mardi 29 décembre 2015

Cuối năm nhìn lại : vấn đề văn hóa.

(từ Nhật ký facebook)

5-2

Điều tôi sợ nhất trên đời này là sự « thất bại ». Mấy đứa em tôi cũng vậy. Có lần tôi hỏi tụi nó vì sao ? Đứa nào cũng trả lời : tại tụi em sợ nghèo anh ba. Tụi em đã từng nghèo, rất nghèo. Tụi em biết thế nào là « nghèo ». Vì vậy tụi em không thể chấp nhận sự « thất bại ». Ở VN thất bại là trắng tay anh ba.

Tôi mới nói tụi nó rằng anh bên Tây cũng vậy mấy đứa. Anh cũng rất sợ cái « nghèo ». Cũng như tụi em, anh hai bàn tay trắng làm nên sự nghiệp. Không có bà con, giòng họ có thế lực để « chống lưng ». Thất bại một lần là gục luôn, không bao giờ gượng dậy nổi. Anh cũng rất sợ sự « thất bại ». Những người « thất bại » ở đây họ gọi là « loser ». Ít có người chủ nào tuyển dụng người « loser », cho dầu người này bằng cấp đầy mình. Trót mang tiếng « loser », tương lai cuộc đời mình chỉ là « ngõ hẹp ». Bởi vì tài năng thể hiện qua sự thành công, không phải là thất bại.

Vì vậy anh em tụi tôi có điểm chung là hay « tính toán ». Làm điều gì cũng tính trước ngó sau. Mà ngó lại phía sau nhiều hơn là nhìn về phía trước. Câu hỏi đầu tiên đặt ra trước khi làm bất cứ việc gì đều là : nếu thất bại thì sẽ ra sao ? Còn nhìn về phía trước thì rất dễ, đôi khi chỉ là một « thủ tục »…

Nói vậy không phải là mình không dám « phiêu lưu », không dám làm « việc lớn ». Vấn đề là làm thế nào để không « thất bại ».

Có người nói đến sự « thất bại » dễ dàng như là chuyện « may rủi ». Có lẽ do văn hóa (đặc thù VN) « thất bại là mẹ thành công ». Thua, xóa bài làm lại. Đâu có gì mà lo ?

Nói « thất bại là mẹ thành công » nhưng « được làm vua, thua làm giặc ». Không có « giặc » nào làm « mẹ » của « vua » hết cả.

Thất bại dĩ nhiên phải lo. Thua là đứng dậy rời xòng, không có việc « thua keo này bày keo khác ». Vốn ở đâu mà bày ? (Ngoại trừ những đứa con nhà giàu, thua là thua vốn của ông bà già).

Bởi vậy tôi rất kinh ngạc khi một bài diễn văn của một người (khoe là đã có nhiều lần thất bại) lại được đăng đi, đăng lại trên các báo, trên các trang mạng.

Hãy bỏ đi ý nghĩ « thất bại là mẹ thành công ». Nghĩ vậy là mình xem thường việc thất bại. Mà trong đời, đôi khi chỉ thất bại một lần là mình không bao giờ gượng lại được.

Cuộc đời mình chỉ có một lần.

6-2

Để biện hộ cho việc « chém heo » hay thói « ăn thịt chó » người ta thường núp mình dưới tấm khiêng « văn hóa » dân tộc, kể cả lúc cái gọi là « văn hóa » đó làm tổn thuơng đến danh dự của cả dân tộc cũng như ảnh hưởng xấu đến (nền kinh tế) của đất nước.

Lễ hội « chém heo » là một hủ tục của địa phương (làng Ném Thuợng, xã khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch. « Truyền thuyết » nói rằng cuối thời nhà Lý, một viên tướng đánh trận khi đến vùng này chém heo rừng để nuôi quân. Từ đó dân làng hàng năm mở tục chém heo để tưởng nhớ công ơn của người đã có công khai hoang vùng đất này.

Chưa thấy nghiên cứu (khoa học) nào nói về « lễ hội » này để xác định các giá trị (về văn hóa, tâm linh, hay lịch sử). Nhưng từ cái « truyền thuyết » này ta có thể thấy nhiều điều vô lý (theo lối Âu Cơ đẻ trăm trứng). Từ việc đi đánh giặc « chém heo rừng để nuôi quân » trở thành việc « khai hoang vùng đất » là xa hàng vạn dặm. Cũng như ông tướng đang đánh giặc (giặc nào ? kéo dài bao lâu ?). Thời khắc chiến tranh là dầu sôi lửa bỏng, trong khi việc khai hoang chỉ có thể diễn ra trong lúc thái bình, thời gian phải cần năm, mười năm.

Lễ hội này chỉ phổ biến ở địa phương (làng Ném Thuợng) và không (hay chưa) thấy lan ra các nơi khác. Nó bắt đầu từ khi nào ? Từ sau khi nhà Lý diệt vong ? hay chỉ mới đây, lúc « văn hóa xã hội chủ nghĩa » suy tàn ?

Văn hóa (của một dân tộc) là sản phẩm (vật chất và tinh thần) của con người thuộc dân tộc đó, tồn tại theo thời gian (mang tính kế thừa), phục vụ cho các nhu cầu (về tinh thần và vật chất) của dân tộc đó trong đời sống thường ngày.

Người ta gọi là « truyền thống văn hóa » khi nó được đa số người dân trong cộng đồng chấp nhận (và thể hiện).

Hủ tục « chém heo » khó có thể núp bóng « văn hóa » truyền thống Việt Nam để đòi « tồn tại ».

Tệ nạn ăn thịt chó (và hành hạ súc vậy) cũng vậy. Đây không thuộc về văn hóa (ẩm thực) đặc thù của Việt Nam. Đến những năm thập niên 40, 50 thế kỷ trước, ở Châu Âu nhiều nơi cũng ăn thịt chó. Việc ăn thịt chó chỉ là thói quen của một nhóm nhỏ, ở VN cũng như ở các nước khác. Người ta không cấm việc « ăn thịt chó ». Khi con người « văn minh » hơn, không còn ai ăn thịt chó. Chó, mèo… là những con vật được xếp vào loại thú vật « có tình cảm ». Luật lệ các xứ Châu Âu hiện nay cấm giết hại thú vật « có tình cảm ».

Đại đa số dân VN (nhất là những người theo đạo Phật), từ xưa đến nay có truyền thống không ăn thịt chó.

Nói « ăn thịt chó » là văn hóa truyền thống của VN là xuyên tạc văn hóa, là ngồi xổm lên lịch sử, lên truyền thống của dân tộc.

Lý lẽ thuyết phục nhất của phía chủ trương « ăn thịt chó » và (chém heo) là phê bình « những người đứng ngoài » ảnh hưởng văn hóa « ngoại lai ». Người ta không thể đứng trên nền tảng « ngoại lai », suy tôn ngoại lai, để phê bình những gì thuộc về bản sắc dân tộc.

Tôi hoàn toàn đồng ý với lập luận này. Không thể chấp nhận « văn hóa ngoại lai » áp đảo (đến mức tận diệt) văn hóa dân tộc được. Văn hóa « xã hội chủ nghĩa » (cũng như lý thuyết của Mác, Lê Nin) hiển nhiên là văn hóa ngoại lai. Những người Việt nhân danh văn hóa này đã từng lên án và đạp đổ cái gọi là « văn hóa đồi trụy, phản động » ở miền Nam. Biết bao nhiêu sách vở, tài liệu, văn hóa phẩm… bị đem tiêu hủy. Biết bao nhiêu trí thức (người làm văn hóa) bị tù đày, giết chóc… Mà thực ra những thứ gọi là « phản động, đồi trụy » đó mới là tinh túy của văn hóa VN.

Trong khi việc « chém heo » và « ăn thịt chó » không thuộc về « văn hóa ». Văn là vẻ đẹp. Cái đẹp nào thấy được ở việc « chém heo » và ăn thịt chó ngoài việc làm cho người ngoài phẫn nộ và ghê tởm (về mức độ dã man của người Việt) ?

Trong khi các thói quen, các bại tục này ảnh hưởng lớn đến thể diện dân tộc và kinh tế quốc gia.
VN mình có câu « con sâu làm rầu nồi canh ».

Một số (rất) nhỏ dân VN nằng nặc giữ tục « chém heo », phê bình rằng những người chỉ trích tục lệ này là « những người đứng ngoài ». Một số (cũng rất nhỏ) khác cương quyết bảo vệ việc « ăn thịt chó », thịt mèo… cũng cho rằng lý lẽ của những người chống việc « ăn thịt chó » là lý lẽ của kẻ đứng ngoài.

Trên bình diện quốc gia, dân tộc thì chúng ta cùng nằm chung trong một « nồi canh ». Chúng ta có cùng một sỉ diện dân tộc.

Việc phát triển quốc gia, tức là việc « dân giàu nước mạnh », ngày nay dựa trên « kinh tế » chứ không phải dựa trên súng ống, sức mạnh (để đi chinh phục các nước khác). Mà nói đến kinh tế là nói đến cạnh tranh.

Nói thật, bọn Tàu, bọn Thái, Mã, Kam, Lào… vì cạnh tranh kinh tế với VN, họ sẵn sàng biếu không cho mỗi người VN một con heo để làm lễ « chém heo ». Họ cũng (không nhân đạo gì) sẵn sàng xuất cảng sang VN mỗi năm ba (chục) triệu con chó để phục vụ đám bợm nhậu VN. Họ sẵn sàng làm cho nồi canh VN nhung nhúc sâu bọ.

Nhớ lại, bên Châu Âu (và Mỹ) có một thời rất chuộng những chiếc áo lông thú. Giá cả một chiếc áo lạnh có thể bằng giá của một chiếc xe (hạng du lịch). Tức là rất đắt tiền. Việc chuộng áo lông đã làm giàu cho kỹ nghệ may mặt hưng thịnh. Nhưng phong trào « bảo vệ thú vật » nổi lên, được sự cộng tác của nhiều minh tinh, tài tử, những gương mặt công chúng… Một thời gian ngắn, không còn chiếc áo lông nào được bày bán (ở các nước Âu, Mỹ).

Bọn Hàn quốc cũng có (một số) người ăn thịt chó. Nhưng lo ngại hàng hóa của họ bị tẩy chay (theo lối áo lông thú), chính phủ của họ ra những đạo luật để việc « giết chó » không dã man cũng như việc « ăn thịt chó » được kín đáo hơn.

Đất nước còn nghèo. Dân tình phần lớn còn trong vòng u u, minh minh, chưa phân biệt cái lợi, cái hại, cái tốt, cái xấu. Các vấn đề này đáng lẽ thuộc trách nhiệm của nhà nước.

Mà than ôi, nhắc tới nhà nước thì nhà nước này đã từ nhiệm từ lâu.

Còn lại trách nhiệm người trí thức. Mà trí thức VN không rượu như cờ không gió.

Thôi, chịu thua.

7-2

Một số người VN, do thiếu kinh nghiệm tiếp xúc với người nước ngoài (trong các lãnh vực thuơng mãi), hoặc do « phát cuồng vì thịt chó », nên thường có những lời lẽ bênh vực thói ăn thịt chó. Họ cho rằng việc dã man với súc vật (như ăn thịt chó, chém heo…) không ảnh hưởng gì đến hình ảnh của VN trên thế giới.

Điều này hết sức là sai lầm. Những người (Việt) có công việc làm ăn thường xuyên giao tiếp với khách hàng (quốc tế) là những nhân chứng cụ thể.

Tôi kể trường hợp cô em gái tôi, cô em thứ năm. Tôi đã từng kể đây là cô em mà tôi phục nhứt. Với hoàn cảnh gái góa con côi, hai bàn tay trắng, đất người làm nên sự nghiệp như cô quả là hiếm có.

Cô Năm có một thuơng hiệu may mặc (khá nổi danh trên trường quốc tế). Cô có mặt ở hầu hết các « hội chợ quốc tế » về thời trang, từ Anh, Pháp, Đức, Ý… cho đến TQ, VN, Ấn Độ… Cô là khách VIP của các cuộc trình diễn kiểu mẫu, ở Milan hay Paris. Các mặt hàng do cô vẽ kiểu và sản xuất có bán tại các cửa hàng lớn ở Paris, Milan, New York… Cô là khách hàng « sộp » của các tổ hợp may ở các nước VN, Kampuchia, TQ, Ấn Độ…

Những lần (hiếm hoi) gặp mặt anh em chuyện trò với nhau, cô luôn than phiền rằng thái độ của khách hàng đối với « gương mặt Châu Á » của cô, cũng như nguồn gốc mặt hàng, luôn là cái « nhức nhối », gây trở ngại cho cô trong buôn bán. Hàng hóa có lúc không giới thiệu được (ở hội chợ) do nạn kỳ thị, họ tưởng cô là người Hoa và hàng của cô là may tại TQ.

Những bài báo, clip video… xuất hiện trên báo chí thế giới nói về “sinh hoạt thường ngày” của người Hoa, trong nước cũng như lúc đi ra ngoài, đã gây ấn tượng xấu trong các nước Tây Âu. Thái độ của (một thiểu số người Hoa), nạn khạc nhổ, nạn ăn cắp, nạn buôn lậu, nạn nhập cư lậu, tỉ lệ phạm tội… đã đem lại cho người Hoa một hình ảnh ghê tởm. Nạn nhân trước hết dĩ nhiên là « Made in China ». « Made in China” là một « tật nguyền ». Tất cả những gì sản xuất ở đây đều không thể trở thành những món hàng « de luxe ».

Vì vậy cô hướng về VN, Kampuchia và Ấn Độ. Từ đó, mỗi lần gặp khách hàng kỳ thị là cô có thể ngước mặt cao lên nói rằng: Tao là người Việt Nam, hàng hóa của tao làm tại VN. Tao không phải Chinese.

Đây chỉ là một thí dụ nhỏ, rất cá nhân. Nhưng ở VN có hàng triệu “thuơng hiệu” tương tự như cô Năm.

Thử tưởng tượng một ngày (có thể là nay mai vì VN mới chôn sống 3 ngàn con mèo). Do việc “dã man với thú vật”, các tổ chức bảo vệ súc vật trên thế giới làm “lobby” tẩy chay hàng hóa VN. Lúa gạo, tôm cá, trái cây… sản xuất ở VN bị đình chỉ. Khách hàng thay vì mua gạo ở VN, vì rẻ hơn một chút, thì qua ra mua của Kampuchia hay Thái Lan. Tôm cá, trái cây… cũng vậy. Hàng hóa của VN đâu có tươi và ngon bằng Indo, Mã Lai, Pakistan…?

Trong khi lượng du khách giảm xuống. VN có gì để cứu vãn nền kinh tế ?

VN không phải là Nhật. Các nước (tiên tiến) phần lớn phụ thuộc vào hàng hóa của Nhật. Với sức mạnh (và trọng lượng kinh tế), Nhật không sợ bất kỳ một trừng phạt kinh tế nào.

Nếu có một phong trào (tương tự phong trào áo lông thú các đây khá lâu) tẩy chay VN vì « dã man với thú vật », thì VN sẽ không gượng nổi. Hoặc là gộp chung VN với Chinnois vào một giỏ, VN sẽ « chết ».

Vì vậy, thể diện quốc gia, sỉ diện dân tộc là « cái chung », cần phải giữ vì nó ảnh hưởng đến mọi người. Trong khi việc « ăn thịt chó », việc « chém heo »… chỉ là thói quen (đáng xấu hổ) của một thiểu số.

Bỏ ăn thịt chó, bỏ việc chém heo, dân VN không chết. Nhưng nếu tiếp tục hay cổ súy (một cách ngu xuẩn) các việc này thì kinh tế VN sẽ chết. Tức là có hàng chục triệu người chết (đứng) vì mất công ăn việc làm.

9-3

« Bạo lực » đã « bàng bạc » thể hiện trong các vụ lễ hội được tổ chức trong dịp tết vừa qua. Mọi người, dĩ nhiên, đều lên án. Tôi đã đọc nhiều bài viết về vấn nạn này trong những ngày qua trên báo chí trong nước. Có điều tôi không chia sẻ được ý kiến của ai.

Bạo lực, cướp bóc, giành giật, ấu đả, chém giết… đã đến từ đâu ? Như là một nhân chứng, tôi khẳng định trước đây những thứ đó không hề có trong các lễ hội mang tính truyền thống của VN.

Nguyên nhân thực ra sờ sờ trước mắt. Có điều mọi người không ai muốn nhắc tới mà thôi.

Trong một thời gian dài, ít ra là bốn thập niên, người ta đã cố gắng xóa bỏ những gì thuộc về văn hóa truyền thống ra khỏi ký ức dân tộc. Người ta đã cố gắng nhồi nhét, thế vào đó một nền « văn hóa mới » xã hội chủ nghĩa. Đến nay người ta vẫn không hình dung được cái « bản sắc » của cái gọi là văn hóa XHCN đó nó ra sao. Vấn đề là người ta đã thành công xóa bỏ những gì tinh túy nhứt trong văn hóa truyền thống dân tộc.

Xây dựng, về văn hóa, quá trình kéo dài hàng ngàn năm. Nhưng phá bỏ, chỉ cần vài mươi năm. Từ vượn lên người phải mất hàng triệu năm. Nhưng từ người xuốn vượn đôi khi chỉ cần vài năm mà thôi.

Cái phương cách mà người ta áp dụng để xóa bỏ nền văn hóa dân tộc của những thập niên trước, nếu so sánh với hiện nay, ta sẽ thấy giống y chang với phương cách của bọn Taliban, bọn IS (Nhà nước Hồi giáo) đang làm. Cũng dã man, tàn bạo, máu me… Các vụ đập phá chùa chiềng, đình miểu, mồ mả… trong thời kỳ « cách mạng văn hóa » ở miền Bắc (và các vùng nông thôn miền Nam) có khác gì việc bọn Taliban đã giật sập các bức tượng Phật (đẻo trong vách đá hàng ngàn năm), tại vùng núi non của Afghanistan ?. Có khác gì hành vi của bọn IS hiện đang đập phá những di tích cổ xưa trong các viện bảo tàng ở Iraq ?

Không khác. Có điều VN không có những di tích « văn hóa » quan trọng (như Iraq) để (thời đó) người ta lên tiếng.

Để (làm tốt) các việc (đập phá) đó, những người thừa hành đã đập đầu, chôn sống, đấu tố, làm nhục… không biết bao nhiêu người. Điều đáng nói nạn nhân hầu hết là thành phần tinh hoa, những bậc trí giả am tường về văn hóa giống nòi. Nói chung bản thân các nạn nhân đã là « văn hóa » của dân tộc.

Những người thừa hành, tức những thanh niên, thanh nữ tay cầm búa, tay cầm súng, ngày xưa đập phá chùa chiềng, miếu mạo đó… là thành phần đang lãnh đạo đất nước hiện nay.

Cũng chính những người đó bây giờ đang muốn khôi phục lại bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó có các lễ hội cổ truyền. Đó là một hành vi hòa giải với lịch sử, lý ra là cần khuyến khích. Có điều ta thấy họ không có thực tâm hòa giải. Họ làm như vậy là nhằm vào mục tiêu « kinh tế » chứ không phải để khôi phục lại một nền văn hóa đã mai một. Họ hy vọng rằng các lễ hội như vậy sẽ thâu hút được một lượng lớn du khách nhằm lấy tiền. Vậy thôi.

Ta thấy rõ rệt các lễ hội được tổ chức, đầu voi đuôi chuột, không ra cái thể thống gì. Bởi vì những người chủ trương làm sống lại các lễ hội có biết gì về các lễ hội đó ? Lý ra, nếu họ có thiện chí, thì họ phải lập ra một hội đồng « nghiên cứu văn hóa cổ truyền », thu thập các tài liệu, dữ kiện văn hóa hiện còn đang tồn trữ (một cách đầy đủ) trong các tập địa phương chí, trong các trung tâm văn khố nước ngoài… để dàn dựng lại một cách (có lớp lang) các lễ hội truyền thống.

Họ là những kẻ ăn sổi ở thì. Là kẻ đã phá hoại quá khứ, không có trách nhiệm đối với hiện tại, nói chi trách nhiệm đến tương lai ?.

Thử nhắc lại một lễ hội (mà tuổi ấu thơ của anh em tụi tôi) đã từng trải qua, là lễ hội « giật giàn » ở các địa phương miền Nam.

Thập niên sáu mươi, tôi khoảng năm bảy tuổi chi đó, đất nước chia đôi, nhưng miền Nam cuộc sống khá thanh bình. Nhà tôi thời kỳ đó « cực kỳ nghèo ». Ba má tôi, những nông dân không có đất, sống trong một « ấp » nhỏ, tên là An Trạch Đông, thuộc huyện Vĩnh Châu, Bạc Liêu ngày nay. Nhà nghèo dĩ nhiên anh em tụi tôi thất học. Anh hai của tôi đi chăn trâu cho đến năm 12 tuổi mới bắt đầu cắp sách đến trường, khi ba tôi bỏ nơi này đi lên vùng cao nguyên lập nghiệp. (Nếu ba tôi không can đảm bỏ quê hương này thì chắc là anh em tụi tôi hoàn toàn vô học rồi !.)

Hàng năm, đình làng có tổ chức lễ hội « giật giàn ». Khác với lễ hội ngày nay, là lễ hội ngày xưa chỉ dành cho trẻ em mà thôi. Không có vụ « người lớn » trèo lên cây, giành giật ấu đả một cách đáng xấu hổ như đã thấy trong các clip video.

Tôi còn nhớ như in trong đầu, lễ « giật giàn » thật ra là nghi thức « bế mạc » của việc cúng đình. Các vị « trưởng lão », cũng như toàn thể dân làng đều có phần trong buổi tiệc cúng. Còn trẻ nhỏ thì sao ? Có lẽ vì không thể cho ngồi chung mâm với người lớn, nên tổ tiên mình mới tổ chức vụ « giật giàn », sao cho mọi người (lớn nhỏ) cũng đều có phần.

Không biết các địa phương khác tổ chức ra sao, tôi nhớ làng tôi, sân đình trong buổi giật giàng, những cái mâm bằng nhôm được sắp san sát với nhau. Trên mâm là nhưng khúc mía, khoai lang, củ sắn, bánh dừa, bánh ít, kẹo, tiền xu (năm cắc hồi đo cũng lớn lắm)… Đặc biệt là nhang được cắm đầy trên các mâm, đầu nhang các đóm lửa lấp lánh, khói hương nghi ngút. Tôi lúc đó vừa còn nhỏ, lại vừa nhát gan (sợ nhang làm phỏng), nên chỉ có anh tôi là tham gia. Những đứa trẻ trong làng đều tụ tập, hầu như không thiếu đứa nào, được sắp xếp vòng quanh mâm cúng, theo thứ tự nhỏ ở vòng trong, lớn ở vòng ngoài. Tuyệt nhiên không có một « người lớn » nào được phép tham dự.

Chỉ sau khi « trống lệnh » ba hồi của vị hương chủ chấm dứt, cờ phất lên, cuộc « giật giàn » mới bắt đầu.

Tôi tìm hiểu không ra, từ đâu có tên gọi là « giật giàn » ? Nhưng tôi biết nguyên nhân vì sao nhang đốt được cắm đầy trên các mâm cúng. Lý do là làm cho những đứa trẻ bạo dạn lên. Việc « giành giật » thể hiện ra sức mạnh và bản lãnh của đứa trẻ, là mầm mống của « lãnh đạo » sau này.

Văn hóa truyền thống VN cũng « có nét » đó chớ ?

Một buổi lễ dành riêng cho con nít ngày xưa, bây giờ dành cho thanh niên, trai tráng. Buổi lễ ngày xưa, từ người già lụm cụm cho đến những đứa trẻ, tất cả đều hỉ hả vui vẻ vì ai cũng hưởng được ơn sủng của thánh thần. Bây giờ là giành giật, đè đầu đè cổ, ấu đả lẫn nhau. Nhưng đó là chuyện của người lớn. Còn con nít ở đâu trong các buổi lễ đó ?

Trẻ em là tương lai. Người ta (người lớn) bây giờ bất cần tương lai nên bỏ quên con nít. Người ta cần xả hơi để cho bớt đi những áp lực đời thường.

Bạo lực đến từ thói quen của giai cấp lãnh đạo. Bạo lực từ văn hóa lãnh đạo đi xuống hàng dân giả.
Người ta tổ chức lễ hội để « thu tiền » du lịch mà không biết rằng đó là cách hiệu quả nhứt để giết nền du lịch.

Nói đi nói lại chi cho xa xôi, không bằng cụ thể nói lên con số.

Du lịch VN hiện nay đóng góp khoảng dưới 5% GDP. Trước đó, đầu thập niên 2000 là khoảng 10%. So sánh thử với Thái Lan, cùng thời, từ 5% lên 10%. Nên nhớ GDP của Thái hơn VN gấp mấy lần. Tức là khác biệt về du lịch giữa hai bên rất lớn.

Vì sao ? Vì du khách khi đến Thái Lan là nghĩ đến chuyện trở lại lần thứ hai, thứ ba, thậm chí nghĩ cách sống luôn ở đây khi về hưu. Còn du khách khi đến VN một lần là tỡn tới già. Những « Việt kiều », như tôi đây, khoảng vài năm nữa về hưu, cũng tính chuyện về VN sinh sống. Tính tới tính lui, rõ ràng tính lui « sáng nước » hơn tính tới. Không còn mấy ai có ý muốn về VN sinh sống trong tuổi già. Họ sẽ qua Mã Lai, Thái Lan, thậm chí Kampuchia để sống.

Đó là câu trả lời mang tính "nhân văn", cụ thể cho nền văn hóa được tái tại lại bằng những tay đồ tể văn hóa.


lundi 28 décembre 2015

Cuối năm nhìn lại: những vấn đề của đảng CSVN

(từ Nhật ký facebook)

3-1-2015

Đầu năm 2013, tôi có viết một bài mang tựa đề : « Những vấn đề hiến pháp : tình trạng con vua thì lại làm vua ». Trong bài có viết như sau :

[Ở Việt Nam, các « con ông cháu cha », tài cán thế nào chưa thấy chứng minh, mà tất cả đều được « gài » vào các vị trí then chốt trong « đảng », trở thành hạt nhân của « giai cấp tiên phong », sẵn sàng thay thế ông, cha ra « lãnh đạo » đất nước.

Các vấn đề (thuộc về Hiến pháp) như « nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa », « Việt Nam là một nước có chủ quyền », « nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa », « quyền lực nhà nước là thống nhất », « đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước », « dân chủ tập trung » v.v... tất cả chỉ là ngôn từ của « hỏa mù ». Con vua thì lại làm vua, đó là một chế độ phong kiến trá hình. Nói chuyện về Hiến pháp nhiều khi chỉ là chuyện trào phúng, mất thì giờ.]

Hai năm sau kiểm chứng lại thấy mình viết đúng. Chuyện góp ý « viết hiến pháp » lúc đó quả nhiên là chuyện ruồi bu.

Đầu năm 2015 những vấn đề thuộc về hiến pháp không còn, nhưng chủ đề « con vua thì lại làm vua » lại mang tính « thời sự » hơn bao giờ hết.

Báo chí đăng tải um sùm vụ cậu út, con của anh Ba X, vừa được « cơ cấu » vào bang chấp hành đảng bộ tỉnh Bình Định. Chú nhóc này mới 24 tuổi, là người trẻ nhất VN đảm nhiệm một chức vụ cao như vậy. Cũng nên nói, cậu cả của anh Ba X, hiện đang làm phó bí thư tỉnh Kiên Giang, thành viên TW. Như vậy gia đình anh Ba X, bề nổi, có tới ba người đang « tận tụy » làm « đầy tớ », phục vụ cho nhân dân. Còn bề chìm, người « đầy tớ » nào đó thuộc giòng máu của anh Ba còn đang là « ẩn số X ».

Cộng hòa, dân chủ, độc lập, tự do, hạnh phúc… chẳng còn ra thể thống nào. Đảng cử dân bầu đã tệ, con vua thì lại làm vua còn tệ hơn. Chế độ hiện thời ở VN là một chế độ phong kiến thực sự, chứ không còn « trá hình » (cái con mẹ) gì nữa !

Nếu nói theo « duy vật biện chứng », ta thấy rằng, trong bất kỳ một nhóm người sống chung, lập thành xã hội, một cách tự nhiên sẽ xuất hiện hai khuynh hướng tâm lý : lớp lãnh đạo và lớp người chịu sự lãnh đạo. Thí dụ, trong một lớp học, ta thấy sự « nổi bật » tự nhiên vài đứa học trò, đến từ sự nể trọng của những đứa họ trò khác trong lớp. Đứa (hay vài đứa) học trò này mặc nhiên « lãnh đạo » số đông còn lại. Sự nổi bật có thể do các trò này học giỏi, can đảm, có lòng tốt… Đứa học trò « nổi bật » đó có thể được cả lớp bầu làm « trưởng lớp ».

Xã hội loài thú cũng vậy. Trong một đàn chim, luôn có một con chim đầu đàn. Con chim này là con mạnh nhứt và khôn ngoan nhứt, có kinh nghiệm dẫn dắt cả đàn bay đến vùng nắng ấm, có nhiều mồi ngon, mà không đi lạc. Trong một đàn sư tử, con đầu đàn luôn là con sử tử mạnh nhứt, có khả năng bảo vệ an ninh cho cả bầy trước sự tấn công của các con thú khác.

Giả sử rằng xã hội VN đang sống trong thời kỳ « tiền lịch sử », xã hội bầy đàn. Không có việc « bầu bán » trong những đàn chim, bầy thú. Cậu út của anh Ba X, (hỉ mũi chưa sạch), tài năng chứng minh khi nào, sức mạnh bao nhiêu, kinh nghiệm có cái gì ? để một bước cậu vượt qua hàng trăm ngàn, (thậm chí hàng triệu) cái đầu đoàn viên, đảng viên, đối tượng đoàn, đối tượng đảng… lên nắm quyền lãnh đạo ?

Xã hội VN đang trong thời kỳ văn minh. Chế độ cộng hòa thay thế chế độ phong kiến vương quyền. Quyền chủ tể (tức chủ quyền) của quốc gia không còn trong tay ông vua (hay giòng họ ông vua), mà thuộc về toàn thể người dân.

