên, tôi có viết :

Việc « kế thừa » VNCH của CPCMLT tại các định chế quốc tế không gặp khó khăn, chỉ đơn giản là việc « đổi tên nước », tại UNESCO vào tháng 7 -1975, U.I.T vào tháng 2 năm 1976.

Các tác giả này đã suy diễn từ  ý kiến trên, suy ra rằng chính phủ này đã kế thừa Hoàng Sa từ VNCH.

Điều này hiển nhiên không đúng. CPLTCHMNVN kế thừa VNCH tại các định chế quốc tế không gặp khó khăn, nhưng việc này không dễ dàng trong vấn đề kế thừa lãnh thổ. Nước nào nhìn nhận CPLT CHMNVN kế thừa danh nghĩa chủ quyền Hoàng Sa từ VNCH ?

Trong khi đó, nước CHXHCNVN do thống nhất từ hai thực thể : VNDCCH và CPLTCHMNVN.
CHXHCNVN kế thừa VNCH (thông qua CPCMLT CHMNVN) hay VNDCCH ? Bằng thủ tục pháp lý nào ?

Cách giải thích của các tác giả trong bài, tương tự thuyết « reversion – đáo hoàn », cho rằng danh nghĩa chủ quyền của VN tại HS từ VNCH trao lại (một cách đơn giản) cho CPCMLTCHMNVN. (Làm như còn trong thời kỳ phong kiến, một lãnh thổ mà người trị vì qua đời mà không có người nối dõi, sẽ chuyển về cho người chủ trước kia. Lý thuyết này không hề được công pháp quốc tế chấp nhận.)

Lấy thí dụ án lệ của Tòa Trọng tài Thường Trực xử ngày 9-10-1998, giải quyết tranh chấp giữa Erythré và Yemen về chủ quyền các đảo ở Hồng hải.

Hai bên đều cho rằng mình có danh nghĩa chủ quyền lịch sử (titre historique) ở các đảo tranh chấp. Erythrée vịn vào lý do trước kia chủ quyền các đảo thuộc về Ý, sau đó chuyển sang cho Ethiopie sau Thế chiến thứ II (Erythrée thuộc Liên bang Ethiopie từ năm 1962, đến năm 1993 thì tuyên bố độc lập). Tức là Erythrée dựa vào thuyết « liên tục quốc gia ». Trong khi Yemen vịn vào thuyết « reversion ». Theo đó Yemen đã có danh nghĩa chủ quyền từ thời trung cổ, danh nghĩa này vẫn còn tồn tại trong thời bị lệ thuộc đế quốc Ottoman, cuối cùng Yemen lấy lại do công ước Lausane.

Tòa bác bỏ lý lẽ của Erythrée, vì cho rằng Erythrée không thể kế thừa cái mà nhà nước tiền nhiệm đã từ bỏ. Thật vậy, Ý đã tuyên bố từ bỏ chủ quyền các đảo từ năm 1947.

Tòa bác Tòa cũng bác lý lẽ của Yemen, bởi vì, theo Tòa, thuyết « Reversion » mà Yemen nại ra thì không được luật quốc tế nhìn nhận.

Ta thấy, dựa trên lập luận có hai quốc gia VN, muốn chứng minh CPLTCHMNVN kế thừa danh nghĩa chủ quyền HS của VNCH đã khó khăn.

Bằng cách nào CPLTCHMNVN đã kế thừa « danh nghĩa chủ quyền » quần đảo HS từ VNCH ? Làm sao có thể kế thừa một « vật » đã không còn nữa ?

Chứng minh CHXHCNCVN kế thừa danh nghĩa chủ quyền HS là việc khó hơn lên trời.

Nếu lý luận của các học giả này được đưa vào hồ sơ chủ quyền của VN tại HS và TS, tôi cho rằng VN sẽ không có cơ may nào để thắng kiện.

Giải pháp đề nghị

Sau khi VN lên tiếng trước các diễn đàn quốc tế, kể cả ở LHQ, tố cáo TQ đặt giàn khoan 981 trái phép trên thềm lục địa của VN. Phía TQ vừa mới trả đũa lại bằng việc công bố các bằng chứng trước LHQ, cho thấy VN đã nhìn nhận chủ quyền của TQ tại Hoàng Sa và Trường Sa, gồm có công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng cùng một số tài liệu, bản đồ khác. Các tài liệu này có giúp gì cho TQ hay không, có thuyết phục được dư luận quốc tế hay không, việc này sẽ biết trong những ngày tới. Phía VN thì vẫn một thái độ cũ, cho rằng các tài liệu này không có gì mới.

