mercredi 25 mai 2016

Vấn đề gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương...

Hôm 29 tháng tư tôi có viết một status ngắn (Fecebook), nói về mối tương quan giữa nhân quyền và việc Mỹ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Nội dung như sau:
"Bên BBC đăng hai bài báo, tựa đề là hai câu hỏi : một là Việt Nam có tìm ra lý do cá chết hàng loạt ? và hai là Mỹ sẽ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam?
... Về câu hỏi một,... câu trả lời VN có tìm thấy thủ phạm làm cá (chim, rừng và người) chết hay không, là tùy ở Bắc Kinh (hay Đài Bắc).
Câu hỏi hai, Mỹ có bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thuơng cho VN hay không. Câu trả lời cũng sẽ thấy ở Bắc Kinh.
Đúng vậy, Bắc Kinh chớ không phải ở Hà Nội hay do nhân quyền."
Không phải chỉ cá nhân tôi mới có nhận định như vậy.
Báo chí nước ngoài hôm qua chạy tít lớn, nói về việc Mỹ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Hầu hết đều cho rằng động thái (bỏ lệnh cấm vận) của Hoa Kỳ là nhắm tới Bắc Kinh. RFI dẫn "Le Figaro" và "La Croix" lấy tít "Hoa Kỳ - Việt Nam bắt tay nhau chống Trung Quốc". Cũng ở RFI, trả lời phỏng vấn, học giả Carlyle Thayer cho rằng Obama gởi tín hiệu cứng rắn đến Bắc Kinh.
Các quan sát viên nước ngoài nhìn nhận rằng Bắc Kinh từ lâu là "đối tượng" chính trong quan hệ Việt-Mỹ, hay ít nhứt nằm trong tầm nhìn chiến lược của hai bên.
Tôi cũng đã giải thích trong một status hôm qua:
"Nếu chỉ đơn thuần gỡ lệnh cấm vận vũ khí sát thuơng và bất chấp nhân quyền, thì đây có thể là thông điệp mạnh của Obama gởi đến TQ.
Mặc dầu rào trước đón sau, Obama nói là bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thuơng không nhắm vào TQ, nhưng Bắc Kinh có thể xem đây là một tín hiệu xấu nhắm vào mình.
Phải chăng đây là cách của Mỹ trả lời Bắc Kinh, khi nước này tuyên bố không tuân thủ phán quyết của Tòa CPA, theo dự tính sẽ ra phán quyết chung cuộc trong những ngày sắp tới?
Trật tự pháp lý, được Mỹ dựng lên từ Thế chiến II (Pax Americana) sẽ được các nước trong khu vực, như VN, dùng vũ lực để bảo vệ, buộc TQ tuân thủ, hay là nó thay thế bằng trật tự mới do TQ áp đặt ?"
Ở status này ta tìm hiểu thế nào là "trật tự mới do TQ áp đặt" ? Từ đó ta cũng sẽ thấy dễ dàng lý do vì sao Mỹ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương.
Trước hết cần biết thế nào là trật tự cũ, trật tự của Mỹ, Pax Americana.
Trật tự này đặt nền tảng trên sự "bình đẳng về chủ quyền". Mọi quốc gia, bất kể lớn nhỏ, mạnh yếu, dân đông hay dân ít... đều bình đẳng như nhau về "chủ quyền".
Chủ quyền được hiểu như là quyền lực chủ tể, tối thượng trong quốc gia. Quyền (power, pouvoir) này nằm trong tay vị chúa thượng ở các nước quân chủ, và thuộc về toàn dân trong các nước cộng hòa.
Sự bình đẳng về chủ quyền được thể hiện trong bộ Luật Quốc tế về Biển 1982. Theo đó, một nước ven biển, bất kỳ lớn nhỏ, dân đông dân ít, được hưởng như nhau 12 hải lý (tính từ bờ, hay đường cơ bản) hải phận gọi là "lãnh hải" và 200 hải lý hải phận gọi là "kinh tế độc quyền".
Trong vùng "lãnh hải" quốc gia có thẩm quyền gần như như là trên đất liền (chủ quyền). Vùng "kinh tế độc quyền" quốc gia có quyền (right, droit) độc quyền (exclusive) về kinh tế. (VN hiện nay dịch thành "đặc quyền" là sai. Đặc quyền là một quyền được một quyền lực chủ tể (nào đó) ban phát. Còn "độc quyền", trong trường hợp này, là quyền phát sinh từ chủ quyền của quốc gia ven biển. Vì vậy quyền này được gọi là "quyền chủ quyền").
Bộ Luật Quốc tế về Biển 1982 là "trật tự về biển" mà các nước trên thế giới đã ký kết và tuân thủ.
Nhưng qua vụ Phi kiện Trung Quốc ở Tòa Trọng tài Quốc tế ở La Haye, về các quan niệm đối nghịch "giải thích và áp dụng Luật Biển 1982". TQ tuyên bố không nhìn nhận thẩm quyền của Tòa và cho biết sẽ không tuân thủ thi hành phán quyết này.
Thái độ của TQ đã phản bội lại tinh thần của Công ước về Luật Biển 1982 mà họ đã ký kết. Trong khi yêu sách của họ về biển, thể hiện qua đường chữ U chín đoạn, hoàn toàn không phù hợp với tinh thần của Luật Biển 1982.
Trật tự quốc tế, thể hiện qua Luật Biển 1982, (sẽ) bị TQ xâm phạm.
Bằng hành vi này TQ đưa ra một "trật tự mới", do TQ áp đặt. Theo đó "chủ quyền" không còn là đơn vị tối thượng và bình đẳng trong luật biển, mà dân số quyết định việc phân chia biển.
Ta thấy ở Biển Đông, yêu sách về biển của TQ chiếm đến 80%, tương ứng với dân số của TQ và dân số các nước trong khu vực.
Ngoài ra, TQ vừa công bố một bản đồ mới, theo đó 80% diện tích của Thái Bình Dương thuộc về TQ.
Nếu bỏ qua yêu sách 80% Thái Bình Dương, ở Biển Đông, ta thấy VN và Phi là bị thiệt hại nhiều hơn hết.
Đương nhiên, là người VN, ta không thể chấp nhận "trật tự pháp lý mới" theo lối TQ.
Nhưng nếu TQ thắng cuộc chiến "quang phục", thì không chỉ về biển, mà VN cũng sẽ trở thành "chư hầu" của nước này.
Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho VN, bất kể những vi phạm nhân quyền, là vì hai bên Việt-Mỹ có chung tầm nhìn chiến lược.
Nếu TQ không tuân thủ phán quyết của Tòa CPA, trật tự pháp lý khu vực sẽ bị đảo lộn. Và nếu không kềm chế được, TQ sẽ áp đặt "trật tự mới", luật lệ quốc tế sẽ thay đổi.
Điều này Mỹ không thể chấp nhận được. Vì vậy sắp tới, khi TQ không tuân thủ phán quyết của Tòa, và nếu TQ có những động thái đi ngược lại tinh thần luật pháp quốc tế, thì VN, Phi (có thể cùng Hoa Kỳ và nhiều nước khác) sẽ dùng vũ lực để bảo vệ trật tự pháp lý đã được thiết lập.