Hệ thống chính trị VN hiện nay « cơ bản » đặt trên nền tảng « dân chủ ». Mà « dân chủ », một cách ngắn gọn, là cách thức để người dân tuyển chọn người, hay những người, trao quyền lực lãnh đạo (hay điều hành) nhà nước. Trong một thể chế dân chủ không một quyền lực nào được trao cho một cá nhân bất kỳ mà không đến từ « quyền chủ tể » của người dân. Nói dễ hiểu là, không có một chức vụ hay cơ chế (quyền lực) nào trong bộ máy nhà nước mà không thông qua sự (bầu cử) của người dân, hay sự bổ nhiệm của một cơ quan quyền lực chính đáng .

Vấn đề đặt ra, « quyền lực » vừa được trao cho cậu út con anh Ba X, không hề thông qua, hay được chỉ định từ một cơ chế thẩm quyền chính đáng, đến từ quyền chủ tể quốc gia của người dân.
Không hề có qui định nào trong luật pháp VN thành phần « thái tử đỏ » này sẽ là thành phần lãnh đạo tương lai.

Sự việc « con vua thì lại làm vua » chỉ có thể xảy ra ở các xã hội bán khai, phong kiến.

4-1

Dựa TQ và Cuba vào để biện hộ cho tình trạng phong kiến, « con vua thì lại làm vua » như VN là « ngụy biện », cho dầu cả hai chế độ ở Cuba và TQ đều thuộc loại tồi tệ nhất trên thế giới. Bởi vì chế độ VN còn tệ hơn.

Trường hợp Cuba, hai anh em nhà Castro, Fidel và Raul, là những nhà cách mạng đầu tiên ở Cuba. Hai ông này đã cầm đầu cuộc « chiến tranh cách mạng » Cuba từ năm 1953. Tức là Raul đã vào sanh ra tử với Fidel từ lúc mới ban đầu cách mạng. Khi « cách mạng thành công », Raul làm bộ trưởng bộ quốc phòng. Chức vụ cao nhất của Raul, trước khi thay thế Fidel, là chủ tịch hội đồng bộ trưởng (thủ tướng), (còn Fidel tổng bí thư đảng). Việc Raul lên thay thế Fidel, nắm chức tổng bí thư, không ai đặt vấn đề vì « công lao » cho « cách mạng » của Raul không kém gì Fidel. Điều cần nhắc, nói là ông Raul « lên » thay thế Fidel, nhưng thể thức là một cuộc bầu cử.

Cậu út (kể cả cậu cả) con anh X đã có đóng góp gì cho « cách mạng » ? đóng góp gì cho đất nước ? đã có kinh nghiệm nào ? khả năng nào ? Hai cậu công tử này một bước nhảy lên vị trí làm cha thiên hạ, không qua một thể thức bầu cử chính đáng nào.

Còn TQ, đảng CSTQ dầu sao cũng có thể biện minh cho sự chính đáng lãnh đạo của mình hiện nay là vì đã thành công trong việc phát triển quốc gia. Các thế hệ lãnh đạo TQ chưa hề có cảnh « con ông cháu cha », như kiểu anh Ba X. Tất cả những lãnh đạo thuộc thành phần « hậu duệ » những nhà cách mạng tiền bối TQ hiện nay đều phấn đấu, học tập trầy da tróc vẩy, vào tù ra khám, nếm đủ mùi đau thuơng. Họ bước lên từ bậc thang thấp nhất. Không có ai một bước 24 tuổi lên ngồi trong hàng ngũ lãnh đạo tỉnh bao giờ. Hiện nay TQ có phong trào đánh tham nhũng gay gắt. Vấn đề « con ông cháu cha » cho thấy sẽ bị tiễu trừ.

VN muốn khá hơn, con người cũng như đất nước, thì nên học cái tốt ở người khác. Đã tệ, không dám nhìn nhận mình tệ, mà rúc đầu vào đáy giếng tối tăm, cố gắng tìm kiếm cái tệ hơn mình để bào chữa cho mình. Tiếp tục như vậy, với đà này không bao lâu VN sẽ không còn tìm ra nước nào tệ hơn để bào chữa nữa. Trong khu vực đã đội sổ rồi. Không bao lâu sẽ đội sổ trên thế giới.

5-1

Tôi cầu nguyện cho ông Thanh đầy đủ sức khỏe, về đúng dịp trung ương đang họp. Tôi hy vọng ông có tấm lòng với đất nước, dân tộc. Tôi cũng hy vọng ông có lương tâm trong sáng của một người làm chính trị trong sạch và có đạo đức.

Nếu vậy thì chắc ông cũng muốn để lại một tiếng thơm cho hậu thế. Tôi hy vọng ông Thanh nhân dịp này nói thẳng vào mặt những người đang họp rằng :

- "Mấy anh cá đối bằng đầu, ai nấy đều bất tài bạc hạnh như nhau. Mấy anh nếu không là con sâu lớn thì cũng là con sâu nhỏ. Mấy anh ai cũng xấu xa tệ hại như nhau nhưng ai cũng muốn « bóc mẽ » đồng chí khác và dấu nhẹm con tẩy của mình để tiến lên trước. Mấy anh ai cũng kể công đóng góp cho đảng, cho đất nước, cho dân tộc… mà thực ra là mấy anh đang nói láo. Đất nước đang tụt hậu từng giờ, đến nay đã đội sổ ASEAN, không mấy lâu sẽ đội sổ Châu Á. Tài nguyên khánh kiệt. Nền kinh tế quốc dân tàn lụn lần hồi. Những con số tăng trưởng GDP đều đến từ các xí nghiệp đầu tư nước ngoài. Lao động trong nước trở thành kẻ làm công cho những ông chủ nước ngoài. Còn ra nước ngoài, dân mình cũng khổ sở, nhục nhã tư bề. Trai thì làm cu li, gái thì làm con ở, làm điếm trên xứ người. Ôi nhục quốc thể biết bao nhiêu, mấy anh có thấy?

Mấy anh là những tay đánh bạc bịp, đánh bạc bằng tiền của nhân dân. Mấy anh phá nước thay vì xây dựng cho đất nước. Mấy anh vắt kiệt mồ hôi, nước mắt, máu me… của người dân. Mấy anh sống trên đầu trên cổ nhân nhân. Trong khi lãnh thổ, đất đai, biển đảo… thằng Tàu nó gậm nhấm lần hồi, còn mấy anh thì khoanh tay bất lực. Đát nước đã bị lệ thuộc. Không bao lâu đất nước này sẽ tan rã.

Tôi hỏi mấy anh, làm thế nào để đất nước và dân tộc thoát khỏi cảnh nguy cơ rã đám này ? Không phải điều tốt cho chúng ta, cho đất nước và dân tộc này là chúng ta phải giản tán đảng hay sao ?."

Anh Bá Thanh à, những điều tôi nói này cũng trúng tâm trạng của anh phải không ? Tôi nghĩ anh có dư đảm lược và tài hùng biện để nói lên những điều này (một cách văn vẻ và thuyết phục) hơn tôi.


6-1

Các bác khi nghe tôi nói tới vụ « giải tán đảng » thì ai cũng lãnh cảm, nếu không nói là lạnh cẳng, ai cũng bàn ra. Thực ra đây mới là chuyện cấp bách cần làm.

Các bác phải biết là ông Hồ là người đầu tiên có ý nghĩ « khai tử đảng », vào chỗ chết để tìm đường sống. Không phải ông đã làm như vậy hay sao ? Nhờ vậy mà đảng CS mới sống được tới hôm nay.
Ý nghĩ « giải tán đảng » cũng đến với các lãnh đạo cấp cao từ đầu thập niên 90. Không ai nghe lời những vị này, bây giờ mọi người đều thấy, đất nước 90% đã vào vòng kiểm soát của nước ngoài, trong đó ít ra 50% là thế lực thân TQ.

Bây giờ phải cấp bách giải tán đảng, nhân sự phân chia ra (hay tụ họp lại) thành 2 hay ba khuynh hướng chính trị. Những nhóm này thành lập đảng, thí dụ : đảng cộng sản, đảng cộng hòa và đảng dân chủ. Cấp bách là vì VN cần phải lành mạnh hóa môi trường chính trị, đa nguyên hóa chính trị, để tiến đến sự cạnh tranh lành mạng trong chính trường. Chỉ có cách này mới thoát được cảnh « con ông cháu cha », cha truyền con nối, phe nhóm quyền lợi, nhóm quyền lực... mà ai cũng biết những thứ này càng để lâu càng nguy hiểm. Nó chỉ có thể sản sinh ra những lãnh đạo dốt nát, tham vọng thì cao mà không đủ khả năng đáp ứng. Tình trạng này càng để lâu đất nước càng thụt hậu, nguy cơ ly khai, phân liệt càng lớn.

Đây là thời điểm tốt, đảng CS đang họp đại hội, không nói ra lúc này thì chừng nào mới nói ? Mà ông Bá Thanh là một trong những người có bản lãnh để nói.

9-1

Cuồng tín, cực đoan, tàn bạo, vô nhân… là những điểm tương đồng giữa Hồi giáo giáo điều và cộng sản. Những người này có thể sử dụng mọi phương tiện để đạt tới mục tiêu. Họ có thể đào tạo chiến sĩ cảm tử (ôm bom) vị thành niên cũng như sử dụng trẻ em trong chiến tranh. Những người Hồi giáo giáo điều có thể giết hàng loạt dân chúng (cả làng) chỉ vì những người dân này không cùng tín ngưỡng với họ. Những người cộng sản cũng có thể giết hàng loạt dân lành vô tội vì những người này không ủng hộ, hay không đứng về phía họ. (Thảm sát Mậu thân tại Huế là một thí dụ)… Nạn nhân của hồi giáo giáo điều chưa tính được, vì « cuộc thánh chiến » của họ (có lẽ chỉ mới bắt đầu). Còn nạn nhân của cộng sản (tính sơ) là 100 triệu người.

Điểm chung lý thú khác giữa hồi giáo giáo điều và cộng sản là căm thù « trí thức ». Ở Liên xô cũ, TQ, VN… trí thức là là « kẻ thù » đầu tiên phải « tiêu diệt ». Việc đầu tiên của bất kỳ nhà cầm quyền vô sản nào mới lên là tìm cách tiêu diệt (hay bịt miệng) thành phần trí thức. Những thứ (tên gọi văn hoa) như « cách mạng văn hóa », « cải cách ruộng đất », « trăm hoa đua nở » v.v… tên gọi càng văn hoa thì máu me chảy càng nhiều. Trong số nạn nhân 100 triệu người, không ít trong đó là thành phần trí thức.

Chế độ cộng sản nào cũng tiêu diệt thành phần trí thức để củng cố cho chế độ. Tổ chức tôn giáo cực đoan nào cũng căm thù trí thức. Vì những thứ này chỉ có thể phát triển trong một xã hội khép kín, ngu dân. Để phát triển họ phải tận diệt trí thức, vậy thôi.

Điểm tương đồng khác giữa cộng sản và hồi giáo giáo điều là tôn vinh « lãnh đạo ». Nếu người vô sản vinh danh ông Mác, ông Hồ thì bọn hồi giáo giáo điều vinh danh " Ahlah ». Mọi hành vi « đụng chạm » đến lãnh thụ, đến Ahlah… đều bị trừng phạt nặng nề.

Cuộc thảm sát tại tòa báo Charlie Hebdo tại Paris hôm qua là đòn trừng phạt của bọn hồi giáo giáo điều đến những người trí thức. Điều này làm ta chợt nhớ lại vụ nhà văn Nguyễn quang Lập (cùng những trí thức khác như Hồng Lê Thọ, Nguyễn Hữu Vinh, Trần Hùynh Duy Thức, Việt Khang v.v…). Vũ khí của trí thức là ngòi bút, cây cọ vẽ, lời nhạc… Vũ khí của bọn giáo điều cực đoan là họng súng, là nhà tù, là điều 88, 79, 258… BLHS.

Cuộc chiến giữa trí thức và giáo điều tối tăm là không cân sức. Nhưng rốt cục ngòi bút sẽ chiến thắng mọi hình thức trừng phạt man rợ của bọn giáo điều. Lịch sử tiến bộ của loài người đã chứng minh điều này.

13-1

Thật ngạc nhiên khi đọc báo thấy tin « Báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của đảng » là một « đề án » được Hội nghị Trung ương lần 10 của đảng CSVN thảo luận. Làm như nào giờ « báo chí » nằm ở ngoài sự lãnh đạo của đảng vậy. Người ta suy nghĩ gì về việc này ?

Báo chí đang có khuynh hướng « thoát đảng », vì vậy phải khẳng định lại sự lãnh đạo của đảng (đối với báo chí) ?

Báo chí đang có khuynh hướng phe nhóm, vùng miền (như đã thấy trên thực tế), như đảng có báo đảng, đoàn có báo đoàn, công an có báo công an, quân đội có báo quân đội, mỗi tỉnh có vài ba tờ báo, thậm chí (các xí nghiệp quốc doanh như công ty dầu hỏa…) cũng có tờ báo riêng… Cùng một tin nhưng báo này đăng có nội dung « chửi cha » báo kia. Vì vậy phải « tập trung » và « thống nhất » tất cả lại, phải đăng tin theo sự chỉ đạo của đảng ?

Cho dầu thế nào thì báo chí của VN xưa nay « căn bản » là vô trách nhiệm. Các tờ báo « trụ cột » như Nhân Dân, CAND, QDND… (nói chung là các báo có tĩnh từ nhân dân phía sau) có « thẩm quyền » mạ lị cá nhân (và tập thể) thoải mái mà không bị ràng buộc bởi luật pháp. Một người nào đó, mặc dầu chưa ra tòa án phân xử, khi đưa lên báo (có tĩnh từ nhân dân phía sau), những người này đối xử như đã là phạm nhân. Quá khứ đã vậy, bây giờ cũng vậy, chắc chắn tương lai cũng là như vậy.

Có lẽ người ta chỉ có thể tìm được « sự thật » của « đề án » đặt báo chí dưới sự lãnh đạo của đảng qua « ánh sáng » của sự hiện diện (bất chợt và nặc danh) của các trang mạng như « quan làm báo », « tư sang nham hiểm », « chân dung quyền lực »… ? Bất chợt vì những trang báo này chỉ xuất hiệnnhân những giờ phút quan trọng của đảng và chế độ (như các đại hội, hội nghị TW đảng).

Bởi vì nhân sự cốt lõi của đảng CS hôm nay đều « cá đối bằng đầu ». Đây không phải là lời « xỉ vả » (như có người đã muốn nói vậy khi thấy tôi đã sử dụng châm ngôn này), mà là một sự thật. Các thế hệ « lập quốc công thần » đã lần lượt đi vào quá khứ. Thế hệ hiện tại phần lớn chưa từng biết đến chiến tranh. Công lao không ai có. Khả năng mọi người đều dốt ngang nhau. Họ ngoi lên được không do tài năng kinh bang tế thế (hay chinh nam dẹp bắc), mà do thuợng đội hạ đạp, do con ông cháu cha. Người nào cũng tham nhũng ngập đầu, nếu không là con sâu lớn thì cũng là con sâu nhỏ.

Bây giờ họp hội nghị bầu người lãnh đạo. Bầu ai bây giờ ?

Ở các xứ chó đẻ giẩy chết, các cuộc bầu cử tưng bừng khí thế, người ra tranh cử cố gắng thuyết phục của tri với một chương trình « an bang, tế thế ». Các ứng cử viên tranh luận với nhau, chỉ trích dự án của nhau trước công luận, bằng các diễn đàn công khai. Mọi người quyết định lá phiếu của mình xuyên qua các chương trình chính trị của ứng cử viên.

Thì ở VN, xứ « đáng sống » và hạnh phúc nhất trên thế giới, người có khả năng được trúng tuyển cao là người « nắm tẩy » được các « đồng chí » của mình. Thời gian trước hội nghị tuyển chọn « nhân sự đảng » hồ sơ đen, hồ sơ mật của nhân sự (lãnh đạo) được công bố (qua các trang mạng đã nói trên). Ngoài ra là người có khả năng « thuợng đội hạ đạp ».

« Báo chí » trở thành vũ khí để đồng chí thanh toán lẫn nhau, bóc mẽ lẫn nhau. Báo chí và chất phóng xạ đồng hành với nhau. Mục đích là duy nhất : hạ bệ (hay giết chết) đồng chí của mình để tranh dành quyền lực.

Xưa nay, nền báo chí và hệ thống pháp chế XHCN, (cũng như công an và quân đội), xưa nay đều do đảng kiểm soát, do đảng trực tiếp lãnh đạo, với mục đích nhằm bảo vệ đảng và chế độ. Lúc còn ông Hồ, những người cầm bút được mang danh là « chiến sĩ cầm bút ». Ông Hồ có quan niệm « văn hóa là một mặt trận mà những người cầm bút là chiến sĩ trên mặt trận đó ». Thời đại « internet », « chiến sĩ cầm bút » nhiệm vụ không thay đổi, là những người có khả năng « nói xuôi cũng được mà nói ngược cũng xong », để thích ứng với sự ngập tràn và đa dạng của thông tin. Vai trò của họ xưa nay không thay đổi : bảo vệ đảng về mặt tư tưởng, tuyên truyền.

Phải chăng đề án « Báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của đảng » được thảo luận trong hội nghị TW 10 là nói trong « tinh thần » này ? Nếu vậy thì « quyền lực » hiến định của đảng đã trở thành quyền lực của mafia, phe nhóm rồi.

21-1

Báo đăng lời chị Kim Ngân nói trước quốc hội như vầy : « Việt Nam hiện nay không có bộ nào quản lý phụ nữ, trong khi các nước đều có bộ phụ nữ nên cần tính toán, xem xét tới việc này ».

Thiệt tình, nào giờ chưa từng nghe lời oanh vàng của chị. Bây giờ nghe qua… té ghế ! Hy vọng rằng nhà báo viết sai ý của chị Ngân.

Phụ nữ VN « luông tuồng » quá nên phải « quản lý » lại, hay là ngành xuất khẩu « gái gú » VN chưa đủ chỉ số « kiều hối » nên nhà nước cần phải « quản lý » để đạt chỉ tiêu ?

Hay là chị Kim Ngân muốn noi gương các nhà nước Hồi giáo Trung Đông, áp dụng luật Charia, quản lý phụ nữ ? Ở đây phụ nữ được nhà nước « quản lý » chặt chẽ, trở thành khúc thịt trùm vải đen biết đi và biết đẻ.

Thưa chị Kim Ngân, thế giới văn minh người ta nước nào cũng có một bộ, hay ít nhất là một cơ quan độc lập, lo về « quyền » của người phụ nữ. Tại LHQ, cơ quan UNICEF có hẵn một bộ phận chỉ lo về « quyền » của người phụ nữ.

Ở các xứ dẩy chết này người ta bênh vực phụ nữ sao cho được bình đẳng với nam giới về cơ hội (lãnh đạo nhà nước), về lương phạn, về nghề nghiệp… nói chung là đòi hỏi sự bình đẳng giữa nam giới và nữ giới trong mọi sinh hoạt của xã hội. Người ta bênh vực phụ nữ bằng cách ra các đạo luật (với hình phạt nghiêm khắc) để trừng trị các hành vi tội phạm như phân biệt cách đối xử (kỳ thị), hành hạ, đối xử tệ hại, xúc phạm nhân phẩm... đối với người phụ nữ. Các tội phạm nô lệ tình dục, mua bán phụ nữ… thuộc tội hình sự, bị trừng phạt nặng.

Còn ở xứ (chó đẻ) của mình, từ lâu phụ nữ đã là món hàng xuất khẩu mang lại nhiều « kiều hối » cho nhà nước. Ở đâu cũng thấy những dòng chữ quảng cáo « lấy chồng Hàn quốc, Đài loan… ». Từ nam chí bắc, kinh doanh « thịnh » nhất vẫn là các của hàng bia ôm, các « cửa hàng » có chân dài phục vụ (từ a đến z). Trước đây, khi mới « mở cửa », « khu vực » này do công an quản lý, đóng góp ngân sách nhiều nhất cho nhà nước.

Tình trạng người phụ nữ VN trần truồng đứng xếp hàng để người ta sờ bóp, nhìn ngắm, trả giá… hiện nay đã là « chuyện bình thường ». Vì đó là bộ máy « kiều hối » của nhà nước.

Tức là, từ lâu nay, phụ nữ VN đã được đảng và nhà nước quan tâm, « quản lý » chặt chẽ.

Mới nghe lại video của anh Ba nói về tự do dân chủ nhà nước pháp quyền nhân dịp trả lời phỏng vấn ở Đức do BBC đăng lại. Nói thiệt anh Ba, nếu VN là một nhà nước biết thuợng tôn pháp luật thì toàn bộ nhân sự công an – phụ trách phần kinh doanh phụ nữ - tất cả đều bị chung thân khổ sai. Lời nói – việc làm của người cộng sản, một trời một vực. Ông Thiệu nói có lý phải không anh Ba ?

Lên « fây búc », lên mạng internet… ta thấy đủ thứ hầm bà lằng, xã hội có gì, trên mạng có nấy. Xã hội vắng tanh thì trên đây cũng vắng tanh các tiếng nói, các hội bênh vực cho người phụ nữ (về quyền phụ nữ, về bảo vệ nhân phẩm phụ nữ…). Những « gương mặt công chúng », những người « có tư cách » có thể lên tiếng bênh vực phụ nữ thì cũng chỉ lẩn quẩn trong việc « selfie ».

Bây giờ chị Kim Ngân lên tiếng nói về việc lập bộ « quản lý phụ nữ ». Nếu y là như vậy, nghe rồi « té ghế » là đúng, phải không chị ?

Tôi hy vọng chị Kim Ngân sẽ đề nghị quốc hội lập ra bộ « bảo vệ quyền của người phụ nữ ».
Nghe nói kỳ bỏ phiếu tín nhiệm vừa rồi chị được phiếu cao. Hy vọng tâm ý của chị xứng tầm với bề cao của số tín nhiệm. Để việc bỏ phiếu không trở thành cuộc bầu… hoa hậu.

30-1

Tổ chức Freedom House công bố kết quả về tình hình “tự do trên thế giới” 2014, nước Việt Nam được liệt vào nhóm “not free”, tức không có tự do.

Về các “quyền chính trị”, Việt Nam được điểm 3 trên 40 (3/40), trong đó “tiến trình bầu cử” (tức dân chủ) được zéro điểm trên 12 (0/12), “đa nguyên chính trị” và “tham gia” (vào chính trị) được 1 điểm trên 16 (1/16), cách thức làm việc của chính phủ được 2 điểm trên 12 (2/12).

Về các quyền tự do dân sự, VN được 17/60, trong đó quyền tự do phát biểu và tự do tín ngưỡng đạt được 4 điểm trên 16 (4/16), quyền hội họp và lập hội đạt 1 điểm trên 12 (1/12), “rule of law” được 4 điểm trên 16 (4/16), quyền riêng tư và các quyền cá nhân được điểm 8 trên 16 (8/16).

Bản tổng kết này khá chính xác, cho điểm zéro về “tiến trình bầu cử” là quá đúng. Đảng cử dân bầu là hình thức đảng “chỉ định” nhân sự lãnh đạo chứ không phải là dân “tuyển chọn” lãnh đạo (hay đại diện) của mình.

Cho 1 điểm trong phần “đa nguyên chính trị” và tham gia vào chính trị là quá sức “rộng rãi”. VN không hề có một tư tưởng chính trị nào khác (ngoài ý chí của đảng), cũng không có người “đảng ngoại” (chớ đừng nói đến người đối lập) nào được ngồi vào “mâm” chính trị VN.

Còn cho 2 điểm về cách thức làm việc của chính phủ là khá cao. Nội các kiểu gì mà bộ trưởng quốc phòng đá vào hông thủ tướng (trong vấn đề giàn khoan 981) còn bộ ngoại giao há miệng thì mắc xương tổng bí thư. Trong khi giáo dục “vũ loạn vô mưu”, ý tế “chích đâu chết đó”, giao thông thì đường xá ổ gà ổ ổ voi, đường mới nghiệm thu thì đã nứt.

Về các quyền tự do dân sự, không hiểu họ dựa vào đâu để cho 17 điểm (trên 60) ? Việc này các nhà “tranh đấu cho nhân quyền” có ý kiến gì không ?

Điều “té ghế” là họ gộp phần “rule of law” vào nhóm “các quyền tự do dân sự” và cho đến 4 điểm (trên 16).

Lý ra, “Rule of law” phải để vào một nhóm riêng, thí dụ: pháp lý. Trong phần này, “rule of law” mang ý nghĩa “thuợng tôn pháp luật”. Dưới ánh sáng “rule of law”, mọi tư cách pháp nhân trong xã hội đều chịu sự chi phối của pháp luật. Công an, cảnh sát (ở các xứ dẩy chết), khi bắt người họ luôn nói câu : “au nom de la loi, je vous arrete - nhân danh pháp luật tôi bắt anh”. Ngoài pháp luật ra, họ không thể nhân danh bất kỳ đảng nào, người nào, đấng nào, lý thuyết nào… để bắt người.

Nhưng ở VN, công an có thể bắt bất kỳ người nào (và xử án nặng nề) về các tội chung chung, không xác định được tư cách pháp nhân các đối tượng bị thiệt hại, ở các điều 79, 88, 258 BLHS…

Những người làm bản tổng kết này đã chỉ xét đến một khía cạnh (rất nhỏ) trong phần “tố tụng” và bỏ qua một điều quan trọng cơ bản là hiến pháp (2013) qui định “đảng cộng sản VN” lãnh đạo nhưng không chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tức là đảng CSVN đứng ngoài, nếu không nói là đứng trên pháp luật. Đây không phải là tinh thần của “rule of law”, mọi người, từ dân chúng cho đến lãnh đạo, đều bình đẳng trước pháp luật.

Trên nguyên tắc về pháp chế (législation), đảng CSVN không có tư cách pháp nhân. Nhưng các điều 79, 88, 258 BLHS… đều liên quan trực tiếp đến đảng CSVN.

Nhà nước VN hiện nay không phải là nhà nước xây dựng trên tinh thần “rule of law” – “etat de droit”, tức là nhà nước pháp trị (hay trọng pháp). Đây là một nhà nước độc tài tập quyền công an trị.
Nhà nước CSVN gọi đó là nhà nước pháp quyền. Họ lấy nội dung “rule of law – etat de droit” (nhà nước pháp trị) để đưa vào nội dung “nhà nước pháp quyền”. Tức họ đưa hồn con hồ ly quĩ quái vào xác thân một mỹ nhân tên Đắc Kỷ.

Vấn đề là trí thức VN, và ngay cả những người xưng danh “tranh đấu cho nhân quyền”, cũng hô hào, cổ võ cho cái “nhà nước pháp quyền” này.

Anh, chị đòi hỏi dân chủ, tự do mà quí anh chị lại ủng hộ, cổ võ cho cái "nhà nước pháp quyền" bóp chết tự do và dân chủ. Dân chủ ở cái "nhà nước pháp quyền" này được zéro điểm và quyền tự do hội họp và lập hội được 1 điểm.

Quí anh, chị tranh đấu cho nhân quyền, tức quyền con người, mà quí anh chị cổ võ cho “nhà nước pháp quyền” bóp chết mọi quyền của con người.

Không lẽ điểm 4 (trên 16) về “rule of law” được chấm là nhờ sự cỗ võ của trí thức và các nhà tranh đấu ?

Suy nghĩ bể cái đầu !


31-1

Nhà nước pháp quyền là nhà nước của quyền hay nhà nước chạy quyền ?

Một ông trí thức trong nước có giải thích ý nghĩa của từ « pháp quyền » :

« pháp quyền cũng như Nhà nước pháp quyền là một phương thức tổ chức và vận hành xã hội trên cơ sở của các quyền ».

Đây là một định nghĩa rất đặc thù, rất « ngoại lệ văn hóa Việt Nam ».

Tổ chức Freedom House vừa công bố kết quả thăm dò về « quyền tự do » ở các nước trên thế giới, theo đó ở VN không có một quyền cơ bản nào của người dân được tôn trọng.

Nhà nước (chó đẻ) pháp quyền, tức là nhà nước về quyền, nhưng không có quyền nào (của người dân) được tôn trọng. « Văn hóa ngoại lệ » ở đây là văn hóa « đừng nghe những gì cộng sản nói ». Nhất là nghe lời trí thức cộng sản.

Và khi vô học lên ngôi, dĩ nhiên người « có học » phải xuống dưới làm bầy tôi. Trí thức thực sự không còn. Chỉ còn cái hư vị là trí thức cộng sản. (Vì vậy khi tôi chửi trí thức cộng sản chỉ là chửi đổng. Bà con trí thức thứ thiệt đừng phiền. Tôi không đánh hoa cả cụm). Mà bỗng lộc, quan tước thời nào vẫn thế, vẫn luôn là động lực, là mục tiêu, để con người chém giết, hạ bệ, lật đổ nhau để tranh giành.

Vì vậy nẩy sinh ra (cái mà tôi gọi là) nhà nước chạy quyền.

Mới đây, trong nước có nhà trí thức (dĩ nhiên cộng sản) lên tiếng yêu cầu chính thức hóa việc « chạy chức » nhân sự trong bộ máy nhà nước. Dĩ nhiên việc này chỉ xảy ra trong nội bộ đảng CSVN. 
Nhưng điều này cổ võ cho việc nhìn nhận thói tham nhũng trong tập đoàn đảng viên đảng cộng sản với nhau.

Mới đây, ông bí thư Trọng (tục gọi là Lú), lên tiếng gián tiếp nhìn nhận việc « chạy chức » trong đảng là có, nhưng chỉ yêu cầu điều tra để « rút kinh nghiệm ». Việc « chạy chức » mặc dầu không nói ra, nó đã trở thành một thông lệ.

Rõ ràng « nhà nước pháp quyền » là « nhà nước chạy quyền ».

« Etat de droit » hay « rule of law » (nhà nước pháp trị) có nghĩa là không một cá nhân nào, dù là chủ tịch nước, thủ tướng, tổng bí thư hay công dân, được đứng trên luật pháp. Nhà nước « pháp trị » thực thi quyền lực bằng luật pháp và bản thân họ cũng phải chịu những hạn chế của luật pháp.

Đảng CSVN đứng trên, đứng ngoài pháp luật. Nhà nước « pháp quyền » không phải là nhà nước về quyền, cũng không phải là nhà nước nhân danh pháp luật để cai trị dân. Bởi vì, nếu nhà nước này có âm hưởng chút xíu nào của « etat de droit » hay « rule of law », tức là nhà nước pháp trị, thì Trọng lú đã bị truy tố trước pháp luật và đảng của ông ta đã bị cấm chỉ hoạt động rồi.

