dimanche 23 décembre 2012

Quyền lịch sử nào của Trung Quốc tại biển Đông ?


« Quyền lịch sử - droit historique » 
Thuật ngữ « quyền lịch sử » có lẽ lần đầu sử dụng tại một số nước Châu Phi sau khi Thế chiến thứ II chấm dứt. Nguyên nhân bắt nguồn từ hậu quả các cuộc phân định biên giới tự tiện nhằm phân chia vùng ảnh hưởng giữa các đế quốc thực dân như Anh, Pháp.
Lục địa Phi Châu, ngoại trừ một phần nhỏ vùng Cận và Trung Đông (biên giới giữa Ba Tư và đế quốc Ottoman được phân định từ năm 1639), biên giới tại đây hầu hết chỉ được phân định trong khoản thời gian ngắn ngũi từ năm 1885 đến năm 1914. Việc phân định này được hoạch định giữa đại diện các cường quốc trong phòng giấy, thế nào để thuận tiện cho việc phòng thủ quân sự, hay cho việc quản lý hành chánh thuộc địa của các bên, mà không để ý đến địa bàn sinh hoạt của các bộ lạc dân tộc sinh sống trong vùng. Đường biên giới vì thế phần nhiều là các đường thẳng như kinh tuyến, vĩ tuyến, đường theo sống núi, đường phân thủy, đường theo trung tuyến con sông… Hậu quả việc này làm cho nhiều bộ tộc bị phân chia làm hai, làm ba… ngăn cách nhau bằng một đường gạch vô hình gọi là đường biên giới. Nhiều bộ tộc lớn lại không có lãnh thổ, hay nhiều bộ tộc khác nhau, thậm chí thù nghịch với nhau, bị gộp lại chung sống trong một quốc gia. Nhiều nơi chính quyền quốc gia lại do một bộ tộc thiểu số lãnh đạo. Các việc này là đầu mối của các xung đột đẫm máu về lãnh thổ hay chủng tộc trong thế kỷ qua tại lục địa Châu Phi.
Biên giới này gọi là biên giới theo tinh thần Hội nghị Berlin (1884-1885). Đế quốc Anh phân định khoảng 27,5% tổng số chiều dài đường biên giới trên thế giới, trong khi đế quốc Pháp trên 17%. Biên giới này còn gọi là biên giới thuộc địa.
Sau Thế chiến Thứ II, các cường quốc Đức, Ý thua trận phải từ bỏ các thuộc địa của họ tại Châu Á, Châu Phi… theo như nội dung các Hòa ước Hòa bình năm 1948. Biên giới lục địa Châu Phi lần nữa lại xáo trộn. Biên giới được phân chia lại, lần này theo tinh thần mật ước « Yalta » tháng 2-1945. Đó là biên giới « ý thức hệ », nhằm phân chia thế giới thành hai cực « tư bản – cộng sản ».
Sau khi các nước Châu Phi được trả độc lập, đường biên giới do các cường quốc thực dân thành lập trước kia lại được « luật quốc tế » công nhận. Các cường quốc trên thế giới e ngại việc đặt lại đường biên giới sẽ làm bùng nổ một cuộc chiến khác : cuộc chiến giữa các chủng tộc, hay giữa hai nước thuộc địa cũ, nhằm tranh dành lãnh thổ. Nguyên tắc « uti possidetis » (bắt nguồn từ Nam Mỹ) trở thành tập quán quốc tế, được các Tòa án quốc tế áp dụng trong mọi trường hợp giải quyết tranh chấp biên giới. Ý nghĩa nguyên tắc này là « trước (khi độc lập) anh làm chủ nó thì bây giờ anh tiếp tục làm chủ nó ».
Nhưng, trong vài trường hợp, một dân tộc đã sinh sống, đã chăn nuôi trên đồng cỏ, uống nước ở nguồn nước, trên một vùng đất từ bao ngàn năm nay. Bây giờ họ bị ngăn cấm không được đến nơi đó, với lý do mà họ khó có thể chấp nhận, là đất đó nay thuộc về một quốc gia khác. Trong khi vùng « đất mới » dành cho họ lại không có đồng cỏ, nguồn nước nào để họ sinh sống. Họ sẽ sống bằng cái gì ? Những xung đột như thế đưa đến đổ máu. Các bộ tộc đó lên tiếng đòi lại « quyền » của họ : « quyền lịch sử ».
Thuật ngữ « quyền lịch sử » từ đó ra đời.
Nhưng ở một số vụ kiện về tranh chấp lãnh thổ được Tòa án Công lý Quốc tế (CIJ) phân xử, nguyên tắc « Uti possidetis » luôn được áp dụng. « Quyền lịch sử » không được tập quán quốc tế công nhận.