mardi 24 mai 2016

Nhật ký facebook về chuyến viếng thăm của Obama (ngày 23-5-2016)...

Nếu chỉ đơn thuần gỡ lệnh cấm vận vũ khí sát thuơng và bất chấp nhân quyền, thì đây có thể là thông điệp mạnh của Obama gởi đến TQ.
Mặc dầu rào trước đón sau, Obama nói là bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thuơng không nhắm vào TQ, nhưng Bắc Kinh có thể xem đây là một tín hiệu xấu nhắm vào mình.
Phải chăng đây là cách của Mỹ trả lời Bắc Kinh, khi nước này tuyên bố không tuân thủ phán quyết của Tòa CPA, theo dự tính sẽ ra phán quyết chung cuộc trong những ngày sắp tới?
Trật tự pháp lý, được Mỹ dựng lên từ Thế chiến II (Pax Americana) sẽ được các nước trong khu vực, như VN, dùng vũ lực để bảo vệ, buộc TQ tuân thủ, hay là nó thay thế bằng trật tự mới do TQ áp đặt ?
Tương lai sẽ trả lời.
Trước mắt dĩ nhiên lãnh đao CSVN vui mừng, nhưng sự kín đáo thể hiện bởi việc kín kẽ của báo chí. Cái bóng của Bắc Kinh vẫn còn phủ trùm trên Ba Đình.
Những nhà tranh đấu cho nhân quyền thì cảm thấy bị hụt hẫng, bị xúc phạm. Ta cảm thấy nền tảng xây dựng lên nước Mỹ bị Obama phản bội. Nhưng đấu tranh là luôn lạc quan hướng tới. Cần ý thức rằng bất kể trở lực nào cũng sẽ có cách gỡ được.
Theo tôi, gỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thuơng có thể chấp nhận được. Nhưng khi Obama hứa hẹn tư bản Mỹ sẽ đầu tư lên hàng đầu ở VN, mà không có điều kiện nhân quyền kèm theo, chắc chắn Mỹ muốn VN trở thành "công xưởng" mới, kiểu TQ khoảng 2 thập niên trước.
Đây mới là điều bất hạnh cho dân tộc VN. Sự phát triển theo mô hình đó chỉ có một thiểu số nhỏ hưởng lợi. Dân tộc VN trở thành những kẻ làm công trên đất nước của mình.
Kinh tế đi kèm với nhân quyền, phát triển sẽ theo mô hình của Nhật, Đức sau 1945; hay của Đại Hàn, Đài loan thập niên 80.
Mô hình nào là phát triển bền vững, câu trả lời đã hiển nhiên trên thực tế.
Điều càng bất hạnh, là không mấy ai trí thức VN ý thức được nguy cơ này. Họ vẫn dửng dưng, quay lưng với vấn đề "nhân quyền", làm như đó không phải là trách nhiệm của mình, giao nó cho người khác lo lắng.


BBC 23-5

Obama vừa tuyên bố gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương có điều kiện đối với Việt Nam. Nhiều người VN tỏ vẻ vui mừng. Nhưng theo tôi, sự việc chỉ thay đổi về cách nói, cách diễn đạt, mà thực chất vẫn không đổi: Mỹ chỉ bán vũ khí cho VN nếu VN tỏ thiện chí tôn trọng nhân quyền.

Chuyến thăm viếng của Obama thể hiện nhiều điều miễn cưỡng.

Obama tới Hà Nội lúc "phố đã lên đèn". Tiếp đón ông nổi bật là cô gái áo vàng với bó hoa trao tặng. Theo tập quán Tây phương, hình thức, màu sắc bó hoa thể hiện phần nào tâm trạng của chủ nhà. Tấm hình không chụp rõ, chỉ thấy thiên hạ phê bình bó hoa lá nhiều hơn bông.

Nhưng vấn đề là không ai đến thăm nhà bạn ban đêm, lúc mọi người sắp ngủ.

Obama ghé thăm VN một công hai chuyện, mà chuyện chính là tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật. Việt Nam không phải là cái đích.

Cách VN tiếp đón vì vậy cũng "đúng tầm". Bó hoa lá nhiều hơn bông đã nói lên nhiều thứ. Nghi lễ vắn tắt, không tương xứng, hai bên Việt-Mỹ có quyền lợi kinh tế và tầm nhìn chiến lược tương đồng.

Hình chụp trước phủ chủ tịch, một Obama tươi cười bên cạnh Trần Đại Quang ảm đạm, cũng nói lên nhiều điều.

Dầu vậy, nghi lễ đôi khi là chuyện rất phụ, so với những gì sẽ được hai bên sẽ ký kết.

Nhưng mọi mặt VN đều ở “thế kém”, cần Mỹ hơn Mỹ cần VN.