Nhưng mà việc TQ trưng bằng chứng ra trước LHQ như vậy rõ ràng là một điều rất mới. Việc giàn khoan 981, cũng đến từ hệ quả của các tài liệu đó, cũng là việc rất mới.

Trước những động thái mới (lấn biển) như vậy mà chính quyền CSVN vẫn giữ thái độ cũ là điều không hợp lý.

Nhà nước CSVN cần phải lên tiếng trước quốc dân, giải thích ý nghĩa và sự hiện hữu của các bằng chứng từ phía TQ vừa đưa ra trước LHQ.

Có hai lập trường về chủ quyền quần đảo HS hiện nay, (ngoài lập trường thứ ba của TQ) các học giả VN có thể lựa chọn. Nếu vì quyền lợi của đảng cầm quyền, thì hãy tiếp tục cố thủ trong những luận điệu lòng vòng cũ, nghe đã nhàm tai từ bốn thập niên nay, dĩ nhiên nó chỉ có thể thuyết phục được những người VN bị che mắt, thấp cổ bé miệng trong nước.

Hoặc vì quyền lợi của đất nước VN mà can đảm đi tìm một giải pháp khác.

Cá nhân tôi đề nghị giải pháp sau đây.

Về hiệu lực công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, tôi đã viết ở đây và ở đây, không dễ dàng mà hóa giải.

Trong khi trên thực tế đã viết ở trên, trong khoản 1954 và 1975, hai thực thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa chỉ là hai miền trong một quốc gia Việt Nam. Vĩ tuyến 17 là đường ranh quân sự tạm thời, không phải là đường phân định biên giới về chính trị hay lãnh thổ.

Nội dung Hiệp định Genève 1954 xác nhận Việt Nam là nước độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, có chủ quyền và thống nhất. Điều này được tái xác nhận theo Hiệp định Paris năm 1973.

Điều này thể hiện lên thực tế. Trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1973, không có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới nhìn nhận sự hiện hữu của hai quốc gia Việt Nam.

Trên tinh thần một nước Việt Nam « độc lập, có chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ » của các hiệp ước 1954 và 1973, thì bất kỳ các tuyên bố, các hành vi đơn phương của một bên (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa), nếu có làm tổn hại đến việc toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chúng đều không có giá trị.

Công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng viết trong khoản thời gian 1954-1973, có liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần hai Hiệp định 1954 và 1973, do đó không có giá trị pháp lý ràng buộc.

Việc thống nhất hai miền theo cách của người Việt Nam, thể hiện nội dung hiệp định 1954 và 1973. Những gì xảy ra trong lãnh thổ VN, sau khi Mỹ rút quân về, là việc « nội bộ » của quốc gia VN. Điều này phù hợp với tinh thần « dân tộc tự quyết » được LHQ qui định.

Dĩ nhiên, lập luận này cũng là thủ tục hợp pháp để nước CHXHCNVN hôm nay kế thừa di sản cùng danh nghĩa chủ quyền của VNCH tại Hoàng Sa.

Tôi đề nghị hồ sơ đệ trình Tòa Công lý Quốc tế (CIJ), VN yêu cầu Tòa tuyên bố như sau :

-      Việc chiếm hữu một lãnh thổ bằng phương pháp vũ lực là vi phạm các nguyên tắc cơ bản của LHQ.

-      Việc chiếm hữu các đảo ở Trường Sa (lập danh sách chi tiết các đảo) năm 1988 bằng vũ lực không đem lại cho Trung Quốc danh nghĩa chủ quyền.

-      Việc chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa tháng giêng năm 1974 bằng vũ lực không đem lại cho Trung Quốc danh nghĩa chủ quyền.

Đồng thời kiện TQ lý do :

-      Vi phạm nội dung Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Việt 30-12-2000 về việc chủ trương hiệu lực các đảo, áp dụng cho việc phân định ngoài cửa vịnh Bắc Việt.

Ba điều đầu tiên yêu cầu Tòa tuyên bố hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Tòa, cũng không hề dính dáng đến những bảo lưu của TQ về việc phân giải tranh chấp chủ quyền bằng trọng tài quốc tế.