Tuy vậy, trong một số trường hợp, như vụ xử tranh chấp biên giới Burkina-Faso – Mali (CIJ ngày 22-12-1986), « quyền lịch sử » được một bên nhắc đến. Tranh chấp hai bên là chủ quyền các ao hồ và các đồng cỏ chăn nuôi. Đòi hỏi của Burkina-Faso dựa lên « quyền lịch sử », từ ngàn đời dân chúng địa phương đó đã sống trên vùng đất đó. Tòa phân xử rằng vùng đất đó thuộc về Burkina-Faso nhưng dựa lên nguyên tắc « effectivité », (chứ không do « quyền lịch sử »), tức nước này đã chứng tỏ được các hành vi thể hiện quyền chủ quyền tại các vùng đất đó. Thí dụ khác, trong vụ xử tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan, một vùng khoảng 10% vùng tranh chấp được xem thuộc Pakistan do « quyền lịch sử ». Tòa Trọng tài (PCA, 19-12-1968) quyết định giao khoảng 10% vùng tranh chấp này cho Pakistan, cũng lý do « effectivité ». Nhưng thực ra vùng đất này không thể giao cho Ấn Độ. Từ bao đời nay dân phía (Pakistan) đã sinh sống và khai thác ở đó. Nguyên tắc « uti possidetis » ở đây được tòa áp dụng nhưng có điều chỉnh khéo léo để tránh gây xung đột cho đôi bên.
Ta có thể nhắc trường hợp của VN với nhóm dân tộc thiểu số Khmer sống ở miền Nam hay chủ quyền của VN tại một số đảo trong vịnh Thái Lan. Theo nguyên tắc « uti possidetis », sau khi độc lập, lãnh thổ của VN là lãnh thổ do hành chánh thuộc địa Pháp để lại. Dầu vậy, một đảng chính trị Khmer, nhân danh « quyền lịch sử » lên tiếng đòi lại các lãnh thổ hay đòi tự trị khu « Khmer Khrom ». Mặc dầu, phía Thái Lan cũng có thể nhân danh như vậy để đòi lại các tỉnh phía hữu ngạn sông Cửu Long, bao gồm khoảng ½ diện tích nước Kampuchia.
Ta cũng có thể nhắc thí dụ tranh chấp giữa Bolivie và Chili về đòi hỏi một « hành lang ra biển » cho Bolivie. Nguyên nhân, khoảng một thế kỷ rưởi trước, vùng đất phía bắc Chili thuộc Bolivie. Nhưng nước này thua trận phải bỏ vùng đất này cho Chili, do đó mất phần đất giáp biển. Hiện nay Bolivie nhân danh « quyền lịch sử » để đòi Chili nhượng một hành lang để nước này có đường thông ra biển.
Trung Quốc có quyền lịch sử ở biển Đông ?
Để biện hộ « quyền lịch sử » của TQ trên biển Đông, các học giả TQ thường nhắc  đến các yếu tố : 1/ quan hệ thuợng quốc - chư hầu giữa VN và TQ. 2/ từ ngàn năm nay, ngư dân người Hoa vẫn đánh cá ở khu vực biển Đông. 3/ đường 9 đoạn chữ U, kế thừa từ chính phủ Trung Hoa Dân quốc. 4/ TQ có chủ quyền tại HS và TS do nội dung của hòa ước tháng 4-1952 ký kết với Nhật. Các học giả TQ cho rằng những sự kiện này chứng minh TQ có « quyền lịch sử » ở vùng biển này.
Về quan hệ thượng quốc – chư hầu giữa TQ và VN. Quan hệ này đã chấm dứt sau Hiệp ước 15 tháng 3 năm 1874, còn gọi là hiệp ước « Hoà Bình và Liên Minh », ký kết giữa đại diện triều đình nhà Nguyễn với đại diện nướcPháp quốc. Điều 2 của Hiệp ước, phía VN đơn phương tuyên bố không còn thần phục TH nữa. Đến năm 1885, một Hiệp ước khác được ký giữa Pháp và nhà Thanh, còn gọi là Hiệp ước Thiên tân, nước TH chính thức từ bỏ quyền thượng quốc ở VN cho Pháp.
Các học giả đương đại TQ hiểu sai ý nghĩa quan hệ « thuợng quốc – chư hầu ».