Về kinh tế, VN đang mong tài phiệt Mỹ đầu tư. Nhưng trở ngại là vấn đề “pháp lý”. Tư bản Mỹ đầu tư vào VN vẫn khiêm nhường, so với Đài loan Singapour, Nam Hàn, TQ… Bởi vì tài phiệt Mỹ có lối làm ăn minh bạch, trọng luật… không quen lối làm ăn chụp giựt, hối lộ, đi đêm... ở VN (như các tài phiệt gốc Hoa).

Về quốc phòng, lộ liễu hơn cả, VN cần mua vũ khí tối tân của Mỹ để bổ túc cho hệ thống phòng thủ biển của mình.

Từ khi hai bên thiết lập bang giao, 21 năm, lòng dân VN đã thay đổi lớn lao. Khuynh hướng thân Mỹ (và bài Hoa) lên cao trong dân chúng. Tình bạn của nhân dân hai bên chắc chắn đã thắt chặt và bền vững.

Trở ngại duy nhứt để hai bên Việt-Mỹ tiến tới hợp tác “đồng minh” vẫn là là chế độ chính trị.

Cho dầu Mỹ đã tỏ thái độ “nhìn nhận và tôn trọng chế độ chính trị của VN” nhưng chính điều này đã ngăn cản tầm nhìn về tương lai của hai bên.  

VN không phải là “vua dầu hỏa” Ả Rập, hay làm chủ những hải lộ cực kỳ quan trọng Malacca hay Suez… để treo giá làm cao.
Mỹ có thế "chống" TQ với những đồng minh truyền thống của họ. Điều Mỹ mong muốn là VN không đứng về TQ để chống lại Mỹ. Việc gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương (có điều kiện) cho phép Mỹ gạt bỏ lo ngại này.

VN cũng có thể dùng vũ khí của Mỹ, bằng phương cách của mình, để bảo vệ lợi ích của mình ở biển Đông.

Điều chắc chắn là Mỹ sẽ thắng và VN sẽ thua.

Nếu lường được hệ quả (của việc thua trận), lãnh đạo VN cần phải biết mình phải làm gì bây giờ.


23-5

Quyền lợi kinh tế và tầm nhìn chiến lược tương đồng, nhưng chế độ chính trị lại là vật cản đã khiến cho quan hệ Mỹ-Việt từ hai thập niên qua vẫn không hoàn toàn cởi mở, theo lối lẩy kiều của phó TT Biden lúc đón Nguyễn Phú Trọng năm ngoái : "sương tan đầu ngõ, vén mây giữa trời".

Nhìn thái độ của Trần Đại Quang qua tấm hình lúc bắt tay với Obama trước cửa phủ chủ tịch. Ta thấy một Obama quen thuộc với nụ cười tươi tắn, bộ điệu cởi mở, trái ngược với gương mặt hắc ám của Trần Đại Quang. Một buổi lễ tiếp đón "quốc khách", không thể đơn sơ vài điệu kèn "đám ma", với gương mặt đưa đám của chủ nhà như vậy. Ta có cảm tưởng mây đen đang vần vũ trong quan hệ hai bên.

So với kỳ tiếp đón Tập Cận Bình, đại bác bắn 21 cú, tiếp theo là nghi thức duyệt hàng binh danh dự, cuối cùng đọc diễn văn ở quốc hội, biểu tượng tính quan trọng tối thượng của vị quốc khách. Ta thấy bên nào thân, bên nào sơ rõ rệt.

Obama tới Hà Nội lúc "phố đã lên đèn". Tiếp đón ông lèo tèo vài công chức hạng xoàng. Nổi bật là cô gái áo vàng với bó hoa tặng Obama. Theo tập quán Tây phương, hình thức, màu sắc bó hoa thể hiện phần nào tâm trạng của chủ nhà. Tấm hình không chụp rõ, chỉ thấy thiên hạ phê bình bó hoa lá nhiều hơn bông.

Nhưng vấn đề là không ai đến thăm nhà bạn ban đêm. Obama hẵn phải có chủ ý ghé Hà Nội lúc mọi người sắp ngủ. Bởi vì theo dự tính ban đầu, Obama sẽ đến sớm (mà đến Sài Gòn trước). Như đã viết trong một status trước, tôi cho rằng Obama ghé thăm VN một công hai chuyện, mà chuyện chính là tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật. Obama đã đi công du trên 50 quốc gia trong các nhiệm kỳ của ông. Nhà Trắng có cả một bộ sậu chuyên về nghi thức ngoại giao. Không hề có chuyện sơ suất từ phía Mỹ.

Cách VN tiếp đón vì vậy cũng "đúng tầm". Bó hoa lá nhiều hơn bông đã nói lên nhiều thứ. Nghi lễ vắn tắt, không có đại bác đón chào, không có hàng quân danh dự đúng nghĩa như thường lệ để hai nguyên thủ đi duyệt binh.

Bởi vì chuyến đi của Obama không phải là chuyến đi "chính thức", theo nghĩa ngoại giao là "công du". Việt Nam không phải là cái đích.

Thái độ chủ nhà, biểu lộ qua gương mặt hãm tài của Trần Đại Quang, ta thấy rõ có gì đó một sự bất bình.

VN muốn tiếp đón Obama như là "quốc khách", với những nghi lễ phải có, mà Obama không đồng ý. Bởi vì Obama không muốn "bảo kê" cho bộ sậu "chính phủ lâm thời", lên nắm quyền qua một thủ tục vi hiến.  

VN có thể quan trọng trong bàn cờ chiến lược của Mỹ, nhưng nguyên tắc là nguyên tắc. Obama không thể phá vỡ những nguyên tắc, những thứ đã tạo nên nước Mỹ cũng như cái "trật tự" gọi là "Pax Americana", thiết lập từ sau Thế chiến thứ II.   

Dầu vậy, nghi lễ đôi khi là chuyện rất phụ, so với những gì sẽ được hai bên ký kết.

Nhưng mọi mặt VN đều ở “thế kém”, cần Mỹ hơn Mỹ cần VN.