Chạy chức, chạy quyền là tham nhũng, là mua quan bán tước.

3-2

Tính "chính danh" của người cộng sản.

Ông Vũ Minh Giang, từng là thành viên Hội Đồng lý luận của đảng, nói trên BBC về tính chính danh của đảng. Lý lẽ của ông cho thấy đảng CSVN đã không còn người cũng như không có cơ sở nào thuận lý để bênh vực cho sự « chính danh » (để lãnh đạo đất nước). Tất cả đều là ngụy biện.

Những lý lẽ của ông Giang nói đến trong bài báo là :

1/ Chính danh vì đảng « đã lãnh đạo dân tộc giành lại độc lập ».

Điều này không đúng trong thời điểm hiện tại (và dĩ nhiên, tương lai).

Giả sử rằng việc đảng CSVN đã « lãnh đạo dân tộc giành lại độc lập » là một sự thật lịch sử, không có điều gì cần tranh biện. Thì những người cộng sản hôm nay cũng không thể vịn vào lý do này để tiếp tục giành quyền lãnh đạo. Những thế hệ « khai quốc công thần » chống Pháp, chống Mỹ đã lần lượt khuất núi. Những người « có công », tức những người có tham gia vào cuộc chiến, đã không còn bao nhiêu người. Ngay cả thế hệ lãnh đạo hiện thời cũng không có mấy người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến « chống Mỹ ». Ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ là một « du kích quèn », xuất thân là một y tá. Công lao của ông này vào công cuộc « giải phóng miền Nam » quả thật là khiêm nhường. Thế hệ tương lai sẽ không có người nào tham gia vào cuộc chiến.

Như vậy, nếu dựa vào « công lao », thì trong đảng sẽ không có ai có công lao (giành lại độc lập) để đặt nền tảng làm sự « chính danh » để lãnh đạo đất nước hết cả.

Tính chính danh không có « kế thừa ». Nếu không thì chế độ « cộng hòa xã hội chủ nghĩa » cần phải bỏ chữ « cộng hòa » mà thay vào đó là từ « quân chủ ».

2/ Chính danh do được nhân dân bầu lên.

Ông Giang nói rằng « Đầu năm 1946, Đảng Cộng sản đã tổ chức bầu cử Quốc hội và ra Hiến pháp. Hệ thống chính trị Việt Nam có bầu cử và những người của Đảng ra ứng cử vào các chức vụ. »

Điều này (ai cũng thấy) là không đúng sự thật. Thời điểm tổ chức bầu cử quốc hội (1946) đảng CS đã giải tán và số dân biểu đắc cử vào quốc hội một số lớn không thuộc đảng CSVN.

Nhưng cũng giả sử rằng thời điểm đó đảng CS không giải tán và số người trong quốc hội 100% là đảng viên đảng CSVN. Thì tính chính danh của đảng cầm quyền chỉ có hiệu lực trong nhiệm kỳ bầu cử đó mà thôi. Không lẽ nhiệm kỳ đó kéo dài (đến nay đã gần) 70 năm ?

Tất cả các cuộc bầu cử sau này đều là « đảng cử dân bầu ». Tính chính danh không có. Nếu có là do đảng tự phong mà thôi.

3/ Chính danh do « chuyên chính vô sản ».

Bất kỳ đảng cộng sản nào cũng cho rằng họ có « chính danh » để lãnh đạo đất nước, vì họ đại diện cho số đông (nhân dân vô sản) trong xã hội. Nhà nước họ lập nên là « nhà nước vô sản », sử dụng sự « chuyên chính vô sản », tức sự « độc tài » cho tầng lớp vô sản, nhằm triệt tiêu giai cấp bóc lột đem lại sự « công bằng » trong xã hội.

Ông Giang biện luận về việc này như sau :

« Ở các nước có giai cấp tư sản dân tộc họ tương đối mạnh mẽ thì họ chèo lái con thuyền chính trị… Còn ở Việt Nam giai cấp tư sản rất yếu. »

« Ở Việt Nam tư hữu phát triển không giống như nhiều nước, công điền còn tồn tại. Hoàn cảnh lịch sử như vậy thì lý luận của chủ nghĩa cộng sản xem ra phù hợp với tâm lý người dân… »

Lập luận này cho thấy ông Giang hết sức lúng túng để chứng minh tính chính danh của đảng CSVN hôm nay.

Đảng CSVN không còn đại diện cho quyền lợi của « số đông », tức giai cấp công nhân, nông dân, những người lao động nghèo… trong xã hội. Trên thực tế, đảng CSVN là đại diện cho tầng lớp tư bản hoang dã, tầng lớp đầu cơ trục lợi cũng như tầng lớp tư bản nước ngoài… Người ta vào đảng là để làm quan : một người làm quan cả họ được nhờ. Làm quan thời cộng sản ai cũng là triệu phú, nhà lầu xe hơi. Cả họ người nào cũng no cơm ấm cật.

Xã hội mà đảng CSVN lập nên hôm nay không phải là một xã hội công bằng, mà là một xã hội đầy dẫy bất công, người bóc lột người. Tầng lớp « dân oan » trong xã hội ngày càng đông. Họ là nạn nhân của các cuộc « ăn cướp » đất đai, mà người cầm đầu là quan chức cộng sản nắm quyền.

Đảng CSVN hôm nay hiện thân là một tập đoàn bất lương, mafia.

Họ đã bán rẻ ngay cả linh hồn của họ thì tính chính danh nào còn ?

15-3

Có một bà mẹ Việt Nam anh hùng
Thì có cả triệu bà mẹ Việt Nam phản động
Mẹ nào thì cũng là mẹ của những đứa con Việt tộc
Trong cuộc chiến nồi da xáo thịt

Có một bà mẹ Việt Nam anh hùng
Thì có cả triệu bà mẹ Việt Nam nắng dãi mưa dầm
Tần tảo nuôi con, hai vai trĩu nặng,
Để lớn khôn lên chúng gà nhà bôi mặt

Có một bà mẹ Việt Nam anh hùng
Thì cũng có cả triệu bà mẹ Việt Nam cạn dòng nước mắt
Xác con là quân giải phóng, là ngụy quân, ngụy quyền, là vượt biên phản quốc…
Thì giọt nước mắt nào của mẹ cũng chua xót đắng cay

Có một bà mẹ Việt Nam anh hùng
Từ bốn mươi năm trước hôm nay được vinh danh tạc tượng
Thì cũng có một triệu bà mẹ Việt Nam khóc thầm trong tủi nhục
Sông Gianh, sông Bến Hải như vẫn còn thống khổ phân chia

Có một triệu bà mẹ Việt Nam vui
Thì cũng có một triệu người mẹ Việt Nam buồn,
Có những nỗi buồn xót xa không thể nói
Bắc hay nam, sinh ra mẹ đâu lựa chọn

Có đất nước nào như đất nước này
Hễ có một người vui là có triệu người buồn
Có một người vinh quang là có máu me của một triệu người đổ xuống
Có một người sống trong vàng son thì có một triệu người nước mắt chan cơm

Ôi Việt Nam,
Giang sơn một dãi tủi hờn !

26-3

Ý kiến của ông Phạm Quang Nghị về việc chặt cây cho ta thấy được phương hướng phát triển của thủ đô Hà Nội. Việc ngưng đốn cây hiện nay chỉ là tạm thời. Trong dài hạn, theo ông Nghị, là phải chặt cây, để Hà Nội trở thành một đô thị « văn hiến, văn minh ».

Theo tôi thì định hướng phát triển Hà Nội, theo cái cách hiện nay, sớm muộn gì cũng đi vào ngõ cụt. Hà Nội sẽ phá sản về văn hóa và mất mọi dấu vết về văn hiến.

Các thành phố lớn của VN như Hà Nội, Sài Gòn… là những thành phố cổ, được Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19. Hạ tầng cơ sở thành phố như đường xá, cầu, cống thoát nước… chỉ có thể thỏa mãn cho một dân số hạn chế. Sau 1954, do việc không có kế hoạch xây dựng thủ đô, dân tứ xứ đổ nhau về, nhà cửa xây cất chen chúc, vô trật tự. Đến nay, Hà Nội (hay Sài Gòn) đã phát triển (một cách hỗn loạn) như những khu nhà ổ chuột ở Rio, các thành phố Ấn Độ, Mexico…

Việc chặt cây, nếu không nói đến mục đích (xẻ thịt các loại cây quí) của lãnh đạo Hà Nội, là nhằm mở rộng đường phố (để giải quyết nạn kẹt xe). Nhưng điều này sẽ không giải quyết được điều gì.
Từ rất lâu, ít ra hơn 10 năm trước, tôi đã lên tiếng báo động về vấn đề giao thông trong thành phố. (Lúc đó người ta có khuynh hướng hạn chế xe gắn máy và khuyến khích cho việc sử dụng xe du lịch). Xe du lịch được nhập cảng một cách bừa bãi trong khi hạ tầng cơ sở, cũng như hệ thống xe điện ngầm cho chuyên chở công cộng thì không nhắc tới.

Tôi là người đầu tiên đưa cách tính toán về việc chiếm diện tích lòng đường (giữa xe gắn máy và xe 4 bánh) nhằm giải quyết nạn kẹt xe (và vấn đề khủng hoảng năng lượng). Giải pháp tối ưu, theo tôi, đến nay (cho Hà Nội và Sài gòn) vẫn là phát triển hệ thống chuyên chở công cộng.

Vấn nạn kẹt xe đến từ nhiều nguyên nhân mà đường hẹp chỉ là một yếu tố rất phụ.

Đô thị ở các xứ Tây phương (khu vực Bắc Âu) cây cối không nhiều, lý do không phải vì người ta không trồng cây, mà do khí hậu lạnh lẽo, cây mọc không được. Mặt khác, người dân cần ánh nắng mặt trời hơn là cần bóng râm. Đến mùa hè là dân ở đây ra bờ sông, bãi biển để phơi nắng. Trong khi các thành phố phía nam, khí hậu ấm hơn, thành phố nào cũng cây cối xanh um. Luật lệ các xứ này là cấm đốn cây (kể cả cây do mình trồng). Ngoài ra người ta còn khuyến khích trồng cây xanh, trồng rừng để cố gắng cứu vãn tình trạng « hâm nóng » địa cầu.

Một cây cổ thụ ở đây là một « di sản » của quốc gia. Người ta tìm mọi cách để bảo vệ.

Qua ý kiến của ông Nghị, ta thấy định hướng phát triển là « bê tông hóa » thủ đô Hà Nội.

Giả sử rằng, sau khi chặt cây, lòng đường mở rộng thêm 2 mét. Điều này chắn chắn không giải quyết được nạn kẹt xe. Nhưng Hà Nội có nguy cơ trở thành một đô thị chết. Một cây cổ thụ của Hà Nội có giá trị « văn hóa » hơn ngàn lần một tòa nhà cao tầng. Giá trị văn hóa, văn hiến của Hà Nội là hàng cây cổ thụ, là sông Hồng, là những hồ Gươm, những ngôi biệt thự hàng trăm năm, là những con đường nho nhỏ… chớ không phải là những tòa nhà cao tầng, (hay dự tính xây trụ phát sóng cao nhứt thế giới)…

Nếu ta bình tâm nhìn lại, điển hình khu vực « phố cổ » ở Đà Nẵng. Nếu so sánh với các « phố cổ » các nước khác, ở đây không đáng một chéo áo của người ta. Nhưng nó vẫn có một sức hút mãnh liệt với du khách nước ngoài. Vì sao ? Vì đó là « văn hiến », là « văn hóa » đặc thù của Việt Nam. Nhà cửa, đường xá ở khu « Phố cổ » ở đây có khác gì (nhiều nơi) ở Hà Nội ?

Sự phát triển của Việt Nam không theo một mô hình, một chiến lược phát triển lành mạnh và bền vững nào cả. Phát triển của VN là phát triển theo lối « du kích », « mì ăn liền », ăn sổi ở thì. Nói chung là không có tầm nhìn.

Mọi vấn đề Việt Nam, không chỉ riêng cho Hà Nội, (về phương diện phát triển đô thị), mà ở mọi nơi, trên mọi lãnh vực khác như kinh tế, giáo dục, quốc phòng, an ninh, pháp luật, gia đình, xã hội… đâu cũng đều thất bại, hay sắp sửa gặp thất bại.

May phúc là dân Hà Nội có cái nhìn về « văn hóa » và « văn hiến » khác với lãnh đạo. Bằng không thì việc chặt cây sẽ gây ra một thảm trạng mà tác hại của nó không khác gì cuộc cách mạng văn hóa.
Nếu tôi có thẩm quyền, thì một số lớn đường xá ở Hà Nội sẽ chỉ dành cho người đi bộ và đi xe đạp.

12-4-2015

Nghe truyền thông nước ngoài đăng tải, tuần qua có hàng trăm con cá heo bị mắc cạn tại một bãi biển của nước Nhật.

Cá heo là một động vật sống dưới nước có bộ óc rất tinh khôn. Bộ óc của chúng có bộ phận (tương tự như GPS) có khả năng phân biệt được phương hướng và định vị rất tài tình. Cá heo còn có một bộ phận cảm ứng « sonar » tinh vi. Chúng có thể phát hiện những đàn cá từ xa, hoặc định dạng được các chướng ngại vật, hay những con mồi nhỏ mà mắt thường không thấy. Ngoài ra chúng rất thông minh,  dễ dàng hấp thụ các « bài học » mà con người đã dạy cho chúng. Vì vậy cá heo thường được các khu giải trí cận biển nuôi để làm xiếc.

Nhờ vào tư chất thông minh, dễ dạy, cá heo cũng được quân đội các cường quốc huấn luyện làm « gián điệp », làm « lính », như các loại chó « quân khuyển ». Người ta huấn luyện cá heo để thay thế người nhái, cho chúng thay người làm những công tác nguy hiểm. Cá heu khi được huấn luyện có thể len lỏi vào các hải cảng quân sự, hay những bến tàu ngầm đục sâu trong núi để tìm thông tin. Trong thời chiến cá heo còn được huấn luyện làm « cảm tử quân ». Người ta cột chất nổ trên những con cá heo sau đó dạy chúng đến gần những chiến hạm, những tàu ngầm của địch thủ để tiêu diệt.

Sự kiện cả bầy cá heo bị mắc cạn như vậy rất hiếm khi xảy ra. Các nhà khoa học đưa một số lý thuyết để giải thích hiện tượng này như sau :

Thứ nhứt, có thể đàn cá heo (bị mắc cạn) là do đi lạc vì bị mất các khả năng định vị và cảm ứng « sonar ». Nguyên nhân là do sự nhiễu loạn tín hiệu, đến từ các nguồn sóng phát ở một chiếc tàu ngầm nào đó.

Thứ hai, là do con cá đầu đàn đã già yếu, lú lẫn, do đó đã dẫn cả đàn đi lạc.

Cả hai lý thuyết đều có khả năng đúng.

Ở đây mình chỉ nói đến trường hợp thứ hai : con cá đầu đàn già yếu, lú lẫn.

Nếu so sánh, ta sẽ thấy cách tổ chức trong xã hội các loài thú (tinh khôn) không khác xã hội loài người lúc bán khai. Trong một đàn thú, như voi, chim chóc, cá heo, khỉ, sư tử… luôn có một con thú đầu đàn. Con thú đầu đàn luôn là con mạnh nhứt, khôn ngoan nhứt, có nhiều kinh nghiệm nhứt…

Con thú đầu đàn là yếu tố quan trọng nhứt, bảo đảm cho sự tồn tại của cả đàn.

Nhờ vào kinh nghiệm, con thú đầu đàn biết nơi đâu là vùng an toàn, có nắng ấm, có nhiều mồi ngon… để dẫn dắt cả đàn đi không lạc đường. Trong đàn voi, con voi đầu đàn là con voi cái có nhiều kinh nghiệm nhứt. Cá heo cũng vậy, con đầu bầy là con tinh khôn nhứt, có nhiều kinh nghiệm nhứt bầy…

Bây giờ thử áp dụng cho xã hội Việt Nam. Tôi e rằng « con thú đầu bầy » của dân VN, tức là đảng cộng sản VN, « lực lượng tiên phong » của dân tộc này đang ở trong tình trạng già cỗi, lú lẫn. Con thú đầu bầy này đã dẫn dắt dân tộc VN đi vào ngõ cụt. VN đã mất chủ quyền. Lãnh thổ, biển, đảo… đang bị đe dọa.

Mất chủ quyền, bởi vì dân tộc VN không còn làm chủ được chính bản thân, chứ nói gì đến vận mạng của đất nước. Cách sinh sống của người dân hôm nay là gì ? Mọi người tự bon chen, tự tìm cách sống cho mình và gia đình. Nhà nước CSVN không có vai trò nào trong việc mưu cầu hạnh phúc ấm no của người dân. Trên thực tế đảng CSVN chỉ là thành phần đầu nậu, cai thầu cho tư bản nước ngoài bóc lột công nhân VN. Không phải hầu hết thành phần lao động VN trai thì làm thuê, gái thì gánh mướn cho các tập đoàn nước ngoài hay sao ?. Đó là một hình thức nô lệ cho ngoại bang, tức người dân bị mất chủ quyền trên chính đất nước mình.

Biển, đảo… đang bị TQ đe dọa. Tình trạng này tiếp tục, sẽ không bao lâu sau ngư dân VN không còn vũng nước để neo tàu, chứ nói chi đến chủ quyền HS, TS, vùng biển… hoặc các ngư trường và việc đánh cá.

Đảng CSVN, con thú đầu bầy của dân tộc VN, nó đang già khọm và lú lẫn phải không ? Sẽ không bao lâu nữa số phận của dân tộc này cũng không khác bầy cá heo ở bờ biển nước Nhật. Rồi cũng sẽ chết, không vì mắc cạn, mà vì lệ thuộc, vì nô lệ cho nước ngoài.

21-06

Lãnh đạo nào của VN, không ngoại lệ, đều vỗ ngực xưng mình là người « yêu nước ».

Ông Hồ tự xưng mình yêu nước. Ông Diệm, rồi ông Thiệu cũng xưng như vậy.Một bên yêu nước, mọi giá phải thống nhứt đất nước. Một bên yêu nước mọi giá phải bảo vệ tự do.
Đất nước chia đôi, bên nào cũng dành yêu nước.

Yêu nước có trăm ngàn cách thể hiện. Vấn đề là lãnh đạo lựa chọn việc « tương tàn », thay vì việc « tương tranh », thi đua xây dựng đất nước xem bên nào là thực sự yêu nước.

Cuộc « tương tàn » rồi cũng hết, đất nước được thống nhứt.

Yêu nước bằng mọi cách cho nên giờ đây đất nước « điêu tàn ».

Một số tỉnh miền Trung hiện hạn hán nặng, nguy cơ mùa tới sẽ đói. Người dân, sau chiến tranh tương tàn 40 năm, đời sống vẫn dính liền với ruộng nương, hạt gạo.

Nếu làm một việc so sánh, Đài Loan, sau 1949 là một đảo tiêu sơ. Năm 1960 90% dân sống bằng nghề nông. Đến thập niên 70, tỉ số nông nghiệp đóng góp vào GDP là khoảng trên dưới 20%. Hiện nay con số này là khoảng 3 đến 4%. Công nghiệp đảo quốc này chiếm đóng góp phần lớn GDP, thu hút đa số sinh viên tốt nghiệp. Những nghề hạ tiện như con ở, làm lao động chân tay nặng nhọc, lao động nguy hiểm… dân Đài Loan không ai làm, phải nhập lao động từ Việt Nam.

Kết luận gì ? đó là hệ quả của việc phát triển « tương tranh ». Đảo quốc cạnh tranh với lục địa, mỗi bên một chế độ chính trị, thi đua xem chế độ nào ưu việt đem lại phồn thịnh cho đất nước, hạnh phúc đến cho nhân dân. Lục địa dân số đông gấp trăm lần, lãnh đạo ở đây sớm nhìn thấy sự tụt hậu so với đồng bào hải ngoại, với cộng đồng thế giới, cố gắng « dò đá qua sông », hội nhập với thế giới. Đến nay TQ, tuy chưa bắt kịp mức sống dân Đài Loan nhưng cũng đã vượt xa VN hàng trăm năm.

Nếu lãnh đạo Bắc Kinh « noi gương » lãnh đạo VN, mở cuộc « tương tàn », chắc chắn là hai bờ sẽ điêu tàn vì chiến tranh, dân tình nghèo khổ không khác chi dân các tỉnh miền Trung VN đang gặp hạn hán.

Nhìn gương hai bên Triều Tiên, hai miền Đông, Tây Đức. Cuộc tương tranh nào cũng đem lại lợi lộc cho đất nước và dân tộc. Ngoại trừ đất nước lọt vào tay những tên hôn quân ngu xuẩn (theo kiểu họ Kim, họ Hồ…)

Hôm qua tôi đọc một tin tức bên ông Nguyễn Quang Lập, nói về nạn hạn hán ở quê ông Quảng Bình. Tôi không hề biết địa phương Quảng Bình ra sao, tôi chưa đặt chân đến đó bao giờ. Nhưng vì nghĩa đồng bào, nên có con tim đập cùng nhịp với dân quê ở đây. Tư nhiên mình cảm thấy đau nhói trong lòng.

Khẩu hiệu « công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước » đang trở thành ảo ảnh. Vấn đề là hệ quả của việc « công nghiệp hóa » bằng mọi giá đã tàn phá môi sinh, môi trường sống ở các thôn làng VN. Những giòng sông cạn kiệt. Những đồng ruộng nứt nẻ, khô khan. Vườn tược không cây không trái.

Người dân sinh sống bằng cái gì ?

Người dân không thể sống mãi bằng khẩu hiệu, bằng bánh vẽ.

Cuộc tương tàn đã phá hoại đất nước đến tận cùng. « Tát cạn Biển Đông, đốt cháy Trường Sơn », hô hoán « thay trời làm mưa »… chắc chắn không phải lời nói của những người yêu nước.

Yêu nước là làm cho đất nước ngày tốt đẹp hơn, người dân sung túc, hạnh phúc hơn.

Lãnh đạo nào cũng có thể làm được điều này. Miễn là đặt mục tiêu hàng đầu là người dân, là đất nước chớ không phải là đảng.

Bao giờ mới ý thức được điều này ?

25-6

ông Trọng sắp đi Mỹ trong lúc phong trào "dmcs" đang lên cao. "dmcs" tức là "địt mẹ công sản".

Lãnh đạo CS (thấy cả nước chửi mình) tức điên người mà không biết phải làm gì. Có người hiến kế, muốn bịt miệng bọn khốn đó, tốt hơn hết bây giờ phải ra luật phạt vạ việc chửi bậy ! Cả Hà Nội, cho đến (hành lang) Quốc hội xôn xao mấy ngày nay về việc ra bộ luật để "đóng khung" việc văng tục và chửi thề. Ai cũng hớn hở cho rằng là diệu kế! bởi vì vụ này xem ra là nguồn thu lớn cho ngân sách. Nó sẽ qua mặt "quĩ đất". Thử hỏi, đàn ông (kể cả đàn bà) VN hiện nay mở miệng ra, lại không đệm vài nốt nhạc trầm đ. cái gì đó ?

Nhưng (lại chữ nhưng khốn nạn), vấn đề nói vậy mà không phải vậy. Tay Vũ Quí Hạo Nhiên mới viết bài trên BBC nói là luật Mỹ f..ck cái gì đó (tức chửi đổng) thì không bị tội. Cha nội này viết bài thiệt hay!

Ý bài viết nói là (tôi diễn nôm lại), để dễ hiểu, tôi đưa ra một thí dụ.

Ông Trọng đang đứng kế bên Obama đọc diễn văn, giả sử rằng ở dưới có thằng mở miệng chửi "địt mẹ cộng sản". Tên chửi bậy có bị tó vô khám về tội xúc phạm ông Trọng không?
Vấn đề là "cộng sản" ở đây có phải là ông Trọng ?

Phân tích ngữ nghĩa nghiêm túc thì thấy rằng chữ "cộng sản" ở đây có thể là ông Trọng. 
Mặc dầu phong trào "dmcs" đang lên. Ở VN bây giờ ai không "địt mẹ" cộng sản thì có thể bị hiểu lầm là liệt dương. "dmcs" là một hình thức chửi đổng, theo lối chó sủa trăng, tức không chửi ai hết. Nhưng ông Trọng là lãnh đạo tối cao những người cộng sản còn sót lại trên thế giới.

Chửi "địt mẹ cộng sản" trong dịp có thể là đồng nghĩa với việc "đ. mẹ ông Trọng".

Không biết tôi nói vậy có đúng không ?

Tội này bên Mỹ phạt bao nhiều, gỡ mấy cuốn lịch ?

27-6

Chương trinh « Bàn tròn thứ năm » của BBC kỳ này nói về chuyến đi sắp tới của ông Trọng. Không biết mọi người nghĩ sao, chớ tôi thấy nhận định của ông Trần Việt Thái coi bộ hơi bị chủ quan. Có ý kiến vừa nghe qua là « bật ngửa », nếu không muốn nói là « té ghế » …
Ông nói vầy :

« Hiện nay nhận thức của rất nhiều người Mỹ, hoặc rất nhiều người ở Mỹ về Việt Nam là tương đối lạc hậu, chậm so với những thay đổi ở Việt Nam, hoặc là họ có những nhận thức không phù hợp với bối cảnh hiện nay. »

Tôi mới đọc báo VN sáng nay. Tin tức cho biết có 15 vị thẩm phán tối cao vừa mới được bổ nhiệm. Đây là vấn đề thuộc về « tư pháp ». Có điều vị nào cũng thuộc nhân sự « ban cán sự đảng » hết cả.

Hành pháp, tức là chính phủ, thì từ bao giờ tất cả nhân sự đều là người của đảng.

Còn lập pháp, tức quốc hội, nhân sự cũng là « đảng cử dân bầu ».

Tóm lại, tam quyền nằm trọn trong tay của đảng.

Tổ chức nhà nước trước ra sao thì bây giờ cũng vậy, không có thay đổi một li.

Vậy thì « những thay đổi ở Việt Nam » là gì ? Cách thức tổ chức nhà nước, cách phân bổ quyền lực quốc gia là bản chất của mọi vấn đề kinh tế, chính trị trong nước. Điều căn bản không thay đổi thì sẽ không có gì thay đổi.

Trong khi tổ chức nhà nước hiện đại « tam quyền phân lập » đã phổ cập từ hàng thế kỷ rồi.
Tổ chức nhà nước « tam quyền đều nằm trong tay đảng » là gì, nếu không phải cụ thể một hình thức tổ chức nhà nước lạc hậu ?

Bởi vậy, tôi cho là không đúng, điều ông Trần Việt Thái cho rằng nhận thức của Mỹ là « lạc hậu, chậm, không phù hợp với bối cảnh hiện nay của VN ». 

Tôi cũng thấy là ông Thái thổi phồng khi cho rằng chuyến đi của ông Trọng :

« khẳng định một điều, nó cho thấy là sự công nhận lẫn nhau giữa hai nhà nước, giữa hai chế độ, đây là điều hết sức quan trọng đối với Đảng cộng sản Việt Nam, đối với đất nước Việt Nam. »

Chuyến đi của ông Trọng không khẳng định điều gì trong việc « công nhận lẫn nhau giữa hai nhà nước » hết cả. Bởi vì khi hai bên thiết lập bang giao 11 tháng 7 năm 1995 thì mặc nhiên hai nhà nước đã công nhận nhau rồi. Nâng cao tầm quan trọng của ông Trọng ở đây là không hợp cách.

Còn việc Mỹ nhìn nhận « chế độ chính trị » của VN, ta cần tìm hiểu thêm về nguyên nhân để biết ý nghĩa của nó.

Theo Tuyên bố chung giữa đại diện Mỹ và ASEAN ngày 25-9-2010 tại New York, Mỹ tham gia Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác tại Đông Nam Á (TAC). Tinh thần của hiệp ước TAC là các nước tôn trọng chế độ chính trị của nhau, không can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác.

Mỹ ký nhận hiệp ước này mặc nhiên phải nhìn nhận nội dung của nó, tức là phải tôn trọng chế độ chính trị và không can thiệp vào nội bộ của nước bạn.

Vì vậy, ta thấy rằng, trong thời gian qua VN và Mỹ có những tuyên bố chung, trong đó có điều lặp lại nội dung hiệp ước TAC, là nhìn nhận chế độ chính trị lẫn nhau.

Điều này cho thấy ý kiến của ông Thái là không đúng. Chuyến đi của ông Trọng không « nhằm nhò » gì đến việc này hết cả.

Ông Trần Việt Thái là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Quan hệ Quốc tế.

29-6

Ông Trần Quang Cơ vừa mất. Thành kính phân ưu cùng gia quyến. Cầu mong người quá cố sớm siêu thăng tịnh độ, yên mồ yên mả.

Ông Trần Quang Cơ là một người yêu chuộng sự thật. Ông đã không ngần ngại nói rõ nguyên nhân vì sao ông từ chối chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (trong bài phỏng vấn của nhà báo Huy Đức). Nguyên văn như sau :

"Lúc ấy, trong Bộ chính trị đã phân công cho Tướng Lê Đức Anh, Chủ tịch Nước, phụ trách quốc phòng, an ninh và ngoại giao. Tướng Lê Đức Anh là kiến trúc sư chính của Hội nghị Thành Đô. Nghị quyết Đại hội VII xác định đường lối ngoại giao đa phương. Nhưng chúng tôi biết rõ 'phương ưu tiên' của ông ta là ai, là ngược lại với chúng tôi, dẫu có nhận chức, trước sau cũng mất chức". 

Như vậy lý do ông Cơ không nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là vì Lê Đức Anh đã thống lĩnh mọi mặt : ngoại giao, quốc phòng và an ninh.

