samedi 18 avril 2015

Việt Nam không có cách ứng phó hữu hiệu ở Biển Đông.

Quan chức Mỹ vừa lên tiếng phê bình : Việt Nam chưa có cách ứng phó hữu hiệu ở Biển Đông.

TQ chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa của VN năm 1974, tính đến nay là 41 năm. TQ chiếm 7 bãi đá thuộc Trường Sa của VN năm 1988, đến nay là 27 năm. Còn đường chữ U (chín, mười, hay mười một gạch… chi đó) của TQ, có nơi chỉ cách bờ biển VN khoảng 50km, dành 80% Biển Đông, đã công bố ít nhứt là hơn ½ thế kỷ. Với bấy nhiêu thời gian đó mà VN vẫn không xây dựng nổi một đối sách bảo vệ vùng biển của mình. Lời phê bình của viên chức người Mỹ tố cáo lãnh đạo VN có vấn đề.

Trước hết là tầm nhìn. Lãnh đạo VN trước nay xuất thân từ nông dân, phu đồn điền... đa phần là thất học. Kinh tế mấy mươi năm sau chiến tranh vẫn còn loay hoay với việc nuôi con gì, trồng cây gì. Làm lãnh đạo như vậy là tầm nhìn không xa hơn thửa ruộng. Bây giờ làm kinh tế thị trường. Toàn bộ nhân sự lãnh đạo, theo lời tố cáo của chính họ, tất cả đều hủ bại. Chính họ thú nhận mình là những con sâu.

Thử xem trường hợp người đứng đầu quốc phòng. Ông này có lẽ rành chuyện sân golf hơn chuyện binh thư, nhanh nhẹn trong việc thăng tướng cho sĩ quan hơn chuyện điều binh. Những cuộc diễn binh nhân dịp ăn mừng ngày 30-4, những cuộc thao diễn của không quân, hải quân… cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp (và bệ rạc) của quân đội. Khí tài vẫn là những thứ cũ xì của Nga từ thời chiến tranh lạnh. Vụ hai chiếc SU 22 bị rớt ở đảo Phú Quí hôm qua cho phép ta kết luận như vậy. Hải quân, cảnh sát biển cũng tệ hại không kém. Gặp lúc hữu sự ta mới thấy tình trạng thiếu thốn của quân đội VN. Vụ giàn khoan 981 vào tháng 5-2014 cho ta thấy ngôi nhà Việt Nam đã rách nát. Để chống lại với đoàn tàu hải giám của TQ, VN phải hô hào ngư dân làm « cảm tử quân », dùng những chiếc tàu gỗ mong manh của ngư dân để đối chọi với tàu sắt của TQ.

Đến nước chót nhà nước VN phải muối mặt ngữa tay xin viện trợ (kẻ thù cũ) Nhật, Mỹ để họ bố thí cho những chiếc tàu tuần duyên (đồ đã qua sử dụng) cho lực lượng cảnh sát biển.

Người ta có quyền đặt vấn đề : Dầu hỏa khai thác mấy mươi năm nay, hàng trăm tỉ đô la, đã đi đâu ?. Kiều hối gởi về hàng năm trên chục tỉ đô la, đã dùng vào việc gì ? Đã biết tham vọng của TQ từ sáu bảy chục năm nay. Đã từng là nạn nhân của TQ nhiều lần trong các vụ xâm lăng lãnh thổ, xâm lấn hải phận. Đã từng nhiều lần bị TQ đặt giàn khoan trong thềm lục địa. Từng nhiều lần bị TQ cho gọi thầu khai thác những lô dầu khí trên thềm lục địa của mình... Đâu phải là không có những dấu hiệu báo trước ? Vậy làm sao ta có thể chấp nhận tình trạng bệ rạc của lực lượng hải quân, không quân VN như vậy được ?.

Lãnh đạo VN thiếu tầm nhìn nhưng dư thừa lòng tham. Tiền bạc, của cải của đất nước, thay vì dùng để mua sắm, trang bị khí tài, cải thiện đời sống chiến sĩ để bảo vệ lãnh thổ… thì lại chui vào túi riêng, cho vào những cuộc ăn chơi xa hoa, trác tán của quí vị lãnh đạo.

Nhớ lúc xưa đứng cùng phe với TQ, LX hung hăng đánh Mỹ : còn cái lưng quần cũng đánh.

Nhưng đánh cho ai, để làm cái gì ? « Đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc » là câu trả lời của lãnh đạo CSVN.

Đất nước tan hoang vì chiến tranh. Dân tình ly tán vì chiến tranh. Để lại hơn 4 triệu nạn nhân chiến tranh. Cái giá của chiến tranh quá sức lớn lao. Hệ quả của chiến tranh 4 thập niên qua vẫn chưa giải quyết hết. Nhưng nếu để thực sự bảo vệ đất nước thì đâu ai nề hà việc hy sinh ? Bây giờ lãnh đạo CSVN đã rơi mặt nạ, cũng như TQ đã rơi mặt nạ. Những hy sinh, đổ vỡ của dân tộc, của đất nước… là bổn phận của lãnh đạo CSVN phải đóng góp cho TQ, cho Liên Xô, dưới chiêu bài « nghĩa vụ quốc tế ». Lãnh đạo CSVN đã để lộ ra bộ mặt làm tay sai. TQ để lộ ra bộ mặt của tên bành trướng. Tất cả các chủ thuyết mác xít, chủ nghĩa quốc tế, những lý tưởng cộng sản… nghe qua rất êm tai kia, thực sự chỉ là phương tiện để các nước cộng sản đàn anh can thiệp vào nội bộ các nước chư hầu nhằm phục vụ cho lợi ích riêng tư của quốc gia, dân tộc họ.