Về kinh tế, VN đang cầu khẩn để tài phiệt Mỹ đầu tư. Nhưng trở ngại là vấn đề “pháp lý”. Mỹ đang hối thúc VN thông qua TPP để nước này thay đổi hệ thống pháp lý cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Tư bản Mỹ đầu tư vào VN vẫn khiêm nhường, so với Đài loan Singapour, Nam Hàn, TQ… Bởi vì tài phiệt Mỹ có lối làm ăn minh bạch, trọng luật… không quen lối làm ăn chụp giựt, hối lộ, đi đêm... ở VN (như các tài phiệt gốc Hoa). Mà muốn thay đổi hệ thống pháp lý thì phải thay đổi hệ thống chính trị.

Về quốc phòng, lộ liễu hơn cả, VN cần mua vũ khí tối tân của Mỹ để bổ túc cho hệ thống phòng thủ biển của mình. Khó khăn là VN vẫn là một nước độc tài đảng trị, có ý thức hệ rập khuôn với TQ, là đối thủ (đang cạnh tranh) chiến lược với Hoa Kỳ. Muốn mua được vũ khí của Mỹ, VN phải thay đổi chế độ, một cách nói khác của việc “tôn trọng nhân quyền”.

Mỹ không cần VN là đồng minh của mình để đối phó với TQ ở Châu Á. Với những đồng minh truyền thống Nhật, Nam Hàn, Phi… cùng với các nước cạnh tranh chiến lược với TQ như Ấn Độ, Indonesia… Mỹ thừa sức kềm chân, thậm chí “phân liệt” TQ. Điều Mỹ không muốn là VN đứng trong hàng ngũ của TQ.

Từ sau khi hai bên thiết lập bang giao, 21 năm, lòng dân VN đã thay đổi lớn lao. Không có thống kê chính thức nào để khẳng định (hay phủ định) nhưng khuynh hướng thân Mỹ (và bài Hoa) đã lên cao trong dân chúng. Tình bạn của nhân dân hai bên chắc chắn đã thắt chặt và bền vững.

Trở ngại duy nhứt để hai bên Việt-Mỹ tiến tới hợp tác “đồng minh” là chế độ độc tài đảng trị. Cho dầu Mỹ đã tỏ thái độ “nhìn nhận và tôn trọng chế độ chính trị của VN” nhưng chính điều này đã ngăn cản tầm nhìn về tương lai của hai bên.  

Bộ sậu mới lên lãnh đạo VN (vi hiến) càng làm cho tình hình thêm “bi đát”. VN không phải là “vua dầu hỏa” Ả Rập, hay làm chủ những hải lộ cực kỳ quan trọng Malacca hay Suez… để treo giá làm cao.

Người ta có thể mong chờ gì đối tác “đồng minh” Việt-Mỹ ? Sẽ là ảo tưởng nếu chế độ chính trị không thay đổi.

Mỹ sẽ chống TQ với những đồng minh truyền thống của họ. Còn VN cũng có thể chống TQ bằng phương cách của mình để bảo vệ lợi ích của mình ở biển Đông. Điều chắc chắn là Mỹ sẽ thắng TQ nhưng VN chắc chắn sẽ thua TQ.

Nếu lường được hê quả của việc thua TQ, lãnh đạo VN cần phải biết mình phải làm gì bây giờ.

dimanche 22 mai 2016

Góp ý với "học giả" Ngô Vĩnh Long

Ông "học giả" Ngô Vĩnh Long phê bình trên BBC rằng "nhiều người không hiểu chuyến đi của Obama".

Mèn! Có chắc là ông "học giả" hiểu nhiều hơn người ta không mà "phán" như vậy ?.

Ông "học giả" cho rằng chuyến đi kỳ này của Obama là "quan trọng" vì Obama "không bận tâm chính trị nhứt thời". Ông "học giả" so sánh chuyến đi này tương tự chuyến đi của Bill Clinton năm 2000, mục tiêu là "đặt nền tảng lâu dài".

Nhắc lại các chuyến đi thăm VN của các Tổng thống tiền nhiệm.

Chuyến đi của Clinton tháng 11 năm 2000 được đánh giá là một mốc quan trọng trong quan hệ Việt Mỹ, mà thực tế là cho VN.

Clinton đồng ý thiết lập lại bang giao với VN năm 1995. Từ đó đến nay ta thấy thiện chí của Mỹ đối với VN là hết lòng. Về kinh tế, hàng hóa VN được tuồng vào thị trường Mỹ. Trao đổi hai bên từ 200 triệu năm 1995, lên đến 41,5 tỉ năm 2015, trong đó VN xuất siêu 25,5 tỉ. Mỹ cũng đã giúp cho VN nhiều mặt khác, như thả lỏng chính sách kiểm soát tiền tệ, giúp cho người Việt ở Mỹ gởi về VN hàng năm lên đến trên 10 tỉ đô la. Ủng hộ VN vào WTO từ những năm 2000 (trì trệ là do VN). Ngoài ra, các mặt khác về văn hóa, giáo dục... Mỹ cũng mở rộng vòng tay, như các việc mở trường hay tiếp đón sinh viên VN sang du học. Nhiều học bỗng sáng giá đã được trao cho nhiều sinh viên VN. Mỹ cũng đang thực hiện các công tác (trên thực địa) nhằm khôi phục lại các vùng đất hoặc bị ô nhiễm chất dioxine, hoặc bị bom mìn... Ngay cả về quốc phòng, trong lúc VN bị TQ bức hiếp về các vấn đề Biển Đông, Hoa Kỳ cũng lên tiếng bênh vực VN, thậm chí viện trợ tàu bè tuần duyên cho VN.

Yêu sách của lãnh đạo CSVN, khó khăn nhứt, cũng được Mỹ đáp ứng vô điều kiện.
Đó là việc nhìn nhận chế độ chính trị của VN. Từ điểm này, từ nay lãnh đạo VN có thể gọi Obama là "đồng chí", "đồng chí Obama" mà không ai phiền hà.

Đổi lại, Hoa Kỳ chỉ yêu cầu VN tôn trọng nhân quyền.