Ông Cơ lo ngại, nếu nhận chức, sẽ bị Lê Đức Anh hại. Đoạn dẫn lại sau đây nói rõ điều đó :
"Tại sao anh không nhận chức rồi đấu tranh, nếu có mất chức vì bất đồng quan điểm thì lịch sử càng làm rõ ai công, ai tội". Ông Trần Quang Cơ cười: "Cậu nghĩ là người ta sẽ cho tôi mất chức vì bất đồng quan điểm ư". Khi ông Cơ nói điều đó, chưa xảy ra vụ "hai bao cao su" nhưng tôi cũng phần nào hiểu được

Ông Trần Quang Cơ để lại tác phẩm « Hồi Ký Trần Quang Cơ », nói về một giai đoạn bi đát trong lịch sử của VN : cô lập toàn diện, bốn phía đều là kẻ thù. Phía bắc áp lực của TQ. Cuộc chiến biên giới 1979 không chấm dứt sau khi quân TQ tuyên bố rút về mà dai dẵn cho đến cuối thập niên 80. Phía tây chiến tranh (chẩy máu đến chết) với Kampuchia. Miền nam, sau cuộc chiến 75 vẫn chưa ổn định được nhân tình. Trong khu vực thì bị các nước trong khối ASEAN xem là « kẻ thù chung ». Phía ngoài thì bị Mỹ cấm vận, trong lúc Tây phương quay lưng. VN chỉ quan hệ với Liên Xô (và một vài nước trong khối XHCN), trong khi khối này đang trên đường phân hủy.

Câu hỏi đặt ra sách lược của ai ? lãnh đạo nào đã chủ trương đường lối chính trị thù nghịch để đưa VN vào tình trạng cô lập như vậy ?

Ta biết rằng, ông Nguyễn Cơ Thạch (và dĩ nhiên ông Trần Quang Cơ) là những người phụ trách về ngoại giao của VN trong suốt quảng thời gian đó.

Trả lời phỏng vấn BBC trước đây, ông Trần Quang Cơ có nói :

 "Tôi thấy điều mình có thể làm khác, là phải đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế sớm. Trước Đại hội Đổi mới (năm 1986), Việt Nam đã quá phụ thuộc vào ý thức hệ mà không đa phương hóa được quan hệ."

Vấn đề là VN đã không đa phương hóa, đa dạng hóa, cho đến năm 1995. Lỗi do ai ?

Dĩ nhiên là do đảng CSVN mà ông Trần Quang Cơ (và ông Nguyễn Cơ Thạch) là một thành phần thuộc nhóm lãnh đạo (phụ trách về ngoại giao).

Ông Trần Quang Cơ đã nói lên sự thật, qua các cuộc phỏng vấn và tập hồi ký. Đó là nét son của con người « riêng tư » của ông. Vì vậy, muốn giữ nét son này còn mãi thì đừng nên nói khác những gì mà ông Cơ đã nói.

8-7

Chuyến thăm Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng là một cột mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ Việt-Mỹ. Là hai nước cựu thù, đặc biệt sâu sắc do khác biệt ý thức hệ, 40 năm sau kết thúc chiến tranh những khác biệt, nếu không nói là nghi kỵ, giữa hai bên vẫn còn tồn tại.

Nhân buổi tiếp đón Nguyễn Phú Trọng tại tòa Bạch Ốc hôm qua, TT Obama nói :

« Rõ ràng đã có một lịch sử khó khăn giữa hai nước chúng ta trong thế kỷ 20 và vẫn tiếp tục có những khác biệt đáng kể trong triết lý chính trị và hệ thống chính trị giữa hai nước chúng ta, nhưng tôi nghĩ rằng nhờ nỗ lực của các nhà lãnh đạo ở cả hai đảng ở Mỹ, và cũng như của các nhà lãnh đạo ở Việt Nam trong nhiều năm qua, những gì chúng ta đã chứng kiến là sự xuất hiện một mối quan hệ mang tính xây dựng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, làm lợi cho nhân dân hai nước. »

Những khác biệt (và nghi kỵ) đó hiển nhiên là « triết lý chính trị » và « hệ thống chính trị ».

Những khác biệt này được để qua một bên, do nỗ lực của lãnh đạo, vì lợi ích của hai đất nước.

Những khác biệt về triết lý chính trị và hệ thống chính trị (cách thức phân bổ quyền lực quốc gia) hiển nhiên tồn tại. Sự nghi kỵ vì vậy còn tồn tại. Đối với Mỹ, lợi ích kinh tế đến từ VN xem như không đáng kể. Sự « tôn trọng lẫn nhau » đến mức nào vẫn chỉ là hình thức.

Chuyến đi của ông Trọng liệu có xóa tan sự nghi kỵ này hay không ?

Giữa những nước cựu thù trong Thế chiến thứ II như Mỹ-Nhật, Pháp-Đức… hậu quả chiến tranh thật là tàn khốc, nhưng những vết thuơng và lòng thù hận ở các nước này khép lại rất nhanh. Thù đổi thành bạn, sau đó thành đồng minh.

4 năm sau chiến tranh, quan hệ bình thường giữa giữa Đức (RFA) với Mỹ và các nước Châu Âu đã được thiết lập. Giữa Nhật và Mỹ cũng có những tiến triển tương tự. Đến nay, quan hệ giữa các nước thù nghịch cũ trong Thế Chiến II là quan hệ thân thiết, đồng minh.

Có ba thành tố cơ bản để các nước này tiến đến một mối quan hệ như vậy, đó là : 1/ có chung triết lý và hệ thống chính trị, 2/ có chung một hệ thống kinh tế và 3/ có chung một đe dọa chiến lược.

Quan hệ hai bên VN và TQ, sau 1979, cũng là quan hệ thù địch, tương tự VN và Mỹ. Nhưng chỉ 10 năm lòng thù hận được thay thế bằng tình bạn « 4 tốt » và « 16 chữ vàng ». Dễ dàng vì hai bên có cùng một mô thức tổ chức quốc gia, một mô hình phát triển kinh tế và có cùng một kẻ thù chiến lược : Mỹ.

Một tuyên bố « tầm nhìn chung » được công bố sau buổi họp giữa Obama và ông Trọng tại Tòa Bạch ốc. Qua đó ta hai bên cùng chia sẻ một quan ngại về chiến lược ở Biển Đông. Về kinh tế, nếu không quá lạc quan, ta có thể nói rằng viễn ảnh hiệp ước TPP cũng nằm trong tầm tay ký của VN. Vấn đề « chuyển giao công nghệ quốc phòng » cũng được nhắc đến trong bản tuyên bố. (Bản dịch của BBC dùng từ « trao đổi ». Theo tôi trong lãnh vực này VN không gì để « trao đổi » mà chỉ có « chuyển giao », công nghệ từ Mỹ chuyển cho VN). Đây là một điều cực kỳ quan trọng cho VN mà lý do mọi người có thể đều biết.

Nhưng sự nghi kỵ vẫn còn. Ngoài sự gần gũi về địa lý, TQ với VN còn tương đồng về ý thức hệ, về mô hình phát triển kinh tế, về cách thức tổ chức xã hội… Mỹ không thể nào đặt niềm tin chiến lược nơi một quốc gia như vậy.

Chuyến đi của ông Trọng xem ra thành công, vì gặt hái được nhiều kết quả quan trọng cho VN. Những gì ông Trọng nói (và biểu lộ trong bản Thông cáo chung) có thể làm cho Bắc Kinh lo ngại.
Quan niệm của đảng CSVN về các vấn đề nhân quyền sẽ quyết định mối quan hệ Mỹ-VN có thực sự vào khúc quanh hay không. VN không thể « đu dây »   giữa TQ và Mỹ mãi được. Thái độ sắp tới của TQ sẽ rất khó lường.

9-7

Ý thức thế nào về « trách nhiệm » ?

Ông Trọng trao đổi với Obama trong buổi họp hôm 7-7 tại Tòa Bạch ốc rằng :

« quá khứ không thể thay đổi, nhưng tương lai phụ thuộc vào hành động của chúng ta, và trách nhiệm của chúng ta là đảm bảo một tương lai tươi sáng »

Vấn đề ở đây là « trách nhiệm ».

Nếu lãnh đạo CSVN có ý thức trách nhiệm (như bọn giẩy chết) thì chắc chắn con người và đất nước đã không bi thảm như thế này.

Châm ngôn của những người cộng sản VN là : làm sai thì sửa.

Trong lịch sử VN, đã không biết bao nhiêu lần đảng CSVN đã sai và đã sửa. Cải cách ruộng đất đã gây ra bao nhiêu nạn nhân, bao nhiêu gia đình ly tán. Lãnh đạo lên làm hề, nhỏ vài giọt nước mắt cá sấu nhận « sai » rồi thôi ! Trách nhiệm của họ ở đâu ?

Trong một xã hội bình thường, không quá văn minh tiến bộ, cũng không hề có việc « sai thì sửa », mà « sai thì phải trả giá ». Đó là « trách nhiệm ».

Anh lái xe vượt đèn đỏ là sai. Anh đụng người ta chết người, anh phải bồi thường, phải vô tù. Anh không thể nói miệng « sửa sai » khơi khơi.

Anh lạm dụng quyền chức nhũng nhiễu người dân, anh nhận của đút lót của bọn cai thầu láu cá, của bọn gian thuơng… anh giao cho chúng làm những công trình quốc gia, rút ruột hàng triệu, hàng tỉ đô la để chia chác cho anh. Đường cao tốc gì mà mới khai trương là đã lún bánh xe cả tấc. Xe hai bánh nếu bị tai nạn thì ai chịu trách nhiệm ? Đường métro mới lắp mà đã chập chờn như sóng dợn ! Ai chịu trách nhiệm mấy vụ này ? Tiền của dân mồ hôi nước mắt đổ ra trên từng hột gạo, chớ đâu phải « tiền chùa » mà mấy anh phung phí không thấy xót ?

Anh làm giáo dục, ngân sách cao ngất ngưỡng, nhưng sinh viên ra trường thì thất nghiệp đầy đường. Bằng cấp thì chỉ sử dung trong nước, ra ngoài không ai nhìn nhận. Trách nhiệm là ai ?

Điều đặc biệt chỉ có ở VN, lãnh đạo làm sai nhưng không ai chịu trách nhiệm. Đây là một vốn quí « kế thừa » từ ông Hồ.

Vấn đề là VN là nước « pháp quyền ». Chữ « pháp quyền » ở đây được định nghĩa là « quyền của người dân được bảo đảm bằng pháp luật ».

Vậy thì quyền lực của nhà nước qui định bằng cái gì ?

Không thấy nói tới ! Chỉ thấy hiến pháp qui định đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Hiến pháp qui định đảng chịu « trách nhiệm trước nhân dân ».

Không thấy ghi đảng chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Không có chịu trách nhiệm trước pháp luật thì làm lãnh đạo quá dễ. 

Ông Hồ hồi đó có nói : thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng đất nước bằng 10 ngày nay !

Dưới ánh mắt của ông Hồ, tương lai đất nước cũng tươi sáng lắm !

Cũng như hôm nay ông Trọng : « trách nhiệm của chúng ta là đảm bảo một tương lai tươi sáng… » 
Sau lời nói của ông Hồ Đất là nước tan hoang, nát bét từ bắc tới nam.

Sai thì sửa, càng sửa càng sai…

Vì vậy để lời nói ông Trọng có hy vọng trở thành hiện thực, đảng CSVN phải đặt mình dưới pháp luật.

Vấn đề là các học giả VN nhập nhằng « nhà nước pháp quyền » với « rule of law » và « etat de droit » (pháp trị và nhà nước pháp trị).

Nội hàm của hai khái niệm với « rule of law » và « etat de droit » là quyền (right) của người dân được pháp luật bảo đảm và quyền lực (power) của lãnh đạo phải tuân theo luật lệ.

Cái gọi là « pháp quyền » của VN, quyền của người dân không được pháp luật bảo vệ và quyền lực của lãnh đạo đứng ngoài và đứng trên pháp luật.

Vì vậy, muốn đảng CSVN ép mình dưới pháp luật là không dễ. Học giả còn nhập nhằng khái niệm « pháp quyền » thì biết chừng nào khuôn phép, luật lệ mới được xây dựng ?

Bởi vậy, nghe ông Trọng nói « trách nhiệm » bỗng nhiên « lãnh cảm » !

16-8

Con đường phản cách mạng.

Theo tự điển, cách mạng là hành vi thay đổi những cái cũ bằng cái mới tốt đẹp hơn. Ngược lại, hàng vi tái dựng lại cái cũ là « phản cách mạng ».

Theo tôi thì đảng cộng sản VN hiện nay đang đi trên con đường « phản cách mạng ». Họ đang phá bỏ con đường « cách mạng » mà họ đã xây dựng từ 75 đến nay (đúng ra là từ thập niên 30). « Cách mạng » của ông Hồ và các đồng chí của ông đặt ra từ thập niên 30 là lấy ruộng đất của người giàu chia cho người nghèo, xây dựng một chính quyền chuyên chính vô sản, dân chủ, văn minh...

Cuộc hội luận « bàn tròn thứ năm » trên BBC kỳ này, do nhà báo Hồng Nga hướng dẫn, nói về chủ đề 70 năm ngày « cách mạng tháng tám ». Khách mời là ông Vũ Thư Hiên và bà Lê Hiền Đức. Hai vị đã có những lời phê bình về thực chất của cuộc « cách mạng ». Ta có thể khẳng định là đảng CSVN đang đi trên con đường « phản cách mạng ».

Bà Lê Hiền Đức phẫn nộ tố cáo rằng : những gì đang diễn ra ở Việt Nam đi ngược lại với mục tiêu của cách mạng là lấy đất chia cho dân nghèo. Bây giờ họ lấy đất của nguời nghèo, mà tôi dùng từ cướp đất, từ nguời dân cày cho bọn nhà giàu".

Thật tình, nghe bà cụ phẫn nộ nói không thành câu, lòng mình cũng phẫn nộ theo. Làm sao không phẫn nộ khi tin tức hàng ngày đăng tải những thảm cảnh dân oan phải tự thiêu để bảo vệ đất. Hoặc công an, bảo vệ lấy xe ủi cán người để cướp lấy đất. Hoặc cả gia đình, từ cha mẹ đến đứa con mới 15 tuổi, bị công an bắt vì chống cướp đất, để lại đứa bé gái chơ vơ một mình. Đi sang Kampuchia, thấy dân VN sống lưu vong nheo nhóc bên đó. Lý do đất đai bị giải tỏa. Nông dân họ không có đất thì họ sống bằng cái gì ? Nhà nước CSVN xua đẩy những người này khiến họ phải đi qua nước láng giềng sinh sống. Họ không sợ bị « cáp duồn ». Ở Kampuchia họ bị đe dọa giết chết nhưng ở VN chắc chắn họ sẽ chết. Dân oan đầy dẫy trên bốn miền đất nước.

Chỉ ở điều này ta thấy rằng đảng CSVN đang đi những bước vững chắc trên con đường « phản cách mạng ».

Cách mạng chủ trương « trí phú địa hào đào tận gốc, trốc tận rễ ». Địa ở đây là địa chủ. Cách mạng thành công, thành phần địa chủ (cùng với thành phần trí thức, thuơng gia…) đều bị cách mạng tiêu diệt.

Bây giờ nhà nước CSVN tái dựng lại một tầng lới địa chủ mới, địa chủ đỏ, tàn độc trăm lần hơn địa chủ thời Pháp thuộc. Địa chủ ngày xưa không có công an chống lưng, xử dụng xe ủi cán qua người dân oan. Địa chủ ngày xưa không dùng công an bỏ tù cả nhà dân oan, kể cả đứa nhỏ 15 tuổi. Địa chủ ngày xưa không ngang nhiên cướp đất của người ta như địa chủ đỏ hôm nay, vì dầu sao cũng còn pháp luật.

Pháp luật ngày xưa, dưới thời Pháp thuộc, cũng đứng về phía dân oan, như vụ Nọc Nạn, cho dầu địa chủ là người Pháp.

Nhưng pháp luật thời « cách mạng » lại đứng về địa chủ đỏ. Vụ Đoàn Văn Vươn là một thí dụ điển hình.

Ông Vũ Thư Hiên trong buổi hội luận có nói rằng : "Nó bị phản bội một cách từ từ chứ không phải ngay lập tức. Không có cái mốc nào cho sự phản bội cả. Nhưng nếu phải đặt ra một cái mốc thì tôi nghĩ là từ năm 1949 khi mà biên giới Việt Nam và Trung Quốc gắn liền, khi cách mạng Trung Quốc đã thành công."

Thì ra vậy, cuộc cách mạng đã « phản thùng » từ những năm 1949.

Vậy mà không ai thấy. Cái bịp bợm trong xã hội CS tinh vi đến độ người ta sống trong cơ cực lầm than như thế mà cứ tưởng là thiên đàng. Mọi người ảo tưởng để sống. Trí thức thì « tự sướng » để được ơn mưa móc.

Đảng CSVN dẫn cả nước đi trên con đường « phản cách mạng » mà không ai thấy.

Cám ơn nhà báo Hồng Nga đã mở ra chủ đề hội luận này. Phải can đảm lắm mới đụng vào chủ đề gai góc này.

Nhưng mà, nếu mình không đặt lại vấn đề, đất nước này chừng nào mới có thể khá hơn ?

Con đường phản cách mạng (phần 2)

GS Vũ Minh Giang mới trả lời phỏng vấn trên BBC có nói về chữ « tiêu chí ». Vầy :

« Tôi cho rằng câu chuyện đa đảng hay một đảng chỉ là mô hình chứ nó không phải là tiêu chí để nói tới cái đó là tiến bộ hay cấp tiến, hay là lạc hậu ».

http://www.bbc.com/vietnamese/multimedia/2015/08/150815_vuminhgiang_cachmangthang8

Chữ « tiêu chí » GS VM Giang sử dụng ở đây có ý nghĩa là « mục tiêu », « cứu cánh » mà thật ra « tiêu chí » có nghĩa như là các căn cứ để phân loại một đối tượng.

Hiểu thế nào thì câu trả lời của GS Vũ Minh Giang thật là « lạc hậu » một cách đáng phiền.

Cái sự thật sờ sờ trước mắt là mô hình chính trị độc đảng của CSVN đã làm đất nước tụt hậu một cách nguy hiểm.

Ông phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa thốt lên một lời hàm chứa sự thật phũ phàng mà bấy lâu nay đảng và nhà nước cố gắng dấu diếm :

« Tại sao chúng ta tốt mà vẫn nghèo ? »

Đất nước nghèo là một thực tế từ bấy lâu nay, bây giờ được chính miệng những người lãnh đạo đất nước thú nhận. Đảng CSVN độc quyền lãnh đạo đất nước liên tục từ 4 thập niên qua. Trách nhiệm làm cho đất nước nghèo đói dĩ nhiên hoàn toàn thuộc về đảng CSVN. 

Một ông tu sĩ, suốt đời tu tâm dưỡng tánh, có bao nhiêu tiền (do vợ con làm ra) ông đem bố thí cho người nghèo. Ông tốt đấy chứ ? Ngoài cái tốt ra ông ta không đóng góp được gì để làm giảm gánh nặng gia đình.

Trên phương diện quốc gia, cán bộ tốt cũng không làm được gì, nếu đất nước này có một chế độ chính trị lạc hậu như chế độ độc tài đảng trị ở VN. Trước đây hai thập niên, cán bộ CS đều « tốt » hết đó chớ ? Ông Hồ, ông Đồng, ông Chinh, ông Giáp, ông Duẩn, ông Kiệt… ông nào cũng « tốt », ông nào cũng được nhà nước tạc tượng to đùng. Nhưng đất nước dưới thời mấy ông này còn nghèo hơn, « oải » hơn thời cán bộ hủ bại bây giờ.

Chuyện cán bộ xấu tốt không quan hệ đến việc làm cho đất nước giàu nghèo. Làm cho đất nước giàu, nghèo là mô hình chính trị.

Đất nước nghèo là một điều hết sức nguy hiểm trước tình thế bị đe dọa (đông hiểm, bắc xung, tây kích) như hôm nay. Nhưng đất nước nghèo còn có thể làm giàu, nếu lãnh đạo biết thay đổi thể chế và phương hướng làm việc.

Mới đây, một học sinh lớp 8 đã nói thẳng vào các viêc chức giáo dục đại khái rằng : nền giáo dục VN đã quá thối nát. Nền giáo dục VN không cần những sửa đổi mà cần một cuộc cách mạng.

Cậu bé này có lá gan rất lớn mà khối óc cũng rất lớn. Không ai cãi lại được cậu bé này. Đơn giản vì đó là sự thật.

Sự thối nát của nền giáo dục là một nguy hiểm khác, lớn hơn, có thể làm tiêu vong nền văn hóa của giống nòi. Mà sự tiêu vong này vô phương hàn gắn lại. Nguyên nhân là chế độ độc tài đảng trị chứ không phải do con người tốt xấu.

Chế độ chính trị độc đảng đã làm xã hội băng hoại trên mọi phương diện. Mức độ băng hoại càng dữ dội nếu đó là độc tài cộng sản.

Hôm qua tôi đã nói đảng CSVN đang đi trên con đường phản cách mạng. Trước đây họ đã đào tận gốc trốc tận rễ bọn trí thức, trọc phú, địa chủ, cường hào. Thì bây giờ họ xây dựng lại một tầng lớp mới : trí thức đỏ, trọc phú đỏ, địa chủ đỏ và cường hào đỏ. Làm cách mạng là đánh đổ cái cũ, xây dựng cái mới tốt đẹp hơn. Phản cách mạng hành vi là tái dựng lại cái cũ.

Những người cộng sản hôm nay « phản cách mạng » vì họ đã xây dựng lại những thành phần mà ngày xưa họ gộp chung lại và cho là có hại cho xã hội. Thành phần « trí phú địa hào » ngày xưa có hại cho cộng sản chứ không (hẵn) có hại cho xã hội như tuyên truyền của CSVN. Nhưng thành phần « trí phú địa hào đỏ » do người cộng sản xây dựng lên hôm nay thì vô cùng độc hại cho xã hội. Xã hội mọi mặt đã băng hoại, đã đảo lộn, đất nước bị đe dọa phân hủy… là do những thành phần này.
Những người hết cả đời đã tận tụy cho « cách mạng » như bà Lê Hiên Đức đã phẫn nộ lên tiếng tố cáo, nhưng chỉ là một góc nhỏ của mảng tối bao la.

Người làm chính trị chỉ có một mục tiêu duy nhứt là làm thế nào để xây dựng một đất nước giàu mạnh, một xã hội công bằng tốt đẹp trong đó mọi người dân đều được ấm no, hạnh phúc.

Bản chất của trí thức là là phản biện. Mục đích của phản biện để vừa nâng cao trình độ (kiến thức) của người trí thức, vừa nâng cao trình độ dân trí, thế nào để xã hội ngày càng tiến bộ hơn.

Có những khuynh hướng chính trị : dân giàu nước mạnh (chủ nghĩa dân túy), làm cho dân giàu trước, đất nước mạnh sau. Hay nước mạnh dân giàu (chủ nghĩa quốc túy), làm cho đất nước hùng mạnh trước đã, người dân sau đó sẽ giàu. Cách này hay cách khác, tựu trung mục tiêu là cho dân hay cho nước. Khác nhau là thứ tự ưu tiên.

Người trí thức (trong mộc xã hội nhiểu nhương) có bổn phận phải thường xuyên phản biện, phê bình, chỉ trích … mọi vấn đề thuộc về xã hội, tức là chính trị, để những sai lầm, nếu có, không bị lún sâu.
Nhưng chủ nghĩa cộng sản thì chủ trương « quốc tế túy ». Người cộng sản phủ nhận quốc gia dân tộc, họ chủ trương thế giới đại đồng. Người cộng sản Việt đã đem đất nước và dân tộc để phục vụ cho lý tưởng này. Họ đã đem thiêu sống hơn 4 triệu sinh mạng người dân cho ngọn lửa chiến tranh để phục vụ cho chủ nghĩa, để làm tên « xung kích vô sản ». Mục đích là để phục vụ cho quan thầy. « Ta đánh Mỹ cũng là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc ».

Người cộng sản không có chủ trương phục vụ cho dân cho nước mà phục vụ cho lý tưởng đại đồng.
Người trí thức đỏ không có phẩm chất của người « trí thức » thực sự ở các xã hội văn minh. Họ không phản biện những vấn đề xã hội mà chỉ làm tròn bổn phận của người chiến sĩ văn hóa bảo vệ chế độ.

Trở lại câu trả lời của GS Vũ Minh Giang, ta thấy là GS cố tình nhập nhằng, làm rối rắm giữa hai vấn đề phương tiện và cứu cánh.

Độc đảng và đa đảng là mô hình của chế độ chính trị, là phương tiện.

Còn tiêu chí, tức cứu cánh của người làm chính trị là dân giàu và nước mạnh.

Những người cộng sản Việt loay hoay làm cách mạng từ trên 7 thập niên trước, tiêu chí của họ là, hay là « đường kách mệnh » của họ, là đào tận gốc rễ bọn « trí phú địa hào ». Bây giờ những người cộng sản lớp hậu duệ cũng loay hoay làm cách mạng, xây dựng lại 4 giai cấp « trí, phú, địa, hào » mới, « trí, phú, địa, hào đỏ ». Tất cả dĩ nhiên nhằm mục đích bảo vệ thành quả « cách mạng ».

Rốt cục họ đi trên con đường phản cách mạng.

Đi con đường nào, cách mạng hay phản cách mạng, đều đưa đất nước đến cảnh phân hủy, dân tộc đến cảnh diệt vong. Trước thì đi làm chiến tranh, làm nghĩa vụ quốc tế, làm « xung kích vô sản ». Bây giờ cũng làm nghĩa vụ quốc tế, nhưng là cai thầu, ma cô… cho những tay chơi, tài phiệt quốc tế. Dân VN bây giờ trai thì đi làm mướn, gái thì đi ở đợ, làm đĩ….

Câu trả lời của GS Vũ Minh Giang cho thấy ông điển hình là một « trí thức đỏ ». Ông đã làm xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Chế độ chính trị độc đảng đã đưa đất nước vào thế đứng dưới đáy vực. Tiếp tục bảo vệ một cách xuất sắc như vầy thì VN không chóng thì chầy, sẽ sánh vai cùng bè bạn Phi Châu để trở về thời đại nguyên thủy hoang sơ của cộng sản. 

26-8-2015

Báo chí vừa rồi loan tải viên chức ngoại giao VN phấn khởi cho biết là VN đang vận động để Hồng Kông và Ma Cao trong thời gian tới nhận lao động VN vô làm « giúp việc nhà ». Viên chức này nói thêm rằng ông đã trấn an chính quyền các nơi này là VN đã phát triển kinh tế bền vững từ 30 năm nay nên không có chuyện người làm xin tị nạn để ở lại.

Nghề gọi là « giúp việc nhà » là cách nói khác của nghề « ở đợ », tức một hình thức làm « nô lệ ». Theo tự điển Thiều chửu, « nô lệ » có nghĩa là « kẻ hầu hạ, làm tạp dịch ».

Ở những nước giẩy chết, như ở nước Pháp, một số không nhỏ sinh viên tốt nghiệp phải đi tìm việc làm ở các nước ngoài, như Mỹ, Singapour… Đây là một điều mà lãnh đạo nước Pháp cho là hỗ thẹn, vì nền kinh tế của họ phát triển không đủ mạnh để có thể giải quyết công ăn việc làm cho những người trẻ này. Mặc dầu họ vẫn tự an ủi là nhân sự do Pháp đào tạo luôn được nhìn nhận có khả năng cao, thuộc hàng đầu thế giới.

Những nước ASEAN khá phát triển hiện nay cũng cố gắng giới hạn số lao động xuất khẩu của họ. Lao động các nước này đều là lao động có tay nghề cao. Nhưng việc xuất khẩu lao động như thế cũng là một điều sỉ nhục cho quốc gia.

Điều gì cần phải nói qua lời phát biểu của viên chức ngoại giao ?.

Thứ nhứt là qua « 30 năm phát triển bền vững » đến nay VN phải xuất khẩu nô lệ.

Những người giúp việc này hẵn nhiên là « dốt nát » rồi. Vì nếu họ có học, có đào tạo… họ sẽ làm nghề khác. Các nước tiên tiến như Nhật, Mỹ hay các xứ Châu Âu hiện nay thiếu trầm trọng nhân sự chăm sóc thuốc men, lo việc ăn uống cho những người già. Tại Pháp, nghề này gọi là « trợ lý y tế », có mức lương khá cao (khoảng trên 2.000 euros/tháng), do đó thu hút rất nhiều lao động đến từ các xứ Đông Âu. Đâu có khó khăn gì để đào tạo một trợ lý y tế như vậy ? Trở ngại do tầm nhìn hay do chính sách ?

Thứ hai sau là 30 năm, phát triển của VN là không bền vững. Việc phải xuất khẩu lao động, song song với các hiện tượng phụ nữ đi lấy chồng nước ngoài, hay đi làm điếm nước ngoài… mỗi năm vài trăm ngàn người cho thấy điều này. Hệ quả của kinh tế phát triển là việc « khát lao động ». Lao động VN hiện nay quá dư thừa. Chỉ cần « điểm danh » nhân sự của đội ngũ « dân phòng », « bảo vệ », những người còn trong tuổi lao động nhưng không có chuyện làm, là sẽ thấy con số thất nghiệp của VN cực kỳ lớn. Nếu tính thêm đội ngũ « dân oan » bị truất hữu ruộng vường đất đai, đội ngũ xe ôm nghiệp dư, đội ngũ mua thúng bán bưng… con số này sẽ không ít hơn 50%.

Điều trớ trêu VN cũng là nước « nhập cảng » lao động, kể cả lao động tay chân. Các nhà thầu TQ, sau khi trúng thầu xây dựng, họ đều đưa công nhân của họ sang làm việc chứ không mướn lao động VN. Lý lẽ họ đưa ra (mà VN không phản biện được) là lao động VN không rành nghề. Hầu hết các xí nghiệp của Đại hàn, Đài loan, Singapour… kỹ sư phần lớn là người nước ngoài. Một kỹ sư trung bình phải trả lương 3.000 đô một tháng.

Thứ ba là các nước người ta hiện đang lo sợ làn sóng dân VN tị nạn mới. Tị nạn giáo dục, tị nạn kinh tế, tị nạn chính trị…

Ở Châu Á, có thể khẳng định rằng VN là quốc gia sản xuất ra nhiều dân tị nạn nhứt. Do đâu ? tị nạn giáo dục dĩ nhiên là do sự tồi tàn của hệ thống giáo dục. Tị nạn kinh tế do đâu nếu không phải là do sự èo uột của nền kinh tế ? Còn tị nạn chính trị, con số này hiện nay có thể đã lên đến vài triệu người, nhưng không có hy vọng sẽ ngưng lại. Chế độ bạo tàn, độc tài công an trị như hiện nay, một người muốn sống tự do, muốn viết tự do, muốn bày tỏ ý kiến của mình mà không sợ bị ở tù thì chỉ có cách bỏ nước mà đi. Điều mĩa mai là nước nhận nhiều người VN tị nạn nhứt lại là Kampuchia.