Bây giờ thì sáng mắt, phải nhục nhã năn nỉ Mỹ, xin bỏ lệnh cấm vận (vũ khí sát thuơng), xin xỏ từ chiếc tàu phế thải.

Vậy mà những ngày kề cận 30-4, báo chí, truyền hình trong nước vẫn chỉ ra rả những chiến công lẫy lừng, ca ngợi cuộc chiến thần thánh « đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào ». Chỉ có người vô liêm sỉ mới có thái độ hai mặt, lật lọng như thế.

Trong khi nhu cầu liên kết với Mỹ, không phải để chống Trung Quốc, mà chỉ để dựa vào bảo vệ quyền lợi của đất nước, là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Nếu VN có một sách lược đứng đắn về an ninh, quốc phòng, những hàng đầu tiên là phải liên minh với Mỹ. Từ xưa đến nay, kinh nghiệm lấy từ lịch sử thành hình các quốc gia trên thế giới cho thấy việc dựa vào kẻ mạnh, kết bạn với kẻ mạnh… luôn là vũ khí hữu hiệu của kẻ yếu để tự bảo vệ lấy mình.

Hành vi tuyên truyền của đảng CSVN là dấy lại quá khứ, thắp lại lòng hận thù chống Mỹ. Không biết họ làm vậy là nhằm mục đích gì ?

Sách lược dựng nước và bảo vệ đất nước không có, lãnh đạo chỉ có lòng tham và cái quá khứ làm tay sai. Họ ra sức tuyên truyền là để khỏa lấp cái quá khứ làm tay sai, hủy hoại đất nước. Tinh thần binh sĩ chiến đấu cao đến đâu, với lãnh đạo như vậy, với khí tài như vậy, cũng phải bó tay chịu chết mà thôi. 

Nhưng khủng hoảng Biển Đông, sách lược của VN không chỉ bao gồm răn đe quân sự, mà còn ở sức mạnh của lý lẽ, của nền tảng pháp lý. Vấn đề Biển Đông bắt nguồn từ tranh chấp lãnh thổ, hải phận. Tức là, ngoài các vấn đề thuộc an ninh quốc phòng, còn có hồ sơ pháp lý (bao gồm lịch sử, luật pháp quốc tế v.v…)

Nhận xét cho rằng « Việt Nam chưa có cách ứng phó hữu hiệu ở Biển Đông », vì vậy bao hàm luôn vấn đề pháp lý. Khi nói lãnh đạo VN có vấn đề thì cũng phải nói học giả Việt Nam có vấn đề.

Việt Nam đến hôm nay vẫn không xây dựng được một hồ sơ pháp lý vững chắc, có thể thuyết phục dư luận thế giới. Các nước người ta lên tiếng bênh vực VN, như Hoa Kỳ, Nhật… là do sự ngang ngược của TQ, là để bảo vệ quyền lợi quốc gia họ ở Biển Đông, chứ không hề do sự thuyết phục của hồ sơ chủ quyền của VN tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Sự thê thảm trong hồ sơ pháp lý của VN đến từ sự ngụy biện (chuyên nghiệp) của học giả VN chuyên về Biển Đông. Dĩ nhiên ngoại lệ một vài vị hiếm hoi có vừa có kiến thức, vừa có lương tâm và tinh thần khoa học.

Điểm yếu trong hồ sơ chủ quyền của VN, mọi người đều có thể tham khảo ở các tuyên bố, các công hàm… chính thức của TQ công bố trước diễn đàn LHQ trong thời gian gần đây. Tất cả tập trung ở hai điểm : 1/ công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng và 2/ các bản đồ do VNDCCH ấn hành. Cả hai « bằng chứng » này không chỉ được phía nhà nước và học giả TQ lập đi lập lại nhiều lần, chúng còn được ghi lại trong nhiều tập sách của học giả nước ngoài (nghiên cứu về Biển Đông).

Hầu hết những nỗ lực của học giả VN, từ trước đến nay, đều nhằm vào việc « hóa giải » hiệu lực công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng. Một số nại những « bằng chứng » từ các bản án, những phán quyết của Tòa Án quốc tế. Nhưng khi tôi « rà soát » lại, thì thấy rằng phần lớn đã diễn giải sai nội dung, không đúng ý nghĩa ở các phán quyết của Tòa. Có thể họ sai do sơ ý lúc dịch thuật. Cũng có thể sai do chưa hiểu hết ý nghĩa nền tảng của các lý thuyết luật học (như Estoppel, Acquiescement). Các tác phẩm nghiên cứu của họ chỉ có thể « ru ngủ » người dân trong nước chứ không thể thuyết phục dư luận nước ngoài.

Điều thê thảm của (nền học thuật VN) là những người đi sau, thay vì nỗ lực nghiên cứu, đã chỉ đơn thuần cóp py từ người này sang người khác. Chỉ cần người đi trước sai là hàng loạt người đi sau lặp lại y chang cái sai của người đi trước. Ta thấy những điểm sai từ những học giả đi đầu như Lưu Văn Lợi, Từ Đặng Minh Thu, Nguyễn Hồng Thao… đã được nhắc lại ở các « học giả » đi sau.

Tức là, học giả VN đã chỉ làm công tác tuyên truyền, giúp cho nhà nước VN ru ngủ người dân, bịt mắt người dân trước những hành vi « bán nước » của đảng CSVN.

Đó là ta không nhắc đến các việc giải thích sai nội dung các công ước quốc tế (như trường hợp Vũ Quang Việt và Tạ Văn Tài) nói về hiệu lực các kết ước quốc tế.