Lần đầu tiên phía Trung Hoa chính thức nhắc đến quan hệ « thuợng quốc – chư hầu » trước các cường quốc Tây Phương là ông Tăng Kỷ Trạchđang nhiệm-sở ở St Péterbourg. Ông này nhân việc vua Tự Đức, sau khi đã ký hòa ước 1874 với Pháp, vẫn tiếp tục sai sứ triều cống, lên tiếng trước giới ngoại giao Tây Phương rằng hình thức « thượng quốc – chư hầu » giữa Trung Hoa và Việt Nam tương tự như hình thức bảo hộ (protectorat). Ông này muốn Pháp phải nhượng cho TH một số quyền lợi. Nhưng việc so sánh này hoàn toàn sai. Trên thực tế, Trung Hoa chưa bao giờ có thể can thiệp trực tiếp hay ảnh hưởng vào nội bộ VN trong tất cả mọi lãnh vực, từ kinh tế, quân sự đến việc liên hệ ngoại giao với các nước khác. Việt Nam hành sử thực tế như một nước độc lập. Trong khi quan hệ "bảo hộ", phía bảo hộ có toàn quyền cai trị, từ pháp luật, kinh tế cho đến quân sự, ngoại giao...
Tuy vậy, phía Pháp vì không hiểu mối quan hệ giữa VN và TQ, do đó có những nhượng bộ sau này. Trong công trình phân định biên giới giữa các tỉnh Hoa nam và Bắc Kỳ các năm 1885-1897, Pháp đã cắt một số đất quan trọng của VN nhượng cho TQ. Trong khi, nếu so sánh với quan hệ Anh-Miến, sau khi Miến đã ký hiệp ước bảo hộ, nước Anh vẫn tiếp tục cho phép triều đình vua Miến đi triều cống TH. Thẩm quyền của Anh tại Miến không vì vậy mà giảm sút. Trong khi TQ hoàn toàn không có một thẩm quyền nào ở Miến.
Trên quan điểm công pháp quốc tế, việc triều cống không thể hiện được tính « effectivité », tức thể hiện hành vi hành sử quyền chủ tể của đế quốc trên vùng lãnh thổ của nước chư hầu.
Về lý do từ ngàn năm nay ngư dân người Hoa vẫn đánh cá ở khu vực biển Đông, các học giả TQ quên mất một điều là ngư dân các nước khác đồng thời cũng đánh cá ở đó. Vịn vào yếu tố này, phía TQ có thể « chơi dao hai lưỡi ». Vì nếu tính lùi thời gian, đâu phải lúc nào đất của TQ cũng mở rộng như vậy ? Trong khi lãnh thổ của VN có lúc mở ra giáp đến Phúc Kiến. Mặt khác, các vùng Nội Mông, Tây Tạng, Tân Cương... thậm chí Đài loan, hay các tỉnh Hoa Nam... đều có thể nhân danh « quyền lịch sử » để lên tiếng đòi độc lập. Nếu VN và các nước có tranh chấp với TQ, ủng hộ các đòi hỏi này thì TQ sẽ rất lúng túng.
Về lý do TQ kế thừa đường 9 đoạn chữ U do nhà nước Quốc Dân thành lập năm 1947.
Điều này có nhiều phần miễn cưỡng và thiếu minh bạch.
Nhà nước Quốc Dân đặt trên nền tảng lý thuyết Tam Dân của Tôn Dật Tiên, được thành hình qua 3 giai đoạn: giai đoạn một là giai đoạn quân quản (1925-1927), thời kỳ chinh phục lãnh thổ từ các lãnh chúa địa phương. Giai đoạn hai là giai đoạn giám hộ, là giai đoạn giáo dục người dân để chuẩn bị cho sinh hoạt dân chủ. Giai đoạn ba là giai đoạn hiến định. Giai đoạn Hiến định bắt đầu do bản Hiến pháp được thành lập tháng 12 năm 1946 và có hiệu lực năm sau, tháng 12 năm 1947.
Theo tài liệu từ nguồn Pháp quốc, bầu cử Quốc hội Trung Hoa Dân quốc được tổ chức, từ 21 đến 23 tháng 11 năm 1947, trong 32 tỉnh, huyện trên tổng số 47 (vì các nơi khác do cộng sản kiểm soát). Cứ 500.000 dân thì một đại biểu được bầu. Mặt khác, các thành phần dân tộc Mông, Tạng, Hồi hay các hội đại diện phụ nữ, các liên đoàn công nhân, các tổ chức nghề nghiệp, các dân tộc thiểu số cũng được ưu tiên có đại diện tại quốc hội. Riêng ở những vùng bị CS chiếm đóng, các đại biểu được chỉ định.
Báo chí phía CS của Mao Tạch Đông chỉ trích, cho rằng đây là cuộc bầu bán “giả tạo”.
Quốc hội nhóm họp ngày 29-3, nhân ngày kỹ niệm 72 liệt sĩ Hoàng Hoa Cương (Quảng Đông) năm 1911. Buổi họp này biểu lộ đúng như bản chất mà báo CS đã phê bình. Tranh chấp quyền hành đã biểu lộ ngay từ ngày đầu. Hai đảng Thanh Hoa (Jeune Chine) và đảng Dân chủ Xã hội đảng (social-démocrate) đã được bảo đảm mỗi đảng được dành cho một số ghế, nhưng các đảng viên Quốc Dân đảng ở địa phương lại không tuân theo chỉ thị, do đó sinh ra việc đại biểu đắc cử nhưng không được tham gia vào quốc hội. Các đảng kia do đó tố cáo « việc bầu cử không hợp pháp ».