Kampuchia có truyền thống kỳ thị dân tộc VN. Dân VN ở đây lâu lâu lại bị xua đuổi, có khi bị thảm sát (cáp duồn, cắt đầu thả trôi sông). Nhưng những người VN ở đây lại không sợ. Họ sợ chính quyền VN hơn là sợ bị xua đuổi, cáp duồn. Tức là chính quyền VN còn hung bạo hơn mọi sự hung bạo, man rợ hơn mọi sự man rợ.

Có người nói nên « hiến kế » về giáo dục. Thì đây là lời hiến kế chân thành nhứt. Đó là phải nhìn lại sự thật để biết mình thất bại do đâu ?

Cải cách giáo dục có hai phương diện : hình thức và nội dung.

Cải tổ về hình thức, như vừa thấy, có thể tiết kiệm được ngân sách và thì giờ, nhưng việc đào tạo con người thì cần « nội dung » hơn là hình thức.

Đến bây giờ mà vẫn chủ trương viết tự điển bách khoa phải đặt trên nền tảng « mác lê », bao giờ nội dung mới khá ? 

Nhưng trở ngại to lớn hơn cả là chế độ. Còn chế độ này, còn sự hung tàn bạo ngược này, thì trăm phương ngàn kế cũng bó tay. Ở đó, mọi người muốn sống là phải phấn đấu, phải đạp lên người khác để đi lên. Ở đó, có dịp, ai cũng có thể phanh thây xẻ thịt cái đất nước này để sống. Vậy thì xây dựng cái gì là bền vững ?

28-8

Có thật Việt Nam không cần một cuộc cách mạng ?

Hai nhà « trí thức lớn » của VN trả lời phỏng vấn của BBC cùng đồng ý với nhau là Việt Nam không cần một cuộc cách mạng. Lý do là :

« Bởi vì các cuộc cách mạng, nhìn suốt lịch sử thế giới, đều là các cuộc cách mạng vô cùng tàn bạo. Cái giá nó mang lại cho nhân loại hoặc cho từng dân tộc đều rất đắt, cho nên là dẹp cách mạng đi ».

Cách mạng là thay đổi cái cũ và xây dựng lại cái mới tốt đẹp hơn.

Xin thưa hai nhà trí thức lớn : Đâu phải cứ nghe nói « cách mạng » là có máu đổ thịt rơi ? Tôi e là hai nhà trí thức lớn « nhìn suốt lịch sử thế giới » nhưng lại nhìn sót lịch sử nhiều nơi. 

Xin ghi ra đây một số trường hợp điển hình để chứng minh rằng nhận thức của nhị vị là sai :

Cuộc « cách mạng nhung » ở Tiệp Khắc xảy ra tháng 12 năm 1989, làm sụp đổ chế độ do đảng cộng sản lãnh đạo đồng thời kết liễu nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Tiệp khắc.

Cuộc cách mạng « hoa cẩm chướng » xảy ra tại Portugal vào tháng 4 năm 1974, chấm dứt chế độ độc tài đã dựng tại đây từ năm 1933. Từ đó Portugal đã có những thay đổi lớn lao về kinh tế, văn hóa, giáo dục… bắt kịp với các nước Tây phương. Cuộc cách mạng khởi đầu bằng một cuộc « đảo chánh » không đổ máu của quân đội. Có lẽ đây là cuộc cách mạng mở đầu cho các cuộc cách mạng « màu mè » sau này ở các xứ cựu LX và các xứ Bắc phi.

Cách mạng « hoa lài » ở Tunisie, cách mạng « hoa sen » ở Ai Cập, cách mạng « hoa hồng » ở Georgie, cách mạng « cam » ở Ukraine…

Tất cả các cuộc cách mạng này đều không đổ máu, không « tàn bạo »… đồng thời đem tới cho các dân tộc này những điều tốt đẹp hơn trước.

Nhị vị trí thức lớn đã nói sai hoàn toàn, phải không ?!

Một ý kiến khác của « nhà trí thức » cũng cần phải thảo luận lại nghiêm túc :

« Tôi nghĩ là không cần một cuộc cách mạng toàn diện nhưng mà cần những thay đổi dài hơi và ổn định. "Chứ nếu mà không thì dân tộc Việt Nam và đất nước Việt Nam sẽ trả một giá rất là lớn." »

Điều gì cần phải « thay đổi dài hơi và ổn định » ?

Việt Nam đã « dài hơi cải cách và đổi mới » trong « ổn định tuyệt đối » từ 3 thập niên nay. Trên mọi mặt kinh tế, giáo dục, xã hội…, tức là « toàn diện », VN đã thất bại.

Có cần phải « thay đổi dài hơi » thêm nữa hay không ?

VN phí phạm thời gian bấy nhiêu đó là quá đủ rồi ! Với vốn thời gian đó, nước Nhật đã xây dựng đất nước tan nát của họ thành một cường quốc kinh tế. Đài loan, Nam Hàn, Singapour, Hồng Kông… bằng bấy nhiêu thời gian đó đã xây dựng đất nước của họ thành những « con rồng kinh tế » trên thế giới.

Thử đi thăm các nước đó, sao mà thành phố của họ đẹp thế, « hoành tráng » thế ? Trước đây 4 thập niên, các thành phố đó còn lấy Sài gòn làm mục tiêu để cạnh tranh tiến bộ.

Người ta tiến một bước, VN lùi hai ba bước.

Nhắc lại đây một số dữ kiện để thấy sự tụt hậu của VN hết sức là thê thảm.

Nước Nhật, trên thực tế đã « công nghiệp hóa » từ cuối thế kỷ 19. Nhưng bàn đạp để họ trở thành một « đại cường » là sau chiến thắng Trung Hoa qua cuộc thủy chiến ở cửa sông Áp Lục, TH phải bồi thường chiến tranh (hòa ước Simonoseki 1895). Nhờ số tiền bồi thường này nhà nước Nhật khuyến khích và giúp đỡ tư nhân đầu tư, các cơ sở kỹ nghệ của Nhật được xây dựng lên, một số xí nghiệp còn tồn tại đến hôm nay. Số tiền bồi thường là khoảng hơn 700 triệu.

Trong khi đó VN, nếu chỉ tính từ đầu thập niên 90, sau khi « đổi mới » vài năm, thì nhận được một số tiền mặt khoảng 3 tỉ đô la do người Việt nước ngoài gởi về. Con số này hiện nay tăng lên gần 10 tỉ đô. Số tiền « trên trời rớt xuống » này lãnh đạo VN đã phung phí không thuơng tiếc. Chỉ cần một người quản lý bình thường, VN cũng đã có thể đã trở thành một nước công nghiệp phát triển quan trọng trong khu vực.

Một thí dụ khác, hiện nay số dân Hàn cư trú ở VN tương đương với số dân Việt ở Nam Hàn. Điều khác biệt là số người Hàn ở VN là những người chủ xí nghiệp, kỹ sư, nhà quản lý… Còn người VN ở Nam Hàn phần lớn là người đi ở đợ.

Đài Loan, Singapour cũng vậy. Người dân các xứ này sang VN là để làm chủ, làm chuyên gia. Còn người VN sang các xứ này là để làm phục dịch. Thậm chí đến TQ, công nhân của họ cũng tràn ngập ở các công trình ở VN.

Giáo dục VN đào tạo ra con người cử nhân, kỹ sư, tiến sĩ… thất nghiệp. Nếu không, tại sao các xí nghiệp nước ngoài lại tuyển kỹ sư từ nước họ, hoặc các nước Châu Âu, thậm chí từ Ấn độ ?

Cho đến đứa con nít hiện nay cũng nhận thức được là giáo dục VN không thể thay đổi mà phải cần một cuộc cách mạng.

VN đã gia nhập đủ thứ tổ chức kinh tế trên thế giới. Nay mai chắc cũng sẽ và tổ chức « Hợp tác xuyên Thái bình dương ». Nếu VN vẫn tiếp tục « thay đổi dài hơi và ổn định » như nhận thức của hai vị trí thức lớn thì theo tôi, có vào thêm 100 tổ chức quốc tế nữa, VN sẽ « vũ như cẩn ». Tức là vẫn làm thuê gánh mướn mà ăn.

VN hơn bao giờ hết cần một « cuộc cách mạng ». Một cuộc cách mạng ôn hòa để thay đổi tất cả, từ chế độ chính trị cho tới các lãnh vực xã hội gồm kinh tế, giáo dục, văn hóa… Có vậy VN mới có thể phát triển được.

29-8

Cho đến bây giờ lãnh đạo VN vẫn cho rằng họ đã đạt được mục tiêu « xóa đói giảm nghèo » do LHQ đề ra.

Một câu hỏi chưa bao giờ thấy ai đặt ra là vì sao dân VN nghèo và đói ?

Dân miền Nam trước 75 không hề « nghèo » nếu so sánh với mức sống trung bình giữa dân VN với các dân tộc Đại Hàn, Đài Loan, Thái Lan… Còn về cái « đói », chưa bao giờ trong lịch sử thành hình miền Nam dân chúng vùng lãnh thổ này gặp nạn « đói ». Trong thời kỳ chiến tranh, chính sách « người cày có ruộng » đã giúp cho thành phần « vô sản nông nô », tức là tá điền, sở hữu được một số ruộng đất dư dă để canh tác sinh sống. Cái nghèo và đói có thể hiện hữu ở những vùng ở ngoài vòng kiểm soát của VNCH. Bất ổn do mất an ninh, người dân không thể canh tác để sản xuất.

Dân miền Bắc lý ra cũng không thể nghèo, nếu nhà nước CSVN không áp dụng những chính sách tập trung sản xuất và quốc hữu hóa những tư liệu sản xuất. Nhân danh « giải phóng miền Nam », lãnh đạo miền Bắc đã buộc mọi người phải hy sinh, nhân lực và vật lực, tất cả để phục vụ cho chiến tranh.
Sau khi đất nước thống nhất, dân VN cũng không thể nghèo nếu lãnh đạo biết cách quản trị. Trong khu vực có nhiều mô hình để VN bắt chước. VN dễ dàng thành công vì miền Nam có nền kinh tế năng động, các mỏ dầu khí và vựa lúa gạo phong phú… sẽ làm điểm tựa và động lực thúc đẩy cả nước phát triển.

Quá trình phát triển ban đầu của Đài Loan và Nam Hàn là đặt căn bản lên nông nghiệp và thủ công nghệ, song song với việc đào tạo con người. Trong mười năm, hai xứ này đã đào tạo được một tầng lớp chuyên gia về quản trị, khoa học, kỹ thuật, kinh tế, tài chính… Nền thủ công nghiệp sơ khai lúc đầu đã cứng cát, trở thành những xí nghiệp lớn, có tầm vóc quốc tế. « Vốn con người » được gầy dựng cùng lúc với sự mở mang những trung tâm nghiên cứu. Những trung tâm nghiên cứu của hai nước này nổi tiếng quốc tế. Vũ khí của Đài Loan chế tạo hiện nay (máy bay, hỏa tiễn…) đủ để họ tự túc chống lại mọi sự xâm lăng của TQ. Công nghệ nguyên tứ, xe lửa cao tốc, đóng tàu… của Nam Hàn bây giờ cạnh tranh (và qua mặt) các nước tây phương. Các tập đoàn lớn của Nam Hàn đều được sự « chống lưng » của nhà nước, về tài chánh và công nghệ qua các trung tâm nghiên cứu.

Quá trình phát triển của hai nước này như vậy chủ yếu dựa lên nông nghiệp và thủ công nghiệp mà mục đích chính là đầu tư vào « vốn con người ».

Quá trình phát triển của Singapour thì khác. Ở đây không có đất đai để làm ruộng, thậm chí không có nước ngọt để uống. Lúc đầu lập quốc lại còn bị các cường quốc xung quanh (Mã Lai và Nam Dương) dọa tiêu diệt. Thành công của Singapour là do lãnh đạo biết khai thác vị thế lợi hại địa lý chiến lược ở đây và dịch vụ. Nhưng thành công dài hạn vẫn là đào tạo « vốn con người ». Singapour là một quốc gia rất nhỏ nhưng lại có số triệu phú và tỉ phú nhiều nhứt thế giới.

Các mô hình phát triển của Đài Loan và Nam Hàn phù hợp hơn hết với VN.

Nhưng lãnh đạo VN, sau 1975, lại theo mô hình kinh tế của Mao Trạch Đông. Từ đó cả nước nếm mùi « nghèo » và « đói ». Thật là mĩa mai, vựa lúa gạo miền Nam có thể nuôi sống cả ¼ quả địa cầu, nay dân chúng lại ăn độn bột mì (mốc) của LX. Dĩ nhiên đây là một hình thức CSVN trừng phạt dân chúng miền Nam vì đại đa số dân chúng ở đây trong chiến tranh đã không « cộng tác » với MTGP. Dân miền Nam « đói » là do nạn ngăn sông cấm chợ, chứ không phải vì sản xuất. Dân ở tỉnh đói trong khi các vựa lúa gạo ở thôn quê thì được đưa xuống ghe ra tàu lớn, chở đi đâu không biết ! Cách trả thù này thật là tinh vi.

Nạn nghèo và đói vì vậy trước hết đến từ chính sách, sau đó là sự bất tài, tham nhũng thối nát của mọi tầng lớp lãnh đạo.

Bây giờ lãnh đạo « tự sướng » bằng cách đăng đàn ca ngợi rằng VN đã đạt được mục tiêu « xóa đói giảm nghèo » do LHQ đề ra.

Tức là họ trây c. ra, sau đó hốt c. đi, rồi hô hoán kể lể công lao.

Thật không còn lời lẽ nào để phê bình.

3-9

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hôm 2-9 có bài diễn văn « hùng hậu », như mọi năm, đọc trước sân Ba Đình. Như mọi năm, bài diễn văn là không có ý kiến nào mới, « vũ như cẩn ». Ai không tin có thể tìm lại các bài diễn văn 2-9 năm ngoái, năm kia, rồi các năm kỉa… rồi so sánh. Bảo đảm là 90% câu văn, ý tưởng chính… là trùng hợp với nhau.

Dầu vậy, trên BBC có ghi nhận một số « ý kiến lớn » của Chủ tịch nước. Quả nhiên con mắt nhà báo là tinh đời, (tôi dò đi dò lại trong bài diễn văn hồi lâu mới thấy).

Đó là chủ tịch nước kêu gọi : « xóa bỏ mọi mặc cảm, định kiến về quá khứ, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc để đoàn kết mọi người Việt Nam yêu nước. »

Wow, có nhiều điều cần bàn.

Về mặc cảm, có hai loại mặc cảm : mặc cảm cộng sản và mặc cảm kẻ bại trận.

Mặc cảm cộng sản là hiện tượng người cộng sản nhưng không dám nhận mình là cộng sản. Hiện tượng này tràn lan ở VN. Một số thí dụ :

Điều ai cũng biết VN là một nước độc tài cộng sản, do đảng cộng sản lãnh đạo. Vậy mà khi mình nói « VN là một trong bốn nước cộng sản hiếm hoi còn sót lại » thì có nhiều người phản đối, nhảy dựng. Họ nói rằng VN đâu còn cộng sản nữa. Cho đến TT Nguyễn Tấn Dũng cũng thuyết phục người Mỹ rằng VN là một nước « kinh tế thị trường ». Nhưng mà người Mỹ họ đâu có tin. Cộng sản là kinh tế chỉ huy chứ đâu phải kinh tế thị trường ? Thực tế ở VN nó vậy, làm sao che dấu được ?

Người Mỹ nhìn sự việc trên thực tế. Đó không phải là « định kiến ».

Là cộng sản, lãnh đạo nào cũng có thẻ đỏ, nhưng khi gọi họ là « Việt cộng » ai cũng nhảy tưng phản đối.

Sao vậy ? Phải chăng cộng sản là xấu xa nên phải che dấu ?

Thực tế tại Trung quốc thời Mao Trạch Đông, LX thời Stalin, VN thời ông Hồ… nạn nhân điểm danh ra hàng trăm triệu. Nếu tính ra số nạn nhân và số đảng viên CS, đảng viên nào tay lại không dính máu ?

Đâu ai có « định kiến » về cộng sản ?

Sẽ có người lên tiếng ở đây, bọn tư bản thực dân, bọn phát xít… giết bao nhiêu người ? ờ thì đúng, bọn chúng giết người còn táo bạo hơn cộng sản. Vấn đề là các chế độ đó đã cáo chung. Những  người có tội đều đã đều phải trả lời về tội ác của mình trước công lý. Nhưng bọn cộng sản sát nhân thì còn sống rất nhiều.

Đó là thực tế chứ đâu phải « định kiến » ?

Hội chứng mặc cảm cộng sản là có thật. Đây là một bệnh về tâm lý. Triệu chứng là họ thường xuyên sống trong ảo tưởng. Thử nhìn dân Bắc Hàn, họ sống dưới đáy bùn đen, trong giếng cạn nhưng lúc nào cũng tưởng tượng là sống trên thiên đàng. VN cũng vậy mà thôi.

4-9

Ngày quốc khánh VN đã được tổ chức « rất hoành tráng », buổi diễu hành tràn đầy màu sắc vui tươi xanh đỏ tím vàng hòa lẫn cùng với tiếng kèn trống xập xình tò tí te. Nếu không có tiếng đại bác bắn ình ình và diễn văn của chủ tịch nước Nguyễn Tấn Sang thì người ta tưởng đây là một đám ma nhà giàu miền Nam hoặc là lễ Carnaval của dân đồng tính.

Tưởng đám ma vì đồ vàng mã nhiều hơn đồ thật. Tưởng ngày hội dân đồng tính vì đủ màu sắc cầu vồng.

Thử nhìn sang TQ, ngày diễu binh của họ tổ chức sau VN một ngày. VN không có cái gì có thể so sánh. Nếu Olympique Berlin 1936 Hitler không dấu diếm tham vọng chinh phục thế giới, thì ngày Diễu binh 3-9-2015 Trung quốc chính thức cho thế giới biết họ đã thoát ra thời kỳ « thao quang dưỡng hối ». Tất cả các khí tài diễu hành, từ hỏa tiễn Đông Phong (DF 21) cho đến những chiếc máy bay không người lái, đều sản xuất từ nội địa. Hỏa tiễn liên lục địa của TQ, dĩ nhiên sản xuất local, từ nay có thể mang nhiều đầu đạn nguyên tử mà mỗi đầu có thể tấn công một mục tiêu khác nhau trên lãnh thổ đất địch. Những loại vũ khí sử dụng năng lượng cao tập trung, như tia laser (đã thí nghiệm thành công bắn hạ vệ tinh), tia vi ba đã được cảnh sát biển đưa vào sử dụng… Hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu, chương trình chinh phục không gian, cũng như đội ngũ chiến binh tin học… đã đưa quân đội TQ lên tầm hiện đại. Cái cảnh hai chiếc phi cơ chiến đấu được tiếp liệu cùng lúc trên không cho thấy kỹ thuật không quân TQ đã đạt một bước dài. Việc cất cánh, hạ cánh của phi cơ trên hàng không mẫu hạm cũng đã diễn tập thuần thục từ nhiều năm qua với chiếc Liêu Ninh. TQ đã sẵn sàng. Những gì diễn ra sau ngày Tập Cận Bình hội kiến với Obama, sẽ xảy ra trong vài tuần tới, sẽ quyết định bàn cờ chiến lược trong khu vực.

Người ta nói là TQ đã thắng vòng đầu vì đã xây dựng và mở rộng các đảo ở Biển Đông mà Mỹ và các nước chung quanh không làm được gì. Những ngày tới TQ sẽ thắng thêm vòng thứ hai, vì đặt được « Vùng nhận diện phòng không - ADIZ » ở biển Hoa Nam (Biển Đông). Trên lý thuyết việc này TQ đã đạt 80%, vấn đề còn lại là diện tích vùng này là bao nhiêu ?. Cuộc hội thảo tháng 7 vừa qua tại trung tâm CSIS cho thấy một số học giả Mỹ đã mặc nhiên nhìn nhận chủ quyền của TQ tại các đảo TS. Điều họ bàn cãi với học giả TQ là các đảo có phải là « quần đảo » hay không ?

Mục đích cuộc diễu binh của TQ vì vậy có thể thấy được, TQ sẽ đòi hỏi vùng ADIZ bao trùm trên Biển Đông.

Nhưng cây đinh của buổi diễn hành 2-9 của VN phải nói là đội nữ quân y. Đây là lô an ủi. Đẹp quá, ai cũng thật là đẹp. Là quân y nhưng ai cũng thủ cây AK kè kè bên hông.

Thì ra quán tính thời chiến tranh du kích (một cách nói khác của chiến tranh khủng bố) vẫn còn tồn tại. VN không có thói quen bắt tù binh, nhứt là những người bị thuơng. Vì vậy quân y VN không nhằm cứu thuơng mà chỉ nhằm ban ơn huệ. Viên đạn cuối cùng cho ngưòi thuơng binh địch thủ là viên đạn ơn huệ.

VN hội nhập bao nhiêu năm mà hình như vẫn chưa hiểu các qui ước của chiến tranh về việc đối đãi với thuơng binh, tù binh… theo các công ước quốc tế.

20-9

Nghe nói kỳ đại hội này có tới hai ứng cử viên gốc miền Nam vào chức vụ tổng bí thư. Thật là một tin tức « không mặn, không ngọt », mặc dầu lịch sử đảng CSVN chưa bao giờ có người gốc « ruộng » được ở vào vị trí lãnh đạo (tối cao) này. Tôi cũng là người gốc « ruộng », chân còn dính phèn, tiếng nói rặc giọng « nhà quê ». Việc này theo tôi không « nhằm nhò » gì hết. Người dân cần người lãnh đạo có khả năng chứ không phải người « gốc » này hay « gốc » kia. Dầu thế nào việc này cũng cho ta thấy tình trạng « bè phái » trong đảng đã đến mức hết chữa. Xưa nay bè phái giành giật quyền lực. Phe miền Nam là phe… con ghẻ, làm gì có tư cách được chia gia tài ? Bây giờ thì phe miền Nam mạnh lên, (chắc mạnh vì gạo, bạo vì tiền), con ghẻ trở thành trưởng tử nuôi cả gia tộc.

Theo ý kiến của tôi, không cần phải có một TBT người miền nam để làm gì. Nhân sự cộng sản người nào cũng như người đó. Nếu ví VN là một con thuyền thì con thuyền VN đã mục nát, sắp chìm. Lãnh đạo, cả một tập đoàn tài công, thủy thủ vừa tham nhũng, vừa bất tài, lại vừa vô tránh nhiệm. Thuyền ra biển lớn nhưng không ai biết đi đâu, làm gì ?

Miền Nam, theo những dữ liệu khoa học đã công bố, trong vài thập niên nữa sẽ bị ngập mặn. Khoảng 25% đất đai sẽ bị phủ nước biển. Vùng quê của tôi, nơi chôn nhao cắt rún, 100% sẽ bị ngập. Vựa lúa sẽ không còn, người dân VN ở miền trung, miền bắc… có thể bị đói. Nhưng đó là chuyện nhỏ. Vấn đề là tương lai, số phận  (ít nhứt) khoảng 10 triệu người dân ở đây sẽ về đâu ?

Thời điểm hiện nay, nước đã đến chân, nhưng những tin tức về các sự việc này thường không được dư luận quan tâm. Dĩ nhiên, nếu dân không quan tâm thì mắc mớ gì nhà nước phải lo ?

Phải chăng giao chức TBT cho người miền Nam là đảng CSVN muốn « bán cái » vụ ngập mặn cho người miền Nam lo ?

Nam, bắc gì cũng vậy, bất tài là từ bản chất bất tài.

Sài gòn xưa nay đây có bao giờ ngập lụt dữ thần như đã thấy vài ngày qua ? Những cơn mưa kiểu này là chuyện thường, năm nào cũng có những trận mưa như vậy. Nhưng hồi đó đâu có ngập lụt như bây giờ ?

Nguyên nhân là do việc xây dựng. Tại sao đường xá, cầu cống, nhà cửa… của Pháp đã xây dựng hàng trăm năm, của Mỹ Ngụy xây dựng hàng nửa thế kỷ… đến nay vẫn còn y nguyên. Đường xá (có thể hẹp) nhưng chạy không lún. Còn bây giờ, đường xa lộ mới khai trương là đã lún.

Với sự lãnh đạo của đảng CSVN, bất kể TBT là nam hay bắc, nhứt định miền Nam sẽ mất dấu dưới nước biển, như Sài gòn ngập nước mưa mấy ngày qua. Vấn đề là không có khả năng lãnh đạo.

Đâu là giải pháp ?

Dễ dàng hơn hết cho đảng CSVN hôm nay, là trả miền Nam lại cho Kampuchia. Nói thật : trả lại cho Kampuchia.

Người dân miền Nam sống dưới chế độ cộng sản từ năm 75 đến nay không khác sống dưới một chế độ thực dân hà khắc, bóc lột chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại.

Bọn Tây thực dân nó bóc lột, nhưng dầu sao nó cũng cho người dân làm giàu lên để bóc lột. Cách thức bóc lột của Tây thật tinh vi. Bọn chúng cho đào mương, đào kinh… chằn chịt khắp miền Nam, biến vùng đất ngập nước phèn thành một vùng ruộng đồng bao la cò bay thẳng cánh. Bọn chúng lại còn bảo vệ tá điền, áp dụng luật lệ thực dân, bày tòa án vớ vẫn để bọn địa chủ không hà hiếp thái quá người nông nô. Bọn thực dân cai trị miền nam theo kiểu nuôi gà đẻ trứng vàng. Muốn có trứng thì con gà phải mập mạp trước đã.

Còn thực dân cộng sản nó trấn lột người dân cho tới tấm ván hòm. Trấn lột theo kiểu ngu xuẩn nhổ lông cắt cổ con gà đẻ trứng vàng. Dầu mỏ ngoài khơi Vũng Tàu đã hút cạn kiệt. Mỏ than Hồng gai cũng sát đáy. Rừng rú, cây gỗ đã cắt trụi. Mỏ bô xít cũng khai thác, cho dầu ô nhiễm và lỗ lã, bởi vì TQ muốn vậy để trả nợ. Bây giờ chỉ còn « quĩ đất ». Tức là lấy đất của người dân đem bán cho phe cánh, cho tài phiệt nước ngoài. Cả một khu vực lớn lao trên biên giới, rừng đầu nguồn… cho tập đoàn TQ, Đài Loan mướn.

Vì vậy đem trả miền nam cho Kampuchia là một giải pháp khôn ngoan. Bởi vì, vài thập niên nữa, đất này ngập nước biển, quĩ đất là con số không, chẳng còn chấm mút được cái gì. Nó trở thành một gánh nặng cho đảng và nhà nưóc.

Trả sớm miền nam cho Kampuchia là một quyết định… « sáng suốt », lối thoát cho đảng CSVN, nhứt cử tam tứ tiện. Bọn Kampuchia không còn quậy phá là một tiện. Giải quyết khối dân chúng 10 triệu người không có đất đai để ở, là cái tiện thứ hai.

Ngoài giải pháp đem miền nam trả cho Kampuchia thì còn một giải pháp khác, thông minh hơn, đó là thay đổi thể chế, dân chủ hoá chế độ. « Hiền tài » khắp nơi trở về đem tài năng xây dựng đất nước. Những người tài ba, có khả năng kinh bang tế thế, sẽ có những kế hoạch cứu vãn miền nam.

Nhưng giải pháp này xem ra là… hạ sách. Vì nói đến « thông minh » thì trong đảng CSVN coi bộ hiếm.

21-9

Bởi vậy, đã nói hôm qua, điều quan trọng ở người lãnh đạo là khả năng lãnh đạo chớ không phải là dân nam hay dân bắc. Bài phân tích của học giả C. Thayer (năm 2012) ở đây cho thấy khả năng lãnh đạo của TT NT Dũng, từ lúc bắt đầu làm thủ tướng năm 2006 đến năm 2012. Dầu vậy bài viết vẫn còn giá trị cho đến bây giờ.

Tác giả đặt tựa « cái giá của sự ngạo mạn » hiển nhiên là nể nang TT Dũng ghê lắm. Nếu đọc và hiểu nội dung  bài viết ta thấy rằng đó là cái giá (mà đất nước VN) phải trả cho sự « độc tài và ngu dốt » của người lãnh đạo.

Những giòng sau đây tố cáo nguyên nhân vì đâu, vì ai mà VN lệ thuộc sâu xa vào TQ. Không phải vì ý thức hệ, điều này xem ra không còn quan trọng, vì mèo trắng hay mèo đen, nếu bắt được chuột là hữu dụng. Vấn đề lệ thuộc sâu sắc về kinh tế, chính trị, văn hóa… như một hình thức lệ thuộc chư hầu kiểu mới :

« Nhập siêu với Trung Quốc dưới thời thủ tướng Dũng cao hơn hẳn những người tiền nhiệm; riêng trong năm 2010 là ở mức 12,7 tỷ đôla , cao gấp 5 lần mức 2,67 tỷ đôla năm 2005 trong nhiệm kỳ của thủ tướng Phan Văn Khải.

Sự nhập siêu này được Trung tâm nghiên cứu kinh tế và Chính sách VEPR, đại học quốc gia Hà Nội lý giải là dưới thời thủ tướng Dũng, có đến 90% các dự án lớn, chủ yếu là công nghiệp thượng nguồn của các tập đoàn kinh tế Việt Nam trụ cột với giá trị trúng thầu từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đôla có nhà thầu là Trung Quốc.

Điều đáng chú ý ở đây, là các nhà thầu này thường chỉ sử dụng lao động và thiết bị đem từ Trung Quốc sang, dẫn đến việc Việt Nam không được hưởng chút lợi ích nào về lao động việc làm trong các thương vụ với Trung Quốc. Trong khi đó, đầu tư nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc chỉ chiếm 1,5% tổng FDI của Việt Nam.