Có người (nhóm người), vì muốn « hóa giải » công hàm Phạm Văn Đồng, đã lên tiếng yêu cầu nhà nước VN « nhìn nhận » VNCH (đã) là một quốc gia. Lập luận của họ, vì VNCH và CNDCCH là hai « quốc gia độc lập có chủ quyền », các tuyên bố của bên này (VNDCCH) sẽ không ảnh hưởng gì đến lãnh thổ do bên kia quản lý. Đây cũng chỉ là ngụy biện nhưng tầm tác hại có thể vô biên. Tôi đã lên tiếng cảnh báo rằng, nếu nhà nước VN làm điều này thì muôn đời cháu con VN sẽ vô phương lên tiếng đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa.

Đến nay sự ức hiếp của TQ đã vượt mọi giới hạn. Trong một bài viết trước đây tôi đã cảnh báo rằng việc TQ xây dựng các bãi đá tại Trường Sa (mà họ chiếm của VN năm 1988), đe dọa an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của VN. Nhiều lần tôi đã lên tiếng khuyến cáo nhà nước VN phải kiện TQ, với những đề nghị hợp lý, khả thi. Đó lý ra phải là một « đối sách » của VN trước sự hung hăng của TQ. Nhà nước VN thủ khẩu như bình. Kết quả chuyến đi của ông Trọng (chầu Bắc Kinh) vừa rồi cho ta thấy điều này.

Nước đã dâng đến cổ. Cấp bách dến mức các nghị sĩ, các học giả, viên chức Hoa Kỳ phải nóng ruột lên tiếng cho VN. Trong khi học giả VN vẫn tiếp tục ngụy biện. Có người vừa qua lên BBC cho rằng vì VNCH làm mất Hoàng Sa nên gây khó khăn trong việc đòi lại.

Vậy thử hỏi, các bãi đá ở Trường Sa như Chữ Thập, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Gaven, Châu Viên, Subi…  mất vào năm 1988, do nhà nước VN hiện nay làm mất, việc đòi lại cũng đâu có dễ dàng hơn ?

Do đó mất nước, nếu xảy ra, là do tầm nhìn của lãnh đạo. Mà theo thói quen quốc tế, chiến lược bảo vệ và phát triển quốc gia được thành hình và hoàn thiện theo thời gian, trong đó sự đóng góp của học giả là nền tảng. Như vậy mất nước, nếu xảy ra, cũng là do lớp học giả, trí thức VN.

Một điều quan trọng khác, cho trường hợp VN, là các cơ quan truyền thông trong nước đều do nhà nước quản lý. Do đó không hiện hữu việc « phản biện » giữa các học giả, trí thức… trên các vấn đề của đất nước. Truyền thông nước ngoài, (trên danh nghĩa) đứng ngoài vòng kiểm soát của đảng CSVN. Nhưng cũng có thành phần (như BBC) có lề lối làm việc và cách hành sử như truyền thông trong nước. Họ cũng chỉ « phát thanh » một chiều. Trong những vấn đề quan hệ đến đất nước, họ không chấp nhận « tiếng nói khác ». Truyền thông như vậy cũng để "ru ngủ" mà thôi.

Vì vậy mất nước, nếu xảy ra, là do mình. Mình chỉ tiếp tay cho Trung Quốc dễ dàng làm việc đó mà thôi.


mercredi 15 avril 2015

Đôi điều với Thạc Sĩ Hoàng Việt về bài phỏng vấn trên BBC…


1/ Về ngôn từ, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã « giải phóng » hay « giành quyền kiểm soát » Trường Sa ?

Báo chí trong nước, từ nhiều năm nay, vẫn luôn đăng tải bài viết về kế hoạch « giải phóng » Trường Sa của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm nay vẫn không ngoại lệ. Theo đó ta biết rằng kế hoạch của Võ Nguyên Giáp « giải phóng Trường Sa » qua văn thư số 990B/TK của ông gởi Võ Chí Công và Chu Huy Mân ngày 4-4-2014. Mọi người có thể kiểm chứng ở các báo mạng Công an Nhân dân, Vnexpress, vietnamnet, doisongphapluat…

Bài phỏng vấn mở đầu bằng câu « Tháng Tư năm nay đánh dấu 40 năm ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam mở chiến dịch giành quyền kiểm soát quần đảo Trường Sa và các đảo trên Biển Đông từ tay chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. »

Thạc sỹ Hoàng Việt trả lời rằng : « Ngay từ trước đây báo chí đã đưa tin theo hướng là phe ta đã tấn công Việt Nam Cộng hòa và giành quyền kiểm soát Trường Sa. »

Như vậy giữa hai bên : báo chí trong nước, với BBC và TS Việt, đã có sự khác biệt trong việc sử dụng ngôn từ. Báo chí trong nước gọi ngày 4-4-1975 là ngày « giải phóng Trường Sa ». BBC và TS Việt gọi là ngày « phe ta đã tấn công Việt Nam Cộng hòa và giành quyền kiểm soát Trường Sa ».

Người ta gọi hành vi « giải phóng » (một nhóm dân chúng, một vùng lãnh thổ) là hành vi giải thoát nhóm dân chúng (hay vùng lãnh thổ) đó thoát khỏi sự thống trị của ngoại bang (hay sự kềm kẹp của một thế lực bạo tàn phi chính thống). Từ « giải phóng » là một ngôn từ chính trị, phân biệt rạch ròi địch - ta, chính – ngụy. Hành động « giành quyền kiểm soát » chỉ nói lên một cách chung chung sự xung đột (quân sự) của hai phe để tranh giành kiểm soát một vùng lãnh thổ (hay một nhóm dân chúng).
 