Việc « yêu cầu tòa CIJ tuyên bố » này hoàn toàn khả thi. VN cần nhanh chóng giành lấy cơ hội, nhân việc đáp lời LHQ, khi tổ chức này ngõ ý hôm vừa qua đồng ý đứng ra phân giải cho hai bên.

Đây là một việc làm ít tốn kém nhất, đáng lẽ không cần phải đưa ra một tổ hợp luật sư nào. Tuy nhiên, để nắm chắc phần thắng, VN nên thông qua một tổ hợp luật sư chuyên môn ở HK.

Nếu không làm việc này, đảng CSVN dĩ nhiên còn những cam kết bí mật khác, có giá trị « bán nước » với đảng CSTQ, không kém công hàm 1958 của PVD cũng như những bằng chứng vừa công bố.

Nếu vậy, việc giải quyết giàn khoan 981 của TQ là công việc của người trong nước.


lundi 9 juin 2014

Những điểm yếu của Việt Nam trong vấn đề kiện tụng (2)

Vấn đề « chủ quyền lịch sử ».

Nếu tranh chấp giữa VN và Trung Quốc về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa được đưa ra phân xử trước một Tòa án quốc tế, nếu phía VN sử dụng những « công trình nghiên cứu » của các học giả VN (thuộc Quĩ Nghiên cứu Biển Đông) hiện nay, theo tôi, VN không có hy vọng bao nhiêu để thắng. Các học giả VN chỉ chú trọng đến « bằng chứng lịch sử » và bỏ qua các yếu tố quan trọng quyết định khác.

Các học giả VN thường dẫn trong « công trình » của họ các « bằng chứng lịch sử » nhằm chứng minh VN có chủ quyền không thể chối cãi ở HS. Các bằng chứng này hầu hết dẫn từ tác phẩm của các học giả VNCH, viết sau khi TQ dùng vũ lực xâm lăng Hoàng Sa năm 1974. Việc làm của học giả tiền bối đó, tương tự công việc mà các học giả Phi hiện nay đang làm, mục đích để phản biện lý lẽ của TQ, khi nước này cho rằng TQ có « quyền lịch sử bất khả tranh nghị » tại các đảo TS.

Các học giả Phi (cũng như các học giả VNCH ngày trước) đưa ra những bằng chứng như bản đồ, các sử liệu… chứng minh lãnh thổ TQ, cho đến đầu thế kỷ 20, chưa bao giờ xa hơn Hải Nam. Chứng minh rằng tên « biển Hoa Nam » chỉ là tên gọi của các nhà hàng hải Châu Âu đặt ra, không có nghĩa là biển này thuộc về TQ. Chứng minh tên biển Hoa Nam đã từng được người Hoa gọi là biển Giao Chỉ (người viết đã từng đề cập việc này ở đây) và sử sách người Hoa cũng gọi là Nam Hải (biển phía Nam…). Các học giả TQ vô cùng lúng túng để phản biện lại.

Trường hợp VN bây giờ (với giàn khoan 981) thì khác. Từ năm 1974 đến nay (nếu tính nhóm An Vĩnh thì từ năm 1949), TQ đã chiếm HS. Các tài liệu lịch sử chỉ hữu dụng (cho VNCH) trong thời điểm đó, tức sau tháng giêng năm 1974, khi VNCH chuẩn bị hồ sơ kiện TQ trước Tòa quốc tế. VNCH không làm được, một mặt vì VNCH không có tư cách pháp nhân « quốc gia ». Không có tư cách pháp nhân quốc gia thì không phải là « đối tượng » của luật quốc tế. Mặt khác, các bên VNDCCH và MTGPMN không ký tên vào bản kháng nghị chung. Nếu kiến nghị này được ký bởi ba bên, VNCH sẽ có tư cách pháp nhân, là bên đại diện cho nước VN thống nhất, có thể kiện TQ ra Tòa quốc tế. Thời đó, phía TQ cũng sử dụng một lý lẽ như đã sử dụng hôm nay đối với Phi : TQ có chủ quyền bất khả tranh nghị tại các đảo Hoàng Sa.