Để bù đắp cho sai lầm trong chính sách mậu dịch với Trung Quốc, chính phủ thủ tướng Dũng đã phải tìm kiếm những khoản FDI khác từ nước này để cân bằng cán cân thương mại, bất chấp những quan ngại về sự phá hoại môi trường và an ninh quốc phòng. »

Những thiệt hại về kinh tế, xáo trộn xã hội… do sự hiện diện quá đông đảo của nhân công TQ, hay do phẩm chất tệ hại của các công trường do TQ thực hiện… dầu sao cũng có thể chế ngự được. Nhưng những thiệt hại về môi trường và về an ninh quốc phòng, cũng như những thâm nhậm chậm mà chắc về văn hóa, phim ảnh… sẽ đem đến cho VN những nguy cơ tiềm ẩn lâu dài.

Về dự án Bô Xít, bài viết tố cáo :

« Dự án Bauxite Tây Nguyên mà tác giả David Pilling trong bài viết đăng ngày 6/5/2009 trên Financial Times gọi là sự 'triều cống' của Việt Nam để đổi lại khoản đầu tư 15 tỷ đôla nhằm giải quyết 11 tỷ đôla nhập siêu năm đó là một trong những dự án như vậy. »

Nhiều người sáng mắt, cứ tưởng dự án Bô Xít là mọt dự án đơn thuần kinh tế. Khi nó là một phẩm vật « triều cống » thì không có vấn đề lời, lỗ, lợi hại. Nó chỉ thể hiện một cách đơn giản lòng « kính trọng » của « an nam tiết độ sứ Nguyễn tấn dũng » đối với thiên triều.

Cũng từ thời đại Nguyễn Tấn Dũng việc việc truất hữu ruộng đất của nông dân để làm sân golf, xây khu biệt thự… trở thành quốc nạn. Hành vi bất nhân bất nghĩa, vô ơn, bội bạc này đã tạo ra một xã hội bất công, thối nát. Chế độ CSVN dưới thời này độc ác hơn mọi chế độ thực dân nào. Bài báo viết :

« Để đảm bảo tăng trưởng, chính phủ Nguyễn Tấn Dũng còn phải chỉ đạo thu hồi đất nông nghiệp cho các dự án biệt thự, sân golf, công nghiệp.

Nhiều vụ trong số này đã trở thành cưỡng chế bạo lực, dẫn đến những vụ như Văn Giang hồi tháng Tư năm nay. Điều này khá giống với tình hình tại Trung Quốc trong bản báo cáo mới nhất của Ân xá Quốc tế.

Chỉ tính trong 5 năm từ 2006-2010, cả Việt Nam đã mất khoảng 200 nghìn ha đất cho các dự án công nghiệp, sân golf, biệt thự, dẫn đến gần 2,5 triệu lao động mất việc và người nông dân có 3-4 tháng nông nhàn mỗi năm, theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh Xã hội. »

Nếu thời « cải cách ruộng đất » ông Hồ bắt chước Mao Trạch Đông, thì việc cướp đất của nông dân TT Dũng rập khuôn TQ. Mọi người đều biết nguyên nhân từ đâu có tầng lớp dân oan của xã hội VN.
Thủ tướng NT Dũng cũng có thành tích quán quân trong việc làm tăng lạm phát. Đây là một hình thức cướp của người dân một cách đơn giản nhứt. Gọi là « cướp » vì không có từ ngữ nào chính xác hơn. Tháng trước lãnh lương tôi mua được 4 bao gạo, tháng này chỉ mua được 3 bao. Lương tăng bao nhiêu đâu thành vấn đề ? Gạo tôi mua được bao nhiêu mới là điều quan trọng.

Dĩ nhiên nguyên nhân là do sự bất tài trong lãnh vực quản lý kinh tế. Bài báo vạch trần sự yếu kém này như sau :

« Lạm phát năm 2007-2008 bùng nổ vì nhiều lý do, trong đó có sự tăng mạnh của mức lương tối thiểu, gia tăng giá cả của hàng hóa quốc tế và việc luồng đầu tư nước ngoài đổ vào ồ ạt sau khi Việt Nam gia nhập WTO cuối năm 2006 mà không có chính sách kiểm soát; kèm theo chính sách tiền tệ lỏng lẻo, thiếu linh hoạt cũng như tỷ giá cứng nhắc.

Ngân hàng Nhà nước lúc đó phải bơm tiền đồng vào nền kinh tế để giảm nhẹ áp lực tăng tỷ giá, làm trầm trọng hơn tình trạng lạm phát, đưa lạm phát tháng Tám năm 2008 lên mức 28,2%, cao nhất kể từ năm 1993, theo số liệu từ Tổng cục thống kê. »

Đoạn sau đây tác giả C. Thayer đã cho mọi người thấy hiệu quả tệ hại của các xí nghiệp nhà nước dưới thời TT Dũng. Điều này dĩ nhiên là do hệ quả của việc lbầy đàn, giao cho đàn em bất tài điều hành những công trình nhà nước :

« Chỉ số được sử dụng rộng rãi trong việc đo đạt hiểu quả đầu tư là Hệ số sử dụng vốn đầu tư (ICOR). Mục đích của hệ số này là tính ra phải mất bao nhiêu đồng vốn đầu tư mới tạo ra một đồng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Chỉ số ICOR càng cao đồng nghĩa với vốn đầu tư được sử dụng kém hiệu quả.

Nếu báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy ICOR dưới thời cố thủ tướng Võ Văn Kiệt giai đoạn 1991-1995 chỉ là 3,5 và tăng lên 3,9 trong nhiệm kỳ của thủ tướng Phan Văn Khải thì dưới thời thủ tướng Dũng, hệ số ICOR tăng vọt lên 6,15 trong giai đoạn 2007-2008 và đến năm 2009 thì lên đến 8.
Dù con số này đến năm 2010 đã giảm xuống mức 6,9 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Đáng chú ý hơn, ICOR của khu vực Nhà nước năm 2010 là 10,2 lần, cao gấp rưỡi hệ số chung trong khi đó, ICOR của khu vực ngoài Nhà nước năm 2010 là 3,9 lần, thấp hơn hệ số 4,9 lần của năm 2006, chứng tỏ sự vượt trội trong hiệu quả đầu tư.

Ngoài ra báo cáo của sứ quán Anh hồi tháng Sáu cũng chỉ ra khoảng cách năng suất lao động của các doanh nghiệp Nhà nước so với cả khu vực doanh nghiệp nói chung tăng ngày càng lớn qua thời gian, từ 1:4 năm 2000 đến 1:8 năm 2008. »

Hệ quả các việc này là :

« Chỉ cần lấy ví dụ những công trình mà thủ tướng đích tay ký như cảng Vân Phong, với tổng mức đầu tư 3,6 tỷ đôla và lễ khởi công hoành tráng tốn kém hơn 4,144 nghìn tỷ đồng giờ chỉ còn lại "114 cọc thép và một xà lan toàn những máy móc rỉ" (theo AP); những câu chuyện như sự tiêu phí 4 tỷ đôla của Vinashin hay các dự án bỏ hoang của Vinaconex thì cũng dễ hiểu tại sao cây bút Geoffrey Cain lại phải thốt lên "Việt Nam của năm 2012 là nơi có chính phủ đưa ra quyết định xây dựng những công trình ở những vị trí kỳ cục" trong bài viết trên trang Foreign Policy hồi tháng Bảy »

C. Thayer dẫn lời Geoffrey Cain, cho là chính phủ có quyết định « kỳ cục ». Ở VN thì chẳng có gì là « kỳ cục ». Không vậy mới là « kỳ cục ». Ông này hay ông kia đều tệ hại như nhau, hơn thua là tệ nhiều hay tệ ít.

Từ năm 2012 đến nay, đất nước và dân tộc VN tiếp tục trả giá cho « sự ngạo mạn » của TT Nguyễn Tấn Dũng.

Ôn cố tri tân. Mọi người nên đọc bài này để hình dung VN sẽ ra sao nếu chế độ chính trị VN không thay đổi ?

http://www.bbc.com/vietnamese/business/2012/10/121017_nguyen_tan_dung_impact

4-10

Hôm trước tôi có viết bài về « nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ». Nội dung bài viết, nhân vụ lùm lùm việc bổ nhiệm nhân sự ở tỉnh Quảng Nam, là đặt vấn đề « nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa » mà VN đang xây dựng là nhà nước gì ?

Về việc sử dụng từ ngữ, tôi có cho rằng phía VN đã dùng sai từ « pháp quyền » để dịch các thuật từ luật học « rule of law » (của Anh) và « état de droit » (của Pháp). Đúng ra phải dịch là « pháp trị ».
Về nội dung, nhà nước mà VN đang xây dựng là hình thức nhà nước gì ?

Nó không phải là một « nhà nước pháp trị » (hay pháp quyền, nếu cưỡng ép cho rằng pháp quyền có ý nghĩa của « rule of law »).

Bỏi vì nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa VN hiện tại là một « tổ chức quyền lực », chứ không phải là một « trật tự pháp luật », theo như bản chất tự tại của các nhà nước pháp trị ở các xứ dân chủ tự do.

Điều này hiển nhiên vì nhà nước này không phục tùng vào pháp luật (như trong các vấn đề phân bổ quyền lực nhà nước).

Trong một nhà nước pháp trị, mọi sự phân bổ quyền lực đều tuân thủ theo pháp luật.

Về ý nghĩa thuật từ « nhà nước », ở đây có sự nhập nhằng giữa hai quan niệm : nhà nước theo Marx và Angels với « nhà nước » theo ý nghĩa thông thường của các xã hội dân chủ tự do.

Theo Mác, nhà nước chỉ là một « công cụ bảo vệ giai cấp » :

« nhà nước là tổ chức chính trị của giai cấp đang thống trị về kinh tế, nhằm bảo vệ trật tự đang có và đàn áp sự phản kháng của giai cấp khác. »

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa VN hiện nay thể hiện 100% ý nghĩa nhà nước của Mác. Nó chỉ là một công cụ để bảo vệ giai cấp. Giai cấp ở đây là giai cấp có « thẻ đỏ ».

Nếu theo nội dung đúng đắn của « rule of law » của các xã hội dân chủ tự do, nhà nưóc phải phục tùng luật pháp. Còn theo quan điểm của Mác, luật pháp phát xuất từ nhà nưóc, luật pháp trở thành « công cụ » để phục vụ cho giai cấp thống trị :

« Nhà nước ban hành pháp luật và sử dụng các thiết chế và công cụ bạo lực để ý chí của giai cấp thống trị được thực thi trong thực tế »

Như vậy nhà nước « pháp quyền xã hội chủ nghĩa » của VN hiện nay là một « tổ chức quyền lực » của đảng CSVN.

Nhân sự đảng CSVN là giai cấp thống trị.

Tuy nhiên, theo Marx và Angels: Nhà nước không phải là phạm trù bất biến, mà luôn vận động, phát triển và sẽ tiêu vong khi những điều kiện khách quan cho sự tồn tại của nó không còn nữa.

Thì việc VN gia nhập TPP là « điều kiện khách quan » để nhà nước « pháp quyền xã hội chủ nghĩa » tiêu vong.

VN không thể nhập nhằng khái niệm giữa Marx-Angels và dân chủ tự tự do để lường gạt thế giới. Khi gia nhập TPP, người ta sử dụng « luật quốc tế » để phân xử những tranh chấp chớ không phải dùng luật rừng, hay núp dưới « quy trình » để trốn trách nhiệm. 

Điều khó ở đây, là trí thức VN, những nhà « dân chủ », ít có người nào trang bị kiến thức để nhìn thấy rõ rệt đâu là điều mấu chốt, đâu là thời điểm trọng yếu để dồn đối thủ vào thế phải nhượng bộ.

5-10

« Chủ nghĩa lý lịch » của người cộng sản hiện đang làm khó gia đình anh Ba X. Oan oan tương báo, gậy ông đập lưng ông, cho dầu anh Ba là người cầm chịch hội đồng nhà nước. Đàn em dưới trướng anh Ba đầy dẫy, ngoài xã hội cũng như trên fây búc. Từ công an, quân đội cho tới đám cò ke lục chốt dư luận viên trên các mạng xã hội đều ở dưới trướng anh Ba. Dầu vậy anh Ba cũng khó có thể tránh được món « ám khí », đòn đánh ngay bọng dái…. Từ những người đồng chí thân thuơng  của anh Ba.
Chủ nghĩa lý lịch ở VN từ xưa đến nay là ông thần hộ vệ cho chế độ. Người ta thấy nó thể hiện man mác khắp mọi nơi, mọi lúc. Đi xin một tờ giấy, bất kỳ cho mục đích gì, người xin phải điền vào khoảng trống trong tờ giấy rõ ràng  nguồn gốc, nghề nghiệp của anh em, cha mẹ, ông bà… của mình. Đến nay đã gần ½ thế kỷ nhưng câu hỏi « trước 1975 làm gì » vẫn còn thấy tồn tại trên các đơn từ quan trọng.

Người ta phân loại nhân dân VN bằng « hồ sơ lý lịch ». Loại « tốt », có hồ sơ lý lịch trong sáng, kiểu « gia đình có công với cách mạng », hay ba đời vô sản, làm nông, làm lao động… Còn loại « xấu » là những người có liên hệ đến « ngụy quân », « ngụy quyền »… nói chung là những thành phần có quan hệ với chế độ cũ. Những người có lý lịch « xấu » muôn đời không vào làm việc trong các cơ quan nhà nước.

Sống trong xã hội cộng sản ai cũng trải qua cái cảnh mọi người phải dè chừng lẫn nhau. Người này để ý người kia. Thấy người nào « nói xấu chế độ » là người kia có bổn phận phải đi tố cáo. Người nào bị kẻ khác tố cáo là « phản động », cuộc đời xem như đi vào ngõ hẹp, cái nhãn « phản động » ảnh huỏng đến con cháu ba đời. Đây cũng là chủ nghĩa « lý lịch ».

Cái phản xạ « lý lịch » đến nay vẫn còn man mác trong xã hội. Không cần tìm đâu xa, bản thân cá nhân tôi là một thí dụ.

Tôi có người thân quen lâu đời, tình cờ thấy anh này có tài khoản facebook nên liền « kết nối » với anh ấy. Chưa kịp viết lời « tay bắt mặt mừng » thì anh này đã hủy « kết nối » chưa kịp nóng. Tôi thông cảm cho hành động anh này, người VN ai cũng sợ bị « liên lụy » hết, trong khi những gì tôi viết đều có thể bị kết vào « phản động », « chống cách mạng »… Điều phiền một cái là anh này đang sống ở Mỹ.

Tôi cũng để ý, sau một bài viết của tôi (có vẻ chạm nọc một chút), thì có năm ba người huỷ « kết nối » với tôi. Không bao giờ tôi phiền hà về việc này. Sau kinh nghiệm của anh bạn kia, tôi không bao giờ tự động « kết bạn » với bất kỳ ai khác. Hiện nay con số này, có lúc lên 5000 người, có lúc trụt xuống. Những người kết bạn với tôi đều do họ tự nguyện. Họ tự nguyện kết bạn thì họ tự nguyện hủy. « Dầu đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người ». Tôi không hề muốn những tư tưởng, những ý kiến của mình sẽ làm « liên lụy » đến bất kỳ một người nào khác.

Chủ nghĩa lý lịch không chỉ tàn phá mối giềng đạo lý giống nòi, mà làm cho con người VN nghi kị lẫn nhau. Con tố cha, vợ tố chồng, anh em tố cáo lẫn nhau… là chuyện thường ngày trong xã hội VN. Sự nghi kị tác hại như át xít, nó sẽ làm phân hủy gia đình, xã hội. Quốc gia chờ ngày tan rã. 

Một thống kê, cách đây khá lâu, cho thấy chủ nghĩa « lý lịch » tác động ngay trên chính sách đầu tư của nhà nước. Các vùng, miền… tỉ lệ đầu tư khác nhay vì chủ nghĩa lý lịch. Miền Nam, trên mọi mặt từ giáo dục, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông… đều không được ưu tiên. Dân chúng miền Nam vẫn bị kỳ thị về lý lịch, như là một giống dân thứ cấp : « ngụy dân ».

Chủ nghĩa lý lịch đã giúp cho đảng CSVN giữ vững được quyền lực. Cha làm quan thì tất nhiên con cũng ưu tiên được làm quan, theo kiểu cha truyền con nối. Bằng không một người làm quan cả họ được nhờ.

Thử nhìn qua thân thế gia đình anh Ba X. Anh lên cầm chịch hội đồng nhà nước thì con cái anh, đứa lớn thì làm thuợng thư kiêm luôn tổng đốc, đứa kế thì nắm chắc hầu bao làm chủ ngân hàng (mới nghe nói làm chủ tới 50 tỉ tiền obama), còn đứa út thì được đôn lên làm xếp đảng đoàn chi đó…
Nhìn qua chung quanh, sự việc nhân sự lãnh đạo các huyện toàn là người nhà, hay việc bổ nhiệm nhân sự tỉnh Quảng Nam… cũng là nhờ lý lịch.

Trở lại vấn đề anh Ba X. Con gái anh Ba bị các đồng chí của anh tố cáo có quốc tịch Mỹ. Đúng sai không cần biết, điều đáng nói là bây giờ anh Ba trở thành nạn nhân của « chủ nghĩa lý lịch ».

Ở các xứ giẫy chết, khi con cái quá tuổi trưởng thành thì cha mẹ không còn trách nhiệm. Chuyện của con là chuyện của con, không liên quan gì đến cha.

Oan oan tương báo là vậy.

Nhiều tiếng nói đả kích « ba vị giáo sư khả kính » tố cáo con gái anh Ba, bênh vực con gái anh Ba.
Tôi thì tin thuyết nhân quả, luân hồi. Anh Ba đã sử dụng « lý lịch » để ngoi lên tột đỉnh thì chắc chắn anh cũng sẽ bị « lý lịch » vùi anh xuống tận đáy. Anh gây tội ác quá nhiều. Ác lai ác báo.

13-10

Về Hiệp định TPP, cá nhân tôi phải thành thực thú nhận rằng, sau một tuần cố gắng tìm kiếm dữ kiện, phải chịu thua, không tìm thấy nó « trốn » ở nơi nào. Đây thực sự là một « màn sương mù » dày đặc.
Nội dung hiệp định chưa hề được bất cứ bên nào (gồm 12 nước) công bố. Bí mật bao trùm, không chỉ ở việc đàm phán, mà còn ở nội dung các thỏa thuận đạt được. Các nguyên tắc về « dân chủ » bị vi phạm nặng nề. Người dân không được biết bất kỳ điều gì nhà nước đã đàm phán, thỏa thuận với các tài phiệt, các tập đoàn quốc tế.

Những gì ta biết hiện nay chỉ là « nghe loáng thoáng » đâu đó, tức là « tin đồn », ngoại trừ nội dung 3 chương (trên 29 chương) đã được công bố (mà một phần từ wikileaks của Julian Assange). Hiện nay Julian Assange đang quyên góp (để có được 100.000 đô la) gây quĩ để trao « giải » cho « hacker » nào « tóm » được nội dung của những chương còn lại. Vì vậy tôi cho rằng những gì báo chí VN hiện nay « tán dương » (hay đả phá) chung quanh TPP đều chủ quan và phiếm diện.

Phía VN cũng vừa cho công bố bản « tóm tắt » nội dung TPP. Mọi nhận định hay phê bình TPP trên bản tóm tắt này cũng rất chủ quan. Vì có đến 12 bản tóm tắt (của 12 nước) với nội dung khác nhau.
Dầu vậy, một cách khái quát, (chỉ nói đến các điểm chưa được ai phân tích), về thể chế, tôi cho rằng rất có thể TPP (tương tự WTO trước đây) sẽ củng cố thể chế « kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa » của VN (đoạn 17, nói về doanh nghiệp nhà nước), thay vì hướng đến một « chuẩn mực về thể chế » giữa các nước.

Trong quá khứ WTO đã giúp cho đảng CSVN « mở cửa », nhưng thực chất thì họ xây dựng thành công một tầng lớp tài phiệt đỏ cũng như củng cố các xí nghiệp nhà nước (bản chất XHCN của kinh tế thị trường).

TPP nhìn nhận tính « độc quyền » của các xí nghiệp nhà nước này, tức khẳng định tính XHCN trong thể chế chính trị VN, ngoại trừ phạm vi trách nhiệm pháp lý.

Về phạm vi pháp quyền (juridiction – quyền xét xử, quyền tài phán), trước đây xí nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ (do cán bộ lãnh đạo thiếu khả năng) thì « trời mưa có đất chịu », theo luật rừng XHCN thì người dân nai lưng trả nợ. Bây giờ, xí nghiệp nhà nước làm ăn « cà chớn » (thí dụ vi phạm các điều khoản về sở hữu trí tuệ, về « hàng nhái », về vệ sinh an toàn thực phẩm…) việc phân xử sẽ do một « tòa án của TPP », tức là tòa án « tư nhân » đảm trách. Tức là « chủ quyền » của quốc gia bị mất vào tay tập đoàn tư nhân. Trong lâu dài, nếu VN vẫn không kịp đào tạo những chuyên gia luật học, chủ quyền quốc gia sẽ chuyển sang các tập đoàn luật gia quốc tế.

Về phương diện viễn thông, TPP ưu đãi cho tập đoàn tài phiệt quốc tế, ở đây cần nhấn mạnh đến các tập đoàn chứng khoán. Các tập đoàn này sẽ được quyền sử dụng những cột phát sóng, được quyền xây dựng hạ tầng cơ sở (cáp quang)… để thuận tiện cho việc truyền tin. Các thông tin (hay quyết định) về việc mua bán chứng khoán sẽ bị các tập đoàn này thao túng (bằng phương pháp HTF với các  logarithmiques phức tạp). Thị trường chứng khoán (èo uột) của VN (và khu vực) sẽ do những tập đoàn này kiểm soát.

Về các điều khoản « sở hữu trí tuệ », « cạnh tranh », « giải quyết tranh chấp », « dịch vụ tài chính »… chỉ đọc ở bản tóm lược ta cũng thấy rằng VN ở « dưới cơ » rất xa. Nghe báo chí VN « nổ » rằng VN là một « tác nhân », đóng góp « viết luật » cho TPP. Thật là khổ ! Không biết khi nào thì chương trình Luật ở các phân khoa Đại học VN có cùng « chuẩn mực » với các đại học quốc tế ? Với kiến thức của các luật gia được đào tại tại VN hiện nay, VN nắm 100% thua. Đơn giản vì các luật gia VN không biết luật (quốc tế).

25-10

Nếu giải thích và áp dụng đúng đắn pháp luật VN vào thực tế thì việc chửi « địt mẹ cộng sản », thậm chí chửi « địt mẹ đảng cộng sản VN » là không có tội.

Thử rà lại toàn bộ hệ thống luật pháp VN thử xem có điều lệ nào qui định chửi cộng sản là phạm luật ?

Không có luật thì không có việc phạm luật.  

Nguyên tắc nền tảng pháp lý của mọi quốc gia, kể cả nền cộng hòa chuối, đối tượng của pháp luật là « thể nhân », hay những tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội có « tư cách pháp nhân » (hay pháp thân).

Để xác định một đối tượng có là « thể nhân » hay « pháp nhân », người ta xem xét đối tượng đó có « trách nhiệm » trước pháp luật về hành vi của mình hay không ?

Con chó là thú vật, (thể thú) không phải là « thể nhân ». Con chó cũng không có tư cách « pháp nhân ».

Theo định nghĩa của VN, « tư cách pháp nhân » là (một doanh nghiệp, một tổ chức) « được thành lập hợp pháp; Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; Có tư cách pháp lý độc lập để tham gia các hoạt động pháp lý khác như kinh tế, xã hội… » 

Con chó không hội được bất kỳ một điều nào trong định nghĩa về pháp nhân. Vì vậy con chó không có « tư cách pháp nhân ». Con chó không phải là đối tượng của pháp luật.

Con chó (dại) cắn (càn) ai đó thì chủ nó là người đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân chớ không phải là con chó.

Một số nhỏ người VN hay ăn thịt chó, hay đối xử tàn ác với chó. Những người này không phạm tội (đối với con chó), nhưng có thể phải chịu trách nhiệm đối với chủ con chó (hay với cộng đồng xã hội). Dĩ nhiên với điều kiện con chó có chủ.

Cộng sản không phải là « một người » để có « thể nhân ». Cộng sản trước hết là một chủ nghĩa. Nó không có « tư cách pháp nhân ».

Cộng sản, với ý nghĩa là chủ thuyết, cũng như con chó hoang, không có ai là « chủ » để chịu trách nhiệm về nó trước pháp luật.

Nhưng một đảng lấy chủ thuyết này để làm nền tảng hoạt động chính trị, thí dụ đảng cộng sản VN, thì lý ra (nhấn mạnh chữ lý ra) nhân sự đảng này phải chịu trách nhiệm về hệ quả gây ra (cho đất nước và dân tộc) của lý thuyết này.

Trở lại thí dụ con chó. Nếu con chó (dại) cắn (càn) ai đó thì chủ nó là người chịu trách nhiệm trước pháp luật. Người chủ phải bồi thường thuốc men cho nạn nhân, đền bồi những thiệt hại cho nạn nhân (vì nghỉ việc, vì tàn phế v.v…) đồng thời người chủ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật (vì đã không coi chừng con chó khiến con chó trở thành một đe dọa cho an ninh người khác).

Thì đảng CSVN lại không chịu trách nhiệm cái gì cả.

Điều 4 Hiến pháp (2013) qui định đảng CSVN là lực lượng « lãnh đạo nhà nước và xã hội », đảng CSVN chịu « trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình ».

« Nhân dân » ở đây là ai ? Nhân dân là tất cả nhưng cũng không là ai cả.

Chịu trách nhiệm trước nhân dân là chịu trách nhiệm trước tất cả hay không chịu trách nhiệm trước ai hết cả ?

Rõ ràng là không chịu trách nhiệm trước ai hết cả.

Trong một xứ sở có nền tảng pháp lý thì mọi tổ chức, mọi thể nhân trong xã hội đều phải có trách nhiệm trước « pháp luật ».

« Chịu trách nhiệm trước nhân dân » là « trớt quớt », là cách nói để chạy trốn trách nhiệm.
Nhưng hệ quả là, khi đảng CSVN không chịu trách nhiệm trước pháp luật thì đảng CSVN không có tư cách « pháp nhân ».

Cũng không thấy xác định chỗ nào người lãnh đạo đảng, hay nhân sự đảng CSVN sẽ chịu trách nhiệm về đảng.

Ta có thể so sánh lý thuyết CS với lời kinh Coran của đấng tiên tri của Hồi giáo. Nhân danh thuợng đế (hay XHCN) người ta có quyền làm tất cả, kể cả việc làm bậy, nhưng không chịu trách nhiệm về các hành vi mình làm.

Dưới chế độ thần quyền người ta có thể nhân danh đáng chí tôn để làm gì thì làm. Luật pháp ở đó là luật pháp của Allah.

Nhưng trong chế độ dân chủ, cộng hòa thì làm gì cũng phải dựa trên pháp luật.

Đảng CSVN không chịu trách nhiệm trước pháp luật, tức không có tư cách pháp nhân. Vì vậy khi người ta chửi « địt mẹ cộng sản », thậm chí chửi « địt mẹ đảng cộng sản VN », là không phạm luật.

Kể cả việc xuyên tạc hay châm biếm các nhân sự lãnh đạo. Hành vi này cũng không được xem là phạm luật.

Những nhân sự này là các « gương mặt của công chúng ». Anh lãnh đạo mà anh làm sai, định hướng chính trị, kinh tế… trật lất để cho nợ nần tứ tung, ngập đầu ngập cổ. Nợ mẹ đẻ nợ con bây giờ phải bán của hồi môn, quáng quàng đi mượn nợ (quốc tế) để trả nợ (VN gọi là đáo nợ).

Nợ do anh (bất tài, phe đảng, tham ô) gây ra nhưng lại bắt người dân phải trả. Người dân có quyền lôi tổ tiên 36 đời của anh ra chửi rủa chớ ?

Sao lại bắt tội « nói xấu lãnh đạo » ?

26-10

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó thành ủy thành phố mang tên xác ướp, vừa lên tiếng trên báo chí đại khái rằng : « con lãnh đạo lên làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc ». Chắc là bà Tâm muốn phản biện bài viết của tôi hôm kia, nội dung đặt vấn đề về tính « chính danh » của các thái tử đỏ.

Bài tôi viết đại khái nói rằng, trong bất kỳ một cộng đồng xã hội, loài thú hay loài người, tính chính danh của người lãnh đạo là yếu tố nền tảng để người lãnh đạo thực thi « quyền lực » của mình trong cộng đồng đó. Quyền lực ở đây thể hiện qua các nguyên tắc luật lệ được áp dụng trong xã hội. Các nguyên tắc luật lệ đó không chỉ nhằm duy trì an ninh, trật tự trong xã hội cũng như thúc đẩy các sinh hoạt kinh tế, chính trị, văn hóa… để xã hội ngày càng mở mang, giàu có, tiến bộ… 

Một số vấn đề đã đặt ra, tôi chứng minh rằng đảng CSVN đã không còn chính danh để lãnh đạo đất nước nữa. Mà khi không có « chính danh » thì lãnh đạo nói không ai nghe. Chắc chắn phong trào « bất tuân dân sự » sẽ phải xảy ra, chỉ sớm hay muộn. 

Ý kiến của Bà Quyết Tâm lại bật ra một sự thật khác. Đó là tập đoàn lãnh đạo CSVN là một tập đoàn phản động, phản cách mạng.

Phản động là làm những việc chống lại lực lượng cách mạng. Phản cách mạng là nỗ lực phá bỏ cái mới để tái lập lại cái cũ.

Từ đầu thập niên 40 của thế kỷ trước,  đảng CSVN đã phất ngọn cờ cách mạng « bài phong đả thực », « trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ »… kêu gọi nhân dân tụ họp dưới ngọn cờ này. 30 năm xương máu đổ ra, tính sơ cũng trên 4 triệu người chết. Về vật chất thì mất mát vô số không tính hết. Đốt cháy Trường Sơn, tát cạn Biển Đông… Cuối cùng cách mạng thành công. Bài phong là bài trừ phong kiến. (Phong kiến ở đây là chế độ đế quyền). Đả thực là đánh đổ thực dân.