Biết bao lần cam kết, biết bao lần tuyên bố... Xét lại nội dung các tuyên bố, các kết ước... VN chưa bao giờ đáp ứng lại Hoa Kỳ ở bất cứ một điểm nào về "nhân quyền".
Tính từ năm 1995, thời điểm Clinton thiết lập bang giao với VN, 21 năm là quá dài.
Xây dựng "niềm tin chiến lược" là hai bên cần phải có thiện chí. Mỹ đã mở hết lòng của mình cho VN. VN lại đóng của hoàn toàn trước những kêu gọi của Mỹ. Bây giờ VN muốn Mỹ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương.

Nếu so sánh với TQ, sau Hội nghi Thành đô 1990, VN đã thỏa mãn tất cả những yêu sách của TQ, trên mọi phương diện: kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục... Xem lại các "Tuyên bố chung" giữa hai bên, ta thấy VN đã cam kết hợp tác với TQ ở nhiều lãnh vực mà những người có trí tuệ trung bình cũng thấy chủ quyền của VN bị xâm phạm ngiêm trọng.

Quan hệ kinh tế, VN thâm thủng kinh niên, năm này nhiều hơn năm trước. Dựa trên số thống kê của TQ thì năm 2015 VN nhập siêu 43 tỉ đô la. Trong nước, hầu hết các dự án xây dựng đều do nhà thầu TQ nắm. Về chính trị, đảng CSVN vẫn là một "chi nhánh", chịu sự thần phục đảng CSTQ. Mọi chỗ, mọi nơi, mọi lãnh vực... đều thấy bóng của người TQ.

"Niềm tin chiến lược" giữa VN và Mỹ xây dựng mãi không xong. Còn quan hệ giữa VN và TQ, thực tế còn trên cả chiến lược.

TQ kiểm soát VN ngay cả những người lãnh đạo thượng tầng.

Không phải Mỹ không thấy việc này.

Năm 2006, G.W. Bush thăm VN. Chuyến thăm này "một công hai chuyện". Hội nghị APEC tổ chức tại Hà Nội. Quan hệ Việt-Mỹ được thiết lập từ thời Clinton, Bush "kế thừa" và thúc đẩy, kết quả vẫn không thấy đâu.

Sang đến thời Obama, quan hệ Việt-Mỹ vẫn vậy. Vẫn là cán cân lệch một bên. Nếu không nhờ thặng dư xuất được từ Mỹ, VN lấy đâu ngoại tệ để bù đắp cho thâm thủng với TQ? VN được mọi thứ mà VN muốn.

Cái "nền tảng lâu dài" của Obama mà "học giả" Ngô Vĩnh Long so sánh với "công trình dài hơi" của Bill Clinton, nó là cái gì ?

Thực tế nó không là cái gì hết. TPP, nội hàm là kinh tế, thì còn mãi đàng xa. Mà TPP "mở rộng" là công trình của Bush, từ tháng 9 năm 2008.

Như hai thập niên trước, điều duy nhứt mà Mỹ muốn thấy : VN phải tôn trọng nhân quyền (để đổi lấy vũ khí sát thương).

Chưa bao giờ VN đáp ứng điều này. Thực tế mới đây còn cho thấy, các cuộc bầu cử, các cuộc đàn áp, bắt bớ những nhà dân chủ... VN ngày càng khắc khe trong vấn đề nhân quyền. Viên Chủ tịch nước vừa lên, ông Trần Đại Quang, vốn xuất thân là công an. Tương lai nhân quyền VN càng thêm u ám.

Các nhà xây dựng chính sách của Hoa Kỳ không phải là "đui mù" để không thấy việc này. Vấn đề là trước một TQ "quang phục" với tham vọng bá quyền, muốn thiết lập lại đế quốc Trung Hoa bao la như trước thế kỷ 19. Thì trong khu vực chỉ có VN là con cờ duy nhứt có thể ngăn cản tham vọng trỗi dậy này của TQ.

"Niềm tin chiến lược", đối với Hoa Kỳ, là niềm tin vào khả năng ngăn chặn được sự bành trướng vũ trang của TQ. Nhưng đối với VN, "niềm tin chiến lược" là khả năng tự vệ, bằng vũ khí của Hoa Kỳ, răn đe TQ để bảo vệ Biển Đông.

Chuyến đi của Obama, cũng như chuyến đi của G.W Bush, không có gì là "quan trọng", là "nền tảng lâu dài" như "nhà học giả" nghĩ.

Bởi vì quan trọng hay không là thái độ của VN chớ không phải thái độ của Mỹ.

Cho dầu mục đích khác nhau, thì "niềm tin chiến lược" của hai bên cũng trùng lặp, là VN có thực sự muốn "thoát Trung" hay không ?

Và bằng chứng "thoát Trung" là gì nếu không phải là "tôn trọng nhân quyền" ?

Tôn trọng nhân quyền bắt buộc VN phải thay đổi thể chế, làm lại luật lệ cho phù hợp với quan niệm của quốc tế. VN phải khác TQ về thể chế chính trị mới có thể "thoát Trung". Mới chứng minh được "niềm tin" với Mỹ.

Có thể chuyến đi này, để làm ra vẻ "quan trọng", Obama ra tuyên bố bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương.

Nhưng một VN độc tài, có đủ vũ khí trong tay, sẽ trở thành một đe dọa cho khu vực. ASEAN và các nước khác sẽ không hài lòng. Cho dầu việc gỡ bỏ lệnh cấm vận được gài thêm khoản Quốc hội Mỹ có thể ngăn cản mọi việc mua bán vũ khí với VN bất kỳ lúc nào.

Quan hệ giữa Mỹ và các nước trong khu vực sẽ bị đặt lại. Phía có lợi là TQ chớ không phải Mỹ.

Thực tế "nền tảng" cũng như "di sản" của Obama (mà nhà học giả có nói) không có gì, ngoài việc từ nay lãnh đạo CSVN có thể gọi Obama là "đồng chí".

lundi 16 mai 2016

Góp ý với GS Vũ Cao Phan

GS Vũ Cao Phan trong bài viết trên BBC đặt vấn đề tương quan giữa vũ khí và nhân quyền với ông trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ Tom Malinowski. Tiền đề và kết luận của GS Phan có thể tóm lược trong câu :


"Việt Nam không hề muốn chủ động chơi dao, chơi súng. Chiến lược của Việt Nam là phòng thủ, vũ khí là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ đất nước mình. Xét cho cùng, chiến tranh của Việt Nam là chiến tranh bảo vệ nhân quyền, các bạn có đồng ý vậy không?"