Đã 40 năm qua, các tài liệu « lịch sử » đó đã không còn giá trị nhiều đối với VN, như là đối với Phi. TQ và Phi, chiếm được một số đảo của VN, từ sau Thế chiến II, cả hai đều có hồ sơ chủ quyền « yếu ».

Nếu ta đọc các án lệ của các Tòa quốc tế phân xử các vụ tranh chấp về lãnh thổ, ta thấy yếu tố « bằng chứng lịch sử » có giá trị rất tương đối, đứng sau rất xa các lý thuyết « uti possidetis », « effectivité », « estoppel », « acquiescement »…

Một số thí dụ sau đây, dẫn từ các án lệ, cho thấy hiệu quả của các « bằng chứng lịch sử » ảnh hưởng thế nào lên các quyết định của quan Tòa.

Giá trị pháp lý các bản đồ :

Các học giả VN thường dẫn các bản đồ cổ của TQ, kết luận rằng TQ không có chủ quyền ở HS và TS.
Giả sử phía TQ đưa ra các bản đồ sau đây : 1/ Bản đồ thế giới do Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam xuất bản năm 1960. Trên bản đồ này, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) được đánh dấu là lãnh thổ Trung Quốc. 2/ Cục Bản đồ của Việt Nam xuất bản tấm bản đồ năm 1972, trong đó quần đảo Nam Sa được chú thích bằng tiếng Hoa, chứ không phải bằng tiếng Việt, tiếng Anh hay tiếng Pháp.

Nếu TQ trưng hai tấm bản đồ này ra, phản ứng mọi người sẽ ra sao ? Không lẽ bó tay chấp nhận HS và TS thuộc TQ ?

Nếu ta đi ngược thời gian xa hơn, các bản đồ nước Trung Hoa cũng không hề chú dẫn hai quần đảo HS và TS, nhưng trong vài bản đồ lãnh thổ nước này bao gồm nước VN.

Khi TQ trưng bản đồ này, không lẽ phải công nhận VN thuộc TQ ?

Theo thông lệ công pháp quốc tế, trong các vụ xử tranh chấp chủ quyền, « bản đồ » tự nó thường không được nhìn nhận như là một « bằng chứng » mà chỉ được xem như là một « tài liệu - information », để bổ túc thêm cho một « lý lẽ - argument » nào đó, hay để khẳng định một « thái độ » nào đó của một bên tranh chấp.
Nhiều án lệ về tranh chấp lãnh thổ cho thấy, đa số trường hợp các bản đồ được các bên trưng dẫn không được Tòa sử dụng như là « bằng chứng ». Các bản đồ này không hề có tác động nào đến quyết định của các quan tòa.

Theo tập quán quốc tế, một tấm bản đồ chỉ có giá trị pháp lý chỉ khi nó được đính kèm với các văn bản của một hiệp đinh phân định biên giới, dĩ nhiên hiệp ước này phải còn hiệu lực. Các thí dụ dẫn dưới đây (tranh chấp Ấn Độ - Pakistan) cho ta thấy như vậy.

Lý thuyết về « hành sử quyền chủ quyền – effectivité »

Thuyết này được áp dụng nhiều ở các Tòa quốc tế xử các tranh chấp về lãnh thổ sau Thế chiến II. Theo đó, một vùng đất thuộc quốc gia A, do một lý do bất kỳ nào đó, lại được quốc gia B kiểm soát và hành sử các quyền thuộc chủ quyền (tài phán, tức quyền được xét xử - juridiction, quan thuế, cảnh sát…) một cách hòa bình trong một thời gian dài, quốc gia A sẽ mất vùng lãnh thổ đó cho quốc gia B.

Có rất nhiều án lệ về tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước đã được Tòa tuyên án dựa trên lý thuyết về « hành sử quyền chủ quyền ». Ở đây người viết lấy hai thí dụ : 1/ tranh chấp Ấn Độ và Pakistan về vùng đầm lầy có tên là « Rann off Kutch » và 2/ Tranh chấp giữa Malaisie và Singapour về chủ quyền các đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge.

1/ Trường hợp tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan về vùng đầm lầy Kutch (Rann Of Kutch). Tranh chấp được hai bên đưa ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) giải quyết ngày 19-2-1968. Hồ sơ hai bên đệ lên Tòa lên tới trên 10.000 trang tài liệu cùng hàng trăm tấm bản đồ.

