lundi 16 mai 2016

Góp ý với GS Vũ Cao Phan

GS Vũ Cao Phan trong bài viết trên BBC đặt vấn đề tương quan giữa vũ khí và nhân quyền với ông trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ Tom Malinowski. Tiền đề và kết luận của GS Phan có thể tóm lược trong câu :


"Việt Nam không hề muốn chủ động chơi dao, chơi súng. Chiến lược của Việt Nam là phòng thủ, vũ khí là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ đất nước mình. Xét cho cùng, chiến tranh của Việt Nam là chiến tranh bảo vệ nhân quyền, các bạn có đồng ý vậy không?"


Câu hỏi (có vẻ) đặt ra cho ông Trợ lý Malinowski, nhưng vì bài viết đăng trước công chúng, do đó mọi người đều có thể có ý kiến.


Ý kiến của tôi là không đồng ý.


Làm sao người ta có thể tin được thiện chí "hòa bình" của một tập đoàn chính trị là đảng CSVN, vốn được sinh ra, lớn lên, cướp được (và giữ được) quyền lực quốc gia chỉ nhờ ở họng súng ?

Trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, 1945-1979, ngoài cuộc nội chiến tương tàn, CSVN còn đã xung đột chiến tranh với ba nước lớn và một nước nhỏ: Pháp, Mỹ, Trung Cộng và Kampuchia. Trang bị chủ nghĩa Mác-Lê nin trong đầu và cây AK trên tay, tập đoàn CSVN sẵn sàng gây chiến với bất kỳ quốc gia nào trong khu vực.


Đảng CSVN đã đưa đất nước và dân tộc làm kẻ thù của tất cả các nước khác trong khu vực Châu Á, chưa nói các nước tư bản Âu, Mỹ.


Nói là chiến tranh là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ đất nước mình. Vấn đề là người ta có thể bảo vệ nhân dân và đất nước mà không cần chiến tranh.


Các cuộc chiến tranh này đều có thể tránh được.


Đảng CSVN lựa chọn phương pháp bạo lực chiến tranh bởi vì đó là cách tốt nhứt để họ cướp và giữ "chính quyền".


Máu xương và của cải người Việt đổ ra cho các cuộc chiến thật là phung phí.


Về nội bộ, cùng khoảng thời gian đó, đảng CSVN đã liên tục tạo chiến tranh, tâm lý và vũ trang, với ngay chính nhân dân của mình.


Ở miền Bắc, là các cuộc chiến tranh (tâm lý) Cải cách Ruộng đất, Nhân văn Giai phẩm... cuộc chiến vũ lực xâm lược miền Nam... kết quả 4 triệu người chết trong khi nạn nhân liên đới thì vô số, không thể đếm hết.


Cuối cùng nhà nước VN hôm nay trở thành một nhà nước "công an trị". Cho dầu GS Vũ Cao Phan có biện hộ, cho đó là "một nền pháp trị thiếu minh bạch".


Bởi vì có "thiếu minh bạch" tới mức nào thì trong một nhà nước pháp trị mọi quyền lực trong bộ máy nhà nước vẫn phải phục tùng luật pháp.


Đảng CSVN không phục tùng luật pháp. Đơn giản vì đảng này có tư cách "siêu pháp nhân”, đứng trên hiến pháp. Đảng không hề bị ràng buộc về trách nhiệm hay chịu ảnh hưởng của luật lệ.


Với một quá khứ (nặng nề) như vậy, ta có thể tin tưởng ở thiện chí "hòa bình" của đảng CSVN hay không ?


GS Vũ Cao Phan cho rằng chiiến tranh của Việt Nam là chiến tranh "bảo vệ nhân quyền".


Ý kiến về "nhân quyền" của GS Phan cũng thật là "phức tạp":


"Cùng với dân chủ, (nhân quyền) là những giá trị toàn cầu, nhưng trước hết đó là giá trị Mỹ, một quốc gia đã phát triển trước Việt Nam nếu không muốn nói là hàng trăm năm thì ít nhất cũng dăm chục năm."