Câu hỏi (có vẻ) đặt ra cho ông Trợ lý Malinowski, nhưng vì bài viết đăng trước công chúng, do đó mọi người đều có thể có ý kiến.


Ý kiến của tôi là không đồng ý.


Làm sao người ta có thể tin được thiện chí "hòa bình" của một tập đoàn chính trị là đảng CSVN, vốn được sinh ra, lớn lên, cướp được (và giữ được) quyền lực quốc gia chỉ nhờ ở họng súng ?

Trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, 1945-1979, ngoài cuộc nội chiến tương tàn, CSVN còn đã xung đột chiến tranh với ba nước lớn và một nước nhỏ: Pháp, Mỹ, Trung Cộng và Kampuchia. Trang bị chủ nghĩa Mác-Lê nin trong đầu và cây AK trên tay, tập đoàn CSVN sẵn sàng gây chiến với bất kỳ quốc gia nào trong khu vực.


Đảng CSVN đã đưa đất nước và dân tộc làm kẻ thù của tất cả các nước khác trong khu vực Châu Á, chưa nói các nước tư bản Âu, Mỹ.


Nói là chiến tranh là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ đất nước mình. Vấn đề là người ta có thể bảo vệ nhân dân và đất nước mà không cần chiến tranh.


Các cuộc chiến tranh này đều có thể tránh được.


Đảng CSVN lựa chọn phương pháp bạo lực chiến tranh bởi vì đó là cách tốt nhứt để họ cướp và giữ "chính quyền".


Máu xương và của cải người Việt đổ ra cho các cuộc chiến thật là phung phí.


Về nội bộ, cùng khoảng thời gian đó, đảng CSVN đã liên tục tạo chiến tranh, tâm lý và vũ trang, với ngay chính nhân dân của mình.


Ở miền Bắc, là các cuộc chiến tranh (tâm lý) Cải cách Ruộng đất, Nhân văn Giai phẩm... cuộc chiến vũ lực xâm lược miền Nam... kết quả 4 triệu người chết trong khi nạn nhân liên đới thì vô số, không thể đếm hết.


Cuối cùng nhà nước VN hôm nay trở thành một nhà nước "công an trị". Cho dầu GS Vũ Cao Phan có biện hộ, cho đó là "một nền pháp trị thiếu minh bạch".


Bởi vì có "thiếu minh bạch" tới mức nào thì trong một nhà nước pháp trị mọi quyền lực trong bộ máy nhà nước vẫn phải phục tùng luật pháp.


Đảng CSVN không phục tùng luật pháp. Đơn giản vì đảng này có tư cách "siêu pháp nhân”, đứng trên hiến pháp. Đảng không hề bị ràng buộc về trách nhiệm hay chịu ảnh hưởng của luật lệ.


Với một quá khứ (nặng nề) như vậy, ta có thể tin tưởng ở thiện chí "hòa bình" của đảng CSVN hay không ?


GS Vũ Cao Phan cho rằng chiiến tranh của Việt Nam là chiến tranh "bảo vệ nhân quyền".


Ý kiến về "nhân quyền" của GS Phan cũng thật là "phức tạp":


"Cùng với dân chủ, (nhân quyền) là những giá trị toàn cầu, nhưng trước hết đó là giá trị Mỹ, một quốc gia đã phát triển trước Việt Nam nếu không muốn nói là hàng trăm năm thì ít nhất cũng dăm chục năm."


Nếu đã nhìn nhận "nhân quyền và dân chủ là những giá trị toàn cầu", tức là của toàn thể nhân loại, thì không thể nào phân biệt "dân chủ giá trị của Mỹ" hay "nhân quyền giá trị của Việt Nam" !


Vấn đề là VN có tôn trọng các "giá trị toàn cầu" này hay không ?


Câu trả lời dĩ nhiên là không!


Đảng CSVN đã chủ trương chiến tranh để giải quyết mọi xung đột với lân bang và sử dụng bạo lực để cai trị đất nước. Mọi tư tưởng về dân chủ, mọi quyền con người của người dân VN đều bị CSVN dùng vũ lực trấn áp.


GS Vũ Cao Phan giải thích về "nhân quyền" :


"Với một số người, nhân quyền là quyền được phát ngôn, quyền được tự do tư tưởng, được bày tỏ chính kiến, nhưng với đa số dân chúng, những người còn chưa đủ ăn đủ mặc, đời sống vật chất và tinh thần nghèo nàn thì nhân quyền lại mang nội dung khác, thậm chí người ta không quen gọi những vấn đề thiết thực đó là nhân quyền."


Dĩ nhiên là sai. Vì khi đã nhìn nhận "nhân quyền" là giá trị toàn cầu thì nó chỉ có một cách diễn giải. Bổn phận của "trí thức" là giảng giải một cách đúng đắn ý nghĩa các khái niệm này cho người dân.


Đảng CSVN một mặt sử dụng bạo lực để trấn áp, mặt khác chủ trương "ngu dân" để dễ cai trị.


Miền Nam là nạn nhân của chính sách ngu dân từ 1975 đến nay.


Dân ngu, dĩ nhiên họ không biết gì về "nhân quyền" với "dân chủ" mà chỉ biết đến cái ăn.


Dân ngu và dân nghèo đều là hệ quả của các chính sách cai trị của đảng CSVN.


Bây giờ, trước sự lấn lướt của TQ ở Biển Đông, rõ ràng VN có "nhu cầu" vũ trang để tự vệ.


Người Việt bị đặt trước một "dilemme", vừa muốn Mỹ áp lực để CSVN tôn trọng nhân quyền, vừa muốn Mỹ giỡ bỏ cấm vận để VN có thể mua vũ khí tự vệ.


Vấn đề là tranh chấp Biển Đông với TQ, CSVN tự đặt mình vào "cửa tử".