Về giá trị các bản đồ, Tòa cho rằng các bản đồ tự nó không có một trọng lượng đặc biệt. Chúng có thể có một giá trị chỉ khi được dựa vào các yếu tố ngoại tại, như được sự phê chuẩn hay được sự chuẩn duyệt chính thức của các viên chức ở cấp cao, đồng ý cho bản đồ có một giá trị cao hơn.

Hàng trăm tấm bản đồ do hai bên đệ trình, không có tấm bản đồ nào có một giá trị đặc biệt trước Tòa.
Các hồ sơ mang tính thuyết phục nhất, do phía Ấn Độ cung cấp, cho thấy nhà nước tiền nhiệm của Ấn là đế quốc Anh, đã có những hành vi hành sử « quyền chủ quyền - droit de souveraineté » trên vùng tranh chấp như thuế má, an ninh, cảnh sát… (effectivité).

Phía Pakistan cũng đưa ra những bằng chứng « effectivité », cho thấy chính quyền địa phương cũng đã hành sử « quyền chủ quyền » tại vùng tranh chấp này. Các dữ kiện nay bị Tòa bác. Tòa cho rằng « quyền chủ quyền » chỉ có thể do chính quyền trung ương hành sử, không thể do chính quyền địa phương.

Tòa phán khoảng 90% vùng tranh chấp giao cho Ấn Độ.

Phía Pakistan được khoảng 10% vùng tranh chấp. Trong vùng này Pakistan chứng minh được các hành vi hành sử quyền chủ quyền (effectivité) tại một số vùng đất. Nhưng thực ra, khu vực này không thể giao cho Ấn Độ, vì dân chúng ở đây, thuộc Pakistan, đã sinh sống tại đây hàng bao nhiêu thế hệ, không thể giao lại cho Ấn Độ được. (Tức là vấn đề « quyền lịch sử » được ưu tiên hơn « effectivité », nhưng Tòa không cho đó là « quyền lịch sử » mà dùng thuyết « effectivité » để ra phán quyết).

2/ Trường hợp tranh chấp giữa Malaisie và Singapour về chủ quyền các đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge, qua phán quyết ngày 23-5-2008 của CIJ.

Ta thấy phía Mã Lai đã đưa những bằng chứng lịch sử bất khả tranh biện rằng Mã Lai có chủ quyền lịch sử ở các đảo tranh chấp. Tòa nhìn nhận thực tế này, cho rằng danh nghĩa chủ quyền tiên khởi (titre d’original) của các đảo này thuộc vương quốc Johor, là nước tiền nhiệm của Mã Lai. Chủ quyền này được thể hiện liên tục trong lịch sử, cho đến một thời điểm, sau khi các đế quốc Anh và Hòa Lan đặt quyền thống trị tại Mã Lai và Indonésie. Thời điểm đó là khi nước Anh, nhà nước tiền nhiệm của Singapour, đã đặt một ngọn đèn pha tại đảo Pedra Branca mà không gặp sự phản đối của nhà nước Johor. Chính quyền bảo hộ Anh tiếp tục bảo trì và làm chủ ngọn đèn pha này trong một thời gian dài, không hề gặp một phản đối nào đến từ Johor.

Sau khi Singapour được Anh trả độc lập, đồng thời Singapour bị từ khuớc gia nhập khối Mã Lai, Johor trở thành một tiểu bang trong khối này. Singapour muốn biết rõ ai có chủ quyền trên đảo Pedra Branca nên gởi thư, năm 1953, hỏi bộ ngoại giao Johor số phận của đảo này. Viên bộ trưởng lâm thời bộ ngoại giao Johor đã viết « công hàm » (hay công thư cũng được,) cho rằng đảo Pedra Branca không thuộc « sở hữu » của Johor. Singapour tiếp tục bảo trì và sử dụng ngọn đèn pha này cho đến lúc tranh chấp xảy ra. Trước Tòa, « công thư » này đã có hiệu lực quyết định, ảnh hưởng lên phán quyết của Tòa.

Tòa phán rằng Mã Lai, nước kế thừa vương quốc Johor, đã mất chủ quyền lịch sử tại đảo Pedra Branca (nhưng còn giữ được đảo Middle Rocks), vì các yếu tố : Singapour (và nhà nước tiền nhiệm) đã thể hiện các hành vi thuộc quyền chủ quyền (effectivité) ở đảo này một cách hòa bình và liên tục trong một thời gian dài. Mặt khác, Johor đã phủ nhận chủ quyền đảo này qua « công hàm » (hay công thư) 1953.