Sự khác biệt về cách sử dụng ngôn từ phản ảnh hai cách nhận thức về một sự việc.

Nhận thức của báo chí trong nước phản ảnh nhận thức chung của chế độ. Nhà nước CSVN hiện nay, sau 40 năm, vẫn còn « hồ hởi » ăn mừng « giải phóng Trường Sa », vẫn còn xem các chiến sĩ VNCH đóng giữ ngoài các đảo TS là « ngụy », một lực lượng « bù nhìn », tay sai cho ngoại bang.
  
Tôi nghĩ rằng nhận thức này sẽ là một bằng chứng giá trị cho phía Trung Quốc.

Cho rằng VNCH là một thực thể bù nhìn, ngụy, tay sai ngoại bang thì thẩm quyền quốc gia về lãnh thổ của VNCH tại Hoàng Sa, Trường Sa cũng như lãnh thổ miền Nam VN (dưới vĩ tuyến 17) là không có giá trị pháp lý (bất hợp pháp). Những hành vi « tuyên bố chủ quyền », « khẳng định chủ quyền »... của VNCH tại HS và TS sẽ không có giá trị pháp lý và lịch sử.

Tập hồ sơ « Sách trắng » về chủ quyền của VN tại HS và TS (do bộ Ngoại giao xuất bản) do đó phải đặt lại toàn bộ. Trên mọi phương diện, từ lịch sử đến pháp lý, tất cả những gì dính líu với VNCH (trong tập tài liệu đó) đều phải lấy ra hết. Việc kế thừa của VNCH ở các vùng lãnh thổ HS và TS từ các nhà nước phong kiến và nhà nước bảo hộ Pháp, cũng sẽ không còn ý nghĩa trước pháp luật. 

Như vậy hồ sơ chủ quyền của VN tại HS và TS, lịch sử và pháp lý, sẽ là con số không to lớn, phải không ?

Nhận thức của BBC và TS Việt như thế là « phi chính thống », đi ngược với cách nhận thức của nhà nước CSVN từ mấy mươi năm nay.

TS Việt cho đó là nhận thức của phe « cấp tiến » và phe này « đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn ».

Thực tình tôi cũng hy vọng như vậy. Vì nếu nhà nước CSVN tiếp tục nhận thức VNCH là « ngụy », hành vi tiếp quản TS là « giải phóng TS », thì cuộc chiến pháp lý giữa VN và TQ nếu có xảy ra, VN sẽ không có  cách nào để thắng.

2/ Về nguyên nhân mất Hoàng Sa. TS Hoàng Việt nói : « Cái bất lợi là Việt Nam giữ được Trường Sa, nhưng đánh mất ở Hoàng Sa năm 1974, gây khó khăn cho việc đòi lại… Tôi không muốn đổ lỗi cho bên nào, nhưng thực tế là Hoàng Sa đã bị mất khi đang nằm dưới sự kiểm soát của Việt Nam Cộng hòa năm 1974. »

Mặc dầu rào trước đón sau « không muốn đổ lỗi cho bên nào », nhưng ai cũng thấy TS Việt có ý cho rằng vì VNCH làm mất HS nên mới « gây khó khăn cho việc đòi lại ».

Theo tôi thì từ 1975 đến nay,  nhà nước CSVN chưa bao giờ có thiện chí, hay biểu lộ ý chí muốn đòi lại Hoàng Sa.

Việc « đòi » lại một vùng lãnh thổ chỉ có thể thực hiện qua hai phương diện : pháp lý và sử dụng vũ lực. Mặc dầu từ trước đến nay có nhiều ý kiến của học giả VN khuyến cáo nhà nước kiện TQ trước Tòa quốc tế. Nhà nước vẫn thủ khẩu như bình, án binh bất động.

Vụ TQ đặt giàn khoan 981 hồi tháng 5 năm ngoái mở ra một cơ hội bằng vàng để VN đặt lại vấn đề Hoàng Sa (đã đông lạnh từ 4 thập niên) với TQ. VN có đủ lý cớ để kiện. Nhà nước CSVN đã không nắm lấy cơ hội đó. Sự im lặng đến mức « vang dội » của nhà nước VN đã khuyến khích cho TQ bước thêm những bước quan trọng khác ở các đảo đá (mà họ chiếm của VN năm 1988). Các đảo đá này đã và đang được TQ ráo riết bồi đắp. Không bao lâu nữa chúng trở thành những đảo nhân tạo có khả năng đặt các căn cứ quân sự như phi trường và hải cảng.

Khó khăn luôn hiện hữu trong mọi vấn đề quốc gia. Để giải quyết ta phải nhận diện được các « khó khăn » đó đến từ đâu ?

Một số hành vi đem lại « khó khăn » cho nhà nước VN ghi lại dưới đây, trong chừng mực làm cho VN hôm nay mất đi tư cách để đòi HS (và các vấn đề tranh chấp chủ quyền TS và hải phận biển Đông) trước một trọng tài quốc tế.

Công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng (mặc nhiên) nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS.

Thái độ « im lặng » của VNDCCH vào tháng giêng năm 1974, khi TQ sử dụng vũ lực chiếm HS.

Nhà nước VNDCCH phản đối đề nghị của phía VNCH hai bên cùng ký tên vào bản kiến nghị phản đối hành vi xâm lược Hoàng Sa của TQ lên LHQ.

Khi một thế lực ngoại bang xâm lăng vào lãnh thổ của mình, dĩ nhiên mình phải lên tiếng phản đối, phải không ? VNDCCH đã không làm điều đó. Điều này được xem là một bằng chứng chứng minh Hoàng Sa không thuộc chủ quyền của VN (theo quan điểm của VNDCCH).