Nhà nước tiền nhiệm VNDCCH, vì muốn được TQ viện trợ vũ khí "chống Mỹ", lãnh đạo VNDCCH đã nhượng HS và TS cho TQ. Nhà nước CHXHCNVN tiếp nối có nghĩa vụ phải thực hiện những hứa hẹn này.


Nhà nước CSVN hiện nay muốn Mỹ giúp vũ khí, chuẩn bị sử dụng chiến tranh để giải quyết tranh chấp với TQ.


Đảng CSVN có thể thoát khỏi "cửa tử" bằng cách "kế thừa VNCH".


Kế thừa danh nghĩa VNCH, áp dụng nội dung các hiệp ước Genève 1954 và Paris 1973, các kết ước trước kia của VNDCCH trở thành vô hiệu lực.


Tức là vấn đề tranh chấp Biển Đông vẫn còn phương pháp (hòa bình) để giải quyết. Sau khi làm thủ tục kế thừa danh nghĩa VNCH, VN có thể kiện TQ ra một Tòa án quốc tế.


Đề nghị này tôi đưa ra từ lâu nhưng đảng CSVN đã bác bỏ.


Đã là thói quen, đảng CSVN muốn sử dụng chiến tranh để giải quyết tranh chấp với TQ.
Theo tôi là không nên. VN có thể mất hết, và mất thêm nhiều thứ khác.


Lợi bất cập hại. Đất nước và dân tộc này đã nát bấy, đã nghèo và hèn, vừa do chiến tranh, vừa do các chính sách cai trị của đảng CSVN.


Chủ trương của tôi là Mỹ không nên gỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương, cho tới khi nào nhà nước này thể hiện đúng mức việc tôn trọng nhân quyền. Đúng như nội dung các công ước mà họ đã ký kết trước quốc tế.

jeudi 12 mai 2016

Obama đi thăm Việt Nam để làm gì ?

Chuyến viếng thăm Việt Nam của TT Obama đã lên lịch trình, từ ngày 22 đến ngày 25 tháng 5 năm 2016. Mục đích chuyến đi Obama, BBC đăng tải hôm 10 tháng 5, là nhằm "thảo luận (với lãnh đạo VN) cách thức làm sao cho Quan hệ Đối tác Toàn diện Mỹ-Việt có thể thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực rộng lớn, trong đó có các chủ đề kinh tế, quan hệ giữa người dân hai bên, an ninh, nhân quyền và các chủ đề toàn cầu và khu vực."

Khác với các chuyến viếng thăm mang tính cách biểu tượng trước đây của hai vị tổng thống tiền nhiệm B. Cliton và G.W. Bush, đánh dấu những bước biến chuyển quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Chuyến đi của Obama kỳ này rõ ràng chỉ là chuyến "đi chơi", không nói lên được cái gì cụ thể. Bởi vì nếu để nói chuyện về "thủ tục" nhằm "thúc đẩy sự hợp tác" giữa hai nước thì không cần đến tổng thống thân chinh. Những chuyện thương thảo như vậy là chuyện của các nhà ngoại giao tầm trung.  

Chuyện xem ra là trọng đại, hiệp ước TPP, về thực chất thì trái banh đang nằm trong chân của Hoa Kỳ, mà Obama không phải là người sẽ đá. Quyết định sẽ ở vị tổng thống sắp tới của Hoa Kỳ. Nếu là bà Hillary Clinton, quan điểm của bà là không "mặn mà" với nội dung hiện thời của hiệp ước. Còn nếu tổng thống là ông Trump, TPP chắc sẽ không có mặt của Hoa Kỳ.

Chuyện trọng đại khác (đối với VN) là việc Mỹ cởi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Theo tin tức báo chí đã loan tải thì việc này sẽ không xảy ra. Lý do (bề mặt) là tình trạng nhân quyền ở VN ngày một thêm tệ.

Thực ra khách hàng "nghèo" như VN không phải là đối tượng của tài phiệt Mỹ. Vấn đề "chiến lược" mới là then chốt để Mỹ có thể "cho không" VN những thứ vũ khí sát thương cần thiết. Nhưng điều này thì hai bên vẫn còn trong tình trạng "xây dựng niềm tin". Lập trường của VN, ngả về đâu vẫn không rõ rệt. Phe thân Tàu hơn lúc nào hết khuynh đảo VN, không chỉ về kinh tế, mà còn cả chính trị, quốc phòng... Thậm chí ngay trong nội bộ đảng CSVN. Bán (hay viện trợ) vũ khí sát thương cho VN, đối với Mỹ là điều không lường được trong tương lai.

Còn vấn đề Biển Đông, chuyện sinh tử đối với VN, thì quốc phòng Mỹ đã làm tối đa những gì mà họ có thể làm.

Lập trường của Mỹ, từ sau Thế chiến thứ II đến nay, là không ủng hộ nước nào có chủ quyền ở các quần đảo HS và TS. Quyền lợi của nước này ở Biển Đông là quyền tự do đi lại (hải hành và không lưu). Các việc tàu chiến của Mỹ đi vào vòng 12 hải lý các đảo nhân tạo, như vừa rồi ở bãi Chữ Thập, là tôn trọng nội dung Luật Biển 1982. Theo bộ Luật này, một đảo nhân tạo chỉ có "vùng an toàn" tối đa là 500 mét tính từ bờ.

Điều đáng lẽ VN phải làm, cho dầu phải nhượng bộ Mỹ dưới bất kỳ hình thức nào, (ngay cả việc đảng CSVN giải tán hay đảng viên CSVN phải tự sát tập thể), là việc Mỹ nhìn nhận chủ quyền của VN tại HS và TS. Điều này xảy ra thì việc bảo vệ lãnh thổ của VN, cũng như vùng biển của mình, tại HS và TS sẽ dễ dàng hơn. Nhưng CSVN đã không làm bất kỳ điều gì trong chiều hướng này. Đảng CSVN đặt quyền lợi của đảng lớn hơn quyền lợi của đất nước và dân tộc, vì vậy nguy cơ mất trắng biển đảo của VN cho TQ là điều sẽ đến.