Nếu đã nhìn nhận "nhân quyền và dân chủ là những giá trị toàn cầu", tức là của toàn thể nhân loại, thì không thể nào phân biệt "dân chủ giá trị của Mỹ" hay "nhân quyền giá trị của Việt Nam" !


Vấn đề là VN có tôn trọng các "giá trị toàn cầu" này hay không ?


Câu trả lời dĩ nhiên là không!


Đảng CSVN đã chủ trương chiến tranh để giải quyết mọi xung đột với lân bang và sử dụng bạo lực để cai trị đất nước. Mọi tư tưởng về dân chủ, mọi quyền con người của người dân VN đều bị CSVN dùng vũ lực trấn áp.


GS Vũ Cao Phan giải thích về "nhân quyền" :


"Với một số người, nhân quyền là quyền được phát ngôn, quyền được tự do tư tưởng, được bày tỏ chính kiến, nhưng với đa số dân chúng, những người còn chưa đủ ăn đủ mặc, đời sống vật chất và tinh thần nghèo nàn thì nhân quyền lại mang nội dung khác, thậm chí người ta không quen gọi những vấn đề thiết thực đó là nhân quyền."


Dĩ nhiên là sai. Vì khi đã nhìn nhận "nhân quyền" là giá trị toàn cầu thì nó chỉ có một cách diễn giải. Bổn phận của "trí thức" là giảng giải một cách đúng đắn ý nghĩa các khái niệm này cho người dân.


Đảng CSVN một mặt sử dụng bạo lực để trấn áp, mặt khác chủ trương "ngu dân" để dễ cai trị.


Miền Nam là nạn nhân của chính sách ngu dân từ 1975 đến nay.


Dân ngu, dĩ nhiên họ không biết gì về "nhân quyền" với "dân chủ" mà chỉ biết đến cái ăn.


Dân ngu và dân nghèo đều là hệ quả của các chính sách cai trị của đảng CSVN.


Bây giờ, trước sự lấn lướt của TQ ở Biển Đông, rõ ràng VN có "nhu cầu" vũ trang để tự vệ.


Người Việt bị đặt trước một "dilemme", vừa muốn Mỹ áp lực để CSVN tôn trọng nhân quyền, vừa muốn Mỹ giỡ bỏ cấm vận để VN có thể mua vũ khí tự vệ.


Vấn đề là tranh chấp Biển Đông với TQ, CSVN tự đặt mình vào "cửa tử".


Nhà nước tiền nhiệm VNDCCH, vì muốn được TQ viện trợ vũ khí "chống Mỹ", lãnh đạo VNDCCH đã nhượng HS và TS cho TQ. Nhà nước CHXHCNVN tiếp nối có nghĩa vụ phải thực hiện những hứa hẹn này.


Nhà nước CSVN hiện nay muốn Mỹ giúp vũ khí, chuẩn bị sử dụng chiến tranh để giải quyết tranh chấp với TQ.


Đảng CSVN có thể thoát khỏi "cửa tử" bằng cách "kế thừa VNCH".


Kế thừa danh nghĩa VNCH, áp dụng nội dung các hiệp ước Genève 1954 và Paris 1973, các kết ước trước kia của VNDCCH trở thành vô hiệu lực.


Tức là vấn đề tranh chấp Biển Đông vẫn còn phương pháp (hòa bình) để giải quyết. Sau khi làm thủ tục kế thừa danh nghĩa VNCH, VN có thể kiện TQ ra một Tòa án quốc tế.


Đề nghị này tôi đưa ra từ lâu nhưng đảng CSVN đã bác bỏ.


Đã là thói quen, đảng CSVN muốn sử dụng chiến tranh để giải quyết tranh chấp với TQ.
Theo tôi là không nên. VN có thể mất hết, và mất thêm nhiều thứ khác.


Lợi bất cập hại. Đất nước và dân tộc này đã nát bấy, đã nghèo và hèn, vừa do chiến tranh, vừa do các chính sách cai trị của đảng CSVN.


Chủ trương của tôi là Mỹ không nên gỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương, cho tới khi nào nhà nước này thể hiện đúng mức việc tôn trọng nhân quyền. Đúng như nội dung các công ước mà họ đã ký kết trước quốc tế.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.