Mã Lai vì thế không thể đòi lại đảo Pedra Branca, mặc dầu trên danh nghĩa chủ quyền lịch sử thì thuộc nước này. Lý do : nhà nước tiền nhiệm đã « bỏ » nó.

Ta thấy trong hai vụ án này, yếu tố « liên tục quốc gia » và vấn đề « kế thừa » (qua các thời kỳ thuộc địa, hay biến cố chính trị làm lãnh thổ thay đổi, sẽ nói bên dưới) của các bên cũng đã được Tòa xem xét tỉ mỉ. Thái độ của các quốc gia (tiền nhiệm và kế tục) liên quan đến vùng lãnh thổ tranh chấp, thể hiện qua những sự kiện ngoại giao như các kết ước, các tuyên bố đơn phương… trong quá khứ (có liên quan đến chủ quyền lãnh thổ)… đều có tầm quan trọng về pháp lý, ảnh hưởng đến quyết định của Tòa.

Điều ghi nhận khác, lý thuyết về « hành sử chủ quyền - effectivité » có giá trị cao hơn danh nghĩa chủ quyền lịch sử (titre d’original), nếu danh nghĩa này bị gián đoạn, hay quốc gia có danh nghĩa chủ quyền không kịp thời lên tiếng phản đối.

Đối với hồ sơ HS và TS, những hành vi của Pháp đã thể hiện liên quan HS và TS, như tuyên bố chủ quyền, cắm mốc, cho tàu đi tuần… có giá trị pháp lý cao. Trước một tòa án, VN chắc chắn có được danh nghĩa chủ quyền lịch sử tại HS và TS. Vấn đề là danh nghĩa này có bị mất hay không, là tùy thuộc vào sự liên tục quốc gia, việc kế thừa danh nghĩa chủ quyền lịch sử, việc tiếp nối các hành vi hành sử quyền chủ quyền của nhà nước kế tục đối với nhà nước tiền nhiệm.

Nếu vì một lý do gì đó việc hành vi hành sử chủ quyền không thể hiện được, một sự « gián đoạn » về danh nghĩa chủ quyền lịch sử thành hình, (do việc TQ xâm lăng bằng vũ lực) nếu phía VN không thường xuyên lên tiếng phản đối, hoặc có những động thái nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS, chủ quyền ở đây có thể chuyển sang TQ.  

Thuyết « Uti possidetis » :

Thuyết này xuất hiện tại Nam Mỹ, khi các nước ở đây dành độc lập. Đại khái là vùng đất đó, trước đó anh có nó thì sau đó anh tiếp tục có nó. Lý thuyết này trở thành một « tập quán quốc tế », được sử dụng thường xuyên trong các vụ tranh chấp về lãnh thổ tại các nước vừa độc lập. Một thí dụ về thuyết « uti possidetis » :
Ai cũng biết một phần không nhỏ đất miền Nam, kể cả vùng Đà Lạt, Darlac, Tây Nguyên… hay đảo Phú Quốc là thuộc về Cao Miên ngày xưa.

Người Miên có lý khi nói rằng họ có bằng chứng « lịch sử không thể chối cãi », để chứng minh vùng đất đó là của họ.

Các học giả VN cũng thường nói rằng VN có bằng chứng lịch sử không thể tranh cãi tại HS và TS.
Ta thấy việc sử dụng các « bằng chứng lịch sử không thể chối cãi » một cách bừa bãi là chơi dao hai lưỡi.
VN làm gì có bằng chứng lịch sử « không thể chối cãi » để chứng minh rằng đất mình ở đó ? Không lẽ sẽ phải trả lại cho Miên ?

Theo thuyết « Uti possodetis », trước khi độc lập, các vùng đất đó đã được chính quyền bảo hộ Pháp sắp xếp cho vào lãnh thổ Việt Nam. Sau khi độc lập, các vùng đất đó sẽ tiếp tục do VN quản lý.

Thuyết này đặt ra nhằm tránh việc chiến tranh đổ máu giữa các dân tộc thuộc địa vừa được độc lập. Hầu hết các án lệ của các Tòa quốc tế, yếu tố « uti possidetis » có giá trị cao hơn « chủ quyền lịch sử ».