Nhưng kiểm điểm lại, chế độ hôm nay, về mọi mặt văn hóa, chính trị, kinh tế, giáo dục, luân lý đạo đức xã hội…  tệ hại trăm lần hơn cả chế độ thực dân, hay chế độ « ngụy » cộng hòa ngày trước. Chế độ hôm nay độc ác, khắc khe, chuyên quyền, bóc lột… hơn trăm lần chế độ ngày trước.

Trí phú địa hào (trí thức, nhà giàu, địa chủ, cường hào) của các chế độ trước thực sự bị « cách mạng » tiêu diệt. Nhưng chế độ hôm nay xây dựng lại các thành phần « trí, phú, địa, hào » đỏ (tức là trí thức mác xít, tài phiệt đỏ, địa chủ đỏ và cường hào đỏ). Vấn đề là thành phần « đỏ » này trăm phần độc hại hơn xưa. Trí thức mác xít, gọi là trí thức nhưng bản chất của trí thức lại không có. Họ thực ra chỉ là những tên bồi bút bảo vệ chế độ. Tài phiệt đỏ là thành phần dựa vào quyền lực của đảng làm giàu bất chính trên mồ hôi nước mắt của đại đa số dân lao động. Địa chủ đỏ là thành phần cũng dựa vào quyền lực của đảng để ăn cướp đất đai, truất hữu ruộng đất của nông dân nghèo thấp cổ bé miệng. Cường hào đỏ thì có mặt khắp nơi, hang cùng ngõ hẹp, nơi nào cũng có. Bọn này hà hiếp nhũng nhiễu dân lành. Họ chính là « cướp ». Xưa thì cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan. Còn bây giờ họ cướp cả đêm lẫn ngày.

Đào tận gốc, trốc tận rễ « trí phú địa hào » để làm gì, ngoài hệ quả luân thường đạo lý suy đồi, máu xương chồng chất. Oan hồn hàng triệu người chết vất vưỡn đến nay vẫn chưa hóa kiếp. Oan nghiệt không giải thì làm sao hóa thân đầu thai kiếp khác ? Đào tận gốc trốc tận rể để làm gì, bây giờ tái dựng lại một hàng ngũ trí phú địa hào mới, ác đọc hơn xưa ?

Những sự việc « thái tử đỏ » vừa xảy ra trên chính trường VN vừa qua thể hiện rõ rệt nhứt một chế độ phong kiến với đầy đủ bản chất tệ hại nhứt.

Kêu gọi « bài phong phản đế » làm gì, hàng triệu người đổ máu xuống xây đắp nên cơ đồ, nay lại tái dựng lại một nền phong kiến khác, tệ hại hơn xưa gấp trăm lần ?

Đó là gì nếu không phải là bằng chứng cụ thể hành vi « phản động », « phản cách mạng » của tập đoàn lãnh đạo hôm nay ?

29-10

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm vừa có bài trả lời phỏng vấn trên trang web báo Giáo Dục. Tôi có một ý kiến đóng góp như sau về ý nghĩa của việc « kế thừa » (mà tôi thấy là bà thường hay lạm dụng ngôn từ) :

Trong một nước cộng hòa (như VN) thì không hiện hữu việc kế thừa « quyền lực ».

Điều 2 Hiến pháp VN qui định như sau về « quyền lực » :

« Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. ».

Câu « Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân » được thể hiện trên thực tế qua ba mặt : 1/ ủy nhiệm quyền lực, 2/ thực thi quyền lực và 3/ nhiệm kỳ quyền lực.

Trong một nhà nước pháp trị (VN gọi là pháp quyền), mọi hình thức ủy nhiệm quyền lực, cũng như việc thực thi quyền lực đều phải tuân thủ pháp luật. Nhiệm kỳ của cá nhân được ủy nhiệm quyền lực cũng được xác định rõ rệt theo pháp luật.

Khác nhau giữa các thể chế chính trị là việc ủy nhiệm quyền lực xảy ra theo thể thức nào. Ở những chế độ chính trị có nền tảng « dân chủ », việc ủy nhiệm quyền lực được thể hiện bằng thể thức phổ thông đầu phiếu.

Giống nhau ở mọi thể chế chính trị (cộng hòa) là thời hạn nhiệm kỳ được xác lập.

Sau khi nhiệm kỳ quyền lực đã mãn, cá nhân phải trả lại quyền lực đó lại cho « nhân dân ».

Tức là không hề hiện hữu việc « kế thừa ». Anh (hay chị) làm hết nhiệm kỳ thì phải trả cái « ghế quyền lực » đó lại cho « nhân dân ». Việc « phát huy truyền thống gia đình » cũng không liên can gì đến việc ủy nhiệm quyền lực.

Ý kiến (trái hiến pháp) của bà Quyết Tâm hiển nhiên là để bênh vực (trước hết là bản thân), sau đó là nhóm thái tử đỏ thuộc bè đảng của bà.

Và dĩ nhiên, điều bất hạnh nhứt cho dân tộc là đã có những lãnh đạo bất tài, bạc hạnh và (dĩ nhiên) vô pháp như tầng lớp lãnh đạo đã và đang thấy. Hệ quả đã làm cho cả một dân tộc vốn thông minh, cần mẫn trở thành một giống dân bạc nhược, u tối.

3-11

Có người vừa nhắc « nước mắt của tổng bi thư đã rơi vào lịch sử ». Vấn đề là lịch sử có góc tối và góc sáng. Mà nước mắt cũng có đôi ba đường : nước mắt cá sấu, nước mắt của đào thuơng trong vở cải lương, nước mắt của đứa bé đòi vòng tay của mẹ…

Nhưng tôi (có thể dại khờ) tin tưởng ở lòng thành thật của ông Trọng.

Thông thường sự chân thật khó có thể diễn tả bằng lời nói, nhưng dễ dàng thể hiện bằng hành động.
Những giọt nước bắt, hay giọng điệu nghẹn ngào… là gì nếu không là cách thức thể hiện trung thành sự chân thật ? 

Dĩ nhiên ngoài lệ tài năng kịch sĩ. Tôi không tin là ông Trọng là một kịch sĩ đại tài.

Nhưng thái độ mị dân, đạo đức giả thường xuyên của ông TBT Trọng khiến người ta nghi ngờ thiện chí của ông sẽ đem lại điều hữu ích cho đất nước và dân tộc.

Đảng CSVN đã không còn tư cách nào để tiếp tục lãnh đạo đất nước. Nhiệm vụ lịch sử của đảng đã chấm dứt. Tư tưởng nền tảng của đảng đã sụp đổ.

VN đã hội nhập quá sâu vào kinh tế thị trường, đã gia nhập WTO, mới đây vào TPP… để có thể quay trở lại thời chuyên chính vô sản.

Ông Trọng khi sang Mỹ hội kiến với Obama chắc chắn đã biết và đã nhìn nhận thực tế này.

Những người có ý thức, kể cả người nước ngoài, đã lên tiếng biểu lộ sự lo ngại là dân tộc VN sẽ không kịp chuẩn bị hành trang và tư tưởng để có thể cạnh tranh tay ngang với các nước khác trong TPP (và các nước khác trên thế giới). Trở ngại chính là sự độc tôn của đảng CSVN trên chính trường VN.

Sự độc tôn của đảng CSVN trong thời kỳ này sẽ thể hiện với một hình thức khác : chuyên chính kim tiền, độc tài gia đình trị.

Ông Trọng phải sống thật, trước hết cho chính mình, sau đó cho dân tộc và đất nước.

Đảng CSVN đang trên đường trở thành một tập đoàn chuyên chính kim tiền, với luật lệ nhà nước đặt trên nền tảng kim ngân phá luật lệ. Đảng CS của ông đã trở thành con rắn độc.

Những giọt nước mắt (và sự nghẹn ngào) của ông (năm 2012) đã tố cáo sự thật này.

Nếu ông không khai tử nó, ông sẽ chết không nhắm mắt. Những giọt nước mắt của ông rơi vào vùng tối của lịch sử. Ông không còn nhiều thời gian để mà tính toán nữa.

4-11

Sĩ quan Cảnh sát VNCH thời xưa được đào tạo gần giống như phương cách của các nước tiên tiến hiện nay, điển hình là Pháp.

Ứng cử viên trước hết phải tốt nghiệp trung học (tức phải có bằng tú tài), sau đó phải qua một kỳ thi tuyển khó khăn. Chương trình đào tạo sĩ quan cảnh sát kéo dài từ hai năm đến 4 năm, trong đó chương trình nặng về các môn Luật (có 6 môn học chính thì 5 môn liên quan đến Luật. Môn còn lại là chỉ huy và tổ chức). Mục tiêu của việc đào tạo là các viên chức tương lai trở thành người « đại diện cho pháp luật ».

Dước thời VNCH, cũng như ở các chế độ dân chủ tiên tiến hôm nay, cảnh sát luôn đồng hành với luật sư. Cảnh sát và luật sư là hai mặt của mề đai, hay là cánh tay mặt và cánh tay trái, của nền « pháp lý ».

Tốt nghiệp, học viên được mang lon « thiếu úy ». Thời VNCH, chỉ huy trưởng cảnh sát một quận chỉ mang lon thiếu tá.

Sang đến thời CHXHCN, công an không còn nhiệm vụ đại diện pháp luật quốc gia mà trở thành cơ quan quyền lực của đảng. Học viên trúng tuyển vào ngành công an hầu hết dựa lên tiêu chuẩn « lý lịch ». Họ được đào tạo với mục đích bảo vệ đảng chớ không nhằm bảo vệ pháp luật.

Vì vậy chủ trương của công an VN là « còn đảng còn mình ».

VN hôm nay bước vào ngưỡng cửa « thay đổi thể chế ». Phía luật sư cố gắng tách rời ảnh hưởng đảng, khẳng định tư thế người bảo vệ công lý của mình. Đây là hiện tượng đáng được khuyến khích, tương lai VN tốt đẹp hay không là « công lý » có thực thi hay không.

Nhưng phía công an thì vẫn « còn đảng còn mình », ai làm trái thì đánh cho chết. Công lý là tao. Tao là công lý.

Số người chết sau khi vào đồn công an càng cao thì phe công an càng tiến thân vùn vụt.

Chỉ cố gắng tăng thêm chút ít nữa thì ghế tổng bí thư kiêm chủ tịch nước sẽ về tay ông Trần Đại Quang 

Vụ Đỗ Đăng Dư vừa chết trong đồn công an thì một thiếu tướng lên làm lãnh đạo Hà Nội.

Thì người ta tin rằng vụ hai luật sư vừa bị công an đánh ở Hà Nội là điềm báo cho biết trước Trần Đại Quang sắp sữa lên ngôi.

Vì vậy, cái vụ « thay đổi thể chế » coi bộ còn xa vời. Phe luật sư vì vậy phải liệu hồn, phải xem chừng chân của công an đi tới đâu thì bước theo tới đó.

Bước đi trước là bể mặt.

9-11

GS Vũ Cao Phan vừa lên BBC nói thêm về « tính chính danh của đảng cộng sản ». Không biết BBC phỏng vấn theo lối « đưa banh », tức là tôi đưa anh làm bàn, rốt cục cả hai ta cùng thắng, hay phỏng vấn chuyên nghiệp để tìm ra sự thật ?

Vấn đề « chính danh của đảng cộng sản » hôm trước đã phỏng vấn, hôm nay phỏng vấn lại. Nội dung kỳ sau cũng giống như kỳ trước, vũ như cẩn. Vấn đề là kỳ sau tù mù hơn kỳ trước một bậc.

Nói về « tính chính danh của đảng cộng sản » là người ta muốn nói về lý do chính đáng nào, như thành công về kinh tế, chính trị, xã hội… mà đảng CSVN đã thực hiện được (trong lúc lãnh đạo), để những người CS hôm nay có thể vịn vào đó biện hộ cho tư cách (và việc tiếp tục) lãnh đạo đất nước của mình.

Hai lần phỏng vấn, BBC không đưa ra bất kỳ câu hỏi nào liên quan.

Cả hai lần trả lời phỏng vấn, GS Vũ Cao Phan đều nhắc tới cuộc « Cách mạng tháng tám ».

Xin thưa là nó là cuộc « khởi nghĩa » hay là cuộc « cách mạng » thì người ta cũng bất cần.

Theo chiều « tư tưởng » của BBC và GS Vũ Cao Phan, ta thử chấp nhận rằng đảng CSVN đã « lãnh đạo dân tộc giành lại độc lập » là một sự thật lịch sử, không có điều gì cần tranh biện.

Nói về « chính danh » là, những người cộng sản hôm nay có thể vịn vào lý do này để tiếp tục giành quyền lãnh đạo hay không ?.

Dĩ nhiên là không.

Hiến pháp VN qui định rằng thể chế nước Việt Nam là « Cộng hòa xã hội chủ nghĩa »… Việt Nam là một nước « có chủ quyền ».

Người ta hiểu thế nào là « cộng hòa » và thế nào là « có chủ quyền » ?

« Cộng hòa », theo các định nghĩa thông thường, là một thể chế chính trị mà quyền lực của người lãnh đạo, ở bất kỳ cấp bậc nào, không đến từ sự kế thừa.

« Có chủ quyền » được hiểu là sự hiện hữu (trong lãnh thổ VN) một quyền lực chủ tể. 
Trong một chế độ cộng hòa, chủ quyền thuộc về dân tộc (nation) hay thuộc về nhân dân (populaire). Theo Hiến pháp, Quốc hội là nơi đại diện nhân dân, là nơi nắm quyền lực chủ tể.

Những thế hệ « khai quốc công thần » chống Pháp, chống Mỹ, tức những người có tư cách, có chính danh để lãnh đạo, đã lần lượt khuất núi. Những người « có công », tức những người có tham gia vào cuộc chiến, đã không còn bao nhiêu người. Ngay cả thế hệ lãnh đạo hiện thời cũng không có mấy người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến « chống Mỹ ».
Nếu dựa vào tiêu chuẩn « công lao », thì trong đảng hiện nay không ai có công lao (giành lại độc lập) để đặt nền tảng làm sự « chính danh ». Không ai có tư cách để lãnh đạo đất nước hết cả.

Chế độ chính trị ở VN là chế độ « cộng hòa xã hội chủ nghĩa ». Khái niệm « cộng hòa » trong danh xưng này đã gạt bỏ mọi hình thức kế thừa về quyền lực.

Cũng giả sử (cho GS Vũ Cao Phan và BBC hài lòng) chấp nhận việc « chính đáng » đến từ việc « kế thừa công lao ». Thì lý ra con cháu của những bà mẹ anh hùng, những liệt sĩ, những thương phế binh... phải làm lãnh đạo mới đúng. Xương máu của họ, gia đình họ (tức công lao) đã đổ ra đóng góp cho « cách mạng » biết kể bao nhiêu cho hết ?.

Trong khi Hiến pháp qui định VN là một nước « có chủ quyền ». Như đã nói trên, chủ quyền là quyền lực chủ tể mà quyền này thuộc về nhân dân. Theo nguyên tắc này, mọi việc phân bổ quyền lực hay thực thi quyền lực đều phải được « nhân dân » duyệt xét hay thông qua. Khi nhiệm kỳ quyền lực hết hạn thì (cái ghế) quyền lực đó phải giao lại cho nhân dân.
Tức là, cách thức phân bổ quyền lực cũng như cách thức thể hiện quyền lực hiện nay đều vi hiến.

Tính « chính danh » của đảng CSVN không chứng minh được. Trong khi việc phân bổ và cách thức thực thi quyền lực của các đảng viên dều vi hiến.

Tôi không hiểu BBC phỏng vấn cái gì và GS Vũ Cao Phan còn có thể biện hộ cái gì ?
Bài viết của tôi ở đây có nói về việc này :

http://nhantuantruong.blogspot.fr/2015/10/hien-tuong-thai-tu-o-au-la-tinh-chinh.html

3-12

Nhà nước CHXHCNVN đã trở thành nhà nước lại cái khi nào ?

Năm 1948 bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ra đời. Các quyền tự do cơ bản của con người, như các quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do chính kiến… đã được bản Tuyên ngôn xác lập. Không có dòng nào trong văn bản này nói về quyền của người đồng tính hay chuyển đổi giới tính (LGBT).
Đến năm 2011 quyền LGBT mới được LHQ nhìn nhận. Đến nay, số quốc gia trên thế giới nhìn nhận quyền này chưa nhiều hơn số các quốc gia không công nhận. Nhiều nước trên thế giới vẫn xem quan hệ giữa người đồng tính là « có tội ». Đặc biệt, một số nước (theo đạo Hồi) kết tội rất nặng người LGBT, mức tội có thể lên đến tử hình.

Quốc hội VN vừa rồi thông qua Luật nhìn nhận quyền của người chuyển đổi giới tính. Việc này tạo sự vui mừng cho giới đồng tính, chuyển đổi giới tính ở VN. Không có thống kê chính thức, nhưng có lẽ số người thuộc « hệ phái » LGBT là thiểu số (rất nhỏ) ở VN. Truyền thống xã hội VN dầu không khe khắc nhưng khó có cái nhìn bao dung cho những người thuộc giới LGBT. 

Như vậy, lãnh đạo CSVN có vẻ thiên vị với dân LGBT hơn là dân tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền. Lý do vì sao, có lẽ nên đặt câu hỏi cho « tứ trụ », mấy ông Sang, Trọng, Hùng, Dũng.

Câu trả lời, theo ý kiến chủ quan của tôi, chắc phe đồng tính và chuyển đổi giới tính phải chiếm phần đa số trong Trung ương, trong Bộ Chính trị, trong Quốc hội… nên luật này mới ra sớm như vậy.
Những người tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền VN là thành phần dễ vô tù nhứt nước. Côn đồ, lưu manh, đỉ điếm, cướp đường, cướp chợ, tham nhũng, sâu bọ… hoành hành như chỗ không người. Trong xã hội, chỗ nào cũng đầy dẫy tệ nạn xã hội. Coi vậy mà những người này « hoạt động » dễ dàng hơn bọn người tranh đấu cho dân chủ.

Các quyền dân chủ, quyền con người… được quốc tế qui định, được ghi (giới hạn) trong Hiến pháp. Dân chủ, nhân quyền… là khao khát của số đông, là con đường đi đến văn minh, tiến bộ và phát triển bền vững. Nhưng những người tranh đấu cho dân chủ, cho nhân quyền dường như đều có bản án bỏ túi ở đồn công an huyện. Họ có thể bị bắt bất cứ lúc nào.

Theo tôi, xin lỗi trước, để việc tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền có cơ hội thành công, những nhà tranh đấu nên nộp đơn để trở thành… LGBT. Mục đích để được luật pháp che chở.

Một câu hỏi nữa đặt ra, xin lỗi trước giới LGBT Việt Nam, là nhà nước CHXHCNVN đã trở thành nhà nước lại cái khi nào vậy ?

4-12

Tích sản và tiêu sản.

Di sản (của một người để lại) có thể là tích sản hay tiêu sản. Tích sản, nói đơn giản là những việc, sự việc, sự vật hữu hình hay vô hình có sinh ra lợi ích cho người kế thừa. Tiêu sản là điều ngược lại, cụ thể là nợ nần.

Tiêu sản của lãnh đạo Hà Nội để lại cho nhân dân Hà Nội từ nhiều nhiệm kỳ nay chắc chắn phải rất nhiều. Nó ở đủ mọi dạng, đủ mọi phương diện, từ vật chất đến tinh thần.  

Một thí dụ cụ thể là đường ống dẫn nước sông Đà. Không biết ống dẫn nước của tụi Tây thực dân chúng xây dựng ra sao, bể bao nhiêu lần. Đường ống dẫn nước sông Đà do « ta » mới làm từ năm 2008 đã bị bể lần thứ 16.

Lấy tấm hình ở đây để có một so sánh.

Hình ở đây là « Pont du Gard », một thắng cảnh ở miền nam nước Pháp, được Unesco xếp vào hạng di sản thế giới.

« Pont du Gard » nguyên thủy vốn đường ống dẫn nước của La Mã, đem nước từ sông Uzès đến thị trấn Nimes, có chiều dài tổng cộng 51 cây số. Đường ống dẫn nước này được xây và đưa vào sử dụng liên tục trên 500 năm (từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VI). Trải qua hai ngàn năm đường ống nhiều nơi vẫn còn nguyên di tích. 

Điều này nói lên rằng, nước uống là một chu cầu quan trọng mang tính chiến lược. Thí dụ, nguồn nước uống của thủ đô Paris là một « bí mật quốc phòng ». Ngoài những người có phận sự thì không ai biết hệ thống ống dẫn này ra sao, hồ chứa nước ở đâu, dung tích là bao nhiêu…

Người La Mã đã xây dựng đường dẫn nước này, lúc phải đục núi, lúc phải bắt cầu… biết bao nhiêu là khó khăn. Điều họ muốn, không khác gì con người hôm nay, là ổn định đời sống và đảo đảm cho sự « phát triển bền vững ».

Đường ống nước sông Đà được xây dựng vào năm 2008, kinh phí là 1.500 tỉ đồng. Tính đến hôm nay đường ống này bị bể 16 lần.

Chuyện tới phải tới, nhà nước phải xây dựng đường ống dẫn nước thứ hai.

Tiền mất tật mang. Điều này cho thấy là « ta » làm việc rất cẩu thả, bất kể hậu quả sau này ra thế nào.
Mà việc này chỉ mới ở tầm « địa phương ».

5-12

Hôm kia tôi có viết rằng nước CHXHCNVN đã trở thành « Cộng hòa Bê Đê ». Lý do  tôi viết vậy là vì quốc hội VN vừa thông qua luật nhìn nhận quyền của người chuyển đổi giới tính. Ý kiến của tôi là hợp lý. Chắc chắn phe đồng tính và chuyển đổi giới tính phải chiếm phần đa số trong Trung ương, trong Bộ Chính trị, trong Quốc hội… nên luật này mới ra sớm như vậy. Luật về biểu tình, luật về lập hội, luật về bầu cử… đến nay vẫn chưa đề cập tới, mặc dầu đó là các quyền cơ bản của con người. Các nước tiên tiến trên thế giới, có nước đã nhìn nhận các quyền cơ bản đó từ thế kỷ thứ 18, tức cách đây gần 300 năm. Còn quyền của người đồng tính, một số nước chỉ mới đề cập vào năm 2011 mà thôi.

Có người lên tiếng nói rằng tôi « kỳ thị ». Thì đúng thôi. Kỳ thị có cái tốt, có cái xấu.

Phe chuyển đổi giới tính ở VN chiếm bao nhiêu dân số ? Trong khi các quyền cơ bản nói trên thuộc về con người (bao gồm luôn người chuyển đổi giới tính).

Rõ ràng có sự thiên vị.

Vấn đề là, cái thiên vị đó nằm chình ình, vậy mà các « nhà dân chủ » và các « nhà nhân quyền » VN không ai thấy.

Tôi mới khuyên là, để tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền có hiệu quả, những « nhà » này để gia nhập vào giới « chuyển đổi giới tính » để việc hoạt độc được luật pháp bảo vệ.

Dĩ nhiên là lời khích tướng nào cũng « sốc ». Nhưng phải nhìn nhận là tôi nói đúng.

Hôm nay tôi viết về đạo đức cách mạng.

Nhiều người vác đuốc đi tìm, trong sử sách cận đại, để soi mặt cái « đạo đức cách mạng » này mặt ngang mặt dọc nó thế nào. Theo tôi không cần mày mò đâu xa. Chỉ cần xét lại thái độ của những « nhà cách mạng » đối xử với dân là sẽ thấy.

Hôm trước thiên hạ um sùm vụ cán bộ cấp dưới phê bình lãnh đạo « cái bản mặt phách lối » trên facebook. Cán bộ cấp dưới bị lãnh đạo chỉ đạo ban ngành đánh hội đồng. May nhờ có cộng đồng facebookers và báo chí can thiệp mà mạng cán bộ cấp dưới được cứu.

Hôm nay thấy vụ cô giáo đem chuyện cây cầu gẫy lên facebook thì cũng bị lãnh đạo trừng phạt. Cây cầu gẫy này, theo lời kể, thì năm ngoái đã có người (cô giáo) té chết tươi. Hôm nay có người lại té xém chết. Tức là cây cầy đã gẫy (ít nhứt) là một năm. Trách nhiệm là lãnh đạo. Chết người do cầu gẫy lãnh đạo phải chịu trách nhiệm.

Cô giáo đem câu chuyện lên facebook thì bị lãnh đạo trù.

Thái độ của lãnh đạo ở hai thí dụ trên đây là gì ? Phách lối ? Hay là « bất khả xâm phạm » ? Hay là thể hiện « đạo đức cách mạng » ?

Tất cả đều đúng. Nguyên nhân do đâu ?

Dĩ nhiên do từ « đạo đức cách mạng ». Ý nghĩa « đạo đức » này là gì, chờ xem hồi sau sẽ rõ.

Nhưng việc lãnh đạo « bất khả xâm phạm » là truyền thống từ lâu đời, đã được qui định trong bộ LHS.

Ở VN, ai mà « nói xấu » lãnh đạo đều có thể ở tù rục xương. Lãnh đạo VN không khác ông vua. Đụng đến ông vua là phạm tội khi quân.

Trong khi ở các nước dân chủ, người lãnh đạo thuộc về diện « người của công chúng ». Lương phạn của lãnh đạo là do người dân đóng góp. Bổn phận của « lãnh đạo » là « phục vụ » người dân. Do đó, người dân có quyền phê bình (hay chửi) công khai lãnh đạo. Ngay cả lúc chửi sai, phê bình sai… người dân cũng không bị tội. Người lãnh đạo có bổn phận biện hộ, trình bày cho người dân hiểu (việc người dân đã nói sai ở chỗ nào).

Ngay cả danh phận của lãnh đạo cũng được luật bảo vệ. Rõ ràng quyền lực tuyệt đối khiến con người hủ bại tuyệt đối. Điều này chỉ có dưới thòi quân chủ.


Hôm nay dự định viết về « đạo đức cách mạng » thì thiệt may, « đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9 » cũng được tổ chức. Đại hội này đã đem lại « nguồn hứng » dào dạt đến vô tận. Bởi vì, cũng như « đạo đức cách mạng », tác giả của cái gọi là « thi đua yêu nước » là ông Hồ Chí Minh.
Từ ngày khởi xướng phong trào « Thi đua yêu nước », năm 1948, đến nay thì đất nước đã xuống tận đáy khu vực Đông Nam Á.

Còn nhân dân ? Khỏi nói, đất nước xuống tới đâu thì nhân dân xuống tới đó. Đất nước ra sao thì người dân phải tương ứng như vậy.

Nhân dân VN bây giờ, trai thì đi làm đầy tớ khắp nơi, đến tận Thái Lan, Kampuchia, Lào… làm những việc cực khổ, dơ dáy mà dân bản xứ chê, không chịu làm. Còn gái thì mỗi năm khoảng hai vạn người tìm đường ra nước ngoài, (cũng để cứu nước như bác), bán trôn nuôi miệng. Đi ra các xứ Mã Lai, Thái Lan… thậm chí Lào, Kampuchia…  những xứ mà trước kia dân miền Nam gọi là « mọi », vĩa hè bên đó đĩ Việt đầy đường. Còn vô các quán đèn đỏ, 10 « chiêu đãi viên » thì có đến 8 là dân Việt.

« Thi đua yêu nước » mà tại sao đất nước ngày càng te tua, càng ngày càng đi xuống ? Hôm nay đã xuống tận đáy, đội sổ khu vực Á Châu.

Mấy ông, mấy bà Việt cộng (tức người Việt có thẻ đảng cộng sản) yêu nước cái kiểu gì ?

Yêu nước là làm cho đất nước ngày càng xinh đẹp hơn, người dân ngày càng giàu có, sung túc, hạnh phúc hơn.

Thử để ý, không ngoại lệ, bất kỳ chuyện gì, hễ có dính ông Hồ vô trong đó, trăm điều như một, từ chết tới bị thuơng.

Càng thi đua yêu nước thì đất nước càng sớm tiêu tán đường.

Thử nghe ông Hồ nói về giáo dục :

« Trong giáo dục không những phải có tri thức phổ thông mà phải có đạo đức cách mạng. Có tài phải có đức. »

Tình trạng giáo dục hôm nay ra sao mọi người đã biết. Lâu rồi tôi có viết là không chừng giải tán bộ giáo dục thì học sinh VN sẽ khá hơn.

Dân VN mình, không phải « nổ », đâu có ngu. Để ý, con cái người Việt nào sống ở nước ngoài cũng đều giỏi dang, phần nhiều đứng đầu lớp. Cũng vậy, sinh viên VN đứa nào được đào tạo ở nước ngoài phần lớn thành công, (theo lối Ngô Bảo Châu).

Tức là vấn đề là do giáo dục chớ không phải do con người.

Cũng như « thi đua yêu nước », giáo dục kiểu ông Hồ, ngoài kiến thức còn phải nhồi nhét « đạo đức cách mạng ». Con người tốt đến mấy, nhồi vô đó cái gọi là « đạo đức bác Hồ », rồi cũng trở thành hư hỏng.

Nhìn đâu cho xa. Ông Hồ nói là : « Đảng ta là đảng đạo đức ».

Thử nhìn tư cách của những đảng viên của cái đảng này thì ta biết cái bản chất « đạo đức » của ông Hồ nó ra sao.

« Đạo đức » của ông Hồ man mác trong đời sống, hiện diện ở mọi nơi trong xã hội.

Cấp thấp nhứt, như xã trưởng, hôm trước đọc báo thấy loan tin một vị ra lệnh tịch thu cả bốn tấm ván hòm của dân nghèo (chờ chết) để xiết nợ. Hôm rồi, đọc báo thấy huyện nào đó gần Hà Nội, ra lệnh không cho dân mượn dụng cụ làm đám ma, nguyên nhân vì người chết còn thiếu nợ 1 triệu 7.

Chết là hết, thói thường là vậy. Nhưng đối với đạo đức cộng sản, chết vẫn chưa hết.

Mồ mả, miếu mạo, di tích… của tiên tổ, tông đường… người cộng sản đi đến đâu là đào xới lên đến đó. Việc đầu tiên họ tiếp thu Sài Gòn là cho phá nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi. Biết bao nhiêu di tích lịch sử, văn hóa… tồn đọng ở trong đó, từ lúc Sài Gòn mới thành lập, bị phá nát tan.

Đạo đức của ông Hồ là đạo đức của con người duy vật. Tức cái gì có lợi cho cộng sản, cho cách mạng là đạo đức.