Từ sau Thế chiến II, hành vi chiếm hữu một lãnh thổ bằng vũ lực bị cộng đồng quốc tế nghiêm cấm. Trong vụ Hoàng Sa, Liên Xô đã mạnh mẽ lên án hành vi của TQ tại LHQ, cũng như hầu hết các nước trong thế gới tự do (và nhiều nước trong khối XHCN).

Thái độ « im lặng » của nhà nước VNDCCH được tập quán quốc tế xem như là sự « đồng thuận » của nhà nước này về các hành vi của TQ. Nhà nước VNDCCH nhìn nhận những hành vi của TQ tại HS là chính đáng.

Những « khó khăn » (khiến nhà nước VN hôm nay mất tư cách đòi HS) là do VNDCCH và CHXHCNVN làm ra, chứ đâu phải do VNCH ?

VNCH đâu có xúi ông Phạm Văn Đồng viết công hàm 1958 nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS ? Thái độ « im lặng » của VNDCCH là tự nguyện, chứ đâu do áp lực của VNCH ?

Khó khăn đòi lại Hoàng Sa là do nhà nước các nhà nước VN (hiện thời và tiền nhiệm) đã đánh mất tư cách của mình. Điều này lý ra TS Việt phải hiểu biết hơn tôi mới phải.

Về việc VNCH thua trận, để mất Hoàng Sa vào tay TQ. Ta không thể không nói tới bối cảnh « lịch sử » lúc đó.  

Năm 1973 Hiệp định Paris được ký kết, mở đường cho « đồng minh tháo chạy ». Một điều khoản quan trọng của Hiệp định Paris (nhắc lại điều khoản Hiệp định Genève 1954) là nhìn nhận VN là một nước độc lập, thống nhứt ba miền, toàn vẹn lãnh thổ. Từ điều khoản này, tất cả những gì xảy ra tại VN, sau khi Hiệp Định Paris ký kết, sẽ là vấn đề « nội bộ » của VN và Mỹ (sẽ không có tư cách) để can thiệp. Cuộc chiến Hoàng Sa vì vậy không còn liên quan đến người Mỹ nữa.  

Trong khi tình hình chiến sự vẫn không giảm áp lực. Các bên (VNCH, MTGPMN và VNDCCH) đổ lỗi cho nhau phía bên kia vi phạm lệnh ngưng bắn. VNCH tứ đầu thọ địch. Mức viện trợ của HK hứa cho VN bỗng trở nên « nhỏ giọt ». Lại còn thêm khủng hoảng dầu lửa thời đó, giá dầu tăng đột ngột gấp hai, ba lần.

Trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng, kinh tế kiệt quệ, một mình phải chiến đấu với ba bốn kẻ thù hung hãn, trong khi đồng minh đã « bội ước » chạy làng. Hải quân VNCH trong trận Hoàng Sa như vậy là «hiên ngang » lắm (so với hải quân QDNDVN năm 1988 tại TS), phải không ?.

Phải chi lúc đó (tháng giêng năm 1974), cả hai phía VNCH và VNDCCH cùng đánh lại quân xâm lược, hay ít nhứt VNDCCH cùng ký kiến nghị với VNCH phản đối hành vi xâm lăng Hoàng Sa của TQ thì bây giờ đâu đến đỗi hả miệng mắc quai, phải không TS Hoàng Việt ?

Vì vậy đổ lỗi việc mất Hoàng Sa cho một mình VNCH gánh chịu, theo tôi, là bất công với lịch sử ghê lắm.

3/ TS Hoàng Việt nói : « Một số học giả đã tranh luận rằng nên công nhận Việt Nam Cộng hòa là một quốc gia và điều này sẽ có lợi cho việc tiếp quản, thừa kế chủ quyền quốc gia trong vấn đề giải quyết tranh chấp ở Hoàng Sa Trường Sa hiện nay. »

« Một số học giả » mà TS Việt nói là các học giả thuộc nhóm « Quĩ Nghiên cứu Biển Đông » mà TS Việt là thành viên. Ý kiến « nhìn nhận VNCH là một quốc gia » đã từng đăng trên BBC (và nhiều trang thông tin khác trong và ngoài nước). Tôi là người (duy nhứt, hình như vậy) từ trước đến nay lên tiếng chống lại quan điểm này. Tuy nhiên, BBC cũng như các trang khác, chỉ đăng tải ý kiến một chiều, do đó không có việc « rộng đường đường dư luận ». Hy vọng là cơ hội đối thoại lần này các cơ quan truyền thông « chơi đẹp » một chút. Nghe người này nói qua thì cũng nên nghe người kia nói lại.  

Thứ nhứt, quí vị học giả giải thích giùm, bằng thủ tục (pháp lý) nào ta có thể « nhìn nhận » VNCH là (hay đã là) một « quốc gia » khi thực thể này đã không còn hiện hữu ?

Thứ hai, quí học giả thử tưởng tượng hôm nay Trung Quốc nhìn nhận  Đài Loan là « quốc gia ». Lục địa và Đài Loan là hai vùng lãnh thổ của một quốc gia bị phân chia, tương tự như hai bên VNCH và VNDCCH trước 1975. Cả hai bên cùng nhìn nhận dân tộc TQ (VN) là một, TQ (VN) là « quốc gia duy nhứt ». Mỗi bên được một số nước (tương đương) công nhận tại LHQ. Việc lục địa nhìn nhận Đài loan « là một quốc gia » là điều không thể xảy ra, phải không ? Vậy dựa trên cơ sở nào để công nhận VNCH là (hay đã là) một quốc gia ?