Dầu vậy, quốc hội này cũng làm được một số công việc, trong đó có việc khẳng định « các quyền bất khả thất thời hiệu (droits imprescriptibles) của TQ tại Hoàng Sa ». Hoàn toàn không hề nhắc đến « bản đồ 9 đoạn chữ U » cũng như không hề đề cập đến chủ quyền quần đảo Trường sa ở phía nam.
Như thế nhà nước TQ ở Bắc Kinh hiện nay « kế thừa » bản đồ chữ U (và quần đảo TS) là kế thừa từ ai ? Theo công pháp quốc tế, một nhà nước chỉ có thể kế thừa các hành vi thuộc về lãnh thổ từ một nhà nước tiền nhiệm, chứ không thể kế thừa từ một « sáng kiến » của tư nhân.
Về lý do theo nội dung Hòa ước Nhật-Hoa ngày 24-4-1952, hai quần đảo HS và TS đã được Nhật trả cho TQ.
Điều này hoàn toàn không đúng.
Hội nghị San Francisco được tổ chức một năm trước đó, 1951. Theo tinh thần Hòa ước này, Nhật tuyên bố từ bỏ các vùng đất đã chiếm, trong đó có HS và TS. Nhân dịp này, Thủ tướng VN là ông Trần Văn Hữu, long trọng tuyên bố thâu hồi hai quần đảo này về cho VN. Các nước hiện diện trong hội nghị không nước nào phản đối.
Năm sau, Nhật ký hòa ước với nhà nước TH Dân quốc. Ở thời điểm này Nhật đã từ bỏ HS và TS, phía VN đã tuyên bố thâu hồi, thì còn đâu mà giao lại cho TQ ? Nội dung hòa ước Nhật-Hoa chỉ nhắc lại nội dung của hòa ước San Francisco 1951, trong đó xác định Nhật phải từ bỏ vĩnh viễn chủ quyền ở Đài Loan, Bành Hồ, HS và TS nhưng không xác định là giao cho nước nào.
Các học giả Đài Loan cũng nại việc kế thừa và liên tục quốc gia để cho rằng HS và TS thuộc TQ.
Trước 1945, Nhật sát nhập TS vào Đài loan và cho một số lính gốc Đài loan canh giữ một số đảo. Nhưng người ta không thể kế thừa cái gì mà nhà nước tiền nhiệm đã từ bỏ. Nhật đã từ bỏ các đảo này theo tinh thần hòa ước San Francisco 1951.
Trong tranh chấp các đảo trong Hồng Hải giữa hai nước Yemen và Erythrée được tòa Trọng tài xử ngày 9-10-1998, phía Erythrée vịn vào lý do liên tục quốc gia. Trước kia chủ quyền các đảo thuộc về Ý, sau đó chuyển sang cho Ethiopie sau Thế chiến thứ II (Erythrée thuộc Liên bang Ethiopie từ năm 1962, đến năm 1993 thì tuyên bố độc lập). Nhưng tòa bác bỏ lý lẽ này, bởi vì nhà nước tiền nhiệm là Ý, chiếu theo hòa ước 1948 thì phải tuyên bố từ bỏ các lãnh thổ trong khu vực. Tòa cho rằng Erythrée không thể kế thừa cái mà nhà nước tiền nhiệp đã từ bỏ.  
Như thế, các học giả TQ chưa hề chứng minh được « quyền lịch sử » của nước họ tại biển Đông.Trong khi trên quan điểm quốc tế công pháp, quyền này không hề được thừa nhận.
Hiện nay, căn bản pháp lý của phía TQ là dựa lên tuyên bố đơn phương 1958 của ông Phạm Văn Đồng cũng như các tài liệu sách báo, bản đồ v.v... của nhà nước VNDCCH sản xuất. Các tài liệu này minh thị công nhận hai quần đảo HS và TS thuộc TQ.
Căn bản pháp lý của TQ có thể sụp đổ dễ dàng nếu nhà nước CHXHCNVN hiện nay làm thủ tục kế thừa VNCH để lấy lại danh nghĩa chủ quyền của VN tại HS và TS. Nhưng việc này khó xảy ra vì lãnh đạo CSVN quá lệ thuộc vào TQ. Trong khi các học giả VN, hầu hết đều xuất thân từ chế độ, hưởng lộc của chế độ, do đó khó có thể nói khác chính sách của nhà nước.
VN mất HS, có thể mất TS và vùng biển theo bản đồ 9 đoạn chữ U trong thời gian tới vì những lý do nội bộ hơn là vì lý do lịch sử hay pháp lý. 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.