Thấm vào cái đạo đức duy vật, con người cộng sản đối xử với người (không cộng sản) như đối với thú vật. Khổ một cái, bọn cộng sản duy vật đó lại là tầng lớp lãnh đạo.

Người dân răng trắng cu đen, chỉ có chết với chết. Bởi vậy, từ thuở lập quốc đến nay, dân VN có bao giờ bỏ nước để sang (mấy xứ mọi kế bên) để làm đĩ, làm trâu bò hay không ?

Các thí dụ trên là « đạo đức thật ». Còn lên cấp trên một chút, thì toàn « đạo đức giả ». Tất cả noi theo đạo đức của bác.

Ông Hồ là người có trách nhiệm về cái công hàm bán nước 1958.

Bán nước, nếu nó có lợi cho cách mạng, thì vẫn cứ bán. Vì đó là đạo đức.

Cuộc đời ông Hồ là một « ẩn số X ». Phim X có nghĩa là phim xex. Có vợ không dám nhìn vợ, có con không dám nhìn con, có tổ tiên không dám nhìn tổ tiên. Lúc gần chết thì muốn nghe một bài nhạc Tàu. Đó là cuộc đời đạo đức (giả) của bác Hồ.

Nếp sống « đạo đức giả » bao trùm tầng lớp lãnh đạo cộng sản.

Anh là cộng sản, vậy anh là người vô sản.

Tại sao tên cộng sản nào cũng giàu nứt đố đổ vách ?

Cái áo không làm nên ông thầy tu. Cái  áo cộng sản đã rách chỉ còn lại cái bâu, cái quần chỉ còn lại cái lưng. Tất cả đều ở truồng.

Hà Nội vừa « bầu » chủ tịch ủy ban nhân dân. Đảng chỉ định, đảng viên bỏ phiếu, không có người dân nào đi bầu. Vậy tại sao gọi là « ủy ban nhân dân » ?

Đó là sự tiếm danh « nhân dân » trắng trợn nhứt. Đó cũng là đỉnh cao của đạo đức cộng sản.

8-12

Ngày « quốc khánh » của Việt Nam chắc sẽ sớm xảy ra hơn dự tính. Dĩ nhiên nó không phải là ngày 2 tháng 9. Chữ « khánh » trong « quốc khánh 2-9 » là chữ khánh của « vui mừng ». Chữ « khánh » trong bài này là chữ khánh của « khánh tận », « khánh kiệt ». Ngày « quốc khánh » tức là ngày quốc gia khánh kiệt, tức phá sản. Ngày đó đang tới.

Theo định nghĩa thông thường, « phá sản » là khi anh không còn khả năng để trả nợ. Một cá nhân bị « phá sản » thì tài sản cá nhân bị « phát mại » để trả cho chủ nợ. Trường hợp phá sản của một quốc gia, ta có thể xem lại trường hợp nước Á Căn Đình (Argentine, năm 1998 và 2002), hay trường hợp Hy Lạp hiện nay. Hệ quả của quốc gia phá sản là người dân lãnh đủ : của cải quốc gia trở thành của cải nước ngoài, người dân nghèo càng thêm nghèo.

Hãy lắng nghe những lời chân thật của những người có trách nhiệm và hiểu biết về VN, ta thấy « tình hình thât là tình hình ».

Anh Tư Sang hôm rồi than thở với cử tri : nợ công tăng nhanh hơn mức tăng trưởng GDP tới 3 lần. Số nợ công đã vượt  mức « báo động » là 65% GDP (là mức mà quốc hội cho phép). Đây là con số chính thức của cơ quan thống kê nhà nước.

Con số này chưa tính vào số nợ của các tập đoàn xí nghiệp quốc doanh. Báo chí trong ngoài nước cho biết « những quả đấm thép của nền kinh tế Việt Nam có tổng nợ phải trả năm 2014 lên tới  hơn 1,7 triệu tỷ đồng tương đương 44,2% tổng sản phẩm nội địa GDP ».

Các tập đoàn kinh tế quốc doanh dĩ nhiên do nhà nước bảo trợ. Khi các xí nghiệp này mượn nợ nước ngoài thì có nhà nước bảo đảm sau lưng. Con số (nợ) 44,2% tổng sản lượng sản phẩm nội địa là con số kinh khủng.

Ước lượng số nợ công của VN phải ở mức từ 100% đến 200% GDP.

Mà nợ công càng tăng thì tiền lời càng tăng. Việt Nam hiện nay phải dùng đến 25% ngân sách quốc gia cho việc trả nợ.

Tình trạng của VN hiện nay là phải đi vay nợ để trả nợ. Bởi vì các nguồn thu của ngân sách đang gặp bế tắt. 

Nguồn thu lớn nhứt của ngân sách là dầu khí, chiếm từ 15% đến 25%. Giá dầu hiện nay thấp dưới mức khai thác có lời (60 đô/thùng). Tức là, với giá dầu 40 đô/thùng hiện nay, VN không thể khai thác dàu nữa.

Các nguồn tài nguyên khác như than đá, gỗ, các mỏ khoáng sản khác… thì đã cạn kiệt.

Hôm rồi bà Kwakwa, đại diện Ngân hàng Thế giới ở Việt Nam, hỏi lãnh đạo VN là lấy « tiền đâu » để phát triển ? Ý của bà là : mấy anh lấy gì để trả nợ ?

Thủ tướng NT Dũng trả lời là VN có 4 triệu rưởi người sống ở nước ngoài và 92 triệu người trong quốc nội. Ông Dũng lấy dân để « bảo đảm » nợ.

Bà Kwakwa đáp lời bằng nhận định : năng suất lao động VN quá thấp.

Đây là thau nước tạt vô mặt ông Dũng mà không ai thấy. Người ta từ chối không cho mượn tiền nữa, vì VN không có cái gì bảo đảm để trả nợ hết cả.

Mọi biện pháp làm đầy ngân sách đang được thực thi, mà người dân vốn đã như trái chanh đã hết nước. Càng vắt thì người dân càng kiệt quệ. Các thuơng hiệu, xí nghiệp tư nhân… thi nhau đóng cửa. Làm không có lời thì  ngu gì tiếp tục làm ?

Thử nhìn thái độ của những viên chức cao cấp nhà nước, những tay tài phiệt đỏ… tất cả đều… chân trong chân ngoài. Viên chức nhà nước, lúc cần thiết bênh vực cha thì  « con là đảng viên mà ». 
Nhưng xét lại  thì « con cũng có quốc tịch Mỹ ». Còn tài phiệt đỏ, tài sản của họ đã chuyển sang các nước lân cận.

Còn người dân ? Ai có khả năng thì đều cho con cái qua Mỹ hết.

Thái độ này cho thấy VN vỡ nợ chỉ còn đếm từng ngày. 

9-12

Hôm qua tôi viết sơ lược về ngày « quốc khánh », tức là ngày « quốc gia khánh tận », tức quốc gia bị phá sản. Hệ quả của việc quốc gia phá sản là của cải của quốc dân lần hồi trở thành của cải của người nước ngoài.

Bắt đầu là hệ thống đường cao tốc.

Hệ thống đường cao tốc của VN được xây dựng do vốn từ các nguồn : 1/ đầu tư từ ngân sách nhà nước dưới hình thức Chính phủ vay hoặc bảo lãnh vay, phát hành trái phiếu công trình… 2/ nguồn vốn do các nhà đầu tư huy động để đầu tư xây dựng theo các hình thức BOT, BTO, BT, hợp tác nhà nước - tư nhân (PPP) …

Ngân sách dành cho hệ thống đường cao tốc VN từ 2001 đến đến năm 2020 là 350.000 tỉ đồng.
Tức là, tính về thời gian, gói ngân sách này đã sử dụng đã hết (hay gần hết).

Toàn dân VN đã mang trên người một số nợ là 350.000 tỉ đồng. Số nợ này được tính chung vào « gói nợ » của cả nước (tổng cộng là 65% GDP). Mỗi năm người dân VN nai lưng ra đóng thuế (và trăm lẻ một thứ lệ phí khác) để trả khoản nợ này. Tính chẵn là khoản 25% GDP của VN chỉ dùng để trả nợ.
Đổi lại toàn dân VN làm chủ một hệ thống đường cao tốc.

Hệ thống đường cao tốc này không hoàn chỉnh. Về « phẩm chất », nhiều đoạn ở các con đường này vừa « nghiệm thu » xong thì đã lún, sụp…, gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Tức là, người dân VN, tuy không đến đỗi tiền mất tật mang, vì dầu sao các con đường cao tốc này cũng có chút hữu dụng cho việc giao thông.

Ngoài việc trả nợ, người dân VN còn phải bỏ tiền ra để sửa chữa và tu bổ cho các đường cao tốc này.
Bây giờ nhà nước (hay là chính sách của anh X ?) đang rao bán hệ thống đường cao tốc này cho người nước ngoài.

Nhờ tài kinh bang tế thế (hay tài phù thủy) của anh Ba, từ 8 năm qua VN phải bán của hồi môn mà sống, mà mọi người cứ tưởng đó là thành quả của nền « kinh tế phát triển ». 

Của hồi môn đã hết, hay đã mất giá (dầu hỏa), tài « kinh bang tế thế » của anh Ba  cũng lộ, thì ra đó là bản lãnh tráo bài ba lá xuất quỉ nhập thần.

Bây giờ VN không có tiền để trả nợ.

Anh Ba muốn bán hệ thống đường cao tốc để trả nợ.

Ý nghĩa việc này là sao ?

Đơn giản là của cải của quốc dân thì mất vào tay người nước ngoài nhưng cục nợ 350.000 tỉ đồng (để xây dựng hệ thống đường cao tốc) vẫn còn.

Tôi nghĩ phá bấy nhiêu đó đủ rồi anh Ba. Người dân chịu bấy nhiêu đó đã « ná thở rồi ». Anh làm thêm 8 năm ( ?) nữa thì người dân có nước chết.

Anh đã « gài » VN vào cái thế chết người, theo lối cái bẫy của nàng Kiều, không bán mình thì không thể chuộc cha.

Người ta đồn đải rậm rì hổm rày là chỉ có anh Ba mới cứu được đảng và chế độ.

Phải rồi, người tháo dây thì phải là người cột dây.

Âm mưu xem ra hết sức là thâm độc.

15-12

Tiêu chuẩn nào chọn người lãnh đạo ?
Buổi chiều tà chủ nghĩa mác lê, đảng ta dầu đông như quân Nguyên cũng không dễ tuyển chọn người lãnh đạo.
Theo nguyên tắc đạo đức ông Hồ « cần kiệm liêm chính, chí công vô tư » ?
Theo tài năng kinh bang tế thế « chốn lang miếu ra tài lương đống, ngoài biên thùy rạch mũi can tương ? »
Cách nào cũng không dễ. Đội ngũ trung ương cá đối bằng đầu, ai nấy đều bất tài bạc hạnh như nhau.
« Chí công vô tư » ? nhung nhúc một bầy, đảng viên nếu không là con sâu lớn thì cũng là con sâu nhỏ.
Nhìn phía « còn đảng còn mình » nhân cách đâu khác chi phường đạo tặc.
Xét lại nào nhà, nào xe… của cải cái chi cũng thuộc dạng « dĩ công vi tư »,
Cần kiệm ? Đến từng trụ sở, từng ủy ban…
Để thấy xa hoa hơn vua
Liêm chính ?
Bao Công từ bao giờ đỏ mặt !
Đảng ăn từ bốn tấm ván hòm của người già đang nằm chờ chết
Đảng ăn hớt từng gói mì, từng kí gạo của người dân đang lê lết
Cho tới mảnh đất, vườn rau
Của người nông dân từ bao đời khai hoang lập ấp
Cái nào ăn được là đảng ăn chí hết
Cả đảng trở thành loài ăn tạp,
Một bầy cá vồ, cá tra… heo nọc, heo nái… cái gì cũng ăn, thứ gì cũng đớp,
Dân tình oan nghiệt, đất nước trơ xương
Đạo đức nào các cháu noi gương,
Mà cả đảng bây giờ một phường mập ú ?
Đâu rồi tài « kinh bang tế thế » ?
Khi chủ nghĩa Mác Lê trở thành chủ nghĩa hai Đê
Một là Đất, hai là Đô
Chuyện khó mấy cũng đều trót lọt.
Nợ kiếm cung ?
Bây giờ « nghe cũng ớn »
Sát phạt thì sát phạt trên xòng bài, trên sân golf…
Đứa say, đứa xỉn… chết cũng thề chết trên bàn nhậu (hay trên bụng đàn bà)
Như vậy cũng thể hiện tình đồng chí chiến đấu.
Bọn Tàu chiếm đảo chiếm biển… tới đâu
Đã có thằng Mỹ bao thầu.
Mình lo chi cho mệt.
Rạch mũi can tương là rạch ra những lô đất vàng
Biên thùy bây giờ Ti Pi Pi là trận địa.
Tất đất tất vàng bán sao cho đúng giá
Mới là tài ba
Còn “chốn lang miếu” là nơi có dầu, có mỏ
Phải hút hút nữa, hút mãi, hút cho cạn nguồn
Thàng Tàu vô trâu chậm uống nước đục
Còn đâu nữa mà hút,
Sớm muộn nó cũng rút về
Đó mới là tài lương đống.

Trung ương mấy trăm người, mấy trăm tên bạc bịp
Chính sách nào cũng lẩn quẩn chuyện bán nước, buôn dân
Trai thì đày sang Đào Loan, Hàn Quốc, Thái Lan… làm cu li
Còn gái thì đứng đường, làm hộp đêm, làm ô sin…
Đất nước chín mươi triệu người… trung ương ngàn tay đếm tiền cũng mệt.
Từ 8 năm nay,
Ông Lú làm tổng bí mà thực chất là ngồi gỏ mõ tụng kinh, tính chuyện gì cũng… bí
Anh Tư sùi làm chủ xị, ngồi thì cao, nhưng có tiếng mà không có miếng,
Chỉ có anh X múa gậy vườn hoang,
Nhờ ảnh bao che mà đảng ta người nào cũng có da có thịt.
Ăn chia đúng mực, thằng cục thịt, đứa khúc xương
Miệng đứa nào cũng dính mỡ,
Đó là sự ổn định vì không đứa nào ăng ẳng.
Không phải tốt hay sao, để anh X múa thêm 8 năm nữa
Tuồng đã soạn rồi, mũ hia có sẵn
Cứ thế mà diễn
Cổ đã dọn, mời quí ngài cầm đũa
Ngại ngùng chi nữa bạn lòng ơi

20-12

Thấy trên mạng vừa xuất hiện trang "Ý kiến đảng viên về Đại hội XII", có đăng tải nhiều bài viết bênh vực anh Ba X. Vấn đề là "các đảng viên" này bênh anh Ba X phần lớn bằng cách "chơi xấu", theo kiểu đánh dưới hạ bộ. Ý kiến trở thành ý ruồi, đó chỉ là việc bôi nhọ, nói xấu cá nhân người khác.

Trường hợp ông Trọng, "các đảng viên" chê ông này là "xoàng", "giáo điều, bảo thủ"... Thí dụ dẫn từ một bài viết  :

"Ông Trọng là người rất tầm thường và mắc căn bệnh giáo điều rất trầm trọng." 

Dĩ nhiên phê bình kiểu này không hề đem lại sự "phi thường" cho ông Ba X. Nó cũng không đem lại sự "cởi mở, cấp tiến" cho ông Ba X. Ông X không có gì xuất chúng hơn ông Trọng (hay những ông khác).

Kết quả bao nhiêu năm lãnh đạo hội đồng nhà nước của ông X, đất nước ngày càng thêm mờ mịt: kinh tế xìu xìu ểnh ểnh, sống ngắc ngoải là nhờ bán lúa, bán dầu, bán tài nguyên đất nước. Cho tới bây giờ, cây đinh, cây tăm xỉ răng còn phải nhập, thì nói chi tới "sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"? Đối ngoại thì bị đe dọa mất biển, mất đảo. Mới đây, hãng tin Reuters đăng bài cảnh báo VN đang chuẩn bị chiến tranh với TQ. Trong khi các vụ bắt bớ (tự tiện) những nhà tranh đấu cho nhân quyền đã dấy lên những phản đối từ chính giới các nước Âu, Mỹ.

Đất nước bị lâm vào vào tư thế như hiện nay, không phải do ông X thì do ai ?

Trong khi hững điều luật về biểu tình, về lập hội... thì bị ngâm tôm.

Ông X, ông Sang, ông Trọng, hay bất kỳ một đảng viên cộng sản nào khác, tất cả đều giáo điều và bảo thủ như nhau. Không giáo điều thì không phải là cộng sản. Nếu có một "đảng viên cấp tiến", thì người đó đã từ bỏ đảng cộng sản.

(Nhiều người nhập nhằng về ý nghĩa của "xã hội chủ nghĩa". Họ cho rằng xã hội ở các nước Bắc Âu là XHCN, rồi lấy đó làm đích đến cho XHCN ở VN. Điều này hoàn toàn sai. Cái gọi là XHCN ở các nước Bắc Âu thực chất là các chế độ "tư bản, dân chủ tự do" đã được phát triển ở mức cao. Tất cả các chế độ dân chủ tự do đều lấy "cá nhân" làm mục tiêu phục vụ. Còn XHCN ở các nước cộng sản là "thời kỳ quá độ" lên cộng sản chủ nghĩa, lấy "tập thể" làm mục tiêu phục vụ. Nền dân chủ ở đây là dân chủ tập trung).

Những "đảng viên" này, không biết lấy thống kê ở đâu, có ý kiến rằng : "Trong 5 năm cầm quyền với trọng trách Tổng Bí thư, Đảng và dân vô cùng thất vọng..."

Nhưng nếu nó đúng thì cũng đúng cho trường hợp ông X, ông Sang, ông Hùng...

Có ông nào làm nên được cái sự gì có ích lợi cho dân, cho nước ?

Không có gì cả phải không ?

Tất cả đều "cá đối bằng đầu", công lao cho "cách mạng" không có. Ai cũng tài hèn, đức bạc. Kiến thức "kinh bang tế thế" là con dê rô to tướng. Đạo đức thì người nào cũng thấm nhuần đạo đức Hồ Chí Minh, một phường đạo đức giả.

Nếu lãnh đạo có tài năng thì đất nước đâu có thê thảm tụt hậu như ngày hôm nay ?

Nếu lãnh đạo có đạo đức thì đất nước đâu có luân thường đạo lý đảo điên như hôm nay ? Thượng bất chính hạ tất loạn. Lãnh đạo là một bầy sâu thì xã hội cũng là một bầy sâu lớn hơn.

Nhân sự TƯ đảng CSVN bây giờ không ai phục ai. Anh Ba X trội hơn hết ít vì từ bao nhiêu năm nay anh đã xây dựng được một hệ thống đảng trong đảng. Anh dùng quyền lực, tiền bạc để mua chuộc, khuynh đảo từ trên tới dưới. Anh bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo thành phố, huyện... cho con cái, cho tay chân trong số cận thần của anh.

Ai lên lãnh đạo sắp tới cũng đều như nhau. Cũng giáo điều, bảo thủ, đạo đức giả. Nhưng nếu anh Ba X lên thì đất nước sẽ tệ hơn một bậc: cũng giáo điều, bảo thủ và đạo đức giả, nhưng hệ thống quyền lực nhà nước sẽ lọt vào tay một gia đình, một giòng họ, hay một thế lực (lợi ích).

Bất kỳ ai lên lãnh đạo, việc chuyển hóa sang dân chủ đều có thể dễ dàng hơn nếu anh Ba X lãnh đạo.
Giữa cái mục nát và cái tồi tàn lý ra là không có chọn lựa. Nếu bỏ được thì sẽ dẹp bỏ cả hai. Nhưng nếu phải chọn lựa, dĩ nhiên sẽ chọn lựa cái ít tồi tàn hơn.

Ông Trọng, ông Sang, ông Hùng... hay bất kỳ ai đó trong đảng đều có tư cách và khả năng khá hơn anh Ba X. Bao nhiêu năm làm lãnh đạo đã cho thấy thực tài của anh Ba X.

21-12

Những người ủng hộ anh Ba X không ngừng tô vẽ hình ảnh anh Ba X như là một người tiên phong chống TQ.

Nói thật, ban đầu tôi cũng tưởng vậy, tưởng rằng anh Ba X chống Tàu, nên có đôi lần ủng hộ. Có lần tôi viết thư cho anh Ba X để mách nước chống lại sự xâm lược của Tàu, như bài đăng ở đây:

http://nhantuantruong.blogspot.fr/2014/05/thu-mo-kinh-goi-thu-tuong-nguyen-tan.html

Nghĩ lại cũng thấy tiếc. Không phải tiếc công, mà tiếc đã gởi lầm cho anh Ba X.

Bởi vì, trước khi chuyến viếng thăm VN của Tập Cận Bình chấm dứt, lời từ biệt của ông Tập là mời anh Ba X sang thăm Bắc Kinh. Anh Ba X (hí hứng) đáp lời ô kê.

Tại sao ông Tập không mời anh Tư Sùi, ông Trọng Lú hay anh Hùng Hói mà mời anh Ba X ?

Sác suất được ở lại (nhiệm kỳ tới) của những người này đều bằng nhau. Tại sao họ Tập chỉ ngỏ lời mời anh X ?

Mặc nhiên là anh Ba X đã được sự ủng hộ của thiên triều, nếu không nói là "người của thiên triều".
Người ta cố gắng tô hồng chuốc lục sự nghiệp chống TQ của anh Ba X, nhưng nếu xét lại từng điểm thì cái sự nghiệp này trống không.

Thử xem cái gọi là "xây dựng niềm tin chiến lược" của anh Ba X đã thực hiện được cái gì ?

Vời Hoa Kỳ thì vẫn còn ở xa ngoài tầm vói. Còn với TQ thì họ lần lượt xây dựng các đảo nhân tạo ở 7 cấu trúc địa lý chiếm được của VN năm 1988.

Tức là "xây dựng niềm tin chiến lược" với HK là xây dựng trên cát. Còn với TQ thì "nối giáo cho giặc".

Giả sử bây giờ VN có chiến tranh với TQ về chủ quyền các đảo TS, Mỹ có lý do nào để giúp VN không ? Không có, cho dầu họ rất muốn, vì quan điểm của HK về chủ quyền lãnh thổ là không bênh vực phía nào.

Trong khi việc "xây dựng niềm tin chiến lược" với TQ có nghĩa là không phản đối nước này xây dựng các đảo nhân tạo cũng như không phản đối việc quân sự hóa các đảo nhân tạo này.

Với các căn cứ ở các đảo nhân tạo vừa xây dựng, TQ sẽ phong tỏa và sẽ chiếm các dảo TS của VN như đồ chơi trong túi. Đó không phải là hành vi nối giáo cho giặc hay sao ?

Lại còn cái gọi là "không đánh đổi chủ quyền với tình hữu nghị viển vông", kết cuộc nó là gì ?

Dưới sự lãnh đạo (bất tài) của anh Ba X, VN trở thành "chúa chổm", vì nợ. Bà Chi Lan nói một câu làm lộ "tẩy" của anh Ba X: ngân sách hết tiền lại vác rá đi xin!

Mấy mươi năm phát triển vẫn chưa thoát khỏi tình trạng ăn mày. Thể diện quốc gia không ai coi ra cái máu gì!

Các nước Mỹ, Nhật, Tây Phương... đều đang gặp khó khăn về kinh tế, không dễ gì mở hầu bao bố thí. Chỉ còn lại TQ.

Rõ ràng lời mời của Tập Cận Bình là có tính toán. Chỉ có anh Ba X mới có thể cứu vãn tình hình nguy ngập hiện nay của VN: nguy cơ khủng hoảng ngân sách và tài chính. Nhà nước không có tiền chi trả cho công nhân viên cùng lúc các ngân hàng vỡ nợ.

Chỉ có anh X đến Bắc Kinh thì VN mới được TQ "truyền máu". Người khác thì chưa chắc.

Vì vậy hôm trước tôi có viết là mưu kế của anh X rất sâu độc: gài VN vào thế nàng Kiều. Không bán mình là không được.

Ủng hộ anh X hay chống anh X cái nào cũng có lý do của nó.

23-12-2015

"Tôi hy vọng là Đại hội 12 sẽ tập hợp được những người lãnh đạo có năng lực tốt hơn, có bản lĩnh chính trị cao hơn, nói một cách nôm na là có dũng khí mạnh mẽ hơn, để mà cùng với nhân dân, với đất nước tiến lên."

Đó là điều mơ ước của học giả Hà Hoàng Hợp trong buổi nói chuyện (Bàn tròn thứ năm trên BBC).
Nếu ta hiểu thế nào là "năng lực" và "bản lãnh chính trị", ta sẽ thấy mơ ước này khó trở thành hiện thực.

Thế nào là "năng lực tốt" ?

Năng lực (ở con người) có thể nói tới hai khía cạnh : về trí tuệ và về thể chất.

Một người có "năng lực tốt" (đại khái như vậy) là một người có trí tuệ mẫn tiệp trong một thân thể mạnh khỏe, cường tráng.

Thế nào là "bản lãnh chính trị" ?

Từ "chính trị" là một từ hết sức "nhạy cảm" trong xã hội VN, dưới thời bị ách thực dân hay dưới thời cai trị cộng sản. Chỉ cần bị gán vào tội "làm chính trị", ngày xưa hay bây giờ cũng vậy, một người có thể bị khép vào trọng tội, mức án có thể lên đến tử hình.

Dưới chế độ thực dân thì toàn bộ quyền hành đất nước (quyền lực chính trị) nằm trong tay người Pháp. Còn dưới chế độ cộng sản (hiện nay) thì mọi quyền lực nhà nước nằm trong tay đảng cộng sản.
"Chính trị" như thế có nghĩa là những hoạt động thuộc về bộ máy chính quyền quốc gia.

Trong một chế độ cộng sản, như VN hiện nay, bất kỳ hoạt động nào liên quan đến quốc gia (nhà nước) đều thuộc về (hay chịu sự lãnh đạo) đảng CSVN.

Trong một chế độ dân chủ tự do, "chính trị" là một "quyền", được định nghĩa ở điều 21 của bản Tuyên Ngôn phổ cập về Nhân quyền (1948). Theo đó mọi người được quyền bình đẳng về quyền tham gia vào chính quyền, trực tiếp hay gián tiếp (qua các đại biểu). Điều 21 còn qui định quyền lực của quốc gia là đến từ ý nguyện của người dân (thể hiện qua các lá phiếu).
rong một xã hội dân chủ tự do hay trong xã hội độc tài cộng sản.

Trong một xã hội độc tài cộng sản như VN, mọi quyền lực nhà nước đã tập trung vào đảng. Bản lãnh chính trị là khả năng giành được chức vụ lãnh đạo. Khả năng này là thế nào, chỉ người trong chăn mới biết chăn có rận. Người ngoài chỉ biết được qua những lời tự sự của nhân chứng. Đó là "hậu trường" quyền lực.

Còn trong một xã hội dân chủ tự do, bản lãnh chính trị có thể hiểu như là khả năng giải quyết một vấn đề thuộc về xã hội.

Ai trong đảng CSVN có "năng lực tốt" và "bản lãnh chính trị" ?

Những cái tên "sang trọng hùng dũng" rõ ràng biểu lộ một "năng lực" sung mãn và "bản lãnh" chính trị (cộng sản). Nhưng đó chỉ là cái tên.

Trong vấn đề lãnh đạo, đối nội, người ta chỉ cần người lãnh đạo có khả năng đề ra đáp án để giải quyết một vấn đề của xã hội. Đối ngoại, người ta cần một lãnh đạo biết bảo vệ quyền lợi (và thể diện) quốc gia trước sự cạnh tranh (hay gây hấn) của các quốc gia khác.

Nhân sự đảng CSVN hiện nay có ai có khả năng làm các việc này ?

Lớp trẻ có học mới lên chưa thấy thi thố tài năng, chưa biết. Nhưng lớp già Sang, Trọng, Hùng, Dũng ra sao thì mọi người đã biết.

Đâu phải có cái mã tốt hơn là lãnh đạo khá hơn ? Đâu phải có điệu bộ "hùng dũng" là cần thiết cho đất nước ?

Đại hội 12 đã qua mười mấy kỳ mà nhân sự vẫn chưa "tuyển chọn" xong. Bởi vì tất cả đều "cá đối bằng đầu", tài năng sàng sàng như nhau. Tứ trụ vẫn chưa giải quyết xong việc ai đi ai ở ?

Có ý kiến cho rằng ông Dũng ở lại lãnh đạo thì tốt hơn. Ý kiến này đặt vấn đề, nếu VN có chiến tranh với TQ, ngoài ông Dũng thì ai có thể đứng trước đầu sóng ngọn gió?

Thật là hết sức sai lầm. Lịch sử chiến tranh chưa hề chấm điểm về bề ngoài của lãnh đạo. Trong những lãnh đạo đại cường Thế chiến II thì Hitler, Stalin, Mussolini... là có bề ngoài uy dũng. Những lãnh đạo khác phe "văn", tướng mạo "gà rù", nhưng rốt cục họ chiến thắng và đất nước của họ nhanh chóng trở thành đại cường.

"Trí tuệ" quyết định chớ đâu phải thể xác ?

Mà khi để đất nước lâm vào tình trạng chiến tranh, việc này đã nói lên sự bất tài của lãnh đạo.
Nhưng khi đất nước bị đe dọa, quyền tuyên bố chiến tranh là do quốc hội, chớ không do quyết định của cá nhân lãnh đạo.

Ông Dũng có bề ngoài của con gà trống muốn khoe mẽ, nhưng trong đầu của con gà này có mấy mươi gram chất xám ?

Trở lại cái "hy vọng" của học giả Hà Hoàng Hợp, là ảo vọng, là hái sao trên trời phải không ?.
Đảng CSVN có 4 triệu người. Người có tự trọng, có thực tài... là những người tự đứng trên chính đôi chân của mình, suy nghĩ bằng bộ óc của mình... Người có đạo đức, biết tự trọng, có thực tài... không ai vào đảng cả.

Chính trị là một "quyền" phổ cập của con người, được qui định (điều 21) trong bản Tuyên ngôn phổ cập về Nhân quyền (1948). Tôn trọng và áp dụng quyền này của mọi người dân VN thì ta lo gì việc không tìm ra lãnh đạo "tài năng xuất chúng" và "thể chất mạnh khỏe" ?