Thứ ba, Hiệp định Genève 1954, khải huyền hai miền VNCH và VNDCCH, nhìn nhận VN là một quốc gia độc lập, thống nhứt ba miền và toàn vẹn lãnh thổ. Hiệp định Paris cũng nhắc lại y chang nội dung như vậy. Làm sao các học giả có thể bất chấp các kết ước quốc tế, là nền tảng của quốc tế công pháp, để thực hiện một hành vi thuộc công pháp quốc tế (là nhìn nhận VNCH là một quốc gia) ?

Thứ tư, giả sử việc nhìn nhận VNCH là « quốc gia » không có trở ngại trên vấn đề pháp lý. Thì các học giả làm thế nào để quốc gia VNDCCH « kế thừa » quốc gia VNCH ? Gọi VNCH  là « ngụy », làm sao có thể kế thừa cái gì ở « ngụy » ? Người ta có thể « cướp » nó chứ không thể kế thừa.

Thứ năm, giả sử CHXHCNVN hiện nay « kế thừa » di sản VNCH không gặp khó khăn về pháp lý. Vấn đề là nhà nước CHXHCNVN hôm nay là quốc gia « kế tục » quốc gia VNDCCH. Nhà nước VN hôm nay phải có nghĩa vụ về những hành vi (pháp lý) của VNDCCH thể hiện trong quá khứ. Các học giả thử giải thích làm thế nào để một quốc gia có thể kế thừa cùng lúc hai lập trường đối nghịch về HS và TS ?

Vì vậy tôi cho rằng lập luận này của nhóm Quĩ Nghiên cứu Biển Đông (mà TS Việt là thành viên) sẽ đưa VN vào bế tắt. Đây là tình trạng của VN hiện thời.

Ý kiến của tôi về vấn đề Biển Đông và chủ quyền các quần đảo HS và TS (từ hơn thập niên nay) rất đơn giản : Hòa giải dân tộc VN và lập trường VN là một quốc gia duy nhứt.

Hòa giải dân tộc để nhà nước VN hôm nay có thể kế thừa di sản của VNCH. Vì chỉ đứng trên danh nghĩa của VNCH thì nhà nước VN hôm nay mới có tư cách nói về chủ quyền ở HS và TS.

Khẳng định lập trường VN là một quốc gia duy nhứt, theo tinh thần các hiệp ước nền tảng (Hiệp định Genève 1954 và Paris 1973). Theo đó VN là một quốc gia độc lập (độc lập còn có nghĩa là có chủ quyền), thống nhứt ba miền và toàn vẹn lãnh thổ. Trên tinh thần này, tất cả những hành vi, những tuyên bố của một bên, nếu đi ngược lại tinh thần hai hiệp định, đe dọa, hay làm tổn hại đến sự toàn vẹn lãnh thổ của VN... thì chúng không có giá trị.

Công hàm 1958 đơn thuần bị hóa giải. Tưng tự như các hành vi hay thái độ của VNDCCH trước kia về chủ quyền của VN tại HS và TS.


Vì vậy, cốt lõi của vấn đề là « hòa giải dân tộc ». Đến nay vẫn gọi VNCH là « ngụy » việc đòi lại HS, cũng như  bảo vệ TS cùng với hải phận của VN... xem ra còn khó hơn lên trời.

vendredi 10 avril 2015

Lợi ích gì khi VN tham gia vào dự án « Con đường tơ lụa trên biển » của Trung Quốc ?