Về các vấn đề "mở rộng dân chủ" mà VN đã nhiều lần hứa hẹn với Hoa Kỳ, như ở Bản Tuyên bố Sunnylands tháng hai vừa rồi. Khoản 4 Tuyên bố có nội dung:

"4. Chúng tôi cam kết đảm bảo cơ hội cho tất cả người dân chúng ta, thông qua tăng cường dân chủ, quản trị tốt và tuân thủ các quy định của pháp luật, thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và quyền tự do cơ bản, khuyến khích tinh thần khoan dung, ôn hòa, và bảo vệ môi trường;"

Thực tế xảy ra vừa rồi cho các cá nhân ứng cử tự do là bằng chứng của cam kết "tăng cường dân chủ" của lãnh đạo CSVN. Các cuộc "hiệp thương bầu cử" thực chất chỉ là các cuộc "đấu tố" man rợ của thời cách mạng vô sản sơ khai. Mục đích của nó là cho "dư luận viên", một hình thức mới của cán bộ "agitprop - xách động và tuyên truyền" thập niên 50, 60... của thế kỷ trước, nhằm nhục mạ, phỉ báng đời tư cá nhân... để khủng hoảng tâm lý và xáo trộn đời sống của những người ứng cử tự do.

Về vấn đề pháp lý mà Hoa Kỳ hy vọng VN thay đổi để phù hợp với thế giới văn minh mà điều này đã trở thành ảo tưởng.

Bởi vì, CSVN đã vi phạm luật pháp, chà đạp luật pháp ngay ở những điều cơ bản.

Vừa rồi VN đã thay đổi nhân sự giữa dòng. Các ông chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội nhiệm kỳ trước đã bị "miễn nhiệm" bằng một thủ tục vi hiến. Đây là bằng chứng cụ thể cho cái "thiện chí" xây dựng "nhà nước pháp quyền" của CSVN.

Đại diện nhà nước VN hiện nay, các ông bà Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân đều không chính danh.

Hoa Kỳ là một nước gương mẫu về dân chủ pháp trị. Tùy theo lễ nghi tiếp đón, có thể Obama lại "bảo kê" cho tính chính đáng cho những người mới được thụ phong này.

Về nhân quyền, nhà nước CSVN bao giờ cũng hung bạo đối với những người lên tiếng tranh đấu cho dân chủ, về quyền con người. Điều này không hề thay đổi, từ thâp niên 90, thời các nhà hoạt động tiên phong Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình... cho đến các vị Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Già... ngày hôm nay. Lãnh đạo CSVN luôn sử dụng "nhân quyền", dùng con tin nhân quyền để trao đổi quyền lợi với Hoa Kỳ.

Điều này tiếp tục xảy ra, Hoa Kỳ có thể bán cả gian sơn nước Mỹ cũng không đủ để trao đổi với CSVN. Họ thả một người, bắt hai người. Điều này chưa bao giờ thay đổi.

Còn các vấn đề "khoan dung, ôn hòa, bảo vệ môi trường", đã ghi trong bản Tuyên bố, thì những gì đã xảy ra ở VN hiện nay là bằng chứng cụ thể.

Lãnh đạo CSVN vừa ký kết đó thì cũng vừa vi phạm đó.  

Tôi nghĩ rằng chuyến đi VN của Obama, là chuyến "đi chơi". VN thực tế chỉ là trạm ngừng, một công hai chuyện, mà mục đích chính chuyến đi của Obama là tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ tổ chức tại Nhật vào cuối tháng 5.

Nhưng đối với một tổng thống đã từng mệnh danh là "gà rót", thì điều gì cũng có thể xảy ra.

Diễn tiến việc tiếp đãi của VN đối với Obama, tại Sài Gòn trước hay ở Hà Nội trước, sẽ cho ta biết thái độ của nhà nước Hoa Kỳ đối với tập đoàn lãnh đạo mới của VN.



jeudi 5 mai 2016

Để lại gì cho con cháu mai sau ?

Đất nước mình rồi sẽ về đâu
Bốn ngàn năm dân không chịu lớn
Ngàn năm trước con trâu đi trước
Ngàn năm sau theo đảng kéo cày

Đất nước mình rồi sẽ về đâu
Bao trí thức cái đầu không mở
Bốn thập niên chập chờn thức ngủ
Trong giấc mơ “đứng dậy sáng lòa”

Hỡi những “anh hùng” mới hôm qua
Cuba, Afghanistan, Việt Nam, IS...
Thắng Mỹ, Nga… thực dân, đế quốc...
Rồi về đâu, dân tộc về đâu...

Học được gì những cuộc bể dâu   
Nước Nhật, nước Đức… là bằng chứng
Thua nhục nhã tưởng không thể đứng
Mà hôm nay “vùng dậy sáng lòa”

Đất nước mình rồi sẽ về đâu
Khi tất cả sống bằng bánh vẽ
Bốn ngàn năm mơ hồ số lẻ
Trong chén cơm thực tế âu lo

Đất nước mình rồi sẽ về đâu
Rừng đã hết và biển đã chết
Ruộng đất khô, sông hồ cạn nước
Còn mắt người ướt đẫm hoang tàn

Đất nước mình về đâu, về đâu…
Lãnh đạo một tập đoàn mông muội
Chung quanh một lũ bồi luồn cúi
Bút phun ra nọc độc thay lời

Đất nước mình về đâu, về đâu
Chung quanh ta là rồng, là hổ…
Nhìn lại, ta chưa hề mắc cỡ
Vẫn ễnh ương muốn lớn hơn bò
Đất nước mình về đâu, về đâu
Khi dối trá mệnh danh trí thức
Khi đảo lộn luân thường, đạo đức
Trong đời thường cái ác lên ngôi…

Đất nước rồi tan rã em ơi !
Tổ quốc không còn gì níu kéo
Tổ quốc có nghĩa là cường bạo
Vì Tổ quốc đã bị tiếm danh...


Để lại gì cho con cháu mai sau
Giấy nợ đã giao từ bụng mẹ
Bản di chúc hoang đường sách sử
Mối oan thù mấy kiếp chưa tan