Theo tin tức báo chí, VN vừa tham gia dự án « Con đường tơ lụa trên biển » của TQ. Câu hỏi đặt ra Việt Nam có lợi hay không khi tham gia dự án này ?
Dự án « Con đường tơ lụa trên biển » được Tập Cận Bình đề cập một cách sơ lược vào năm 2013. Dự án này chỉ mới bắt đầu thực hiện vài tháng nay, dự trù một ngân sách 40 tỉ đô la. Mục tiêu dự án là xây dựng hạ tầng cơ sở các hải cảng từ Biển Đông, qua Ấn Độ dương, thông qua biển Đỏ, kinh đào Suez, vào Địa Trung hải để tiếp cận các hải cảng của các nước Châu Âu.
Việt Nam tham gia dự án với hải cảng Hải Phòng là điểm nối đầu tiên. Mã Lai vừa  thỏa thuận với TQ để tham gia. Theo dự tính, trong khối ASEAN sẽ còn có mặt của Nam Dương.    
Dự án « Con đường tơ lụa trên biển » của TQ không thể tách rời dự án với các dự án đã thực hiện từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, là dự án « Con đường tơ lụa trên bộ » cũng như dự án « Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở » vừa mới được thành hình vào tháng 3 vừa rồi.
Dự án « Con đường tơ lụa trên bộ » đã được thành hình từ khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước, mục đích nối liền TQ với các nước Trung Á, Trung Đông để đến Châu Âu. Tức là mở lại con đường mà các doanh nhân Ả Rập ngày xưa đã mở ra để buôn bán tơ lụa giữa các nước Ả Rập với TQ, bao hệ thống đường sắt, gọi là « Bắc Kinh Express », nối liền các thành phố lớn TQ xuyên qua Tân Cương, để đến các thành phố lớn các nước Châu Âu. Ngoài ra còn có các dự án xây dựng hệ thống đường xa lộ. Đồng thời ta không thể quên dự án quan trọng khác là các ống dẫn dầu và khí đốt cũng được đặt trong cùng thời kỳ, từ khu vực biển Caspienne thuộc các nước Trung Á, dẫn năng lượng về đến Thuợng Hải.
Về « Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở » thì TQ đề xướng vào tháng 10 năm 2014, với số vốn là 50 tỉ đô la, được sự chấp thuận gia nhập hợp tác của nhiều nước trong G 7 như Anh, Pháp… vào tháng 3 vừa rồi. Ngân hàng này ra đời nhằm để hỗ trợ cho dự án « Con đường tơ lụa trên biển ». Việc xây dựng hạ tầng cơ sở các cảng biển cho đúng tiêu chuẩn quốc tế sẽ rất tốn kém.
Về mục đích, dự án « Con đường tơ lụa trên bộ » của TQ trước hết nhằm bảo đảm an ninh năng lượng chứ không nhằm xây dựng « trục kinh tế Âu-Á ». Sau đó mở các  hệ thống đường xá, xa lộ và đường xe lửa, nối tỉnh lục địa như Vân Nam, Quí Châu, Tân cương, (và Tây Tạng)… ra biển. Các tỉnh này rộng lớn gần bằng ½ lãnh thổ TQ nhưng rất kém phát triển. Hệ thống hạ tầng cơ sở này gồm hai mặt : đường xe lửa và đường xa lộ xuyên qua Miến Điện để ra Ấn Độ Dương ; mặt khác là mở lại đường xe lửa nối Côn Minh (thuộc tỉnh Vân Nam) với hải cảng Hải Phòng.
Về hệ thống đường sắt và đường xa lộ nối các tỉnh Hoa Nam thông qua hải cảng Hải Phòng để ra biển xúc tiến từ năm 2009, gọi là dự án « hai hành lang, một vành đai ». Hành lang thứ nhứt là Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải phòng. Hành lang thứ hai là Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội và Hải Phòng. Vành đai là vịnh Bắc Việt.  
Tuyến đường Côn Minh – Hải phòng vốn đã được nhà nước bảo hộ Pháp mở ra từ đầu thế kỷ 20 mà một trong những công trình của nó vẫn còn được dân Hà Nội sử dụng đến nay là cầu Long Biên.
Đến nay thì ta thấy dự án « hai hành lang, một vành đai » đã được sáp nhập vào dự án « Con đường tơ lụa trên biển ».
Như vậy, bề mặt thì mục tiêu các dự án « con đường tơ lụa » trên bộ và trên biển của TQ chỉ thuần túy kinh tế. Nhưng bên trong lại hàm chứa một sách lược hướng ngoại đầy tham vọng của TQ mà điều này đang làm cho nhiều quốc gia lo ngại.
Ta sẽ thấy các dự án con đường tơ lụa của TQ là một bộ phận trong sách lược hóa giải kế hoạch chuyển trục sang Châu Á của Hoa Kỳ. Dĩ nhiên nó cũng nhằm chống lại thỏa ước kinh tế « xuyên Thái bình dương » mà Hoa Kỳ khởi xướng vài năm nay.
Trục chiến lược của Mỹ, tạm gọi là « trục ngang », tức « trục hoành », liên kết giữa Hoa Kỳ với các đồng minh cũ, mà lần này HK cố gắng lôi kéo VN vào phe mình. Lo ngại của Hoa Kỳ là TQ càng phát triển thì sẽ dành mất ảnh hưởng truyền thống của họ ở vùng Đông Á.
Tham vọng của TQ là xây dựng một « trục dọc, tức trục tung » chiến lược, bao gồm Nga, TQ và có thể các nước Đông Nam Á như VN, Mã Lai và Nam Dương… đồng thời các nước Trung Đông, Châu Phi.
TQ đang ráo riết xây dựng các căn cứ quân sự trên các bãi đá ngầm đã chiếm của VN vào năm 1988 như đá Chữ Thập, đá Gạc Ma, Châu Viên, Tư Nghĩa v.v… Việc này dĩ nhiên nhằm thiết lập vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông. Mục tiêu của việc này nhằm ngăn cản lực lượng không quân, hải quân Hoa Kỳ tiếp cận.
Trong khu vực, vừa khi dự án « con đường tơ lụa trên biển » của TQ ra đời, thì đã có những động thái của các nước khác nhằm đối phó với các kế hoạch của TQ.
Ta thấy Ấn Độ rục rịch với dự án « Gió mùa », mục đích là nhằm liên kết và giao thuơng kinh tế với các nước Đông nam Á. Tức cũng là « con đường tơ lụa trên biển », nhưng đi ngược lại, từ Ấn độ dương đến Biển Đông. Ta cũng thấy Nhật rục rịch cùng lúc với hai trục Nhật - Ấn Độ và Nhật - Úc. Trong khi Hoa Kỳ thì đang gây áp lực để Nam Hàn cho phép đặt hệ thống phòng vệ hỏa tiễn.
Các quốc gia bị ảnh hưởng an ninh quốc phòng hoặc đe dọa chủ quyền lãnh thổ, trước hết có thể là VN, sau đó Phi và Singapour.
Ta thấy cảng Hải Phòng của VN là trạm đầu tiên của « con đường tơ lụa trên biển ». Nhưng vai trò của cảng Hải Phòng chỉ là trạm trung chuyển cho hàng hóa các tỉnh Hoa Nam như Vân Nam, Quí Châu…  mà thôi. Nhận thức này lấy từ kinh nghiệm của nhà nước bảo hộ Pháp sau năm 1911.
Thời đó, công ty quản trị tuyến đường Hải Phòng – Côn Minh của Pháp bị lỗ nặng, trong khi thuế quan lại không thu nhiều. Lý do là vì hầu hết hàng hóa chỉ « quá cảnh » qua Hải Phòng, sau đó chuyển đến Hồng Kông, hoặc ngược lại, hàng hóa từ Hồng Kông chuyển qua Hải Phòng để đi Vân Nam. Hàng hóa từ VN không hề « xuất qua » Vân Nam theo tuyến đường xe lửa này.
Các sử gia cho rằng công trình xây dựng đường xe lửa Hải Phòng – Côn Minh là một thất bại lớn lao về kinh tế cho người Pháp.
Thì bây giờ cũng vậy, hàng hóa TQ vốn đã tràn ngập VN, thì nay cũng vô phương cạnh tranh với các tỉnh trong nội địa của TQ. Cảng Hải Phòng cũng sẽ chỉ là trạm trung chuyển mà thôi. Tức là nó chỉ giúp cho các tỉnh Vân Nam, Quí Châu… nối với thế giới bên ngoài. Tức là giúp cho nền kinh tế tại các nơi này phát triển mà thôi.
Trong khi vấn đề tranh chấp lãnh thổ và hải phận trên Biển Đông vẫn còn nguyên, nếu không nói là càng trầm trọng thêm. Việc TQ đang ráo riết xây dựng các đảo hiện nay cho thấy tham vọng của nước này về chủ quyền lãnh thổ. Khi mà các đảo này xây dựng xong, TQ có thể tuyên bố vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông. Việc này là một phần không thể tách rời trong sách lược hướng ngoại của TQ mà dự án « con đường tơ lụa trên biển » là một bộ phận.
Singapour lo lắng vì Mã Lai (và có thể Nam Dương) đã đồng ý gia nhập dự án « Con đường tơ lụa trên biển » của TQ. Các hải cảng của Mã Lai cũng như khu vực chung quanh Kuala Lumpour nếu được xây dựng thì dĩ nhiên sẽ cạnh tranh với Singapour. Cảng Djakarta của Nam Dương cũng vậy. Nơi đây án ngữ eo biển Sonda, là nơi các tàu chở dầu cực lớn đi vào biển Đông (vì không đi qua được eo biển Malacca). Tầm quan trọng chiến lược của eo biển Malacca vì vậy sẽ giảm thiểu.
Mặt khác, theo một thỏa ước mà Singapour đã ký với Anh từ khi mới độc lập, thì hải quân Anh có quyền có mặt thường trực ở hải cảng Changi. Nhưng Anh lại nhượng quyền để hải quân Hoa Kỳ sử dụng hải cảng này. Đồng thời, từ sau Thế chiến II, Anh cũng cho hải quân Hoa Kỳ mướn đảo Diego Garcia trong Ấn Độ dương để xây dựng căn cứ. Bây giờ Anh lại là một thành viên của Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở do TQ đề xướng. Hoa Kỳ lo ngại là điều dĩ nhiên.
Vì vậy, mặc dầu dự án « con đường tơ lụa trên biển » thuần túy về kinh tế, nhưng dự án này lại nằm trong sách lược hướng ngoại của TQ nhằm đối kháng với kế hoạch chuyển trục của Hoa Kỳ.
Từ bao thế hệ nay, tất cả các tranh chấp của con người, Thế chiến thứ I, Thế chiến thứ II, tất cả đều đến từ lý do « kinh tế ». Các tranh chấp giữa các đại cường, từ chuyển trục sang Châu Á hay các dự án « con đường tơ lụa trên bộ » hay « trên biển », đều nhằm mục tiêu chinh phục hay bảo vệ thị trường.
Dĩ nhiên hệ quả của tham vọng đại cường, hay sự đụng độ vì tranh giành ảnh hưởng giữa các đại cường, sẽ đe dọa an ninh và chủ quyền lãnh thổ cho các nước nhỏ chung quanh.
Vấn đề là VN cần có thái độ như thế nào trước tham vọng của TQ ?.
Nếu VN theo TQ để đứng trong « trục chiến lược » của TQ, (như đã thấy qua chuyến đi TQ của Nguyễn Phú Trọng), gồm các nước Nga-TQ-VN-Mã Lai v.v… VN sẽ không có lợi lộc gì.
Miếng bánh « con đường tơ lụa trên biển » trị giá 40 tỉ đô. Miếng bánh « ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở » còn lớn hơn, đến 50 tỉ. Nhưng VN sẽ không được một mảnh vụn của hai cái bánh này. Cảng Hải Phòng, nếu có xây dựng, đường xe lửa Vân Nam, Hải Phòng nếu được thiết lập lại, thì VN sẽ không thu được một kết quả kinh tế nào. Kinh nghiệm của nhà nước bảo hộ Pháp ngày xưa cho phép ta kết luận như vậy. Trong khi, vì nhu cầu xây dựng chiến lược, TQ phải chiếm các đảo TS cũng như phần lớn Biển Đông. VN đứng chung với TQ cũng không ngăn được TQ chiếm đảo, chiếm biển của mình.  
Trong khi nếu VN đứng trong « trục » của Mỹ, không cần phải nói đến những lợi lộc về kinh tế đem lại cho VN trong kết ước kinh tế « xuyên Thái bình dương » (TPP), thì với quan niệm về an ninh của Mỹ ở Biển Đông cũng đã giúp VN bảo vệ quyền lợi của mình. Hoa Kỳ, qua các tuyên bố mới đây, không muốn TQ xây dựng các đảo nhằm thay đổi hiện trạng. Tức là về an ninh, VN và Hoa Kỳ có chung quan điểm.
Vì vậy, quyết định đi với TQ đồng nghĩa với việc đưa đất nước và dân tộc VN vào vòng lệ thuộc, mà tương lai cháu con không có hy vọng gỡ ra được.